Hỏi: Việc bảo quản và sử dụng vắc xin trong chăn nuôi cần lưu ý những vấn đề gì? | Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Bình Định

Trả lời:

Mỗi loại vắc xin đều có những quy định riêng trong bảo quản và sử dụng, nếu bảo quản và sử dụng đúng quy trình kỹ thuật sẽ bảo đảm thời gian miễn dịch của vắc xin, ngược lại sẽ làm giảm khả năng tạo miễn dịch của vắc xin. Do đó, khi bảo quản và sử dụng vắc xin, người chăn nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:

Bảo quản vắc xin:

– Vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp: -150C (đối với vắc xin nhược độc), từ 20-80C (đối với vắc xin vô hoạt và vắc xin giải độc tố), nên trang bị tủ lạnh riêng biệt dùng để bảo quản vắc xin, vệ sinh, sát trùng định kỳ tủ nhằm bảo đảm vô trùng.

– Khi vận chuyển xa cần bảo quản vắc xin trong hộp xốp, phích đá có đựng túi đá ở dưới đáy, nếu gần thì bảo quản bằng túi ni lông tối màu kèm đá giữ lạnh.

Sử dụng vắc xin:

Khi sử dụng vắc xin cần thực hiện theo đúng những nguyên tắc chỉ dẫn sau:

– Đối tượng cần sử dụng vắc xin:

+ Thực hiện phòng bệnh hàng năm cho vật nuôi đối với những vùng có ổ dịch cũ, vùng có nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa.

+ Những nơi chưa có ổ dịch bệnh chỉ nên dùng vắc xin vô hoạt.

+ Nên phòng bệnh cho vật nuôi từ 15 đến 20 ngày trước khi vận chuyển đi xa và sau 20 đến 30 ngày trong trường hợp nhập vật nuôi từ nơi khác về.

Lưu ý: Vắc xin phòng bệnh nào thì chỉ phòng được loại bệnh đó, không phòng được bệnh khác. Không được tiêm vắc xin đối với những vật nuôi đã mắc bệnh vì nếu tiêm cho vật nuôi đã mắc bệnh thì bệnh sẽ phát sớm hơn, nặng hơn. Đối với những con còn khỏe nhưng có tiếp xúc với những con bị bệnh, có thể tiêm kháng huyết thanh cùng lúc với vắc xin nhưng ở vị trí khác nhau trên cơ thể.

– Liều sử dụng: Cần sử dụng liều lượng vắc xin đúng theo chỉ định của nhà sản xuất.

– Số lần dùng: Tùy loại vắc xin, động vật cảm nhiễm và tình hình dịch tễ mà số lần sử dụng khác nhau, có loại chỉ dùng một lần đã đủ miễn dịch cho vật nuôi, có loại cần dùng nhắc lại theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

– Kiểm tra lọ vắc xin trước khi sử dụng:

+ Thông tin trên nhãn: Tên vắc xin, số lô, số liều sử dụng, ngày sản xuất, số kiểm nghiệm xuất xưởng, thời gian sử dụng, quy cách bảo quản.

+ Lọ đựng vắc xin:  Nút chặt hay lỏng, nhãn mác còn nguyên vẹn hay bị rách, tình trạng lớp sáp phủ bên ngoài, lọ thủy tinh có bị rạn nứt không.

– Đường đưa vắc xin: Tùy loại vắc xin, tùy đối tượng vật nuôi mà có các đường đưa vắc xin vào vật nuôi khác nhau, như:

+ Tiêm dưới da ;

+ Tiêm bắp thịt ;

+ Phun sương, nhỏ mắt, mũi, miệng;

+ Chủng màng cánh ;

+ Pha nước uống .

– Phản ứng sau khi dùng vắc xin:  Sau khi dùng vắc xin, vật nuôi có thể bị phản ứng do các chất phụ trợ trong vắc xin hoặc do cơ thể đang ủ bệnh. Phản ứng cục bộ tại chỗ tiêm là sưng, nóng, đau,… nhưng sau một thời gian phản ứng này sẽ mất. Khi có phản ứng cục bộ cần xử lý bằng cách chườm nước nóng tại vị trí tiêm. Trường hợp nơi tiêm bị nhiễm trùng gây áp-xe  mủ thì phải điều trị bằng kháng sinh. Tiêm vắc xin còn có thể gây phản ứng toàn thân, vật nuôi có biểu hiện: sốt, run rẩy, nôn mửa, thở gấp, nổi mẫn trên mặt da (thường gặp ở lợn). Nếu phản ứng nhẹ thì sau một thời gian sẽ hết, nếu phản ứng ở mức độ nặng thì vật nuôi có thể bị chết. Để tránh phản ứng ở mức độ nặng, cần chú ý đến liều lượng tiêm và thể trạng vật nuôi. Khi có hiện tượng dị ứng nên sử dụng các loại thuốc chống histamin.

– Thời gian vắc xin có tác dụng: Tùy loại vắc xin mà thời gian có thể tạo được miễn dịch sau khi dùng vắc xin là khác nhau. Trong thời gian đầu, vật nuôi chưa có miễn dịch đầy đủ nên vẫn có thể mắc bệnh và phát bệnh.

– Xử lý vắc xin thừa: Sau khi dùng vắc xin nhược độc cho vật nuôi, tất cả vắc xin thừa cần tập trung lại và tiêu hủy (dùng nhiệt hoặc hóa chất), các dụng cụ tiêm hoặc nhỏ vắc xin phải rửa sạch và sát trùng ngay.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định