Hội thảo Khoa học quốc tế “Brexit và một số tác động tới khu vực và Việt Nam”

Tham dự Hội thảo có: Ngài Vitezslav Grepl, Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam và Phu nhân; Ngài Lucian Bumbacea, Tham tán công sứ, Đại sứ quán Romania tại Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng IES, Việt Nam; GS.TS. Pietro Masina, Đại học Naples “L’Orientale”, Italy; PGS.TS. Verita Sriratana, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan cùng các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đến từ: Đại học Naples “L’Orientale”, Italy; Đại học Binus, Indonesia; Đại học Chulalongkorn, Thái Lan; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước đến từ: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Ngoại giao Việt Nam; Viện chiến lược, Bộ Quốc Phòng; Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Kinh tế quốc dân; Đại học sư phạm Hà Nội; các viện nghiên cứu của VASS: Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Xã hội học, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Trung tâm Phân tích Dự báo; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí của Việt Nam đến đưa tin về Hội thảo.

 

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Phó chủ tịch VASS phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Sự kiện người dân Vương quốc Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) với tỷ lệ phiếu sít sao đã và đang thu hút sự quan tâm của thế giới trong hơn một năm qua, trong đó có Việt Nam. Sau hơn 40 năm là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), Brexit là thời khắc có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự phát triển Vương quốc Anh và EU. Bên cạnh những tác động về kinh tế, Brexit còn có tác động to lớn đến các vấn đề chính trị ở bên trong nước Anh, đến tiến trình liên kết ở EU, và đến các vấn đề xã hội của cả hai bên. Không chỉ giới hạn trong phạm vi Châu Âu, sự kiện này cũng có những tác động tiềm tàng đến sự phát triển của nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt là ở các khu vực đang tiến hành quá trình hội nhập và thống nhất khu vực theo mô hình của EU, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo – PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch VASS, nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ của các quý vị đại biểu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến tham dự Hội thảo. PGS.TS. Bùi Nhật Quang chỉ rõ, EU là một đối tác quan trọng của Việt Nam, là thị trường hàng đầu, là nhà cung cấp viện trợ ODA lớn nhất. Vương quốc Anh và các nước phát triển G7 trong khu vực đều là những đối tác chiến lược của Việt Nam. Hơn nữa, đây là thời điểm mà hai bên đang nỗ lực chuẩn bị để triển khai FTA Việt Nam-EU trong năm 2018,  một FTA thế hệ mới được đánh giá là sẽ mang lại nhiều triển vọng tích cực cho cả hai phía. Chính vì vậy Brexit sẽ tác động không nhỏ tới Việt Nam.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang gợi mở, nhấn mạnh và đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề cốt lõi như: Thứ nhất, đánh giá những nguyên nhân dẫn tới Brexit và các tác động của Brexit đối với EU và Vương quốc Anh trên một số góc độ kinh tế, chính trị và xã hội; Thứ hai, phân tích các tác động của Brexit đến tiến trình hội nhập ở Đông Nam Á và tác động đến các mối quan hệ giữa Vương quốc Anh, EU và các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; Thứ ba, dự báo về xu hướng phát triển ở EU và Vương quốc Anh giai đoạn hậu Brexit và mối quan hệ giữa Việt Nam và hai đối tác này.

Tại Hội thảo, có 6 diễn giả đã trình bày tham luận, được chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung vào 02 nội dung chính:

Phiên 1: Tác động của Brexit đến khu vực EU và nước Anh

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam & GS.TS. Pietro Masina, Đại học Naples “L’Orientale”, Italy, chủ trì, cùng các diễn giả: PGS.TS. Bùi Hồng Hạnh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Việt Nam: Khả năng tác động của Brexit đối với chủ nghĩa ly khai ở Châu Âu; PGS.TS. Verita Sriratana, Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu thuộc Đại học Chulalongkorn, Thái Lan: Đánh giá lại thực tiễn, yếu tố chính trị  và việc tuyên truyền của cuộc trưng cầu dân ý: Bài học từ Brexit và bên ngoài; TS. Đinh Mạnh Tuấn, Viện Nghiên cứu Châu Âu, VASS: Dự báo tác động đối với Vương quốc Anh khi áp dụng các biện pháp hạn chế người nhập cư từ Liên minh Châu Âu sau Brexit.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang và GS.TS. Pietro Masina, Đại học Naples “L’Orientale”, Italy, chủ trì Phiên 1
PGS.TS. Đinh Công Tuấn & PGS.TS. Verita Sriratana, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, chủ trì Phiên 2

Phiên 2: Tác động của Brexit đến khu vực và Việt Nam

PGS.TS. Đinh Công Tuấn, Viện Nghiên cứu Châu Âu, VASS &  PGS.TS. Verita Sriratana, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, chủ trì, cùng các diễn giả: PGS.TS. Bùi Văn Huyền & TS. Đỗ Tất Cường, Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Brexit và những ảnh hưởng của nó tới các quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; TS. Paramitaningrum, Đại học Binus, Jakarta, Indonesia: Hiện tượng Brexit như một cơ hội để tăng cường hợp tác về giáo dục đại học giữa Anh – Indonesia; ThS. Nguyễn Minh Trang & Đinh Thị Hường, Học viện Ngoại giao: Những tác động của Brexit đến nước Anh và Việt Nam.


Quang cảnh Hội thảo

Các báo cáo tham luận và phát biểu tại Hội thảo đã đánh giá, chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới Brexit và các tác động của Brexit đối với EU, Vương quốc Anh trên một số nét cả ở góc độ kinh tế, chính trị và xã hội; đánh giá tác động của Brexit đến tiến trình hội nhập của ASEAN; đồng thời, tin tưởng về tương lai phát triển của EU, Vương quốc Anh giai đoạn hậu Brexit và mối quan hệ của Việt Nam với hai đối tác này.

 

PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng IES phát biểu tổng kết hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng IES đã đánh giá cao những kết quả đạt được sau một buối thảo luận sôi nổi, có tính chuyên môn cao giữa các chuyên gia và các đại biểu. Các học giả đã trao đổi, bắt đầu đi vào tìm gốc gác sâu lắng nhất của các vấn đề về thể chế hội nhập của EU, các góc độ khác nhau từ nguyên nhân đến hệ lụy của hiện tượng Brexit vẫn đang tiếp tục xảy ra. Đi sâu tìm hiểu những điều đã tạo nên những giá trị tốt đẹp, tạo ra sự phồn vinh trong khu vực, gắn kết các nước, tạo nền hòa bình bền vững, để cùng nhau phát triển vì con người trong những năm qua. Những lợi ích quốc gia, dân tộc phải gắn liền với lợi ích của người dân. Đồng thời, tin tưởng xu hướng hội nhập là tất yếu, EU và Vương Quốc Anh sẽ tìm ra con đường phát triển phù hợp để cùng phát triển.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi các vấn đề học thuật hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý, cho cách nhìn nhận đa chiều về các vấn đề về Brexit và hậu Brexit tác động đến ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Qua Hội thảo đã mở ra các hướng nghiên cứu mới, sâu hơn, cũng như mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong tương lai.

Nguyễn Xuân Khoát