Hỏi đáp: Giáo viên có phải học đại học không?
BBT đã nhận được câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Minh (thuonghoaidung1**@gmail.com) về vấn đề liên quan tới chuẩn đào tạo của giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục 2019, sau đây là nội dung câu hỏi:
Thầy cho e hỏi sắp tới những giáo viên THCS chưa có bằng đại học thì không đạt chuẩn phải k ạ? Và bây giờ có cần học đại học ngay k ạ?
BBT xin giải đáp cụ thể như sau:
Thứ nhất, theo Điểm b Khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định như sau: “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông”.
Theo Khoản 1 Điều 38 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định: “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương”.
Theo đó, về quy định tại Luật Giáo dục 2019 thì giáo viên THCS phải có bằng đại học trở lên.
Thứ hai, Khoản 2 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định như sau: “Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này”.
Như vậy, trong thời gian chờ Luật có hiệu lực (từ ngày 01/7/2020) và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, thầy cô có thể hoặc chưa cần thiết phải đi học ngay. Tuy nhiên, trong thời gian đó, thầy cô cần có kế hoạch để thực hiện việc nâng chuẩn đào tạo của mình đáp ứng theo yêu cầu, lộ trình mà Luật đã quy định.
BBT.pbgdpl