Hội chứng ống cổ tay và biện pháp dự phòng

Hiện nay, số người mắc hội chứng này đang tăng lên do nhu cầu công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay ngày càng nhiều. Theo thống kê ở Mỹ cho thấy, hàng năm khoảng 50/1000 người mắc bệnh lý cổ tay, ở nhóm nguy cơ cao tỷ lệ này có thể lên tới 500/1000.

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng chèn ép dây thần kinh giữa

Hội chứng ống cổ tay (tiếng Anh là Carpal Tunnel Syndrome) là tình trạng bệnh lý chèn ép dây thần kinh ngoại biên hay gặp nhất. Hội chứng gây viêm và khiến người bệnh đau, tê, hoặc mất cảm giác vùng da bàn tay, giảm khả năng lao động.

Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay

Khoảng 70% các bệnh nhân mắc bệnh không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Các nghiên cứu cho thấy hội chứng ống cổ tay là hệ quả của sự kết hợp nhiều yếu tố, đặc biệt phụ nữ và người già có tỷ lệ cao mắc bệnh lý này.

Việc sử dụng chuột máy tính nhiều dễ dẫn đến viêm ống cổ tay

  1. Di truyền: Đường hầm ống cổ tay có kích thước nhỏ hơn ở một số chủng tộc hoặc có sự khác biệt về mặt giải phẫu làm thu hẹp không gian, khiến cho dây thần kinh giữa dễ bị chèn ép hơn
    Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp ba lần so với nam giới, do nhìn chung họ có đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn
  2. Tính chất công việc: Phải cần sự tỉ mỉ, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài (văn phòng, lái xe, cắt tóc, thợ thủ công…) làm tổn thương các gân ở cổ tay, gây sưng viêm và gây áp lực lên dây thần kinh.
  3. Các loại u: U tế bào khổng lồ xương và bao gân, u máu, nang hoạt dịch, u hạt tophy… gây lấn chỗ ống cổ tay và dẫn đến chèn ép thần kinh giữa.
  4. Ứ dịch lúc mang thai: Trong thai kỳ, sự ứ đọng dịch làm tăng lượng dịch trong ống cổ tay, dẫn đến tăng áp lực kẽ trong ống cổ tay gây chèn ép thần kinh giữa.
  5. Bệnh gút: Do sự lắng đọng tinh thể urat trong gân gấp gây phì đại gân, hoặc tình trạng viêm phì đại bao gân gấp do gút cũng gây ra chèn ép thần kinh giữa.
  6. Các bệnh lý kèm theo: Béo phì; tiểu đường; viêm khớp dạng thấp (gây ra viêm bao gân/màng hoạt dịch dẫn đến phù nề và ứ dịch trong bao gân gấp); suy thận và rối loạn chức năng tuyến giáp (do sự tích tụ Myxedemateous mô trong dây chằng cổ tay ngang).
  7. Sự tổn thương cổ tay: Do viêm khớp, viêm dây chằng hay các chấn thương cổ tay như trật khớp, gãy xương.

Các triệu chứng bệnh viêm ống cổ tay thường gặp

Các triệu chứng tê tay, đau tuỳ theo mức độ và tăng dần theo thời gian:

Bệnh nhân thường có cảm giác tê bì, đau buốt do kim châm hoặc rát bỏng ở vùng da thuộc chi phối của dây thần kinh giữa (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út), các triệu chứng này biểu hiện từ cổ tay đến các ngón. Khiến các ngón tay cảm giác sưng phồng mơ hồ.

Tình trạng tê tay thường vào ban đêm lúc 1-2 giờ sáng. Đồng thời khi tê tay cầm đồ không vững: lúc cầm phấn, bút viết hoặc đũa ăn có thể bị rơi.

Triệu chứng thường gặp ở người già: tay sẽ bị mất kiểm soát, tay bị teo một ngón và khó khăn khi cử động. Theo từng giai đoạn họ sẽ bị liệt hoặc teo cơ.

Dự phòng hội chứng ống cổ tay

Vận động và nghỉ ngơi đúng cách để giảm thiểu các căng thẳng, áp lực lên cổ tay là cách để giảm thiểu khả năng mắc bệnh:

Tập các bài tập ống cổ tay giúp tăng sức dẻo dai

  • Để bàn tay và cổ tay được nghỉ giải lao thường xuyên: Nhẹ nhàng duỗi và xoa bóp cổ tay định kỳ trong 10 đến 30 giây sau mỗi 15 – 30 phút làm việc nhiều bằng tay. Nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm sự tắc nghẽn các dịch lỏng ở khu vực này.
  • Đối với người làm văn phòng cần lưu ý: Sử dụng chuột máy tính phù hợp với bàn tay để cảm thấy thoải mái, không bị căng đau cổ tay trong thời gian làm việc dài; giữ cho bàn tay trên cùng mặt phẳng với cẳng tay. Không nắm dụng cụ quá mạnh, gõ bàn phím quá mạnh. Không gối đầu trên tay khi ngủ.

Tư thế đánh máy đúng cho dân văn phòng

  • Thay đổi thói quen nằm kê tay, tư thế ngồi, tránh đưa vai, cổ về phía trước quá nhiều vì sẽ làm các dây thần kinh ở cổ bị chèn ép, từ đó ảnh hưởng đến cổ tay, ngón tay và bàn tay.
  • Giữ ấm tay vào mùa lạnh.
  • Tập các động tác cho cổ tay để tăng sức dẻo dai cho khớp và giảm sự chèn ép ở ống cổ tay.

 

 

 1,980 total views,  26 views today