Học trực tuyến – những vấn đề còn bỏ ngỏ
Không phải đến thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lan rộng khiến toàn bộ học sinh các cấp phải nghỉ học kéo dài, thì việc học trực tuyến mới được áp dụng và đưa ra bàn thảo. Nhưng, phải công nhận rằng, chỉ trong “hoàn cảnh có vấn đề” như hiện nay thì hình thức học này mới được áp dụng đại trà.
Nhờ có phép thử đồng loạt mà những ưu thế và hạn chế của việc học trực tuyến mới có điều kiện được phô bày. Thời công nghệ số thì ứng dụng học trực tuyến đem lại thuận lợi cho người dạy và học là cơ bản. Nhưng, trong giáo dục hiện nay đối với học sinh phổ thông không chỉ là tri thức, mà quan trọng là uốn nắn, xây dựng nhân cách cho các em nên thầy cô cần phải truyền đạt trực tiếp, tạo ảnh hưởng từ nhân cách của người thầy đối với học trò. Việc này nếu học trực tuyến không làm được.
Học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong giờ học trực tuyến.
Cuộc đua dạy và học mùa COVID-19
Trong khi cả nước căng mình chống dịch thì có một cuộc chiến không kém phần căng thẳng cũng đang diễn ra trên mặt trận giáo dục. Thầy cô và các em học sinh đang phải đối mặt với thử thách chưa có tiền lệ, là việc dừng hoàn toàn các hoạt động dạy và học trên lớp trong thời gian kéo dài. Thay vào đó, thầy trò phải đồng loạt tiếp cận ngay và áp dụng luôn hình thức dạy học online để đảm bảo cho việc “không đến trường vẫn học bình thường”.
Cô Đỗ Thu Hà – giáo viên Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết từ khi tạm dừng việc dạy học trên lớp, các thầy cô quay cuồng với việc dạy học trực tuyến, từ việc tìm hiểu phần mềm, áp dụng thiết kế bài giảng đến ra đề kiểm tra, chấm, chữa bài online và phản hồi thắc mắc của học sinh… Từng ấy khâu lặp lại hằng ngày khiến thầy cô căng như dây đàn và tất cả đều cảm nhận là mệt hơn dạy trực tiếp trên lớp.
Các bậc phụ huynh cũng mệt chẳng kém khi ngay lập tức phải trang bị máy tính có camera hoặc iPad, điện thoại để con tham gia lớp học trên mạng. Rồi hằng ngày phải bám sát hòm thư điện tử để cập nhật thời khóa biểu, tài liệu học để hỗ trợ con. Phụ huynh nào có con học tiểu học lại càng phải sát sao hơn. Hết in phiếu kiểm tra, quay video các con hát lại chụp ảnh bài vẽ mỹ thuật, bài thủ công gửi mail cho thầy cô dạy bộ môn… Câu chuyện của chị Phương Lan ở quận Cầu Giấy, Hà Nội có lẽ cũng là tình cảnh chung của nhiều gia đình trong những ngày này.
Vì bận đi làm nên đợt này chị Lan gửi cậu con trai đang học lớp 1 cho bà ngoại ở quê. Lớp con đã học online được một tuần nhưng vì nhà bà không có máy tính, iPad cũng như điện thoại thông minh nên con chưa được học. Chưa kịp mang máy tính về cho con thì đã phải thực hiện cách ly toàn xã hội vì dịch bệnh nên chị Lan phải gửi chiếc iPad qua bưu điện về quê.
Nhận được iPad rồi nhưng đến khâu cài đặt ứng dụng học trực tuyến thì ông bà chịu, phải sang nhờ hàng xóm. Hàng xóm cũng loay hoay nên chị Lan phải hướng dẫn họ cài đặt từ xa. Sau mấy ngày toát mồ hôi xoay xở các phương án, con chị Lan mới được học trực tuyến buổi đầu tiên.
Các bậc phụ huynh bận rộn hơn khi con ở nhà học online.
Ở thành phố là vậy, còn ở nông thôn thì các thầy cô giáo lại vất vả kiểu khác. Cô giáo Nguyễn Hương Giang – giáo viên dạy toán THCS ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết thời gian đầu mới nghỉ dịch, giáo viên các bộ môn soạn phiếu ôn tập, in ra đủ số tờ theo sĩ số lớp và căn cứ vào địa bàn cư trú của học sinh để phát về “địa chỉ học tập” của mỗi thôn, thường là nhà của một thầy cô giáo hoặc nhà của trưởng thôn. Học sinh sẽ đến địa chỉ này lấy đề về nhà làm và nộp lại. Thầy cô giáo cũng sẽ đến đây thu bài về chấm, chữa, trả bài và phát đề mới. Nhờ thế mà hoạt động học tập không bị ngắt quãng.
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, hạn chế đi lại, tiếp xúc thì việc giao đề, nộp bài chuyển qua phần mềm Zalo. Mới đây, các trường cũng đã tiếp cận với dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, số học sinh có điều kiện học theo hình thức này chỉ chiếm khoảng 50-60%. Phổ biến hơn là hình thức học qua kênh truyền hình của các tỉnh. Đến thời điểm này đã có nhiều địa phương tổ chức dạy qua truyền hình như Hà Nội, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng,…
Tuy nhiên, chỉ có ở Hà Nội dạy chương trình từ lớp 4 đến lớp 12, còn lại các địa phương khác mới có điều kiện triển khai dạy chương trình lớp 9 và 12 để đảm bảo cho các em học sinh thi cuối cấp.
Những bất cập không dễ giải quyết
Khi triển khai đồng loạt việc dạy trực tuyến ở các trường học cũng là lúc cả giáo viên và học sinh nhận ra một số bất cập không dễ giải quyết.
Đầu tiên là vấn đề tương tác giữa giáo viên và học sinh. Các phần mềm học trực tuyến cho phép giáo viên hỏi và học sinh có thể trả lời ngay lập tức. Tuy nhiên, đây mới là mức tương tác sơ giản nhất. Trong khi ở lớp dạy truyền thống, giáo viên có thể tương tác và kiểm soát toàn bộ lớp học, không chỉ qua lời nói mà còn qua ánh mắt, từ đó kịp thời có những điều chỉnh ngay trên lớp. Còn với dạy online, khả năng bao quát lớp giảm đi rất nhiều.
Thực tế có những em học chống đối bằng cách tham gia lớp học trực tuyến nhưng lại tắt camera để làm việc riêng hoặc để… ngủ. Khi cô gọi lên phát biểu thì lấy lý do lỗi mạng, máy tính trục trặc nên không nghe được, không hiểu bài.
Nếu cứ ở nhà học online, các em sẽ chẳng có những giây phút trò chuyện, trao đổi bài vở với các bạn.
Với việc “vừa dạy vừa dỗ” ở bậc tiểu học thì sự tương tác này càng trở thành vấn đề. Học online, cô giáo sẽ không thể tỉ mỉ bắt tay học sinh viết từng nét chữ, dạy cách ghép vần cũng như rèn nền nếp, tư thế, tác phong.
Theo cô Phạm Mai Phương – giáo viên dạy lớp 1 ở Hà Nội thì trong quá trình học trực tuyến giáo viên khó có điều kiện sửa các lỗi đọc sai, viết sai cho từng học sinh. Khi đó phải nhờ đến bố mẹ ở nhà kèm cặp các con. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng đủ kiên nhẫn và có nghiệp vụ sư phạm để đồng hành học cùng con. Nhiều bố mẹ hăng hái dạy con nhưng lại dạy không chuẩn về kiến thức và không phù hợp về phương pháp.
Với các lớp lớn hơn thì độ tập trung của học sinh chưa cao nên bị phân tán, nghe cô giảng thì ít mà tò mò thử các tính năng thì nhiều. Bởi thế mới có chuyện đang trong giờ học mà màn hình máy tính hiện lên hàng loạt tin nhắn: “Cô ơi, con đang giơ tay, cô gọi con đi”, “Sao cô gọi bạn X nhiều thế”, “Cô ơi con để sách giáo khoa ở lớp rồi”… khiến cô giáo mệt nhoài khi hướng các con tập trung vào bài học,
Thứ hai, việc tương tác giữa trò và trò cũng là một hạn chế khi học trực tuyến. Trong khi sự đối thoại, tiếp xúc, đánh giá ngang hàng giữa trò với trò có tác dụng rất lớn trong việc tiếp thu kiến thức theo tinh thần “học thầy không tày học bạn”. Nếu cứ ở nhà học online, các em sẽ chẳng có những giây phút trò chuyện, trao đổi bài vở với các bạn đồng trang lứa.
Bởi vậy, khi được hỏi học trực tuyến có hấp dẫn không thì em Nguyễn Đức Tùng, học sinh lớp 9 Trường THCS Yên Hòa trả lời rằng tuy tham gia lớp học nhưng vẫn có cảm giác đơn điệu, dễ mệt mỏi, dẫn đến việc tiếp thu bài không cao.
Thứ ba, việc học online phụ thuộc rất lớn vào cơ sở hạ tầng kĩ thuật và điều kiện kinh tế của từng gia đình. Vì không phải gia đình nào cũng có mạng internet và máy tính phục vụ việc học trực tuyến. Hơn nữa, trình độ công nghệ của thầy và trò là khác nhau ảnh hưởng đến việc dạy và học trực tuyến. Nhiều thầy cô giáo khi xa rời bảng đen phấn trắng cảm thấy gượng và lúng túng khi giảng bài. Tương tự, nhiều học sinh thao tác máy tính chưa tốt sẽ phải cố sức để theo kịp các bạn.
Không chỉ là sự thay đổi về kĩ thuật
Có một thực tế là ngay cả khi đã được đầu tư về mặt công nghệ thì những hạn chế của việc dạy online vẫn chưa thể khắc phục. Nguyên nhân do đâu?
Lý giải về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu – giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng muốn dạy trực tuyến phát huy tối đa hiệu quả thì việc thay đổi về mặt kĩ thuật, công nghệ chỉ là phần ngọn, sự thay đổi về tư duy nền tảng mới là phần gốc. Tức là phải thay đổi từ cách soạn giáo án, cách thức tổ chức bài giảng đến việc kiểm tra đánh giá để phù hợp với dạy học trực tuyến.
Thay vì những bài truyền thụ kiến thức lớp lang thì giáo án phải chuyển thành những nội dung nghiên cứu để giao việc cụ thể cho người học tự tìm hiểu, nắm bắt, tự giải quyết nhiệm vụ học tập. Vai trò của người dạy trên lớp là nắm bắt, định hướng, giải đáp thắc mắc, chốt lại kiến thức dựa trên hoạt động của người học.
Nhìn vào thực tế nước ta hiện nay có thể thấy rằng chúng ta đang sử dụng những phần mềm giảng dạy mới để thiết kế giờ dạy dựa trên giáo án truyền thống, dựa trên cách thức tổ chức bài giảng truyền thống và cả việc kiểm tra đánh giá cũng theo nếp cũ. Chính sự thay đổi không đồng nhất này đã xảy ra nhiều bất cập.
Khi học tập trên lớp, giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau nhiều hơn.
Gần đây, cộng đồng giáo viên xôn xao khi xuất hiện nhiều ý kiến đánh giá trái chiều về các giờ dạy phát trên truyền hình. Có người cho rằng cách lý giải về việc lựa chọn nhan đề “Vợ nhặt” trong chương trình Ngữ văn 12 của giáo viên chưa thỏa đáng, có người phản ứng trước bài giảng về câu phức trong chương trình tiếng Anh 9 chưa chuẩn… Điều này dẫn đến việc các thầy cô đã, đang và sẽ dạy các tiết học phát trên truyền hình rất lo lắng, áp lực và mất tinh thần giảng dạy.
Sâu xa hơn, cần phải xác định rằng việc dạy từng bài học phát qua truyền hình tuy do một giáo viên đại diện giảng dạy nhưng giáo án phải là sản phẩm của cả tổ chuyên môn, phải được thẩm định nghiêm túc, chuẩn hóa trước khi dạy và lên sóng. Khi độ hợp tác giữa các giáo viên yếu, khi giáo án của cô nào cô ấy dạy, thiếu sự trao đổi, góp ý chuyên nghiệp sẽ xảy ra việc giáo án có “lỗi” mà không được sửa. Những hạt sạn đó làm giảm hiệu quả của phương thức dạy học hiện đại với độ lan tỏa rộng.
Cách soạn giáo án lớp lang, nhiều chi tiết dẫn đến tình trạng học sinh ghi thì không nghe được mà chăm chú nghe thì không ghi kịp. Tất nhiên, học sinh hoàn toàn có thể xem lại bài giảng để bổ sung kiến thức nhưng ngày nào cũng học online, bài nọ nối tiếp bài kia thì việc xem lại bài giảng xem ra khó đối với học sinh.
Phân tích như thế để thấy rằng, giải quyết được vấn đề công nghệ, kĩ thuật không có nghĩa là đã giải quyết được vấn đề học trực tuyến. Cũng không nên cho rằng học trực tuyến đã trở thành xu thế thì cấp học nào cũng áp dụng hiệu quả. Đối với các cấp phổ thông, đặc biệt là bậc tiểu học thì dạy trực tuyến chưa thể thay thế cách dạy truyền thống. Có chăng, có thể áp dụng trong các tiết dạy bổ trợ, mở rộng, các tiết thảo luận nhằm củng cố bài học cho học sinh.
Tuy chưa thể thắng thế hoàn toàn so với học truyền thống nhưng học trực tuyến sẽ ngày càng được áp dụng nhiều hơn, song song với hình thức học truyền thống để phục vụ nhu cầu học tập đa dạng trong xã hội.