Học sinh thi khoa học kỹ thuật: Mua bán dự án hòng kiếm suất ‘tuyển thẳng’?

Đề tài khoa học kỹ thuật mua bán như “hàng chợ”

Trên mạng xã hội Facebook, không khó để tìm mua một đề tài khoa học kỹ thuật. Chỉ cần gõ từ khóa “sáng tạo khoa học kỹ thuật” trên phần tìm kiếm của Facebook, người dùng dễ dàng tìm kiếm rất nhiều hội nhóm công khai rao bán các đề tài khoa học kỹ thuật.

Tìm hiểu trên một nhóm có tên “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” với hơn 13,8 nghìn thành viên, phóng viên ghi nhận, mỗi ngày có hàng chục người đăng thông tin mua – bán các đề tài khoa học kỹ thuật, đa dạng ở các lĩnh vực. Giá các đề tài từ vài trăm cho tới vài triệu đồng, tùy vào các cấp dự thi.

Người mua đăng thông tin tìm kiếm dự án khoa học kỹ thuật trên mạng xã hội.
Người mua đăng thông tin tìm kiếm dự án khoa học kỹ thuật trên mạng xã hội.

“Mình muốn kiếm dự án thi khoa học kỹ thuật quốc gia đề tài kỹ thuật, phần mềm. Anh chị nào có cho mình tham khảo nhé”, “Mình đang cần sản phẩm thuộc lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ chơi trẻ em, sản phẩm thân thiện với môi trường”, “Tôi cần đề tài dự thi cấp tỉnh và cấp quốc gia”…

Những nội dung đăng tải như thế này của người mua lập tức nhận được nhiều lời mời chào của người bán như: “Mình có sản phẩm và full hồ sơ lĩnh vực tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường cấp THCS, tiểu học đã đạt giải, bạn nào cần inbox mình nhé”, “Em có cả hồ sơ đầy đủ luôn”…

Đáng bàn là không phải đến bây giờ hoạt động mua-bán các đề tài khoa học kỹ thuật mới diễn ra mà đã tồn tại công khai nhiều năm qua. Theo tìm hiểu, nhóm “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” nói trên hoạt động từ tháng 11/2014.

Được giới thiệu là nhóm Club Ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông nhưng thực chất nhóm “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi các sản phẩm dự thi khoa học kỹ thuật thay vì chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo như tên gọi của nó.

Mặc dù là sân chơi dành cho học sinh nhưng trên những hội nhóm như thế này, thành viên tham gia chủ yếu là giáo viên ở các trường phổ thông, phụ huynh học sinh. Thậm chí có nhiều người rao bán các dự án đã đoạt giải.

Trên các hội nhóm mạng xã hội, có người rao bán những dự án đã đoạt giải.
Trên các hội nhóm mạng xã hội, có người rao bán những dự án đã đoạt giải.

Ở một nhóm công khai khác có tên “Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật – sáng tạo thanh thiếu niên” có hơn 3,1 nghìn người tham gia, thành viên Nhật Thủy N. đăng tải: “Chào quý thầy cô, em có bài thi khoa học hành vi đoạt giải Nhì cấp tỉnh thành. Bài học sinh vừa thi, đảm bảo không trùng, đầy đủ tài liệu (có phí ạ). Mỗi tỉnh em chuyển giao cho một thầy cô”.

Nội dung này thu hút hàng chục thành viên bình luận với nội dung ngỏ ý trao đổi riêng để thỏa thuận.

Trước hoạt động mua bán sôi nổi, nhiều thành viên bày tỏ ý kiến bất bình khi những đề tài khoa học được mua bán như ngoài chợ.

“Mua như này không đáng để nhận giải cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia đâu”, thành viên Phan Đình Mạnh bình luận.

Lo ngại tính trung thực của sân chơi dành cho học sinh

Trong nhóm “Sáng tạo khoa học kỹ thuật”, thành viên Phạm Gia K. đăng dòng trạng thái với thắc mắc: “Tại sao các thầy cô lại đi mua sản phẩm khoa học kỹ thuật”.

Theo thành viên này, anh đã từng dự thi và thấy đa số sản phẩm đều đã qua mua bán. Đáng lẽ những sản phẩm mua bán không xứng đáng được giải nhưng những sản phẩm này không những được giải mà còn được giải cao hơn những sản phẩm mà học sinh tự lên ý tưởng, tự thực hiện một cách nghiêm túc.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ GDĐT tổ chức lần đầu tiên vào năm học 2011-2012.

Mục đích của cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, tuy nhiên sau 10 năm tổ chức, cuộc thi này liên tục vướng những lùm xùm xung quanh các đề tài đoạt giải.

Đề tài “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” do PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF 2022.
Đề tài “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” do PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF 2022.

Vào năm 2019, nhiều dự án đoạt giải cuộc thi bị phụ huynh học sinh chỉ ra là bị trùng lặp với những nghiên cứu đã được công bố trước đó, trong đó có 5/15 giải Nhất, 10 giải Nhì và 4 giải Ba. Nhiều người đã gửi đơn kiến nghị Bộ GDĐT thẩm định lại những đề tài này, tuy nhiên kết quả không thay đổi.

Đến năm 2021, khi cuộc thi vừa kết thúc, dư luận cũng râm ran về những đề tài nghiên cứu khoa học được “gắn mác” học sinh dự thi ở sân chơi này.

Không chỉ dừng lại ở việc đề tài vượt quá tầm học sinh phổ thông, tương đương luận án tiến sĩ, nhiều đề tài được giới chuyên gia, dư luận phát hiện giống với những dự án khác đã đoạt giải ở cuộc thi này những năm trước.

Đơn cử như dự án có tên “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” đoạt giải Nhất cuộc thi cấp quốc gia năm 2021 tương tự với dự án “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Bình năm 2019.

Cả 2 dự án này đều của học sinh Trường THPT Hoa Lư A (tỉnh Ninh Bình) và đều cùng một giáo viên hướng dẫn.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm nay kết thúc với 12 giải Nhất, 15 giải Nhì, 17 giải Ba, 27 giải Tư và 23 giải Triển vọng ở tất cả các lĩnh vực đăng ký dự thi.

Đọc các dự án đoạt giải và 7 dự án Việt Nam gửi tham gia ISEF năm nay, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam rất bất ngờ khi những dự án nghiên cứu này đều được thực hiện bởi học sinh phổ thông.

Chuyên gia này đặt câu hỏi: “Với độ tuổi từ 15 đến 18, học sinh ít có cơ hội tiếp xúc với phòng thí nghiệm, môi trường nghiên cứu, các cơ sở dữ liệu, thử hỏi làm sao nghĩ ra được những đề tài, dự án nghiên cứu có tính chuyên sâu, hàn lâm tới như vậy? Những dự án này có khi những thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư cũng ngại ngùng khi bắt tay làm, chưa nói đến những em học sinh cấp 3″.

Liên tục vướng phải những lùm xùm khiến dư luận đặt câu hỏi rằng, liệu các cuộc thi khoa học kỹ thuật có là sân chơi của học sinh hay của những người lớn phía sau? Vì sao sân chơi này lại bị biến tướng trong thời gian qua?

Theo lý giải của nhiều người, quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT có nêu rõ, thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đã tốt nghiệp THPT sẽ được xét tuyển thẳng vào đại học theo ngành phù hợp với môn thi, hoặc nội dung đề tài dự thi mà thí sinh đã đoạt giải.

Với học sinh lớp 9 ở nhiều địa phương, học sinh có giải của các cuộc thi khoa học kỹ thuật sẽ được cộng điểm trong kỳ thi vào lớp 10 THPT. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến sân chơi này ngày càng bị biến tướng.

Trao đổi với phóng viên, một giáo viên bậc THPT ở Hà Nội cho rằng: “Để thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu rất cần đầu tư lớn về thời gian, công sức, trang thiết bị. Nếu học sinh sáng tạo, có thể làm nghiên cứu khoa học từ bậc phổ thông là tín hiệu vui nhưng ngược lại, nếu các em hiểu không đúng về nghiên cứu khoa học thì rất nguy hiểm. Nguy hiểm nhất là tính trung thực và hiệu quả của một sân chơi dành cho học trò”.