Học sinh cá biệt là gì? Nguyên nhân và phương pháp để giáo dục học sinh cá biệt

Trong một lớp học, ngoài những học sinh chăm ngoan thì sẽ có những học sinh hơi quậy phá, “đặc biệt”, và mọi người thường gọi đó là học sinh cá biệt. Vậy cụ thể học sinh cá biệt là gì? Nguyên nhân và phương pháp để giáo dục học sinh cá biệt? Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.

1. Học sinh cá biệt là gì?

Học sinh cá biệt là thuật ngữ được sử dụng đối với những học sinh không tuân thủ nội quy, quy chế của trường học. Cá biệt thể hiện với thiểu số, và nhà trường cần quan tâm rèn luyện nội quy, quy chế nhiều hơn. Các học sinh này cũng làm ảnh hưởng đến học tập, rèn luyện chung của tập thể. Thông thường, các học sinh cá biệt cũng không có lực học tốt.

Học sinh cá biệt thường được thể hiện qua sự nghịch ngợm, quậy phá, hay đánh nhau, mất trật tự trong giờ học. Các học sinh này thường trốn tiết, bỏ học. Thường thích thể hiện bản thân và làm trái lại các quy định cần thực hiện với người học sinh.

Hầu hết những học sinh này thường không tuân theo các nội quy của lớp, của trường. Trong độ tuổi thích khám phá và có phần hiếu động, đa phần các em thường làm theo ý của bản thân. Trong đó, có các học sinh không bộc lộ điều đó ở nhà, chỉ cá biệt ở trường học và ngoài xã hội. Do vậy gia đình và nhà trường cần kịp thời phối hợp, đưa ra phương hướng giải quyết, biện pháp khắc phục. Từ đó khuyên nhủ, giáo dục và tăng nhận thức cho các em về trách nhiệm, ý thức cần có đúng độ tuổi. Giúp những học sinh này tránh bị người xấu lôi kéo dẫn đến các tệ nạn xã hội.

Tóm lại, học sinh cá biệt là cụm từ chỉ những bạn học sinh có tính cách nghịch ngợm, quậy phá, hay đánh nhau, thường xuyên mất trật tự trong lớp học. Những học sinh này thường có rào cản về tâm lý nên mới bộc phát tính cách trái ngược nhằm gây sự chú ý của mọi người xung quanh.

 

2. Nguyên nhân trở thành học sinh cá biệt

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng có học sinh cá biệt. Một môi trường học tập thường có những học sinh muốn làm theo ý riêng, không tuân thủ các nội quy, quy định. Nếu không nhanh chóng được chấn chỉnh, kịp thời uốn nắn có thể khiến các em càng nhận thức sai lầm, đi vào con đường tệ nạn. Các nguyên nhân đến từ nhiều khía cạnh như từ phía gia đình, xã hội, nhà trường. Việc quản lý, giáo dục và định hướng cho học sinh không chặt chẽ, không hiệu quả.

Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến các bạn học sinh trở nên cá biệt hơn:

 

2.1. Từ phía gia đình

Những học sinh cá biệt có thể ảnh hưởng từ đời sống sinh hoạt gia đình, làng xóm. Các em có thể thiếu đi sự quan tâm của gia đình hoặc một số gia đình quá chiều chuộng. Từ bé, các em đã không phải chịu trách nhiệm trước các lỗi sai, không nhận thức được ảnh hưởng từ hành vi. Gia đình không mang đến các mối quan hệ tốt đẹp, sự vui vẻ và hỗ trợ lẫn nhau từ các thành viên. Có thể các em bị bạo lực, không nhận được tình yêu thương, …

Các tác động trong cuộc sống gia đình ảnh hưởng lớn đến tâm lý, hình thành tính cách của trẻ. Biểu hiện ra ngoài là sự hư đốn, khó bảo, thích phá, thích làm trái những gì được yêu cầu thực hiện. Trẻ cũng không được dạy các kỹ năng trong cuộc sống, được ôn bài khi về nhà, …

 

2.2. Từ phía xã hội

Trong đời sống xã hội hiện nay có rất nhiều những ảnh hưởng, cám dỗ tiêu cực. Các tệ nạn, các trò tiêu khiển, giải trí, … Các em có thể rơi vào các thú vui và bị tác động bởi đồng tiền. Như nếu muốn có tiền chơi điện tử, các em phải nói dối, ăn trộm tiền của bố mẹ, … Trẻ bỏ các giờ lên lớp để tham gia vào các thú vui khác trong xã hội. Dần dần khiến trẻ lún sâu hơn vào các thói hư tật xấu.

 

2.3. Nguyên nhân từ phía nhà trường

Nhà trường khó khăn trong việc theo sát từng học sinh. Chưa có những biện pháp phù hợp trong việc quản lý và giáo dục học sinh. Từ đó, học sinh phải tự ý thức, tuân thủ các nội quy thay vì được tuyên truyền và giáo dục nhận thức. Chưa quan tâm đúng mức tới những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Ví dụ có những em quá đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu thốn về mặt tinh thần. Hay ngược lại có những em lại khó khăn về vật chất, hoàn cảnh éo le, … Chưa tạo được môi trường thân thiện thực sự để học sinh vui vẻ, thỏa mái khi đến trường. Nhiều tiết học kéo dài một cách áp lực và căng thẳng khiến học sinh cảm thấy chán nản. Từ đó càng làm học sinh muốn tự thay đổi hoặc làm mới môi trường sống của mình.

Giáo viên chưa trở thành chỗ dựa vững chắc, tâm lý cho học sinh. Chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi lệch lạc của học sinh. Hoặc có những phương án giải quyết, xử lý chưa hợp lý.

 

2.4. Nguyên nhân từ chính bản thân học sinh

Ở các giai đoạn, lứa tuổi mà học sinh có các biến đổi khác nhau về tâm lý. Trong tuổi mới lớn, các em luôn muốn khẳng định mình, muốn được tôn trọng và coi mình như người trưởng thành. Cảm thấy khó chịu khi bị người lớn “điều khiển”. Từ đó khiến các em luôn muốn làm theo ý mình, làm việc học không hiệu quả. Điều này sẽ dẫn tới việc các em học sinh bị hổng kiến thức căn bản, chán học, bỏ học.

 

3. Tâm lý của học sinh cá biệt

Những học sinh cá biệt luôn có tính hiếu động, thích tìm tòi và đặc biệt là gây sự chú ý cho người khác ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, các học sinh này thường nhanh nhẹn, hoạt bát đi cùng là sự nghịch ngợm. Việc học tập có thể ở mức trung bình hoặc yếu nguyên nhân là do các học sinh này không chú ý, hợp tác trong việc học cùng các thầy cô.

Những em học sinh cá biệt ngoài việc thường hiếu động còn có thể bị các tác động khác bên ngoài dẫn đến tâm lý bất ổn. Khi tâm lý bất ổn có thể hình thành nên tích cách lầm lì không nghe ai khuyên và hơn nữa là có thể hình thành xu thế bạo lực.

 

4. Phương pháp giáo dục học sinh cá biệt

Giáo dục học sinh cá biệt không chỉ là kiến thức mà còn cần kết hợp với những lời khuyên, hành động từ phía gia đình và nhà trường. Như vậy, học sinh mới có thể cảm nhận được sự giáo dục toàn diện. Dưới đây là một số phương pháp mà gia đình và nhà trường có thể áp dụng để giáo dục các em học sinh cá biệt.

  • Đối với gia đình: Gia đình chính là môi trường giáo dục có ảnh hưởng trực tiếp nhất, đặc biệt là học sinh rất dễ ảnh hưởng từ cha mẹ. Gia đình được xem là yếu tố chính quyết định nên tâm lý của học sinh. Vì vậy, cha mẹ nên thường xuyên định hướng tư duy của con em mình. Phụ huynh cần thường xuyên trao đổi thông tin với con cái về các vấn đề học tập, xã hội và nắm bắt được tâm lý của con em mình. Động viên con em mình khi các em có các rào cản tâm lý khi đến trường lớp.
  • Đối với nhà trường: Về phía nhà trường cần thường xuyên theo dõi quá trình học tập của các học sinh cá biệt. Thường xuyên động viên, khen thưởng hay khích lệ các học sinh này qua những sự tiến bộ nhỏ nhất. Điều chỉnh những hành vi sai lệch của các học sinh trong nhà trường bằng các phương pháp nhẹ nhàng. Đối với những học sinh này, nhà trường chỉ nên nhẹ nhàng khuyên, chỉ dạy không nên tạo áp lực lên các học sinh này. Vì độ tuổi này đang là độ tuổi nổi loạn. Càng đe doạ, càn áp lực các em càng bùng nổ tâm lý của mình hơn.

Đối với những học sinh hay mất trật tự, làm việc riêng trong giờ học thì giáo viên cần quan tâm sâu sắc tới hoạt động của học sinh, thường xuyên nhắc nhở và động viên kịp thời. Những đối tượng học sinh này cần nhận được sự quan tâm, giảng lại bài của thầy cô giáo để giúp các em hiểu bài hơn, nắm rõ bài hơn. Thầy cô không nên phân biệt các bạn học sinh này với các bạn khác. Điều này vô tình làm các em trở nên tổn thương về mặt tâm lý. Thay vì tách biệt các học sinh này, thầy cô cần tạo mối quan hệ thân thuộc để các em dễ dàng lắng nghe và khuyên dạy những điều bổ ích hơn.

Trên đây là toàn văn bài viết của Luật Minh Khuê về học sinh cá biệt là gì? Nguyên nhân và phương pháp để giáo dục học sinh cá biệt. Hi vọng chúng tôi đã cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn.