Hoạt động cơ sở
1. Hoàn thiện hồ sơ, đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh
Sau thời gian dài chuẩn bị, khảo sát thực tế, mở hội thảo tham vấn, lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương,…công tác xây dựng hồ sơ di tích cấp quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh đã hoàn thiện. Ngày 18/11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt Di tích Văn hóa Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Đông Nam bộ là ba trung tâm văn minh ở thời đại kim khí. Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện năm 1909 tại Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1936, nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani đã lấy địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là “Văn hóa Sa Huỳnh”.
Di tích khảo cổ học Văn hóa Sa Huỳnh ở tỉnh Quảng Ngãi được phân bố chủ yếu ở phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ. Từ khu mộ chum Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ học người Pháp qua các đợt khai quật đã liên tục phát hiện khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Tỉnh Quảng Ngãi được xem là cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh. Từ những giá trị đặc biệt, Di tích khảo cổ học Văn hóa Sa Huỳnh đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 3457-VH/QĐ ngày 05/11/1997. Những hiện vật Văn hóa Sa Huỳnh có giá trị rất lớn và được các nhà khoa học, khảo cổ học đánh giá rất cao, đáp ứng các tiêu chí để xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.