Hoạt động chứng minh theo tố tụng hành chính
Chứng minh được hiểu là việc làm cho thấy rõ là có thật, là đúng bằng sự việc hoặc bằng lý lẽ. Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định về hoạt động chứng minh trong quá trình tố tụng hành chính để giải quyết vụ án hành chính như sau:
Mục Lục
1. Khái niệm chứng minh
1.1 Khái niệm
Chứng minh được hiểu là việc làm cho thấy rõ là có thật, là đúng bằng sự việc hoặc bằng lý lẽ. Trong tố tụng hành chính, việc chứng minh được hiểu thông qua hai hoạt động đó là: Chứng tỏ nội dung vụ việc là có thật và việc áp dụng pháp luật vào vụ việc là đúng hay không đúng. Do đó ta có thể chia hoạt động chứng minh ra làm hai nhóm:
– Nhóm thứ nhất với mục đích là phác họa lại toàn bộ diễn tiến của sự việc;
– Nhóm thứ hai có mục đích chứng minh các quy phạm pháp luật áp dụng để giải quyết vụ việc bằng việc áp dụng tương tự pháp luật là phù hợp hay không phù hợp với các tình tiết sự việc diễn ra.
1.2 Các bước chứng minh tính phù hợp của việc áp dụng pháp luật
Việc chứng minh tính phù hợp của việc áp dụng pháp luật có thể được chia thành các bước như sau:
– Bước 1: Chứng minh quy phạm áp dụng đang còn hiệu lực, chưa bị hủy bỏ, thay thế.
– Bước 2: Chứng minh văn bản áp dụng có hiệu lực pháp lý phù hợp hoặc không phù hợp. Về nguyên tắc khi có mâu thuẫn giữa nội dung hai văn bản quy phạm pháp luật thì Tòa án sẽ áp dụng văn bản nào có hiệu lực pháp lý cao hơn. Tuy nhiên có nhiều trường hợp lại không áp dụng theo nguyên tắc như trên. Cụ thể:
+ Tòa án Hành chính nói riêng cũng như Tòa án nói chung ở Việt Nam không áp dụng các điều khoản của Hiến pháp để giải quyết vụ án, mặc dù tại Việt Nam Hiến pháp được coi là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất.
+ Tòa án hành chính cũng như các Tòa án nói chung không có thẩm quyền đình chỉ, hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật.
– Bước 3: Chứng minh mối quan hệ luật chung – luật riêng
– Bước 4: Chứng minh quy phạm pháp luật được áp dụng là phù hợp hay không phù hợp với nội dung vụ việc, nhân thân của đương sự.
2. Ý nghĩa của chứng minh trong tố tụng hành chính
Chứng minh trong tố tụng hành chính là hoạt động cơ bản của tất cả các chủ thể tố tụng hành chính. Kết quả của một vụ án hành chính phụ thuộc và kết quả của hoạt động chứng minh. Và chứng minh là biện pháp duy nhất để có thể xác định chính xác các sự kiện, tình tiết có liên quan ddeeens vụ việc, tính đúng đắn của hoạt động xét xử. Thông qua hoạt động chứng minh này Thẩm phán có thể biết rõ được nội dung của sự việc đang có tranh chấp. Ngoài ra trong quá trình chứng minh thì hoạt động trao đổi qua lại giữa Luật sư và đương sự cũng như là với những người tiến hành tố tụng sẽ góp phần làm cho vụ án trở nên minh bạch, loại bỏ những dị nghị hay những tiêu cực về tham nhũng trong quá trình giải quyết vụ án.
3. Nghĩa vụ chứng minh
Nghĩa vụ chứng minh trong pháp luật tố tụng hành chính của Việt Nam được xây dựng theo mô hình tố tụng dân sự, cụ thể nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hành chính Việt Nam có các đặc điểm chủ yếu như sau:
– Nghĩa vụ chứng minh cơ bản thuộc về các đương sự Khoản 1 Điều 9 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định như sau:
“Điều 9. Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính
1. Các đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh như đương sự”.
Và ngoài ra Điều 78 Luật tố tụng hành chính cũng có quy định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính cụ thể như sau:
+ Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp bản sao quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, bản sao quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), cung cấp chứng cứ khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do.
+ Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc có hành vi hành chính.
+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
– Các đương sự khi tham gia vụ án hành chính sẽ gánh chịu những hậu quả bất lợi nếu không thực hiện nghĩa vụ chứng minh đầy đủ. Trong một vụ án hành chính chứng cứ được xem là chất liệu cơ bản để thực hiện việc chứng minh, việc chứng minh sẽ trở nên khó khăn khi cứng cứ không đầy đủ. Luật tố tụng hành chính quy định đương sự phải có quyền và có nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, nếu trong trường hợp đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ những tài liệu, chứng cứ mà Tòa án yêu cầu mà không đưa ra được các lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ mà các đương sự đã nộp và Tòa án có thể thu thập chứng cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật tố tụng hành chính năm 2015 để giải quyết vụ án, cụ thể Khoản 2 Điều 84 quy định như sau:
“Điều 84. Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ
2. Trong các trường hợp do Luật này quy định, Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:
a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
b) Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng;
c) Xem xét, thẩm định tại chỗ;
d) Trưng cầu giám định;
đ) Quyết định định giá tài sản;
e) Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;
g) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án;
h) Biện pháp khác theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015”.
Luật tố tụng hành chính hiện hành của Việt Nam đã điều chỉnh nghĩa vụ chứng minh của các đương sự khi tham gia tố tụng hành chính theo hướng tự động gắn các hậu quả bất lợi đối với các đương sự không nộp hoặc không nộp đủ chứng cứ, đặc biệt Luật tố tụng hành chính không coi việc sửa chữa những sai trái của quyết định hành chính, hành vi hành chính với tư cách là lợi ích của nền hành chính làm mục đích hàng đầu, mà coi lợi ích của các đương sự là hàng đầu giống như trong các vụ án dân sự được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
– Đương sự phải gánh chịu một số các chi phí liên quan đến việc cung cấp chứng cứ vụ án hành chính, ví dụ như trong trường hợp đương sự giao nộp các tài liệu, chứng cứ được viết bằng tiếng dân tộc hay tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt và phải được công chứng, chứng thực hợp pháp. Trong các chi phí đó thì chi phí phiên dịch sẽ được Nhà nước chi trả tuy nhiên chi phí dịch công chứng, chứng thực sẽ do các đương sự khi cung cấp tài liệu, chứng cứ chi trả trước thời điểm đương sự nộp hồ sơ khởi kiện.
– Tòa án chỉ đóng vai trò hỗ trọ trong việc chứng minh các tình tiết có liên quan đến vụ án hành chính đang tranh chấp. Tòa án không được quyền đóng vai trog chủ động trong hoạt động thu thập chứng cứ trong vụ án hành chính mà chỉ được đóng vai trò thụ động tương tự như đối với các vụ án dân sự. Điều này được thể hiện tại Khoản 5, 6 Điều 83 Luật tố tụng hành chính năm 2015, cụ thể như sau:
“Điều 83. Giao nộp tài liệu, chứng cứ
5. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ án thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ.
6. Trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ và có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết, Tòa án có thể tự mình hoặc ủy thác tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ các tình tiết của vụ án”.
4. Đối tượng chứng minh trong tố tụng hành chính
Đối tượng chứng minh là tổng hợp các tình tiết, sự kiện, vấn đề liên quan đến vụ án hành chính cần được xác định trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Việc xác định được rõ ràng đối tượng cần chứng minh là điều kiện cần thiết để nhận thức vụ việc một cách chính xác nhất. Nếu trong một vụ án hành chính mà không xác định được đối tượng cần chứng minh sẽ làm cho hoạt động chứng minh của các đương sự, cũng như là Tòa án không có các cơ sở khoa học và thực tiễn dẫn đến tình trạng trong quá trình giải quyết xác định những sự kiện không có sự liên quan đến vụ án, không có sự liên quan đến nội dung tranh chấp và cũng có thể bỏ sót những tình tiết có ý nghĩa pháp lý quan trọng.
Muốn xác định đối tượng cần chứng minh trong vụ án hành chính, điều đầu tiên cần phải dựa vào yêu cầu hay phản đối của đương sự, nhất là trong bối cảnh Tố tụng hành chính Việt Nam được xây dựng mô phỏng theo mô hình của tố tụng dân sự. Đối tượng chứng minh không chỉ bao gồm các tình tiết, sự kiện có tính chất khẳng định mà còn bao gồm các tình tiết, sự kiện có tính chất phủ định. Những tình tiết sự kiện có tính chất phủ định này cũng phải được chứng minh bởi nhiều quan hệ pháp luật giữa các đương sự không chỉ gắn liền với hậu quả của các tình tiết, sự kiện đã xảy ra mà còn gắn với cả sự mất đi hay không tồn tại của nó.
5. Những tình tiết, sự kiện không cần chứng minh
Điều 79 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định về những tình tiết, sự kiện không cần phải chứng minh cụ thể bao gồm những tình tiết như sau:
“Điều 79. Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh
1. Những tình tiết, sự kiện sau đây không phải chứng minh:
a) Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận;
b) Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
c) Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp; trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của tình tiết, sự kiện trong văn bản này thì Thẩm phán có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đã cung cấp, giao nộp văn bản xuất trình văn bản gốc, bản chính.
2. Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đưa ra tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản đó không phải chứng minh. Đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận hoặc không phản đối của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự nếu không vượt quá phạm vi đại diện”
Luật Minh Khuê