Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Việt Nam

Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Việt Nam

Những năm gần đây, số vụ
khiếu nại, tố cáo ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Theo Báo cáo của Chính
phủ, trong năm 2020 cả nước vẫn có tới 296.864 vụ việc, với 459.149 lượt công
dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo. Nội dung các vụ khiếu
nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Thực
tế, hầu hết các vụ khiếu nại, tố cáo được giải quyết đúng pháp luật, đảm bảo
quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, qua đó góp phần củng cố niềm tin của
Nhân dân vào bộ máy nhà nước, giúp ổn định tình hình an ninh chính trị – trật
tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình giải quyết
khiếu nại, tố cáo thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập; nhiều vụ việc
chưa được giải quyết hợp lý, gây tâm lý bức xúc cho người dân; có vụ việc đã
được giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo, thậm chí là
khiếu nại đông người, vượt cấp, trở thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự…

Những hạn chế trên xuất
phát từ nhiều nguyên nhân như: Nhận thức của cơ quan nhà nước và người có thẩm
quyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn
hạn chế; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giữa các cấp, các
ngành; còn nhiều sơ hở, thiếu sót, bất cập trong chính sách, pháp luật của Nhà
nước, nhất là pháp luật về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo; sai phạm,
thiếu sót của một bộ phận cán bộ thực thi pháp luật… Trong đó, nguyên nhân do
sai phạm, thiếu sót của một bộ phận cán bộ thực thi pháp luật cần được các cơ
quan chức năng đặc biệt quan tâm. Vấn đề này đã được người đứng đầu bộ máy hành
chính nước ta thừa nhận: “Có trường hợp khi rà soát (các vụ việc khiếu
nại, tố cáo phức tạp, kéo dài) thấy người tiền nhiệm giải quyết chưa đúng, chưa
phù hợp nhưng né tránh đùn đẩy, không mạnh dạn sửa sai, giải quyết lại”, “Việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có nhiều sai sót, nhất
là ở cấp cơ sở”. Điều này cho thấy đã có xung đột lợi ích trong hoạt động
giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến những quyết định, hành động được đưa ra
không chính xác. Như vậy, xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu
nại, tố cáo là tình huống mà ở đó các chủ thể có thẩm quyền đưa ra một quyết
định, hành động có khả năng hoặc bị tác động một cách tiêu cực bởi các lợi ích
cá nhân của họ, làm ảnh hưởng tới tính đúng đắn của quyết định, hành động được
đưa ra. Những tình huống xung đột lợi ích nếu không được nhận diện, kiểm soát
đúng đắn sẽ gây tổn hại đến giá trị liêm chính của hoạt động công vụ nói chung,
hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng. Kiểm soát hiệu quả xung đột
lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ góp phần kiểm soát
quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng; đảm bảo được tính liêm chính,
công bằng trong các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà
nước, từ đó củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Nhà nước, cán bộ thực thi
nhiệm vụ.

Để có cơ sở kiểm soát
xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, Nhà nước đã xây
dựng, ban hành nhiều văn bản, quy định pháp luật có liên quan, trong đó, quy
định về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ như: Hiến
pháp năm 2013; Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 (sửa đổi năm 2007,
2012), năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và
hướng dẫn thi hành Luật PCTN; Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức
năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Đấu thầu năm 2013; Luật Thanh tra
năm 2010; Luật Doanh nghiệp năm 2014; Luật Kiểm toán năm 2014; Bộ luật Tố tụng
Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP
ngày 17/07/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Quyết định số
64/2007/QĐ-TTg ngày 10/05/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc
tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử
dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức… Những quy định
pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ đóng vai trò là
nền tảng pháp lý để kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu
nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, Luật Khiếu
nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Thông tư số 05/2011/TT-TTCP ngày 10/01/2011
của Thanh tra Chính phủ quy định về PCTN trong ngành Thanh tra; Thông tư số
07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải
quyết khiếu nại hành chính; Thông tư số 01/2021/TT-TTCP ngày 11/3/2021 của
Thanh tra Chính phủ quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức
trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân là những
văn bản liên quan đến việc kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động giải
quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể:

Luật Khiếu nại năm 2011
có đề cập về: Nguyên tắc khiếu nại và giải quyết khiếu nại (Điều 4); trách
nhiệm giải quyết khiếu nại và phối hợp giải quyết khiếu nại (Điều 5); các hành
vi bị nghiêm cấm (Điều 6); quyền, nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần
đầu (Điều 14); xác minh nội dung khiếu nại (Điều 29). Trong đó, Điều 4 quy
định: “Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải được thực hiện theo
quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời” thể
hiện rõ nguyên tắc khách quan khi giải quyết khiếu nại. Nguyên tắc này sau đó
được quy định chi tiết hơn tại Điều 3 Thông tư số 07/2013/TT-TTCP: “Việc
giải quyết khiếu nại phải bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, dân chủ,
kịp thời và đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp
luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ
quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân”.

Luật Tố cáo năm 2018 có
quy định về nguyên tắc giải quyết tố cáo (Điều 4); trách nhiệm của cơ quan, tổ
chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo (Điều 5);
trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giải
quyết tố cáo (Điều 6); các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố
cáo (Điều 8); quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo (Điều 11). Cũng
giống nguyên tắc giải quyết khiếu nại, Điều 4 Luật Tố cáo năm 2018 quy
định: “Việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan,
đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật”.

Thông tư số
05/2011/TT-TTCP có những quy định về việc “công khai, minh bạch trong hoạt động
giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 10), “các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt
động giải quyết khiếu nại, tố cáo” (Điều 12). Thông tư số 01/2021/TT-TTCP có đề
cập nguyên tắc ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo của
cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra (Điều 12), trong đó nêu rõ những
việc cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra phải làm và những việc không
được làm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Những quy định nêu trên
đã góp phần quan trọng vào phòng ngừa, phát hiện, xử lý xung đột lợi ích trong
hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế hệ
thống pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ nói
chung, hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng vẫn còn những điểm
trống cần bổ sung, hoàn thiện, như: Xung đột lợi ích đã được đề cập trong một
số đạo luật còn rời rạc, tản mát, nhiều quy định thiếu cụ thể, rõ ràng và tính
khả thi thấp; nhiều khía cạnh lý luận, pháp lý, thực tiễn về xung đột lợi ích
trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết thấu đáo. Pháp luật về
khiếu nại, tố cáo còn trống những quy định về nhận diện các tình huống xung đột
lợi ích, kiểm soát xung đột lợi ích; về trách nhiệm tự phát hiện xung đột lợi
ích của những chủ thể đặc biệt trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (như người có
thẩm quyền giải quyết, người xác minh nội dung); về thẩm quyền, cách thức, chế
tài xử phạt đối với hành vi vi phạm kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động
giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Thời gian tới, tình hình
khiếu nại, tố cáo được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Để góp phần hoàn
thiện cơ sở pháp lý, nâng cao hiệu quả kiểm soát xung đột lợi ích trong giải
quyết khiếu nại, tố cáo, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, xem xét mở rộng nội hàm khái niệm xung
đột lợi ích. Quy định về “xung đột lợi ích” trong Luật PCTN năm 2018 có nội hàm
tương đối hẹp, mới chỉ chú trọng đến chủ thể là cá nhân, cán bộ, công chức,
viên chức. Thực tế, phạm vi các đối tượng cần phải điều chỉnh và bị ràng buộc
nên mở rộng hơn ra các đối tượng thân quen khác của cán bộ, công chức, viên
chức bao gồm vợ/chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột, bố/mẹ đẻ, bố/ mẹ
nuôi (tức các quan hệ hôn nhân, gia đình). Việc mở rộng như vậy sẽ giúp phát
hiện và xử lý các tình huống xung đột lợi ích mà cán bộ, công chức, viên chức
mượn các quan hệ thân quen để “che đậy”.

Hai là, rà soát, bổ sung những quy định về
hạn chế lợi ích cá nhân đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán
bộ có thẩm quyền trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng. Hướng
tiếp cận của vấn đề này không phải bằng những kiểm soát quá nghiêm ngặt, triệt
tiêu mọi lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức mà cần tiếp cận theo hướng:
Xác định các rủi ro đe dọa sự liêm chính của cơ quan nhà nước, cán bộ, công
chức; cấm các hình thức xung đột lợi ích cụ thể; nâng cao nhận thức cho các cơ
quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức về những tình huống xung đột lợi
ích; có quy trình xác định, công bố và xử lí các tình huống xung đột lợi ích…

Ba là, bổ sung, hoàn thiện các quy định
cụ thể trong Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 theo hướng:

Cần có quy định cụ thể
về xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo với các nội
dung như: Khái niệm; trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, tổ
chức trong việc phát hiện và tự phát hiện xung đột lợi ích; trách nhiệm của xã
hội trong việc phát hiện xung đột lợi ích; quy trình xử lý xung đột lợi ích;
các biện pháp xử lí và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu
không xử lý…

Bổ sung các quy định
hướng dẫn về quy trình xử lý xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu
nại, tố cáo; cơ chế xử lý, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định
về kiểm soát xung đột lợi ích trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyền, nghĩa
vụ của các chủ thể tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Mặt khác, xem xét xây
dựng các quy định tạo cơ sở pháp luật cho lộ trình tiến tới thành lập cơ quan
chuyên trách giải quyết khiếu nại, tố cáo tập trung. Cơ quan này vẫn thuộc hệ
thống các cơ quan hành pháp nhưng độc lập với bộ máy hành chính. Đối với tình
hình cụ thể Việt Nam, có thể thành lập các Cơ quan chuyên trách giải quyết
khiếu nại theo khu vực cấp vùng hoặc theo những lĩnh vực đang nổi cộm về khiếu
nại như đất đai./.

Thượng úy, Ths. Chu Đại
Dương

Trường Đại học An ninh nhân dân

Nguồn:
thanhtravietnam.vn (16/6/2022)