Hòa Thân, Lưu Dung, Kỷ Hiểu Lam: Ai trong số họ giữ quyền lực cao nhất?
Trong chuyện truyền miệng dân gian và phim ảnh, ba đại thần Hoà Thân, Lưu Dung, Kỷ Hiểu Lam thời Càn Long có thể nói là “yêu nhau lắm cắn nhau đau”, đối chọi gay gắt.
Trong một số tác phẩm, Hoà Thân đại diện cho phe phái tham ô hủ bại, lừa trên gạt dưới, còn Lưu Dung lại lên tiếng cho dân chúng nghèo khổ, thường xuyên bỡn cợt và trêu chọc Hoà Thân.
Tạo hình 3 nhân vật Càn Long, Lưu Dung, Hòa Thân trên phim truyền hình.
Trong một số tác phẩm khác, vai trò của Lưu Dung lại bị Kỷ Hiểu Lam thay thế, đấu trí đấu dũng với Hoà Thân, đồng thời phát triển ra rất nhiều câu chuyện thú vị đặc sắc.
Tất nhiên, phần lớn những thứ trong phim ảnh và chuyện truyền miệng đều do người ta sáng tác ra. Trong lịch sử, những cuộc đối đáp giữa các trọng thần trong triều được ghi chép lại có thể nói là vô cùng hiếm hoi. Hơn nữa, họ cả ngày bận rộn công vụ, trên thực tế cũng chẳng mấy khi trao đổi ngoài chuyện công việc, huống chi tranh đấu với nhau.
Trong phim ảnh, địa vị của ba người Hoà Thân, Kỷ Hiểu Lam và Lưu Dung tương đương nhau, khi nói chuyện với nhau cũng không phải giữ kẽ. Vậy thì trong lịch sử, rốt cuộc trong thực tế chức quan, cấp bậc, địa vị của ai trong số họ là cao nhất? Và ai là người kém nhất?
Hoà Thân
Trước tiên, chúng ta hãy xét đến Hoà Thân, một nhân vật phản diện thường xuyên bị bắt nạt. Ông xuất thân từ tộc Nữu Hỗ Lộc thuộc Chính Hồng kỳ, đáng lẽ thuở nhỏ phải được sống trong nhung lụa, vô lo vô nghĩ. Vậy mà năm ông 9 tuổi, cái chết của cha khiến Hoà Thân phải trải qua biến cố to lớn trong cuộc đời.
Từ đó về sau, ông càng cố gắng học tập. Hoà Thân được miêu tả là không những thuộc nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh truyền thống, còn tinh thông bốn ngôn ngữ Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng. Đây cũng là một ưu thế rất lớn giúp ông về sau được trọng dụng.
Sau khi trưởng thành, Hoà Thân được vào cung, bắt đầu từ chức vụ Loan Nghi Vệ, công việc cụ thể là khiêng kiệu và dần dần thể hiện tài hoa cũng như năng lực của mình.
Nhân vật Hòa Thân và Càn Long trên phim truyền hình.
Năm Càn Long thứ 41 (1776), trong vòng một năm, Hoà Thân lần lượt được bổ nhiệm làm Quân cơ đại thần, đại thần Tổng quản Nội vụ phủ, tổng quản sự vụ Nội vụ phủ Tam kỳ Quan binh khi chưa đầy 30 tuổi, còn được ban thưởng triều quan Nhất phẩm, cùng đặc quyền được cưỡi ngựa trong Tử Cấm Thành.
Về sau, Hoà Thân lại có vài phen “lên voi xuống chó” nhưng vẫn luôn nhận được sự yêu mến của Càn Long Đế, bởi thế dù thỉnh thoảng bị giáng chức thì vẫn nhanh chóng trở lại như xưa.
Năm Gia Khánh thứ 2 (1797), Hoàng đế Càn Long tuổi cao đã hơn tám mươi, tuy là Thái thượng hoàng nhưng vẫn kiên trì xử lý chính vụ. Khi ấy, người có thể trao đổi bình thường với Càn Long Đế chỉ có Hoà Thân – kẻ đã hầu hạ vua suốt bao năm qua.
Bởi thế, Hoà Thân được đứng bên cạnh Càn Long Đế vào buổi thiết triều hàng ngày, thuật lại ý kiến thay vua.
Bởi vì Hoà Thân ở địa vị cực cao, gần như ngang với nhiếp chính, cho nên người đời đều gọi ông ta là “Nhị Hoàng đế”, có thể thấy được uy danh của Hoà Thân khi ấy.
Kỷ Hiểu Lam
Kỷ Hiểu Lam sinh ra trong gia đình quan lại, năm sáu tuổi ông đã tham gia thi Đồng, chính bởi thành tích vượt trội nên được mệnh danh là thần đồng.
Sau khi trưởng thành, Kỷ Hiểu Lam tham gia thi khoa cử, nhưng chính vì tính cách kiêu ngạo lại gặp cảnh phải để tang mẹ, cho nên thi hết cả thảy hơn mười năm mới đỗ Trung nhị giáp, bắt đầu con đường làm quan của mình.
Sau hơn bốn mươi năm sau đó, Kỷ Hiểu Lam tham gia vào rất nhiều nhiệm vụ biên soạn sách cổ quan trọng, trong số đó đáng được nhắc tới nhất tất nhiên là “Tứ khố toàn thư”, kiệt tác từng được Kỷ Hiểu Lam chỉ đạo biên soạn với vai trò quan Tổng soạn.
3 nhân vật Càn Long, Hòa Thân, Kỷ Hiểu Lam trên phim truyền hình.
Về cấp bậc chức vụ, Kỷ Hiểu Lam làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư, Hiệp ban Đại học sĩ, còn được phong là Thái tử Thiếu bảo, cấp bậc Chính nhị phẩm.
Có thể thấy, dù là chức quan, thực quyền hay danh vọng, Kỷ Hiểu Lam đều thua kém Hoà Thân không ít, vả lại ông là người Hán, còn Hoà Thân xuất thân Chính Hồng kỳ, trong thực tế chắc chắn ông không thể nào tuỳ ý “trêu ghẹo” Hoà Thân như trong phim được.
Lưu Dung
Cuối cùng, chúng ta sẽ bàn đến Lưu Dung. Ông sinh ra tại Chư Thành, Sơn Đông, tổ tiên nhiều đời làm quan, cha của ông là Quân cơ đại thần Lưu Thống Huân, Đại học sĩ thời Càn Long.
Dưới ảnh hưởng của ông cha, Lưu Dung cũng bước vào con đường khoa cử.
Ông tham gia thi Hội, thi Đình vào năm Càn Long thứ 16 (1751), đỗ Nhị giáp Đệ nhị danh, mở ra con đường làm quan của mình. Khác với Kỷ Hiểu Lam luôn làm công việc biên soạn, Lưu Dung được cử đến địa phương suốt hơn 20 năm. Ông bôn ba khắp nơi, chức quan cũng từ Học chính, Tri phủ làm cho đến Tuần phủ, Tổng đốc.
Nhưng vào năm Càn Long thứ 48 (1783), sau khi được thăng làm Tổng đốc Trực Lệ, Lại bộ Thượng thư, Lưu Dung lại bắt đầu liên tục mắc sai lầm, đồng thời nhận phải sự phê bình và trách phạt của hoàng thượng.
Có lẽ do tuổi đã cao khiến tư duy không còn minh mẫn, cũng có thể do ông ôm lòng bất mãn với chốn quan trường rối ren.
3 nhân vật Càn Long, Kim Dung, Hòa Thân trên phim truyền hình.
Tóm lại, Lưu Dung từng cần chính yêu dân khi ở địa phương, sau khi quay về trung ương nhậm chức đã bị Hoàng đế chỉ trích vì thái độ uể oải hời hợt: “Luôn không chuyên tâm với nhiệm vụ, làm việc lười nhác.”
Sau khi Càn Long Đế qua đời, Gia Khánh Đế được tự mình chấp chính, nhiệm vụ đầu tiên Lưu Dung nhận được chính là điều tra gia sản của tham quan Hoà Thân.
Trong quá trình xử lý việc này, Lưu Dung vô cùng nghiêm túc, tra rõ được hơn hai mươi tội của Hoà Thân và phe cánh, đồng thời báo lại toàn bộ lên triều đình.
Nhưng khi các quan đề nghị bắt Hoà Thân chịu cực hình tùng xẻo, Lưu Dung lại đứng ra khuyên Gia Khánh Đế sửa thành ban cho Hoà Thân được tự sát, với lý do ông ta là sủng thần của tiên đế, để Hoà Thân khi chết giữ được thể diện.
Năm Gia Khánh thứ 9 (1805), Lưu Dung qua đời tại nhà riêng vào tuổi 85. Theo ghi chép, hai ngày trước khi qua đời, ông còn từng trực ban ở Nam Thư phòng nơi mình làm việc.
Có thể thấy, cho dù tuổi tác đã cao, nhưng ông vẫn vô cùng khoẻ mạnh. Cả đời Lưu Dung, làm đến chức qua cao nhất cũng chỉ là Thiếu bảo của Thái tử, đại khái cũng tương đương với Kỷ Hiểu Lam.
Nhưng nếu so sánh thì Lưu Dung làm được nhiều việc thực tế hơn, còn cống hiến của Kỷ Hiểu Lam chủ yếu thể hiện ở lĩnh vực học thuật. Cho nên xét về địa vị, tác giả bài viết cho rằng Lưu Dung cao hơn Kỷ Hiểu Lam.
Do đó, nếu như xếp hạng về quyền lực thì Hòa Thân đứng ở vị trí cao hơn cả, tiếp đến là Lưu Dung và sau cùng là Kỷ Hiểu Lam.