hoa ly, gieo hạt, củ con, thụ phấn, khử đực, hạt giống, giá thể, quả, hạt ly

Hoa ly có thể nhân giống bằng nhiều cách như gieo hạt, tách vảy, tách củ con…Trong đó gieo hạt là phương pháp nhân giống có ưu điểm thu được cây sạch bệnh và được dùng khá phổ biến trong tạo giống hoa ly. Bài viết sau giới thiệu với các bạn 8 bước cơ bản để có được cây hoa ly tuyệt đẹp do mình tạo ra bằng phương pháp gieo hạt.

Trước tiên các bạn cần biết về cấu tạo của hoa ly. Hình ảnh dưới đây mô tả chi tiết các bộ phận của 1 bông hoa ly.

Ghi chú: Stamen: Nhị hoa (gồm Anther: Bao phấn; Fliament: Chỉ nhị). Carpel: Nhụy hoa (gồm Stigma: Đầu nhụy; Style: Ống nhụy; Ovary: Bầu nhụy). Petal: Cánh hoa; Sepal: Lá đài; Ovule: Noãn; Receptacle: Đế hoa

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ để thụ phấn cho hoa ly

Dụng cụ thụ phấn gồm:

– 01 panh (nhíp), tăm bông, giấy bạc (cắt thành hình vuông), bút bi (mực), đĩa đựng hạt phấn, thẻ đeo cây (làm bằng giấy xi măng không thấm nước, không nhòe mực hoặc dạng giấy dán ghi nhớ).

– 01 gói giá thể gieo hạt (vermiculite) và túi ni lông (có khóa kéo).

Bước 2: Chọn cây làm bố và cây làm mẹ

Bạn nên quyết định cây nào làm bố và cây nào làm mẹ.

– Đối với cây làm mẹ: Bạn cần khử đực trước khi thụ phấn. Dùng panh (nhíp) hoặc tay ngắt lấy bao phấn bỏ đi. Chú ý: Cần ngắt bỏ bao phấn khi bao phấn chưa mở để tránh hiện tượng hạt phấn rơi vào đầu nhụy của chính nó (hiện tượng tự thụ phấn).

– Đối với cây làm bố: Bạn cũng cần ngắt bỏ hết bao phấn khi bao phấn chưa mở và để vào đĩa petri. Nếu bao phấn mở rồi thì có thể dùng để thụ phấn luôn.

Ngắt bỏ bao phấn ở cây làm mẹ khi bao phấn chưa mở để tránh tự thụ phấn

Bước 3: Thụ phấn

Bạn cần quan sát trên cây mẹ, khi thấy đầu nhụy tiết dịch nhờn có nghĩa là cây mẹ đã sẵn sàng nhận phấn. Lúc này, các bao phấn lấy từ cây bố đã mở (bung phấn), thì dùng tăm bông chấm vào đĩa đựng hạt phấn và bôi lên đầu nhụy của cây mẹ (pollinate). Chú ý, việc thụ phấn nên diễn ra vào buổi sáng và vào ngày khô ráo. Ngày mưa, nếu thụ phấn thì sẽ làm rửa trôi hạt phấn và giảm “độ mẩy” (tỷ lệ hạt chắc) của quả ly sau này.

Đầu nhụy tiết dịch nhờn là thời điểm thích hợp để thụ phấn

Bước 4: Bảo vệ đầu nhụy

Sau khi thụ phấn xong, bạn cần bao lại đầu nhụy đã thụ phấn để tránh sự xâm nhập của côn trùng (ong, bướm), mưa gió làm rửa trôi hạt phấn và các tác nhân bên ngoài khác có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh hình thành hạt ly.

Cắt miếng giấy bạc thành các hình vuông nhỏ, rồi dùng đuôi bút bi (bút dạ màu) để cuốn mảnh giấy bạc xung quanh tạo thành một mũ nhỏ để bọc lên đầu nhụy. Giấy bạc có ưu điểm không thấm nước do vậy chúng có tác dụng bảo vệ hạt phấn đã thụ lên đầu nhụy bên trong.

Cuối cùng, bạn có thể đeo thẻ cho cây. Thẻ này ghi tên giống làm bố, mẹ và ngày thụ phấn để bạn tiện theo dõi sự hình thành quả sau này.

Bước 5: Thu quả ly

Sau khi thụ phấn khoảng 20 ngày, những quả ly sẽ hình thành. Chúng sẽ lớn dần lên và thông thường sau 3-4 tháng những quả này sẽ chín. Khi đó, vỏ của chúng chuyển sang màu nâu và nứt thành 3 khía. Lấy tay tách hạt ra, sàng sẩy để loại bỏ hạt lép, còn hạt mẩy phơi khô và cho vào túi ni lông có khóa kéo bảo quản nơi khô ráo, mát mẻ.

Quả và hạt của cây hoa ly

Bước 6: Ủ hạt hoa ly

Khi mùa xuân đến, lấy hạt giống của bạn ra để gieo. Đặt hạt giống cùng với giá thể gieo hạt (vermiculite) mua sẵn được làm ẩm vào trong một túi có khóa kéo. Chú ý không làm giá thể quá ẩm hay quá khô. Đặt ở nơi khô mát, tốt nhất có ít ánh sáng mặt trời và kiểm tra chúng mỗi ngày.

Bước 7: Trồng cây con

Khi hạt giống của bạn đã nảy mầm, hãy lấy nhẹ nhàng từng hạt ra và gieo vào khay trồng hoặc đất. Hạt giống sẽ hình thành củ con và lá mầm. Bạn có thể bổ sung thêm phân hữu cơ khi gieo hạt để tăng cường dinh dưỡng nuôi củ lớn nhưng không cần phải bón thêm bất cứ loại phân hóa học nào ở thời kỳ này vì cây còn rất non yếu.

Hạt ly nảy mầm thành cây con

Bước 8: Thưởng thức!

Giờ đã đến lúc thưởng thức những bông hoa ly đẹp do chính bạn tạo ra, chúng hoàn toàn “miễn phí”.

Bài và ảnh: Thanh Tuyền (dịch nguồn từ trang web instructables.com và lilies.org)