Hóa đơn điện tử một bước tiến lớn của ngành thuế trong chuyển đổi số
Với sự quyết tâm của toàn Ngành thuế, sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên việc triển khai hóa đơn điện tử (HDĐT) trên địa bàn Hà Tĩnh đã gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp. Kết quả đạt được có 5.613 đơn vị và hộ cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100% trên tổng số doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh đang hoạt động, với tổng số 9.568 số hóa đơn điện tử đã được phát hành.
Chuyển đổi số là một trong các nhiệm vụ quan trọng Bộ Chính trị, Chính phủ đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế, xã hội phát triển mạnh mẽ; đưa nước ta hòa nhập với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới; nâng cao chất lượng, phục vụ tốt cho hoạt động, đời sống của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo quốc phòng an ninh và tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Xác định chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, chính vì vậy trong nhiều năm qua Tổng Cục thuế cũng như Cục thuế Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế”.
Ngành Thuế đã triển khai chuyển đổi số từ cách đây rất lâu với nhiều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được đưa vào các quy trình giải quyết công việc, giúp chất lượng, hiệu quả của các hoạt động nghiệp vụ được nâng cao, hạn chế ở mức thấp nhất những sai sót và rút ngắn thời gian khi giải quyết các yêu cầu của người nộp thuế.
Trong đó phải kể đến việc thúc đẩy chương trình kê khai, nộp thuế điện tử, kết nối với hệ thống ngân hàng để thực hiện hiệu quả quá trình giao dịch, nộp tiền, chuyển tiền, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện các dịch vụ thuế điện tử, ngành Thuế đưa vào vận hành hàng loạt giải pháp số hóa mới trong công tác quản lý. Ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế và Cục Thuế Hà Tĩnh đã triển khai ứng dụng eTax Mobile được xây dựng gắn với xu thế chung của các ứng dụng di động thông minh, đã giúp cá nhân, hộ kinh doanh chủ động hơn trong việc tra cứu các thông tin về thuế và thực hiện nghĩa vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng mà không cần phải đến trực tiếp, gọi điện hay gửi mail cho cơ quan thuế. Bên cạnh đó, ngành Thuế có thêm Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú nhưng có thu nhập phát sinh ở Việt Nam sẽ vào đó để khai thuế, nộp thuế rất thuận tiện.
Mới nhất là đầu tháng 4/2022 ngành Thuế đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, bắt buộc áp dụng từ ngày 1/7/2022 thay cho hóa đơn giấy. Việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử được đánh giá là điểm sáng nhất trong thời gian qua mà ngành Thuế đã triển khai. Việc triển khai thành công HĐĐT có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức quản lý, cải cách thủ tục hành chính, sử dụng hóa đơn điện tử sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Để đưa Luật Quản lý thuế vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Điểm mới quan trọng nhất của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP là quy định về việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử: kể từ ngày 01/07/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử (trừ một số trường hợp không đủ điều kiện theo quy định), khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn điện từ trước ngày 01/07/2022.
Tiếp đó, ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/ 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ;
Những lợi ích mà hóa đơn điện tử mang lại bao gồm:
Với xã hội, HĐĐT góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp. Việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi. Bên cạnh đó, HĐĐT giúp đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Triển khai HĐĐT là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác.
Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ có thể dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn điện tử do người bán cung cấp. Sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.
Đặc biệt, sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ: Sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của Cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với Cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.
Với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được thuận lợi; giảm thủ tục hành chính và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thuế…
Đối với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Dùng HĐĐT giúp áp dụng CNTT, ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
Lộ trình triển khai hóa đơn điện tử tại tỉnh Hà Tĩnh
Trước đó Bộ Tài chính đã thực hiện triển khai thí điểm giai đoạn 1 tại 6 tỉnh thành phố bao gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ. Trong quá trình triển khai đã gặt hái rất nhiều thành công, được công đồng doanh nghiệp, người nộp thuế phản hồi tích cực.
Ngày 24/02/2022 Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC về việc triển khai hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh. Thời điểm bắt đầu triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 19/9/2021 của Bộ Tài chính kể từ tháng 4/2022.
Xác định đây là một nhiệm chính trị hết sức quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho người nộp thuế và xã hội. Để triển khai kịp thời đến người nộp thuế đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng người nộp thuế. Với vai trò là cơ quan đầu mối, Ngành thuế Hà Tĩnh đã vào cuộc quyết liệt để triển khai hóa đơn điện tử. Ngành thuế đã tham mưa UBND tỉnh ban hành quyết định số 685 /QĐ- UBND ngày 31/3/2022, thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai hóa đơn điện tử tỉnh Hà Tĩnh;
Cục Thuế thành lập Trung tâm điều hành triển khai và công bố đường dây nóng tại Cục Thuế và các Chi cục Thuế để tiếp nhận và hỗ trợ người nộp thuế triển khai hóa đơn điện tử. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chính sách, quy định cũng như lợi ích khi áp dụng hóa đơn điện tử cho người nộp thuế: thực hiện đăng tải các bài viết về hóa đơn điện tử, các văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế lên Website các kênh fakebook, Zalo của Cục Thuế Hà Tĩnh; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, báo chí, thực hiện phát tờ rơi, gửi mail đến từng người nộp thuế.
Tổ chức tập huấn về chính sách hóa đơn điện tử, quy trình quản lý hoá đơn điện tử và hệ thống CNTT cho cán bộ thuế và NNT. Năm qua, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã tập huấn 4 lớp cho người nộp thuế, cán bộ thuế với 2.600 lượt người nộp thuế tham gia, tổ chức tập huấn, chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế kịp thời theo quy định.
Rà soát, phân loại tổng thể người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng sử dụng các loại hoá đơn điện tử theo quy định: Cục Thuế đã thực hiện gửi văn bản chỉ đạo đến các Phòng, các Chi cục thuế thực hiện rà soát, phân loại người nộp thuế theo các tiêu chí như: Người nộp thuế sử dụng hóa đơn có mã, không có mã của cơ quan thuế, người nộp thuế có rủi ro cao về thuế, người nộp thuế đã sử dụng hóa đơn điện tử theo TT32,… trên địa bàn được phân công quản lý báo cáo về Ban thường trực theo quy định ( Công văn số 367/CTHTI-TTHT ngày 08/03/2022; Công văn số 594/CTHTI-TTHT ngày 31/03/2022).
Thực hiện Thông báo đến các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để các tổ chức chuẩn bị các giải pháp và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng quy định về cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cho khách hàng. Tổ chức hỗ trợ các vướng mắc cho NNT, cán bộ thuế trong quá trình triển khai hóa đơn điện tử của NNT về chính sách, quy trình nghiệp vụ và sử dụng phần mềm ứng dụng, thiết lập đường dây nóng về hỗ trợ hóa đơn điện tử cho người nộp thuế.
Những kết quả đạt được
Với sự quyết tâm của toàn Ngành thuế, sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên việc triển khai hóa đơn điện tử trên địa bàn Hà Tĩnh đã gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp. Kết quả đạt được có 5.613 đơn vị và hộ cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100% trên tổng số doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh đang hoạt động, với tổng số 9.568 số hóa đơn điện tử đã được phát hành. Đồng thời để khuyến khích người tiêu dùng lây hóa đơn, cũng như xây dựng thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa, dịch vụ phải có hóa đơn, chứng từ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo chỉ đạo của Tổng Cục Thuế, Cục Thuế Hà Tĩnh đã thực hiện tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng giám sát Chương trình “Hóa đơn may mắn” tại tỉnh Hà Tĩnh và đã triển khai quay thưởng quý 2/2022 và quý 3/2022, đã ấn nút lựa chọn và trao 2 giải nhất, 6 giải nhì , 10 giải ba và 14 giải khuyến khích với tổng số tiền chi thưởng 60 triệu đồng cho 22 cá nhân, hộ kinh doanh, bước đầu tạo sức lan tỏa trong việc khuyến khích người dân mua hàng hóa, dịch vụ lấy hóa đơn./.
Cục Thuế Hà Tĩnh.