‘Hồ sơ trứ danh’ của Quảng ‘nổ’
Nguyễn Tử Quảng đang là cái tên “nóng” với người yêu công nghệ không khác gì sản phẩm Bphone do công ty BKav sản xuất. Câu cửa miệng “không thể tin được” “thật tuyệt vời” của vị CEO BKav này đang thành “câu cửa miệng” của cư dân mạng.
Nguyễn Tử Quảng là ai?
Nguyễn Tử Quảng (sinh ngày 11/6/1975) là người đã cùng một nhóm viết phần mềm chống virus máy tính Bkav, cho ra phiên bản đầu tiên vào tháng 7/1995 và liên tục được cải tiến, cập nhật, sử dụng cho tới nay.
Hiện, ông Nguyễn Tử Quảng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Bkav, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, nguyên là Giảng viên của Viện Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nguyễn Tử Quảng sinh tại xã Ninh Nhất huyện Hoa Lư, nay thuộc thành phố Ninh Bình tỉnh Ninh Bình. Dòng họ Nguyễn Tử ở Ninh Nhất, Ninh Bình là một dòng họ có truyền thống. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Tử Quảng học khối phổ thông chuyên toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sau đó trở thành sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 1995, Nguyễn Tử Quảng bắt đầu thực hiện các chương trình chống virus khi đang là sinh viên năm thứ ba Khoa công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội và cung cấp miễn phí (đến năm 2005) cho cộng đồng mạng.
Bên cạnh danh hiệu “hiệp sĩ công nghệ thông tin” do eChip tặng, Nguyễn
Tử Quảng còn bị một số thành viên ở các diễn đàn Việt Nam đặt cho biệt
danh như “Quảng nổ”, “Quảng bom”.
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật máy tính, Khoa CNTT, tiếp tục nghiên cứu Bkav và các chương trình khác. Tháng 7 năm 1997 công bố công trình hoàn thành phần mềm chống virus trên mạng đầu tiên của Việt Nam với tên AV-ONLINE và đến tháng 11/1997 viết thành công phần mền hỗ trợ kiểm duyệt thông tin trên mạng Internet, phục vụ cho việc kết nối Internet của công ty FPT – một trong ba nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên của Việt Nam.
Tháng 12/2001, thành lập Trung tâm Phần mềm và Giải pháp an ninh mạng (Bkis) dưới sự bảo trợ của Đại học Bách khoa Hà Nội với chín thành viên khác, và trở thành giám đốc của Trung tâm này.
Năm 2003, được Tạp chí EChip phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin.
Năm 2005, sau 10 năm cung cấp miễn phí, Bkav chính thức được thương mại hóa. Từ đó, mọi lỗi nhỏ của sản phẩm cũng như những phát ngôn của ông thường chịu cái nhìn vô cùng khắt khe của cộng đồng mạng cũng như giới truyền thông.
Năm 2008, Nguyễn Tử Quảng đã cộng tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình điều tra vụ việc “Lộ đề thi toán khối A” trong cuộc thi tuyển sinh vào đại học năm học 2008 – 2009 và đã được tặng thưởng.
Trước khi điện thoại BPhong ra mắt, cộng đồng mạng đã truyền tay nhau
poster chế “Chuyên gia chất nổ”, do CEO Nguyễn Tử Quảng thủ vai chính.
Ông vốn nổi tiếng với những phát ngôn đầy tự tin nhưng đều bị mọi người
cho là “nổ”.
Từ Hiệp sỹ công nghệ thông tin bị chuyển sang biệt danh “Nổ”
Bên cạnh danh hiệu “hiệp sĩ công nghệ thông tin” do eChip tặng, Nguyễn Tử Quảng còn bị một số thành viên ở các diễn đàn Việt Nam đặt cho biệt danh như “Quảng nổ”, “Quảng bom”. Kết quả tìm kiếm Google hiện từ “nổ” khi tìm kiếm “Nguyễn Tử Quảng”. Những người chỉ trích gán biệt danh này cho Nguyễn Tử Quảng bởi anh có các phát biểu cho rằng người Việt Nam có thể làm ra được những sản phẩm, những phần mềm có thể cạnh tranh sòng phẳng với những sản phẩm nối tiếng nhất, nhì của thế giới.
Trả lời VnExpress về biệt danh “Nổ” và “quăng bom” ông Nguyễn Tử Quảng cho biết:
“Nếu ai đó nói với mọi người là tôi làm cái cốc, cái chén này “long lanh” chẳng kém gì của ngoại thì không ai nói gì. Nhưng nếu bảo làm sản phẩm công nghệ này tốt hơn nước ngoài, mà nhất là so với những anh đứng đầu thế giới thì đúng là khó tin thật. Nhất là khi Việt Nam lại là một nước kém phát triển về công nghệ.
Trong bối cảnh đó, việc những người không tin gọi tôi là Quảng “Nổ” cũng có lý do của họ. Vì ít có tiền lệ các sản phẩm công nghệ trong nước lại có thể cạnh tranh bình đẳng với nước ngoài, nên trọng số niềm tin đối với các phát biểu như vậy là rất thấp, đó cũng là một hoàn cảnh khách quan. Do đó, tôi chấp nhận việc có thể có nhiều người chưa tin mình”.
Nguyễn Tử Quảng (phải) có phong cách giống hệt CEO Apple, Steve Jobs
Những điểm Nguyễn Tử Quảng giống Steve Jobs “không thể tin được”
Những ngày qua, giới truyền thông trong nước không chỉ sục sôi với chiếc Bphone – điện thoại thông minh đầu tiên được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Mà còn “choáng” trước phong cách trình diễn của CEO Bkav, ông Nguyễn Tử Quảng khi xuất hiện trên sâu khấu, kèm quá nhiều nhất về smartphone của mình. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng anh Quảng đã “nhái” phong cách vị CEO huyền thoại của Apple.
Trái với phong cách chỉn chu trong lần đầu đăng đàn giới thiệu về chiếc điện thoại “made in Vietnam” như CEO Samsung hay HTC vẫn làm, ông Nguyễn Tử Quảng chọn phong cách giản dị khi xuất hiện trước công chúng với áo thun đen và quần jeans vốn gắn liền với huyền thoại Steve Jobs.
Cả hai cùng tạo điểm nhấn trong các bài thuyết trình bằng những phát ngôn từ đầy tự tin, và tạo hiệu ứng.
Ngoài trang phục, trong lúc giới thiệu về chiếc Bphone, vị CEO của Bkav liên tục nhắc lại những câu nói như: “siêu phẩm hàng đầu thế giới Bphone”, “thật không thể tin nổi” “không thể tin được”… Mỗi lần như vậy, ông Quảng nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ phía khán đài. Và giờ những câu nói này đang được lan truyền rộng rãi trên mạng, thậm chí có cả bản nhạc chế riêng.
Kiểu “nhấn nhá, nhắc nhở” này của ông Quảng có nét tương đồng rất lớn với những câu nói mà Steve Jobs thường sử dụng trong bài thuyết trình của mình. Theo đó, cố CEO của Apple thường tự tin dùng những từ như “phi thường”, “tuyệt vời”, “đáng kinh ngạc” để tạo hiệu ứng và hứng thú cho người xem. Khi minh họa một tính năng mới của iPhone, Steve Jobs từng thốt lên: “Quái quỷ, nó hoạt động thật tốt”.
Slide sử dụng trong trương trình của CEO Bkav không khác là mấy so với slide của Steve Jobs.
Sau khi buổi lễ kết thúc, câu cửa miệng của lãnh đạo Bkav đã nhanh chóng được cộng đồng mạng mang ra bàn tán và lan truyền. Hàng loạt ảnh chế hài hước về câu nói: “Thật tuyệt vời”, “không thể tin nổi” xuất hiện trên các diễn đàn trong nước.
Trước đó, truyền thông đồng loạt đưa tin Bphone có giá từ 13 đến 15 triệu đồng, ngang ngửa một số model cao cấp. Khi đó, nhiều người hoài nghi về sự thành công của Bphone, bởi sản phẩm chưa có thương hiệu, bán với giá cao.
“Công bố mức giá thấp hơn nhiều so với tin đồn, Bkav đã ‘chơi chiêu’, đánh vào tâm lý người dùng, khiến họ cảm thấy hài lòng hơn trước”, Hải Anh, thành viên một diễn đàn công nghệ chia sẻ. “Theo tôi, đây là mức đủ để định vị ở nhóm cao. Do đó, việc để Bphone 9,9 triệu chưa kèm VAT không đến mức ‘tuyệt vời’ hay ‘ không thể tin nổi’ như họ tuyên bố”.
Chứng kiến cách ông Nguyễn Tử Quảng nhấn mạnh giá bán bất ngờ của Bphone, có ý kiến cho rằng hành động này ảnh hưởng từ phong cách thuyết trình của Steve Jobs. Khi đứng trên sân khấu nói về iPhone, huyền thoại của Apple cũng liên tục hô lớn những tính từ như “cool”, “amazing”, “gorgeous” nhằm kích thích sự hưng phấn của những người bên dưới sân khấu, đồng thời biểu hiện sự tự hào khi làm ra một sản phẩm tốt.
Trước Nguyễn Tử Quảng, Lei Jun – CEO của Xiaomi cũng từng bị cho là học theo phong cách thuyết trình của Steve Jobs. Đây không phải lần đầu một màn ra mắt sản phẩm bị cho là giống Apple. Lei Jun, CEO của Xiaomi, cũng từng bị cộng đồng mạng quốc tế lên án sao chép phong cách thuyết trình của Steve Jobs. Thậm chí, Lei Jun cũng “bê nguyên” câu nói nổi tiếng “One more thing” (tạm dịch: Còn một điều nữa) của cố lãnh đạo Apple vào phần cuối buổi ra mắt mẫu Mi4.
Không chỉ vậy, ông Quảng còn khá giống các ông trùm công nghệ Mỹ phong cách giới thiệu sản phẩm. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ những bài phát biểu của Steve Jobs thường đi kèm với việc trình chiếu slide nhưng thay vì những slide nhiều chữ, Jobs chủ yếu truyền tải thông tin bằng hình ảnh chân thật, thậm chí có nhiều slide chỉ có duy nhất 1 ảnh.
Điều đáng nói ở chỗ khi giới thiệu về Bphone, ông Nguyễn Tử Quảng không ngần ngại chê bai những siêu phẩm như iPhone 6, hay Samsung Galaxy S6 có nhiều chi tiết thừa, thiết kế kém tinh tế, trong khi cho rằng Bphone có “thiết kế phẳng như một mặt kính, tối giản đến từng chi tiết, không có viền bao, mạnh mẽ, cá tính nhưng vẫn rất mềm mại. Chúng tôi gọi đó là thiết kế kiểu dáng phẳng đầu tiên trên thế giới”.
(Theo Đời Sống & Pháp Luật)