Hộ gia đình và những bất cập trong Bộ luật Dân sự

Đại diện hộ gia đình

Cụ thể, tại Điều 107 BLDS năm 2005 có quy định về đại diện của hộ gia đình như sau: Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ. Chủ hộ có thể ủy quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự. Như vậy, điều luật trên không quy định về cách thức hay căn cứ để xác định cá nhân nào sẽ được công nhận là “chủ hộ”: Theo sổ hộ khẩu, theo phong tục hay theo thỏa thuận? Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện hành thì khái niệm “chủ hộ” có thể tìm thấy trong sổ hộ khẩu, nhưng những người có tên trong một quyển sổ hộ khẩu không phải lúc nào cũng đồng nghĩa là trong một gia đình hoặc ngược lại, vì còn thiếu các điều kiện về mối quan hệ nhân thân hay điều kiện về tài sản chung. Nếu phong tục, tập quán thì có khái niệm “chủ gia đình” là những người cao tuổi, có khả năng quán xuyến công việc chung nhưng để khẳng định rằng họ có quyền đại diện cho cả hộ gia đình khi xác lập các giao dịch thì không chắc, vì với họ còn thiếu các điều kiện về năng lực hành vi dân sự… Theo tôi, chủ hộ gia đình phải do các thành viên thỏa thuận cử ra bằng văn bản có đầy đủ chữ ký của tất cả các thành viên trong hộ gia đình. Đây là nội dung mà BLDS cần phải làm rõ khi quy định về hộ gia đình.

Về phạm vi các giao dịch hộ gia đình được phép tham gia

Điều 106 BLDS năm 2005 có quy định: Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất – kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này. Với quy định này đã giới hạn phạm vi những giao dịch mà hộ gia đình được phép tham gia và đó chỉ là những giao dịch phục vụ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy tài sản chung của hộ gia đình rất khó phân biệt những tài sản nào là tài sản dùng cho sản xuất – kinh doanh hay cho sinh hoạt như máy tính, tivi, ôtô, xe máy, nhà ở… và cũng khó phân biệt thế nào là tài sản có giá trị lớn theo như quy định tại Điều 108 BLDS năm 2005: Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.

Trong khi đó, tại Khoản 7, Điều 113 của Luật đất đai quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình sử dụng đất không phải là đất thuê có nêu rõ là hộ gia đình chỉ có quyền: Thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế hoặc cá nhân để vay vốn sản xuất kinh doanh. Như vậy, hộ gia đình không được thế chấp quyền sử dụng đất của hộ để vay tiền dùng cho mục đích học tập, chữa bệnh, xây nhà… Như vậy, các quy định trên đã hạn chế ở phạm vi rất rộng những giao dịch mà hộ gia đình được phép tham gia, còn lại là những giao dịch với tư cách là các cá nhân. Điều này làm cho ý nghĩa và vai trò của một loại chủ thể có tính độc lập trong quan hệ pháp luật dân sự bị giảm thiểu đi rất nhiều. Vì vậy, tôi đề nghị trong dự thảo BLDS sửa đổi cần điều chỉnh những nội dung trên cho phù hợp với thực tế phát triển của đất nước hiện nay.   

Như Nhất