Hộ gia đình là gì ? Trách nhiệm của thành viên hộ gia đình ?
Hộ gia đình là tập hợp nhóm người có quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng. Vậy, Quan hệ pháp luật trong hộ gia đình được quy định như thế nào ? Trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên đối với tài sản chung của gia đình ? sẽ được bài viết dưới đây phân tích cụ thể:
Mục Lục
1. Khái niệm, dấu hiệu nhận diện hộ gia đình
Dưới góc độ xã hội học, gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, trong đó gồm những người có quan hệ ruột thịt hoặc cùng chung sống. Có thể hiểu gia đình là tế bào của xã hội, là hình thức tổ chức xã hội quan trọng nhất của cá nhân dựa trên hôn nhân tức là quan hệ vợ chồng và các quan hệ huyết thống, giữa cha và mẹ với con mình đẻ ra, với con được nhận theo thủ tục nuôi con nuôi, giữa anh chị em và người thân thuộc khác cùng chung sống và có kinh tế chung.
Dưới góc độ pháp lý, gia đình được hiểu là:
“Tập hợp những người gắn bó với nhau do quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Gia đình Việt Nam thường bao gồm nhiều thế hệ cùng chung sống như: ông bà, cha mẹ, con cháu… Họ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau về vật chất và tinh thần, sinh đẻ hay nuôi dạy thể hệ trẻ dưới sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các thế hệ trong gia đình chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Gia đình có các chức năng cơ bản:
1) chức năng sinh đẻ;
2) chức năng giáo dục;
3) chức năng kinh tế.
Bên cạnh chức năng cơ bản đó, gia đình còn phải thực hiện chức năng quan tâm và chăm sóc người cao tuổi”
Hơn nữa, thuật ngữ “hộ” là danh từ được hiểu là “nhóm gồm những người cùng ăn ở chung với nhau”.
Do đó, hoàn toàn có thể hiểu hộ gia đình là một tập hợp (nhóm người) cùng chung sống trên cơ sở những mối quan hệ đặc biệt tạo nên sự ràng buộc về mặt vật chất cũng như tinh thần giữa các thành viên của hộ. Hộ gia đình tham gia vào rất nhiều quan hệ xã hội, trong đó phổ biển là các quan hệ dân sự liên quan đến nhà ở, quyền sử dụng đất, lối đi, hệ thống tải điện, hệ thống cấp thoát nước, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do các thành viên hộ gia đình tạo ra… Thông qua các quan hệ này, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình được phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt. Có thể xác định những dấu hiệu để nhận diện một nhóm người có đủ điều kiện trở thành hộ gia đình tham gia quan hệ pháp luật dân sự như sau:
1. Tập hợp từ 02 thành viên trở lên;
2. Giữa các thành viên tồn tại một trong ba mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống, hoặc quan hệ nuôi dưỡng;
3. Cùng chung sống tại một địa chỉ thuộc một đơn vị hành chính nhất định; và
4. Có tài sản chung và cùng duy trì tài sản chung bằng cách đóng góp tài sản hoặc công sức để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp hoặc các lĩnh vực sản xuất tập thể khác.
2. Quy định chung của pháp luật về hộ gia đình
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995, cũng như Bộ luật dân sự năm 2005, hộ gia đình là chủ thể của quan hệ dân sự khi các thành viên của một gia đình có tài sản chung để hoạt động kinh tế chung trong quan hệ sử dụng đất, trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và trong một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định. Những hộ gia đình mà đất ở được giao cho hộ cũng là chủ thể trong quan hệ dân sự liên quan đến đất ở đó trên cơ sở quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng có tài sản chung.
Tài sản chung của hộ gia đình gồm tài sản do các thành viên cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung và tài sản riêng của các thành viên nhưng được thoả thuận gộp vào khối tài sản chung. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lãm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.
Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ. Chủ hộ có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện trong quan hệ dân sự. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình. Hộ gia đỉnh phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình và chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình.
3. Hộ gia đình trong quan hệ dân sự ?
Trường hợp hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia tình là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết. Trường họp thành viên của hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác uỷ quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện. Trường hợp thành viên không có quyền đại diện mà xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhân danh các thành viên khác của hộ gia đình hoặc người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì hậu quả pháp lí của giao dịch được áp dụng theo quy định tại các điều 130,142 và 143 BLDS năm 2015.
Giao dịch dân sự do bên không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập, thực hiện mà gây thiệt hại cho thành viên khác của hộ gia đình hoặc người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Vỉệc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất (khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013).
4. Trách nhiệm của thành viên hộ gia đình ?
Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của BLDS năm 2015.
Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thoả thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng kí, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thoả thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thoả thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại BLDS năm 2015 và luật khác có liên quan.
Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình được bảo đảm thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên. Trường hợp các thành viên không có hoặc không đủ tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ chung thì người có quyền có thể yêu càu các thành viên thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 288 BLDS năm 2015. Trường hợp các bên không có thoả thuận, hợp đồng hợp tác hoặc luật không có quy định khác thì các thành viên chịu trách nhiệm dân sự theo phần tương ứng với phần đóng góp tài sản của mình, nếu không xác định được theo phần tương ứng thì xác định theo phần bằng nhau.
Mọi vướng mắc pháp lý về hộ gia đình, tài sản chung, tài sản riêng của gia đình cũng như các vấn đề khác liên quan … Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật dân sự, thừa kế trực tuyến. Trân trọng cảm ơn!