HỒ CHÍ MINH VỚI QUYỀN BÌNH ĐẲNG GIỮA CÁC DÂN TỘC TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ

HỒ CHÍ MINH VỚI QUYỀN BÌNH ĐẲNG GIỮA CÁC DÂN TỘC TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ

 

PGS,TS NGUYỄN TẤT GIÁP

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Một trong những điểm nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam là Người luôn kết hợp nhuần nhuyễn, tài tình những vấn đề có tính nguyên tắc với những giải pháp tình huống linh hoạt, sáng tạo. Trong đó, Người chú trọng trước hết đến những vấn đề mang tính nguyên tắc, coi đây là sự thể hiện đường lối chiến lược, mục tiêu chiến lược của cách mạng, đồng thời là cơ sở, là khung giới hạn để xây dựng và thực hiện các giải pháp tình huống, nhằm đạt tới hiệu quả tối ưu. Đối với lĩnh vực quan hệ quốc tế cũng vậy, Hồ Chí Minh chú trọng trước tiên đến các nguyên tắc, đặc biệt là nguyên tắc về quyền bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc trên thế giới.

Trong lịch sử thế giới, bình đẳng là một khẩu hiệu được giai cấp tư sản sử dụng để đấu tranh chống lại những đặc quyền, đặc lợi của giai cấp phong kiến ở thời kỳ các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, trở thành một giá trị của văn minh nhân loại. Tuy nhiên, sau khi lật đổ giai cấp phong kiến, giành được quyền thống trị, trên thực tế, giai cấp tư sản đã từng bước biến bình đẳng trở  thành một khẩu hiệu ngày càng mang nặng tính hình thức, khi họ chỉ thay thế chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác, sự bất công này bằng sự bất công khác. Trong thời kỳ chủ nghĩa đế quốc, núp dưới khẩu hiệu mĩ miều “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” và chiêu bài “khai hoá văn minh”, giai cấp tư sản Âu – Mỹ đã xâm lược và biến nhiều quốc gia dân tộc ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ La tinh trở thành các xứ thuộc địa để vơ vét sức người, sức của, trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm, hàng hoá của chính quốc. Do sự xâm lược, can thiệp từ chủ nghĩa tư bản phương Tây, các dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh chẳng những bị mất nền độc lập, tự do, mà còn bị phân biệt, đối xử bất bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quan hệ đối ngoại.

Trên hành trình hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh tiếp cận vấn đề quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong quan hệ quốc tế và tiến hành cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng giữa các dân tộc xuất phát từ việc chứng kiến sự bất bình đẳng trong quan hệ giữa con người với nhau. Đó là sự bất bình đẳng giữa người da trắng và người da màu, giữa người chính quốc và người thuộc địa. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước nhà đã bị biến thành thuộc địa, dân tộc trở nên lầm than, cơ cực bởi ách thống trị ngoại bang, Hồ Chí Minh sớm được thấy sự tàn bạo và bất bình đẳng từ chế độ cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Trước hết, đó là sự đối lập giữa cảnh sống giàu sang, đầy quyền thế của những viên chức, quan lại người Pháp với cuộc sống đói rách, cực nhọc của hầu hết người dân Việt Nam, từ nông dân đến công nhân hầm lò, xưởng máy, phu khuân vác, người kéo xe tay, v.v. Đó còn là thái độ hách dịch, khinh miệt và tàn ác của những viên chức thực dân da trắng đối với người dân Việt Nam. Sự phân biệt đối xử bất bình đẳng của thực dân Pháp được thể hiện rõ trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội; sẵn sàng đàn áp tàn bạo bất cứ người yêu nước nào dám đấu tranh cho quyền độc lập, tự do, bình đẳng của đất nước và của người dân, cho dù đó có thể là một vị vua, như trường hợp của các ông vua Thành Thái và Duy Tân.

Từ thực tiễn bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh trực tiếp chứng kiến sự đối xử tàn bạo, bất bình đẳng của chủ nghĩa thực dân phương Tây đối với người dân các thuộc địa ở châu Á, Phi, Mỹ La tinh. Người nhận thức và chỉ ra rằng, xét về bản chất, trên thế giới chỉ còn có hai “giống người” là “giống người bóc lột” và “giống người bị bóc lột; chỉ còn có hai “chủng tộc” là “chủng tộc thượng đẳng” và “chủng tộc hạ đẳng”.

Phân tích thực tiễn quan hệ quốc tế và hiện tình đất nước, Hồ Chí Minh đã khởi đầu cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam ngay từ trước khi Người đến được với chủ nghĩa Mác – Lênin. Sự kiện ghi dấu khởi đầu cho cuộc đấu tranh này của Người là việc trực tiếp tham gia soạn thảo và đưa bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị Vécxây (6 – 1919)1. Bản Yêu sách này, như Người đã nêu khi đó: “Rất ôn hoà cả về nội dung lẫn về hình thức, các nguyện vọng của chúng tôi nhằm vào những cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi, và nhằm vào những quyền tự do mà nếu không có chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn”2.

Nhưng bản Yêu sách đã bị chính quyền thực dân Pháp, với bản chất ngoan cố và phản động, phớt lờ. Dù vậy, bản Yêu sách đã gây tiếng vang trên bàn Hội nghị Vécxây, “gây chấn động trong giới thực dân”3, có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Việt ở Pháp và dội mạnh về trong nước. Như một nhà nghiên cứu phương Tây đã nhận định: “Bài viết có vẻ ngoài ôn hoà, nhưng đằng sau giọng văn nhún nhường là sự táo bạo rất triệt để, vì nó không dừng lại ở việc yêu sách được bình đẳng với nước Pháp mà còn đòi hỏi phải chuyển giao lập tức mô hình dân chủ kiểu phương Tây sang Đông Dương theo hướng độc lập, trong khi chờ đợi các nguyên tắc về dân tộc từ lĩnh vực lý tưởng trở thành thực tế với sự công nhận có hiệu lực quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc”4.

Sự kiện đưa Yêu sách không thành công giúp Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh càng thấy rõ hơn bộ mặt thật của các nước thực dân đế quốc. Người hiểu rằng, quyền bình đẳng của dân tộc cũng như các quyền thiêng liêng khác như quyền độc lập, quyền tự do… không thể dễ dàng có được bằng cách đưa đơn thỉnh cầu chính quyền thực dân, mà phải thông qua những hình thức đấu tranh khác mạnh mẽ hơn.

Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã viết bốn bài báo tố cáo chế độ thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương, vạch trần tình trạng bất bình đẳng giữa người Việt Nam và người Pháp5. Đó là việc thực dân Pháp thi hành chính sách ngu dân, bóc lột thậm tệ, ngăn cấm các quyền tự do dân chủ và sẵn sàng trấn áp tàn bạo các cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam. Người cũng chỉ rõ, “Về hành chính và pháp lý: cả một vực thẳm cách biệt người Âu với người bản xứ. Người Âu hưởng mọi tự do và ngự trị như người chủ tuyệt đối; còn người bản xứ thì bị bịt mõm và bị buộc dây dắt đi, chỉ có quyền phải phục tùng, không được kêu ca”6. Điều đáng chú ý là trong bài viết Đông Dương và Triều Tiên, Nguyễn Ái Quốc đã đặt ra vấn đề các dân tộc cùng phối hợp với nhau để tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc, giành lại nền hoà bình thế giới, quyền được hưởng độc lập, tự do, quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Người khẳng định: “Thế giới sẽ chỉ có nền hoà bình cuối cùng khi tất cả các dân tộc tự mình thoả thuận với nhau cùng tiêu diệt con quái vật đế quốc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi mà họ gặp nó”7.

Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác – Lênin khi được tiếp cận, nghiên cứu tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Từ đây, Người không chỉ hiểu rõ về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, tìm ra con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam, mà còn giúp Người có cơ sở lý luận và thực tiễn để đẩy mạnh cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho dân tộc Việt Nam và rộng hơn là quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong quan hệ quốc tế. Người nhận thức rõ “bọn cải lương và các lãnh tụ Quốc tế thứ hai đã không dám đặt ngang hàng các dân tộc da trắng và các dân tộc thuộc các màu da khác, rằng Lênin đã bác bỏ sự bất bình đẳng đó và phá tan cái vật chướng ngại ngăn chia những người nô lệ văn minh với những người nô lệ không văn minh của chủ nghĩa đế quốc”8. Đồng thời, Người thấy rõ vai trò, ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đối với cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Người khẳng định: “Chính nhờ cuộc cách mạng này mà cơ sở của quyền tự do chân chính và quyền bình đẳng thực sự đã được đặt ra cho loài người”9.

Được lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin soi đường và tấm gương Cách mạng Tháng Mười Nga cổ vũ, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện cuộc đấu tranh mạnh mẽ hơn, triệt để hơn vì quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam và quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong quan hệ quốc tế. Điều này được thể hiện nổi bật thông qua các hoạt động cách mạng sôi nổi cùng với sự lên án đanh thép của Người đối với chủ nghĩa thực dân và chế độ thuộc địa. Trong những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều bài nói, bài viết, nhất là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), tố cáo mạnh mẽ những tội ác của chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Người coi những tội ác đó là sự phản bội lại lý tưởng Tự do – Bình đẳng – Bác ái của Đại cách mạng Pháp 1789, gây ra sự bất bình đẳng giữa người Việt Nam và người Pháp, giữa người thuộc địa và người chính quốc. Còn trong bài viết Ông Anbe Xarô và bản Tuyên ngôn nhân quyền (1 – 1924), Nguyễn Ái Quốc chỉ ra một thực tế là khi chiến tranh xảy ra thì các chính khách tư sản ra sức dùng khẩu hiệu mỹ miều “bảo vệ quyền con người” để đẩy bao người dân thuộc địa vào cuộc chém giết nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản. Nhưng khi chiến tranh kết thúc thì chẳng những không ai nghe nhắc đến khẩu hiệu này nữa mà còn thấy xuất hiện một thứ quyền “còn xấu xa hơn, ghê tởm hơn” – “quyền của kẻ mạnh”. Người viết: “Bằng cái quyền này người ta muốn huỷ diệt nước Nga cách mạng. Bằng cái quyền này người ta muốn biến nước Đức thành một nghĩa địa và một bãi hoang. Bằng cái quyền này người ta tìm cách chia nhau Trung Quốc. Và cũng bằng cái quyền này người ta dìm thật sâu những dân các thuộc địa vào vòng nô lệ, những thuộc địa, vì bảo vệ quyền con người, đã cống hiến 978.000 con em mình, trong số đó 340.000 đã bỏ mình trên chiến địa, những thuộc địa mà người ta bòn rút đến tận xương tuỷ để “vãn hồi sự thịnh  vượng của mẫu quốc”10.

Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã lên án mạnh mẽ tình trạng bất công, bất bình đẳng ở Việt Nam và Đông Dương dưới ách đô hộ của thực dân. Tình trạng này cho thấy, trong cùng một xưởng máy, làm cùng một công việc nhưng người da trắng lại được hưởng lương cao hơn nhiều so với người da màu. Còn tại các công sở, dù làm việc lâu năm và rất thành thạo công việc nhưng người bản xứ chỉ được trả một khoản tiền lương chết đói, trong khi ngược lại, một người da trắng mới được đưa vào, làm việc ít hơn lại lĩnh lương cao hơn; cùng một cấp bậc nhưng người da trắng hầu như bao giờ cũng được coi là cấp trên của người bản xứ… Từ tình trạng nêu trên, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột đầy tội ác, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn trang điểm cho cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: Bác ái, Bình đẳng, v.v..”11.

Hồ Chí Minh không chỉ tố cáo mạnh mẽ và kết án nghiêm khắc chủ nghĩa thực dân, chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, mà còn chỉ ra sự cần thiết phải tiêu diệt chủ nghĩa thực dân, xoá bỏ chế độ thuộc địa, xây dựng một xã hội mới tiến bộ, trong đó quyền bình đẳng giữa dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác trong quan hệ quốc tế được bảo đảm thật sự. Người khẳng định sự cần thiết đó là hệ quả tất yếu từ ách thống trị tàn bạo, phản động và bất bình đẳng của chế độ thuộc địa của thực dân Pháp. Quan điểm của Hồ Chí Minh lý giải rằng: “Người Đông Dương không được học, đúng thế, bằng sách vở và bằng diễn văn, nhưng người Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ. Nếu những người xã hội chủ nghĩa lơ là việc giáo dục, thì giai cấp tư sản thực dân và bản xứ – bọn quan lại – cứ phụ trách giáo dục bằng phương pháp của chúng. Người Đông Dương tiến bộ một cách rất màu nhiệm và khi thời cơ cho phép họ sẽ biết tỏ ra xứng đáng với những người thầy của họ. Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến… Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi. Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”12.

Với Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh giành lại quyền bình đẳng của dân tộc trong quan hệ quốc tế gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc làm điều kiện tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giành lại quyền bình đẳng của dân tộc. Mặt khác, cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam trong quan hệ quốc tế có mục tiêu trước hết là giành lại nền độc lập của dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Nước Việt Nam mới – nước Việt Nam của độc lập, tự do và hạnh phúc – ra đời. Ngày 2-9-1945, khi trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân và nhân dân các nước trên thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh đã phát triển tư tưởng về quyền bình đẳng của con người (mà thực chất là con người tư sản) của Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp thành tư tưởng về quyền bình đẳng của tất cả các dân tộc (tức là số đông, là toàn dân) trên thế giới13. Các dân tộc chẳng những có quyền hưởng các quyền cơ bản của con người như quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, mà điều còn có ý nghĩa hơn là các dân tộc có vị thế ngang nhau trong việc hưởng các quyền này. Do đó, hoàn toàn không thể chấp nhận được tình trạng một dân tộc được cho là thượng đẳng, siêu việt và được hưởng các quyền cơ bản, bất khả xâm phạm của con người, thậm chí tự cho bản thân cái quyền đi xâm lược và áp bức các dân tộc khác. Trong khi một dân tộc khác lại bị coi là hạ đẳng, thấp hèn và phải cam chịu thân phận dân thuộc địa, bị đối xử bất bình đẳng, bị áp bức, bóc lột thậm tệ và tàn bạo.

Quan điểm nêu trên là một bước tiến bộ lớn trong lịch sử tư tưởng của nhân loại về quyền bình đẳng, là một đóng góp quan trọng của Hồ Chí Minh vào kho tàng tri thức thế giới. Đặt trong bối cảnh thế giới khi đó hầu hết các nước Á, Phi và Mỹ La tinh còn nằm dưới sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, đã và đang bị đối xử bất bình đẳng, thì sự phát triển sáng tạo này trong quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng dân tộc càng có ý nghĩa sâu sắc hơn về cả lý luận và thực tiễn.

Trên thực tế, từ sau ngày nước Việt Nam mới ra đời, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã nhiều lần chính thức khẳng định với cộng đồng quốc tế chủ trương đối ngoại của Nhà nước ta: “Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam”14. Ngay cả đối với nước Pháp, theo tinh thần khép lại quá khứ, phấn đấu vì lợi ích hai nước, hai dân tộc trong hiện tại và tương lai, Hồ Chí Minh cũng nêu quan điểm: “Việt Nam quyết lòng thật thà cộng tác với nhân dân Pháp như anh em, trên nền tảng độc lập, bình đẳng, quyết lòng tôn trọng lợi ích văn hoá và vật chất của nước Pháp ở đây”15. Như vậy, quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh xác định rõ bình đẳng chính là một trong những nguyên tắc cơ bản trong các quan hệ đối ngoại của nước Việt Nam. Theo đó, trong quan hệ với nhau, Việt Nam và các dân tộc khác đều có quyền được tôn trọng ngang nhau, có vị thế ngang nhau, không có dân tộc sang hay hèn, cao quý hay thấp kém, chính quốc hay phụ thuộc.

Tuy nhiên, thực tế lịch sử đã cho thấy, do bản chất ngoan cố, phản động và lợi ích đế quốc, chủ nghĩa thực dân không dễ dàng từ bỏ mưu đồ duy trì ách thống trị thuộc địa và sự bất bình đẳng giữa các dân tộc. Ở Việt Nam, dù Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam luôn nhất quán nêu cao thiện chí hoà bình, thân thiện muốn “Làm bạn với mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”16, nhưng thực dân Pháp rồi tiếp đó là đế quốc Mỹ đã phớt lờ và gây ra hai cuộc chiến tranh tàn khốc hòng áp đặt lại ách thuộc địa đối với dân tộc Việt Nam. Tiếp tục phát triển nhận thức sau khi việc đưa bản Yêu sách năm 1919 thất bại, Hồ Chí Minh cho rằng không thể giành lại quyền bình đẳng, cũng như quyền độc lập, tự do bằng cách đưa đơn thỉnh cầu mà phải thông qua những hình thức đấu tranh mạnh mẽ hơn. Trong quan hệ với nước Pháp trước đây, Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Người Việt Nam chúng tôi cũng yêu mến nước Pháp và những người Pháp bạn hữu, chúng tôi bảo đảm tôn trọng những quyền lợi kinh tế và văn hoá của người Pháp ở Việt Nam. Nhưng chính vì để thực hiện sự hợp tác bình đẳng và hữu nghị ấy, chúng tôi quyết dùng tất cả sức mình để giành được nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi”17. Đối với cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ, Người cũng nêu lên một chân lý: “muốn giành lấy tự do, bình đẳng thì phải chống bạo lực phản cách mạng bằng bạo lực cách mạng, như nhân dân Việt Nam đang làm”18.

Hồ Chí Minh đã đấu tranh không mệt mỏi để quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong quan hệ quốc tế không chỉ là khẩu hiệu trong Hiến chương Liên hợp quốc hay là những lời sáo rỗng trong những tuyên bố mỵ dân của nhiều cường quốc, trái lại nó phải trở thành một nguyên tắc trong thực tế ứng xử giữa các nước, các dân tộc với nhau. Thế giới ngày nay đã có nhiều thay đổi so với sinh thời của Hồ Chí Minh, nhưng có những giá trị vẫn không thay đổi, thậm chí càng nổi lên như một đòi hỏi bức thiết trong đời sống quốc tế. Bình đẳng giữa các dân tộc là một giá trị như vậy. Do đó, trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, Hồ Chí Minh thực sự đã có những đóng góp xuất sắc vào cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng giữa các dân tộc, vì sự tiến bộ xã hội của nhân loại.

1. Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh (lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) là người đề xuất ra ý kiến, còn Phan Văn Trường là người viết (xem Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb ST, H, 1975, tr. 32).

[1] 2, 3, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18 . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t. 1, tr. 14; tr. 14; t. 1, tr. 11; tr. 17; tr. 277; t. 2, tr. 7; t. 1, tr. 258; t. 2, tr. 93; t. 1, tr. 40; t. 4, tr. 1; t. 6, tr. 195; t. 4, tr. 525; t. 5, tr. 256; t. 4, tr. 348; t. 15, tr. 150.

4. Daniel Hémery: Hồ Chí Minh – Từ Đông Dương đến Việt Nam, Lê Toan biên dịch, Nxb Phụ nữ, H, 2004, tr. 29.

5. Đó là các bài: Tâm địa thực dân; Vấn đề dân bản xứ; Đông Dương và Triều Tiên và Thư gửi ông Utơrây.