HỒ CHÍ MINH VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VỀ QUAN HỆ LỢI ÍCH GIAI CẤP VÀ LỢI ÍCH DÂN TỘC TRONG CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ

HỒ CHÍ MINH VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VỀ QUAN HỆ LỢI ÍCH GIAI CẤP VÀ LỢI ÍCH DÂN TỘC TRONG CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ

 

Sau hơn một thế kỷ, nhìn lại thời điểm Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2021), mỗi chúng ta lại càng thấy giá trị và ý nghĩa to lớn của sự kiện này. Sau khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện lịch sử – cụ thể của dân tộc, trong đó có tư tưởng về giải quyết quan hệ giữa lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc trong cách mạng, mở ra thời đại mới cho lịch sử dân tộc – độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

1. C.Mác và Ph.Ăngghen tiếp cận vấn đề quan hệ giai cấp và dân tộc với tư cách là một bộ phận chung của cách mạng vô sản, tức là vấn đề lợi ích của giai cấp công nhân gắn với lợi ích của dân tộc và của cách mạng thế giới. Cách mạng giải phóng dân tộc bị áp bức, xét đến cùng là việc giải quyết mâu thuẫn của các giai cấp bị áp bức với các giai cấp đi áp bức, bóc lột. Vì vậy, chỉ khi lựa chọn được một giai cấp tiến bộ, cách mạng, có đủ sức để tập hợp lực lượng, lôi kéo đông đảo quần chúng của cả dân tộc vào cuộc đấu tranh giải phóng áp bức thì dân tộc đó mới được giải phóng, qua đó giải phóng giai cấp. Khi đó giai cấp cách mạng sẽ trở thành giai cấp mang tính dân tộc, đại diện cho lợi ích của dân tộc. Vì vậy, để thực hiện cuộc cách mạng “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”[1]. Và “giai cấp công nhân không thể mạnh lên được, không thể trưởng thành và hình thành được nếu không “tự tổ chức trong khuôn khổ của dân tộc”, nếu không “có tính chất dân tộc”[2].

Theo V.I.Lênin, có áp bức dân tộc thì có đấu tranh dân tộc. Sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc tất yếu sản sinh ra phong trào giải phóng dân tộc chống đế quốc trên quy mô toàn thế giới. Thời đại C.Mác và Ph.Ăngghen, phong trào giải phóng dân tộc chưa phát triển, các phong trào giành quyền tự quyết của dân tộc bị áp bức chủ yếu diễn ra trong nội bộ quốc gia đa dân tộc và hầu hết do giai cấp tư sản lãnh đạo. Thời đại của V.I.Lênin đã có nhiều thay đổi, phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX có tính chất chủ động lịch sử lớn hơn nhiều so với phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ XIX. V.I.Lênin dự báo: “ngày mai đây của lịch sử toàn thế giới sẽ chính là ngày mà các dân tộc bị bọn đế quốc áp bức được thức tỉnh, sẽ dứt khoát vùng dậy, và bắt đầu một cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài và gian khổ để tự giải phóng mình”[3]. Vì vậy, muốn làm cho lực lượng cách mạng vô sản tăng lên gấp bội, nhất thiết phải thực hiện được sự kết hợp chặt chẽ, sự thống nhất cao độ giữa phong trào cách mạng vô sản ở các nước tư bản phát triển với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Theo V.I.Lênin, nhiệm vụ của giai cấp vô sản ở các nước đế quốc là vì sự nghiệp giải phóng của chính bản thân, phải ủng hộ hết sức mình phong trào giải phóng dân tộc, phải đấu tranh chống chủ nghĩa nước lớn, chống chủ nghĩa sô vanh, “chủ nghĩa vệ quốc” của bọn đế quốc phản động. Cách mạng giải phóng dân tộc là đồng minh tự nhiên của phong trào vô sản.

Trong điều kiện cụ thể của cách mạng Nga và cách mạng thế giới đầu thế kỷ XX, đối với vấn đề quan hệ giai cấp và dân tộc, do yêu cầu phải đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc, một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của chủ nghĩa cộng sản, V.I.Lênin đã tập trung làm nổi bật nhân tố giai cấp, nhân tố quốc tế. Điều này hoàn toàn đúng. Song, điều kiện ấy, không tránh khỏi có những trường hợp vấn đề dân tộc chưa được đề cập đúng mức. Chính V.I.Lênin sau đó đã nâng vấn đề dân tộc lên, làm sâu sắc thêm quan điểm giai cấp, điều chỉnh một số nhận định cho phù hợp với điều kiện phong trào giải phóng dân tộc đã phát triển thành cao trào rộng lớn.

Tính sáng tạo lớn nhất của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản được Hồ Chí Minh đúc kết: “Lênin là người đầu tiên đã hiểu và đánh giá hết tầm quan trọng lớn lao của việc lôi cuốn nhân dân các nước thuộc địa vào phong trào cách mạng. Lênin là người đầu tiên đã chỉ rõ rằng, nếu không có sự tham gia của các dân tộc thuộc địa, thì cách mạng xã hội không thể có được”[4].

2. Đối với Việt Nam, trước sự xâm lược của thực dân Pháp, đến đầu thế kỷ XX xã hội bị phân hóa sâu sắc. Giai cấp công nhân và giai cấp tư sản lần lượt ra đời, các mâu thuẫn của xã hội Việt Nam – xã hội thuộc địa nửa phong kiến, ngày càng diễn ra gay gắt; trong đó, chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Chính sự thống trị, áp bức bóc lột của thực dân Pháp và bè lũ tay sai càng tăng, thì sự phản kháng của quần chúng nhân dân, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta càng quyết liệt. Lúc bấy giờ các tổ chức, các hội, đảng chính trị lần lượt ra đời và vươn lên giành ngọn cờ lãnh đạo phong trào dân tộc, song tất cả đều lần lượt thất bại, cách mạng nước ta rơi vào khủng hoảng trầm trọng về đường lối cứu nước. Trong bối cảnh lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta) đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau gần một thập kỷ khảo nghiệm, tìm kiếm, đến năm 1920 Người đã tiếp cận được chân lý – chủ nghĩa Mác-Lênin và rút ra kết luận: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác cách mạng vô sản, vì “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[5].

Nghiên cứu cách mạng Mỹ (1776), cách mạng tư sản Pháp (1789), Hồ Chí Minh nhận thấy rằng: các cuộc cách mạng tư sản tuy thành công nhưng chưa đến nơi, nó chỉ là cách mạng của thiểu số giai cấp, cách mạng thành công nhưng quần chúng nhân dân, trước hết là công nhân và nông dân vẫn chưa được giải phóng, vẫn bị áp bức bóc lột. Từ đó Người cho rằng, Việt Nam làm cách mạng phải cho đến nơi, nghĩa là chính quyền phải thuộc về dân chúng số nhiều, chớ để trong tay bọn ít người. Chính vì vậy, trong Chính văn tắt, Sách lược vắn tắt được thông quan tại Hội nghị thành lập Đảng (1930) Hồ Chí Minh chỉ rõ, “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[6]. Đây chính là tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam. Vì vậy, đánh đổ đế quốc và địa chủ phong kiến giành độc lập dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

Trong hai mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn giữa toàn dân tộc với thực dân Pháp và bè lũ tay sai; mâu thuẫn giữa nhân dân lao động với địa chủ phong kiến. Người cho rằng, trong hai nhiệm vụ đánh đổ đế quốc và đánh đổ phong kiến, cần tập trung cho nhiệm vụ đánh đổ đế quốc giành độc lập dân tộc, còn đánh đổ phong kiến thực hiện sau, không thể thực hiện hai nhiệm vụ cùng một lúc. Quan điểm này của Hồ Chí Minh là nhất quán trước, trong và sau khi thành lập Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu xét mâu thuẫn giai cấp thì ở nước ta lúc này có, nhưng đặt trong quan hệ với mâu thuẫn dân tộc, thì nó là thứ yếu, khi đặt lợi ích dân tộc ra thì tất cả các giai cấp, tầng lớp đều có kẻ thù chung đó là chủ nghĩa đế quốc. Bởi vì lúc này “nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn; nếu nông dân sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc; người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có tơrớt. Người thì nhẫn nhục chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sự tham lam của mình. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó, không thể chối cãi được”[7].

Chính lợi ích của toàn thể dân tộc Việt Nam lúc này mâu thuẫn với thực dân Pháp và bè lũ tay sai, từ của cải, tài nguyên, đến mọi hoạt động kinh tế, chính trị – xã hội đều thuộc về thực dân Pháp và bè lũ của chúng, “sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không cách mạng thì chết”[8]. Với mục tiêu tập trung lực lượng để chống kẻ thù số một của dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng, “dân tộc cách mệnh thì chưa phân chia giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”[9], vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Xuất phát từ lợi ích, truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đó chính là cội nguồn để toàn thể nhân dân Việt Nam muôn người như một chống lại kẻ thù chung, giành độc lập cho dân tộc.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình tiến hành “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng” đều phản ánh lợi ích chung, nguyên vọng chung của toàn dân tộc, đều nhằm vào kẻ thù chủ yếu lúc này là thực dân Pháp và bọn tay sai phản động. Còn giải quyết mâu thuẫn giai cấp, đánh đổ phong kiến sẽ thực hiện sau khi dân tộc đã được độc lập, giành lấy dân chủ và đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Quan điểm này được Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định về sau, trong Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1940) chỉ rõ: dù là sĩ, nông, công, thương ai cũng căm ghét ách thống trị của người Pháp, ai cũng muốn giành lại độc lập dân tộc; do đó “nhân dân Việt Nam tuy hiện nay chưa được tổ chức, nhưng ai cũng chán ghét cuộc đời nô lệ, ai cũng mong muốn được độc lập, tự do, và đang trong tư thế một người lên tiếng vạn người ủng hộ”[10].

Ở đây, cần nhấn mạnh rằng, khi chủ nghĩa đế quốc câu kết với bọn phong kiến phản động, thì nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt lên hàng đầu, nhưng không phải vì thế mà hiểu đơn thuần là chỉ chống đế quốc, mà còn bao hàm trong đó chống lại bộ phận phong kiến phản động, vấn đề là “chống phong kiến nhưng không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chống đế quốc”. Mặt khác, chống đế quốc và bọn phong kiến phản động mang lại độc lập cho dân tộc và một phần ruộng đất cho dân cày cũng đã thể hiện bao hàm nội dung dân chủ, đó là tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh trong việc xác định đối tượng của cách mạng Việt Nam ở thời điểm đó.

Tuy nhiên, Quốc tế Cộng sản trong quá trình chỉ đạo phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa lại có một số quan điểm khác biệt. Điều này được thể hiện rõ qua bản Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa do Kunxinen đại diện cho Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản trình bày tại Đại hội lần thứ VI của Quốc tế Cộng sản (1928). Vấn đề quan hệ dân tộc và giai cấp, phản đế và phản phong, thì Quốc tế Cộng sản cho rằng, vấn đề mấu chốt của cách mạng ở các nước thuộc địa là ruộng đất, do đó, trong quá trình cách mạng nhiệm vụ dân chủ phải được tiến hành “song song với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”[11]. Rõ ràng, ở thời điểm đó ở các nước thuộc địa nói chung, ở Việt Nam nói riêng, không thể đặt nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến song song; cũng như không thể coi cách mạng ruộng đất là vấn đề mấu chốt của cách mạng vô sản trong khi chưa giành được độc lập dân tộc. Điều đó sau này đã được chính Kunxinen thừa nhận: ngay từ khi Đề cương ra đời, một số nhận định đã mang màu sắc của chủ nghĩa biệt phái trên một mức độ nhất định[12].

Quốc tế Cộng sản nhấn mạnh, nhiệm vụ trung tâm, điều cốt lõi của cách mạng điền địa là tiêu diệt bọn địa chủ với tư cách là một giai cấp. Trong thư của Ban phương Đông gửi Đảng Cộng sản Động Dương viết: “chúng tôi thấy cần phải chỉ ra trong một vài câu những điều cốt lõi của cách mạng điền địa, bởi vì trong dự thảo của đồng chí có một vài chỗ diễn đạt không rõ và mơ hồ”[13]. Theo Quốc tế Cộng sản, nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc này là phải tổ chức phong trào đấu tranh của nông dân chống phong kiến để thực hiện cuộc cách mạng điền địa, liên phong trào nông dân với phong trào thợ thuyền và phản đế; bởi vì “nếu không khuếch trương phong trào điền địa, thì cuộc cách mạng tranh đấu ắt ngưng lại không phát triển được hoặc thoái bộ là khác”[14].

Do bị chi phối bởi tư tưởng tả khuynh của Quốc tế Cộng sản và cũng do chưa nắm vững đặc điểm, tình hình xã hội Việt Nam nên Luận lương chính trị tháng 10 – 1930 do Trần Phú soạn thảo chưa xác định đúng mâu thuẫn chủ yếu.  Luận cương chính trị xác định: sự mâu thuẫn giai cấp ngày càng kịch liệt, một bên là thợ thuyền dân cày và các phần tử lao khổ, một bên thì địa chủ phong kiến, tư bản và đế quốc chủ nghĩa. Vì vậy cho nên, “thời kỳ bấy giờ cách mạng chỉ có tính chất thổ địa và phản đế”[15]. Như vậy, Luận cương lại đặt cách mạng thổ địa trước cách mạng phản đế, nghĩa là giải quyết vấn đề giai cấp trước vấn đề dân tộc.

3. Từ nhận thức về đối tượng của cách mạng, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, khi Người phân tích, đánh giá vị trí, vai trò của các giai cấp, tầng lớp trong cách mạng; đặc biệt là thái độ của các giai cấp đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ở Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc đã ăn sâu, bám chặt vào quần chúng trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, chính điều đó mà ngay cả các nhà tư sản dân tộc, thậm chí những người đứng đầu của chế độ phong kiến như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân,v.v.. cũng nỗi dậy chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Từ thực tiễn đó, với một nhãn quan chính trị nhạy bén, Hồ Chí Minh khi xem xét, đánh giá hai giai cấp đối lập với giai cấp công nhân và nông dân là giai cấp tư sản và địa chủ, Người không “vơ đũa cả nắm”, khi cho rằng, về lợi ích kinh tế thì tư sản và địa chủ là những giai cấp bóc lột, đối lập với lợi ích cơ bản của công nhân và nông dân. Nhưng, xét về lợi ích dân tộc, trước hết là độc lập dân tộc, thì tư sản và địa chủ là những giai cấp không thuần nhất. Một bộ phận đi hẳn về phía thực dân, đế quốc (tư sản mại bản hay “đại tư sản” và đại địa chủ). Trong khi một bộ phận khác (tư sản dân tộc, phú nông, trung địa chủ, tiểu địa chủ, tiểu tư sản,v.v..) có thể đồng hành cùng dân tộc, họ “tuy hai mà một, một mà hai”[16]. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh chủ trương: chúng ta phải có thái độ khôn khéo, mềm dẻo, phải hết sức lôi kéo họ, thúc đẩy họ hành động nếu có thể, cô lập họ về chính trị nếu cần, chí ít là trung lập họ, “tránh hết sức để họ ra ngoài Mặt trận, vì như thế là đẩy họ rơi vào tay bọn phản động, là tăng thêm lực lượng cho chúng”[17].

Trong khi đó, Quốc tế Cộng sản lại đối lập giai cấp công nhân, giai cấp nông dân với giai cấp tư sản và địa chủ phong kiến, không có sự phân hạng trong các giai cấp đó, mà tất cả họ đều là phản động. Theo Quốc tế Cộng sản, phải kiên quyết đấu tranh chống lại bọn quốc gia cải lương, đây là hình thái phản cách mạng của giai cấp tư sản An Nam. Do đó, nếu không gỡ mặt nạ, không phá tan ảnh hưởng của bọn quốc gia cải lương thì không tạo quyết chiến cho xứ Đông Dương được độc lập thì cuộc cách mạng điền địa và phản đế không thể thắng lợi[18]. Và do đó, giai cấp vô sản phải “đấu tranh triệt để và không khoan nhượng với bọn đế quốc, bọn địa chủ và giai cấp tư sản bản xứ”[19]. Còn đối với giai cấp địa chủ không thể phân chia thành nhiều hạng, nhiều loại, mà tất cả đều là đồng minh trực tiếp của đế quốc; vì vậy, sẽ là “sai lầm nguy hiểm khi phân chia địa chủ thành loại “tốt”và “xấu””[20]. Quốc tế Cộng sản cho rằng, nếu địa chủ chui luồn được vào trong nông hội thì đó là nguy cơ lớn nhất của nông dân và cho cách mạng. Vì vậy, phải “đuổi bọn địa chủ, quan lại, phú hào ra khỏi làng, chủ động tịch thu tài sản của địa chủ, phú hào và quan lại chia cho nông dân”[21]. Quan điểm này nếu được thực thi sẽ biến nhiều người là đồng minh của cách mạng hoặc chí ít là lực lượng trung lập trở thành kẻ thù cách mạng. Điều đáng nói là, không chỉ riêng gì giai cấp tư sản và địa chủ, mà ngay cả các tầng lớp khác trong xã hội như trí thức, tiểu tư sản cũng bị Quốc tế Cộng sản nghi ngờ và cô lập họ, “đối với tri thức và tiểu tư sản, nếu như liên minh với họ là một sách lược sai lầm”[22].

4. Thực tiễn cho thấy, từ khi Quốc tế Cộng sản ra đời luôn đặt vấn đề dân tộc và thuộc địa trong chương trình nghị sự của mình. Ngay tại Đại hội lần thứ nhất (1919), đã phát triển khẩu hiệu tập hợp lực lượng của Mác và Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”, cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới của cách mạng: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Nhưng kể từ khi V.I.Lênin qua đời (1924), trong Quốc tế Cộng sản đã bắt đầu xuất hiện tư tưởng “tả khuynh”, tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp, xem nhẹ, thậm chí coi thường vấn đề dân tộc, thuộc địa. Tại Đại hội lần thứ V (1924), Hồ Chí Minh đã phê phán thái độ thờ ơ, xem thường vấn đề dân tộc và thuộc địa của nhiều Đảng Cộng sản chính quốc, cũng như trong Quốc tế Cộng sản. Đồng thời Người nhắc nhở những Đại biểu tham dự Đại hội hãy tỏ rõ mình là học trò của Lênin, không được quên di huấn của Người: “chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung hết tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác”[23].

Sự cảnh báo này của Hồ Chí Minh chẳng những không được Quốc tế Cộng sản xem xét một cách nghiêm túc mà còn có những biểu hiện trượt xa quan điểm của Lênin. Đỉnh điểm của những quan điểm chủ quan, “tả khuynh”, biệt phái của Quốc tế Cộng sản được thể hiện qua những Văn kiện của Đại hội lần thứ VI (1928). Những quan điểm tại Đại hội này được Quốc tế Cộng sản sử dụng để chỉ đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc nói chung, chỉ đạo cách mạng Đông Dương, cách mạng Việt Nam nói riêng. Đối với cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, Quốc tế Cộng sản đặc biệt chú trọng tới những sự biến ở những nước lớn và đông dân nhất thế giới lúc bấy giờ là Trung Quốc và Ấn Độ. Với sự phản bội của giai cấp tư sản dân tộc ở Trung Quốc và Ấn Độ, Quốc tế Cộng sản xem đây là một bài học xương máu đối với cách mạng các nước thuộc địa, Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân không thể hợp tác, liên minh với giai cấp tư sản dân tộc.

5. Từ thực tiễn phong trào cách mạng Việt Nam, cách mạng thế giới đã chứng minh tính đúng đắn, sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc đề ra chiến lược và sách lược cách mạng. Thực tiễn cách mạng đó đòi hỏi những người cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương từng bước quay trở lại với nhận thức, tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc xác định đối tượng, nhiệm vụ, động lực của cách mạng. Chỉ thị của Trung ương Thường vụ về vấn đề thành lập Hội “Phản đế đồng minh” ngày 8-11-1930, từng bước từ bỏ tư tưởng “tả khuynh” thể hiện trong Luận cương chính trị và Án nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 10-1930. Để khắc phục điều đó, Thường vụ Trung ương Đảng lưu ý các cấp ủy đảng trong cách mạng phản đế và điền địa ở Đông Dương thì dân tộc Việt Nam là một dân tộc có lịch sử đấu tranh bất diệt với giặc Pháp từ ngày Pháp xâm chiếm đến nay. Điều đó cho thấy “dân tộc phản đế trong nhân dân rất mạnh”. Chỉ thị khẳng định, để giành thắng lợi, giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng tư sản dân quyền “phải tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật đông, thật kín”. Sau chỉ thị này, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương còn ra một số chỉ thị khác phù hợp với quan điểm Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, sửa chữa, uốn nắn những thiếu sót, sai lầm.

Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa I (11-1939), đã đưa ra những dự báo về tiền đồ cách mạng, đòi hỏi “Đảng ta phải thay đổi chính sách”[24]. Trong đó nhấn mạnh đòi hỏi đưa vấn đề dân tộc thành vấn đề khẩn cấp rất quan trọng. Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cách mạng, cả vấn đề cách mạng điền địa cũng phải nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết. Bước đường sinh tồn của nhân dân Đông Dương không có con đường nào khác là con đường đánh đổ đế quốc Pháp để giành độc lập. Công nông phải đưa cao ngọn cờ dân tộc, tất cả mọi hoạt động phải hướng vào mục tiêu “Phản đế, giải phóng dân tộc”[25]. Việc giương cao ngọn cờ dân tộc không có nghĩa là bỏ vấn đề điền địa, phản phong. Đánh đổ đế quốc Pháp gắn liền với đánh đổ vua chúa bản xứ, bọn tay sai cho đế quốc và bọn phản bội dân tộc là một phần của nhiệm vụ dân chủ.

Để phù hợp với tình hình mới, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, thay cho Mặt trận Dân chủ trước đó, nhằm mục đích liên hợp tất cả các dân tộc Đông Dương, tất cả các giai cấp, các đảng phái, các phần tử phản đế đấu tranh chống đế quốc chiến tranh, chống xâm lược phát xít, đánh đổ đế quốc Pháp, vua chúa bản xứ và tất cả bọn tay sai đế quốc, đòi hòa bình cơm áo, thực hiện nền độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương với quyền dân tộc tự quyết[26]. Chính đường lối, quyết sách đúng đắn trong giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc mà cách mạng Việt Nam phát huy tinh được sức mạnh tổng hợp, với thần đoàn kết của các giai cấp, tầng lớp để đưa cách mạng đi đến thành công, đây chính là cội nguồn của sức mạnh cách mạng Việt Nam. 

6. Như vậy, Hồ chí Minh đã vận dụng trung thành và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về quan hệ lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc phù hợp với điều kiện cách mạng Việt Nam. Đây là một sự đóng góp to lớn, có ý nghĩa đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cũng như đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta là đặt lợi ích của giai cấp và dân tộc trong mối quan hệ thống nhất biện chứng – lợi ích của giai cấp gắn liền với lợi ích của dân tộc, lợi ích của dân tộc được thể hiện ở bản chất lợi ích của giai cấp.

Hiện nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, bài học kinh nghiệm này được Đảng ta tiếp tục quán triệt và phát huy. Văn kiện của Đảng ta tại Đại hội lần thứ IX đã xác định rõ: “Mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lợi ích giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích toàn dân tộc trong mục tiêu chung là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”[27].

Toàn thể dân tộc Việt Nam có chung lợi ích, mục tiêu, tập hợp dưới một ngọn cờ duy nhất do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”[28]. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”[29]. Đó là cơ sở lý luận, pháp lý để Đảng Cộng sản Việt Nam đoàn kết, tập hợp các giai tầng xã hội cùng thực hiện mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội, vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

TS. Phạm Văn Giang

[1]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.623 – 624.

[2]. V.I.Lênin: Toàn tập, tập 26, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.88.

[3]. V.I.Lênin: Toàn tập, tập 45, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.414.

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.136.

[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.128.

[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.1.

[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.466.

[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.9.

[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.266.

[10]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.174.

[11]. Điacốp – Xớckin: Quốc tế Cộng sản với vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.62.

[12]. Xem: Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.69.

[13]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.277.

[14]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.299.

[15]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.93.

[16]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.165.

[17]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.138.

[18]. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.297.

[19]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.357.

[20]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.277.

[21]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.360.

[22]. Xem thêm: Hà Huy Tập – Một tác phẩm, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tr.275.

[23]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.282.

[24]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.537.

[25]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.543.

[26]. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.537.

[27]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.85-86.

[28].Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.88.

[29]. Quốc hội Việt Nam, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia,Hà Nội, 2013, tr.9.