Hình thức quản lý nhà nước theo pháp luật hành chính – Pháp trị
5/5 – (1 bình chọn)
Hình thức quản lý hành chính nhà nước là biểu hiện có tính chất tổ chức – pháp lý của những hoạt động cụ thể cùng loại của chủ thể quản lý hành chính nhà nước nhằm hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra trước nó, là hoạt động biểu hiện ra bên ngoài của chủ thể quản lý nhằm thực hiện tác động quản lý.
Hình thức quản lý hành chính nhà nước
Khái niệm
Hình thức quản lý hành chính nhà nước là biểu hiện bên ngoài cùng loại của họat động quản lý nhà nước trong những hành động cụ thể cùng loại.
Phương pháp quản lý là những cách thức thực hiện chức năng quản lý nhà nước của bộ máy hành chính nhà nước, cách thức tác động lên các đối tượng bị quản lý để nhằm đạt được hành vi xử sự cần thiết.
Phân loại các hình thức quản lý hành chính nhà nước
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hình thức pháp lý quan trọng nhất trong hoạt động của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước, là tiền đề để thực hiện các hình thức quản lý khác.
Hình thức ban hành văn bản pháp luật chủ đạo: là việc các chủ thể quản lý có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật đề ra các chủ trương, đường lối, chính sách lớn, nhiệm vụ chung có tính chiến lược định hướng cho hoạt động quản lý nhà nước.
Hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật : là việc các chủ thể quản lý có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể và chi tiết các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và cơ quan quyền lực cùng cấp.
Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật
Hình thức ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật: là việc các chủ thể quản lý có thẩm quyền căn cứ vào các quy định pháp lụât hiện hành để giải quyết các vụ việc cụ thể phát sinh trọng họat động quản lý nhà nước.
Thực hiện các hoạt động khác mang tính chất pháp lý
Là những họat động rất phổ biến và đa dạng, được pháp luật quy định chặt chẽ nhưng không cần phải ban hành văn bản quy phạm hay van bản áp dụng pháp luật.
Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp
Áp dụng các biện pháp tổ chức – xã hội trực tiếp: bao gồm các biện pháp tổ chức ra bên ngoài như: hội thảo quần chúng, lấy ý kiến người dân, điều tra xã hội học…;
Các biện pháp tổ chức nội bộ cơ quan như: hội thảo, hội nghị, tổng kết rút kinh nghiệm…
Tiến hành các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ – kỹ thuật
Thực hiện các tác nghiệp vật chất – kỹ thuật: là hình thức sử dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý như in ấn, soạn thảo, lưu trữ văn bản hành chính,… hoặc các hoạt động phục vụ thuần túy (bảo vệ, lại xe, tạp vụ,…).
Tìm hiểu thêm: Khiếu nại là gì?
Các phương pháp quản lý hành chính nhà nước cụ thể
Phương pháp thuyết phục
Thuyết phục là làm cho đối tượng quản lý hiểu rõ sự cần thiết và tự giác thực hiện những hành vi nhất định hoặc tránh thực hiện những hành vi nhất định.
Thông qua phương pháp thuyết phục, các chủ thể quản lý hành chính nhà nước giáo dục cho mọi công dân nhận thức đúng đắn về kỷ cương xã hội, kỷ cương nhà nước, động viên họ tự giác thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội. các tổ chức xã hội là chỗ dựa vững chắc của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc nâng cao ý thức pháp luật của công dân, trong việc đảm bảo và mở rộng dân chủ.
Phương pháp thuyết phục thể hiện trong việc sử dụng những biện pháp khác nhau như giải thích, nhắc nhở, tổ chức, giáo dục, cung cấp thông tin, tuyên truyền,phát triểncác hình thức tự quản xã hội, tổ chức thi đua, khen thưởng,… Những biện pháp này được quy định một cách chung nhất trong thẩm quyền của chủ thể quản lý hành chính nhà nước mà không giới hạn phạm vi áp dụng.
Phương pháp cưỡng chế hành chính
Phương pháp cưỡng chế là cách thức tác động mang tính chất bắt buộc, có thể gây thiệt hại về vật chất, tinh thần hay các quyền, lợi ích khác của đối tượng quản lý nhằm thực hiện các yêu cầu quản lý đặt ra.
Phương pháp này được pháp luật quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, hình thức, trình tự thủ tục và những hậu quả pháp lý. Trong việc áp dụng phương pháp cưỡng chế, cần chú ý những điểm sau :
Chỉ sử dụng biện pháp cưỡng chế trong những trường hợp cần thiết, khi phương pháp thuyết phục không mang lại hiệu quả hoặc không có khả năng đảm bảo hiệu quả;
Cần lựa chọn biện pháp cưỡng chế có hiệu quả nhất trong những biện pháp được áp dụng;
Không áp dụng biện pháp cưỡng chế trong những trường hợp mục đích đề ra đã đạt được hoặc cả khi những mục tiêu đề ra là không thể thực hiện được;
Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế cần cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cá nhân, tổ chức cũng như cho xã hội;
Chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định cho từng trường hợp cụ thể.
Trong khi áp dụng biện pháp cưỡng chế cần chú ý đến những đặc điểm của đối tượng bị cưỡng chế.
Xem thêm: Các biện pháp xử lý hành chính
Phương pháp hành chính
Phương pháp hành chính là phương pháp quản lý bằng cách ra chỉ thị từ trên xuống, nghĩa là những quyết định bắt buộc đối với đối tượng quản lý. Đặc trưng của phương pháp này là sự tác động trực tiếp lên đối tượng quản lý đạt được bằng cách quy định đơn phương nhiệm vụ và phương án hành động của đối tượng quản lý.
Phương pháp hành chính thể hiện tính chất quyền lực của hoạt động quản lý.
Cơ sở của nó là nguyên tắc tập trung dân chủ mà cụ thể là sự phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên và tính chất bắt buộc thi hành những chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên đối với cấp dưới. Phương pháp hành chính cần thiết để đảm bảo cho hoạt động quản lý được tiến hành có hiệu quả và đảm bảo kỷ luật nhà nước. Phương pháp nà áp dụng khi có mối quan hệ trực thuộc.
Phương pháp kinh tế
Phương pháp kinh tế là phương pháp tác động gián tiếp đến hành vi của các đối tượng quản lý thông qua việc sử dụng những đòn bẩy kinh tế tác động đến lợi ích của con người như quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, thuế suất, lãi suất tín dụng, ưu đãi về đầu tư,….
Nội dung của phương pháp kinh tế chính là sự quản lý bằng lợi ích và thông qua lợi ích của con người. Lợi ích là điểm trung tâm của phương pháp kinh tế, là cơ sở của sự phát triển. Do tác động của lợi ích mà hoạt động quản lý hàng ngày thay đổi về cơ bản bởi nó được thực hiện không phải thông qua những chỉ thị trực tiếp, mà thông qua sự quan tâm trực tiếp của người dân vào kết quả lao động của mình.
Tìm hiểu thêm các nội dung liên quan tại: Pháp trị
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
-
Bài viết trong lĩnh vực pháp luật dân sự được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
-
Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
-
Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:
1900 6198
, E-mail: