Hình thức đấu tranh đầu tiên của công nhân chống lại tư sản là gì?
Sự ra đời của giai cấp công nhân gắn liền với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Ngay từ buổi đầu, họ đã bị giai cấp tư sản bóc lột nặng nề. Hình thức đấu tranh đầu tiên của giai cấp công nhân là gì? Trong bài viết này Luật Minh Khuê sẽ cùng quý bạn đọc đi tìm hiểu vấn đề này nhé.
Mục Lục
1. Giai cấp công nhân là gì?
Giai cấp công nhân là một tập đoàn xã hội ổn định, hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển nền công nghiệp hiện đại với nhịp độ phát triển của lực lượng sản xuất có tính chất xã hội hóa ngày càng cao; là lực lượng lao động cơ bản tiên tiến trong các quy trình công nghệ, dịch vụ công nghiệp, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, tái sản xuất ra của cải vật chất và cải tạo các quan hệ xã hội; đại biểu cho lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất tiên tiến trong thời đại hiện nay. Họ là người làm thuê do không có nguyên liệu sản xuất, buộc bán sức lao động để sống và bị giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư vì vật lợi ích cơ bản của họ đối lập với lợi ích giai cấp tư sản. Đó là giai cấp có sứ mệnh phủ định chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
2. Đặc điểm của giai cấp công nhân
- Lao động bằng phương thức công nghiệp
- Đại biểu cho lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất tiên tiến
- Có tinh thần cách mạng triệt để
- Có tổ chức, kỷ luật có tinh thần hợp tác tâm lý lao động
3. Hình thức đấu tranh đầu tiên của công nhân chống lại tư sản là gì?
Đó là “Đập phá máy móc”. Lúc đầu, do nhận thức của công nhân còn hạn chế, nhiều công nhân đã tưởng máy móc là nguồn gốc gây nên nỗi khổ của họ. Phong trào đập phá máy móc, đốt công xưởng là hình thức đấu tranh tự phát đầu tiên của công nhân.
4. Những hình thức đấu tranh đầu tiên của công nhân và ý nghĩa của nó ?
4.1. Mâu thuẫn giữa công nhân với tư sản ngày càng gay gắt, dẫn đến các cuộc đấu tranh.
- Ban đầu là đấu tranh với hình thức đập phá máy móc.
- Sau đó chuyển qua hình thức bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm và thành lập các nghiệp đoàn.
4.2. Ý nghĩa
- Thể hiện tinh thần đấu tranh chống áp bức, bóc lột của công nhân, biểu hiện rõ nét của quy luật có áp bức sẽ có đấu tranh.
- Tuy nhiên nó còn hạn chế do trình độ và nhận thức của công nhân.
5. Tại sao công nhân lại đập phá máy móc trong cuộc đấu tranh chống tư sản?
Trong cuộc đấu tranh chống tư sản, công nhân đập phá máy móc vì:
- Sự xuất hiện của máy móc trong xã hội tư bản không làm cải thiện đời sống công nhân mà chỉ khiến bọn địa chủ tăng cường bóc lột nhân dân.
- Công nhân cho rằng chính máy móc làm khổ họ, mất việc, bị chèn ép lương. Vì vậy, họ trút căm thù vào máy móc.
- Giai cấp công nhân chưa có tổ chức, ý thức giai cấp rõ ràng để tổ chức đấu tranh dưới hình thức khác.
6. Sứ mệnh của giai cấp công nhân
Theo chủ nghĩa Mác – Lênin, giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến nhất và cách mạng nhất, là lực lượng xã hội duy nhất có sứ mệnh lịch sử.
Sứ mệnh lịch sử là sự tổng quát của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiền phong, giai cấp công nhân tổ chức, lãnh đạo nhân dân lao động đấu tranh xóa bỏ các chế độ người bóc lột người, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, giải phóng giai cấp công nhân, nahan dân lao động khỏi mọi sự áp bức, nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa văn minh.
Theo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân cần phải trải qua hai bước. Bước thứ nhất: giai cấp công nhân biến thành giai cấp thống trị và giành lấy chính quyền nhà nước vào tay giai cấp mình. Bước thứ hai: giai cấp công nhân dùng sự thống trị của mình để từng bước đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, từ đố tiến hành tổ chức xây dựng xã hội mới – xã hội chủ nghĩa. Hai bước này quan hệ chặt chẽ với nhau, giai cấp công nhân không thực hiện được bước thứ nhất thì cũng không thực hiện được bước thứ hai nhưng bước thứ hai là quan trọng nhất để giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân bắt nguồn từ địa vị kinh tế – xã hội khách quan:
- Giai cấp công nhân ra đời và phát triển dưới chủ nghĩa tư bản, là bộ phận quan trọng nhất, cách mạng nhất của lực lượng sản xuất có trình độ xã hội hóa cao.
- Giai cấp công nhân không có tư liệu sản xuất nên buộc bán sức lao động của mình cho nhà tư bản để sống. Họ bị giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư mà họ đã tạo ra trong thời gian lao động.
- Địa vị kinh tế – xã hội giúp cho giai cấp công nhân trở thành giai cấp cách mạng triệt để về có khả năng thực hiện sứ mệnh lịch sử, đó là khả năng đoàn kết toàn thể giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên quy mô quốc tế chống chủ nghĩa đế quốc.
Trong suốt những năm qua, giai cấp công nhân Việt Nam đã khẳng định được vai trò của mình, xứng đáng là bộ phận của giai cấp công nhân thế giới, tiếp tục lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng. Ngày nay, công nhân Việt Nam chủ động tham gia giải quyết các vấn đề là thu hút sự quan tâm hàng đầu của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Các vấn đề đó có tính thời sự cao như dân số, môi trường, văn hóa, năng lượng, lương thực,…
Giai cấp công nhân là lực lượng kiên định bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, không chấp nhận chế độ đa đảng, đa nguyên chính trị.
Giai cấp công nhân tham gia đông đảo vào các thành phần kinh tế, lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh để phấn đấu.
Giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong trong đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội, là lực lượng chính trị – xã hội quan trọng trong việc bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Kết luận: Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ bóc lột, tự giải phóng, giải phóng nhân dân lao động và toàn thể nhân dân khỏi sự áp bức, bóc lột, xây dựng thành công xã hội cộng sản chủ nghĩa và phát triển về số lượng và chất lượng, nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp thực hiện “tri thức hóa công nhân”, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc, xứng đáng với vai trò lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới.
7. Những điều kiện khách quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Giai cấp công nhân có những nội dung sứ mệnh lịch sử nêu trên là do những điều kiện khách sau đây quy định:
7.1 Địa vị kinh tế – xã hội của giai cấp công nhân trong chủ nghĩa tư bản
Trong mỗi hình thái kinh tế – xã hội, lực lượng sản xuất là yếu tố độc nhất và luôn vận động phát triển do sự thay đổi không ngừng của công cụ lao động ở trình độ ngày càng cao. Nhưng trình độ của công cụ lao động thay đổi được là kết quả của hoạt đống sáng tạo của con người. Trong chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội với nền sản xuất đại công nghiệp ngày càng phát triển, giai cấp công nhân trở thành bộ phận quan trọng nhất, cách mạng nhất trong các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất. Lao động sống của giai cấp công nhân tạo ra phần lớn của cải, vật chất cho xã hội và đóng vai trò có ý nghĩa quyết định với sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Trong chủ nghĩa tư bản, do không có hoặc rất ít tư liệu sản xuất, giai cấp công nhân buộc phải bán sức lao động trở thành người làm thuê cho giai cấp tư sản và bị giai cấp tư sản bóc lột nặng nền. Trong chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản chỉ có thể bóc lột được giai cấp công nhân khi họ nắm giữ, chi phối tư liệu sản xuất của xã hội. Do vậy, bằng mọi giá, giai cấp tư sản phải duy trì chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Mặt khác, giai cấp công nhân cũng chỉ được giải phóng khỏi mọi sự áp bức, bóc lột khi xóa bỏ được chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và thay thế vào đó là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.
Giai cấp tư sản bóc lột, song giai cấp công nhân là đối tượng bị bóc lột trực tiếp và nặng nề nhất. Do vậy, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân đối lập trực tiếp với lợi ích cơ bản của giai cấp tư sản. Giai cấp công nhân có lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của đại đa số nhân dân lao động, bởi vì muốn giải phóng mình khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, giai cấp công nhân phải đấu tranh xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Nếu điều này trở thành hiện thực thì giai cấp công nhân không chỉ giải phóng mình mà còn giải phóng toàn xã hội khỏi sự áp bức, bóc lột. Hơn nữa, do điều kiện làm việc và điều kiện sống chủ yếu là ở các khu công nghiệp tập trung và ở các thành phố lớn, nên giai cấp công nhân có khả năng tập hợp lực lượng, đoàn kết với các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động khác trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản để giải phóng mình và giải phóng toàn xã hội.
7.2 Đặc điểm chính trị – xã hội của giai cấp công nhân
Do địa vị kinh tế – xã hội quy định khiến cho giai cấp công nhân có những đặc điểm chính trị – xã hội mà những giai cấp và tầng lớp khác không thể có được. Đó là những đặc điểm sau:
Thứ nhất: Giai cấp công nhân có tính tiên phong và tinh thần cách mạng triệt để nhất. Tính tiên phong của giai cấp công nhân thể hiện ở việc nó đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến của thời đại. Do yêu cầu khách quan của việc đổi mới liên tục công nghệ của sản xuất công nghiệp, nên giai cấp công nhân phải không ngừng học tập, rèn luyện trau dồi tri thức chuyên môn kỹ thuật, nâng cao tay nghề ở trình độ ngày càng cao. Giai cấp công nhân có hệ tư tưởng độc lập, được trang bị bởi lý luận tiền phong là chủ nghĩa Mác – Lênin và lực lượng đi đầu trong mọi phong trào cách mạng xóa bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng xã hội mới tiến bộ vì hạnh phúc của con người. Giai cấp công nhân có tinh thần cách mạng triệt để nhất bởi vì lợi ích của họ mâu thuẫn trực tiếp với lợi ích của giai cấp tư sản. Lợi ích của giai cấp công nhân chỉ thực sự được đảm bảo khi xóa bỏ triệt để chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và các hình thức tư hữu khác. Trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân chỉ được giải phóng khi đồng thời giải phóng toàn xã hội khỏi mọi sự áp bức, bóc lột. Tính triệt để cách mạng của giai cấp công nhân còn được thể hiện trong tiến trình cách mạng không ngừng cho tới khi xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội xa hơn là chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới.
Thứ hai: Giai cấp công nhân là giai cấp có ý thức tổ chức kỷ luật cao. Sản xuất công nghiệp hiện đại theo dây chuyền và tính chuyên môn hóa cao độ đã khách quan rèn luyện cho giai ấp công nhân tính tổ chức kỷ luật cao trong quá trình lao động sản xuất. Đồng thời, bản thân cuộc đấu tranh một mất một còn của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản đã tôi luyện cho giai cấp công nhân phải có ý thức tổ chức cao.
Thứ ba: Giai cấp công nhân có bản chất quốc tế. Bản chất quốc tế của giai cấp công nhân thể hiện ở địa vị kinh tế – xã hội, ở nội dung sứ mệnh lịch sử của họ giống nhau trên toàn thế giới. Bản chất quốc tế của giai cấp công nhân có được còn xuất phát từ yêu cầu khách quan của sản xuất công nghiệp hiện đại ngày nay đã mang tính quốc tế hóa và toàn cầu hóa rộng rãi. Hơn nữa, vì mục tiêu lợi nhuận, giai cấp tư sản ở các nước phải liên kết với nhau trên phạm vi quốc tế. Do vậy, muốn chiến thắng giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân ở các nước phải đoàn kết lại tạo thành phong trào đấu tranh mạnh mẽ và trở thành lực lượng quốc tế hùng hậu.
8. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân hồi nửa đầu thế kỷ XIX
- Ở Pháp năm 1831 công nhân dệt Liông khởi nghĩa đòi tăng lương giảm giờ làm. Quân khởi nghĩa đã làm chủ được thành phố trong 10 ngày. Họ chiến đấu với khẩu hiệu “Sống trong lao động hoặc chết trong chiến đấu”.
- Năm 1834 thợ tơ ở Liông khởi nghĩa đòi thiết lập nền Cộng hòa. Cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra suốt 4 ngày cuối cùng bị dập tắt.
- Ở Anh từ năm 1836 – 1848 diễn ra phong trào “Hiến chương đòi phổ thông đầu phiếu, tăng lương, giảm giờ làm”. Mô tả: Do bị áp bức, không có quyền chính trị, hàng triệu chữ ký vào bản kiến nghị. Tháng 2 – 1842, trên 20 công nhân khiêng chiếc hòm chứa 3 triệu chữ ký của công nhân đưa đến Quốc hội đòi quyền phổ thông bầu cử, tăng lương, giảm giờ làm…Theo sau có hàng nghìn người đi bộ giương cờ, đi xe, cưỡi ngựa, nhân dân hai bên đường vui mừng, mang tính chất quần chúng.
- Ở Đức năm 1844 công nhân Sơ – lê – din khởi nghĩa. Kết quả: tất cả phong trào đấu tranh cảu công nhân đều thất bại. Nguyên nhân: Thiếu sự lãnh đạo đúng đắn, chưa có đường lối chính sách rõ ràng. Ý nghĩa: Đánh dấu sự trưởng thành của công nhân, là tiền đề dẫ đến sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học
9. Sự hình thành giai cấp công nhân ở Việt Nam
Trước thế kỷ XV, Việt Nam chưa có những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công, thương nghiệp và kinh tế hàng hóa, nhưng đã có tầng lớp thợ thủ công. Sang thế kỷ XV, XVI đội ngũ “Những người lao động làm thuê” đã xuất hiện. Đầu thế kỉ XIX, ngành khai thác mỏ phát triển và hàng ngàn “thợ” mỏ làm việc trong các mỏ khai thác than, thiếc. nhưng đó chưa phải là công nhân hiện đại, sản xuất trong dây chuyền công nghiệp.
Đội ngũ công nhân Việt Nam xuất hiện khi có cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I (từ năm 1897 đến năm 1914) của thực dân Pháp. Khu công nghiệp tập trung ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Nam Định, Vinh – Bến Thủy, Hòn Gai đã làm cho số công nhân tăng nhanh…Số lượng công nhân năm 1906 là 49.500 người trong đó có 1.800 thợ chuyên môn.
Nhiều xí nghiệp tập trung đông công nhân như: Xi măng Hải Phòng có 1.500 người, 3 nhà máy dệt ở Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội cũng có 1.800 người, các nhà máy xay xát ở Sài Gòn có tới 3.000 người, riêng trên các tuyến đường sắt Vân Nam – Hải Phòng đã thu hút tới 6 vạn người. Ngành mỏ (năm 1914) có tới 4.000 thợ, đó là chưa kể số “thợ theo mùa”. Tổng số công nhân Việt Nam tính đến trước chiến tranh thế giới lần thứ I có khoảng 10 vạn người.
Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ I kết thúc, thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ II (1919 – 1929) nhằm tăng cường vơ vét, bóc lột nhân dân thuộc địa để bù đắp những tổn thất trong chiến tranh.
Sự phát triển của một số ngành công nghiệp khai khoáng, dệt, giao thông vận tải, chế biến,…dẫn đến số lượng công nhân tăng nhanh, công nhân mỏ và công nhân đồn điền nhiều nơi tập trung hàng vạn người. Ở các thành phố nhiều nhà máy đã có trên 1.000 công nhân như nhà máy Xi măng Hải Phòng, nhà máy Dệt Nam Định.
Đến cuối năm 1929, tổng số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp của tư bản Pháp là hơn 22 vạn người, trong đó có 5,3 vạn thợ mỏ, 8,6 vạn công nhân nhân các ngành thông thương nghiệp, 8,1 vạn công nhân các đồn điền trồng cây công nghiệp. Đó là chưa kể đến những người làm ở xí nghiệp thủ công lớn, nhỏ, thợ may, thợ gạo, thợ giặt, bồi bếp, khuân vác ở hải cảng,…
Như vật, từ sự đầu tư vào công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp dẫn tới sự ra đời tất yếu khách quan của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam. Và đó cũng là điều kiện cơ bản làm xuất hiện một giai cấp mới – giai cấp công nhân Việt Nam.
Đa số công nhân nước ta có nguồn gốc xuất thân từ nông dân. Trong số 27.505 công nhân, đồn điền, thợ mỏ ở 15 tỉnh Bắc Kỳ vào năm 1929 thì có tới 24.658 người là nông dân (chiếm 84,6%). Sớm tiếp thu truyền thống anh dũng bất khuất, chống giặc ngoại xâm của dân tộc, giai cấp công nhân Việt Nam đã hăng hái đấu tranh với tư bản Pháp. Tuy nhiên, phần lớn các cuộc đấu tranh còn tản mạn, tự phát, thiếu tổ chức lãnh đạo và chỉ tập trung vào đòi quyền lợi kinh tế, quyền sống trước mắt, với các hình thức như: bỏ việc về quê, lãn công, đòi tăng lương, chống đánh đập. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của công nhân đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, công nhân mỏ thiếc – kẽm Cao Bằng, gạch Yên Thế, dệt sợi Nam Định. Song cũng có một số cuộc đấu tranh của công nhân có tinh thần dân tộc cao như phong trào đấu tranh ủng hộ nghĩa quân Yên Thế, tham gia biểu tình đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, phong trào để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh…Trong cao trào yêu nước những năm 1925 – 1926 ở Sài Gòn.
Từ khi chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá vào Việt Nam, số lượng các cuộc bãi công ngày một tăng và quan trọng hơn là bãi công có tính chất chính trị, có tổ chức lãnh đạo. Nếu như năm 1927 có 7 cuộc bãi công thì năm 1929 có đến 24 cuộc, năm 1930 là 30 cuộc với số lượng tham gia lên đến ngót 32.000 người. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và phong trào yêu nước từ năm 1925 đến năm 1929 là một điều kiện quyết định sự ra đời của tổ chức Cộng sản và Công hội Đỏ ở Việt Nam, đặc biệt là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.
Vừa rồi Luật Minh Khuê đã trình bày nội dung về Hình thức đấu tranh đầu tiên của công nhân chống lại tư sản là gì? Hy vọng đây sẽ là những thông tin bổ ích tới quý bạn đọc. Xin chân thành cảm ơn!