Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trong mùa Thu năm ấy
Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trong mùa Thu năm ấy
Mùa thu Cách mạng cách đây 66 năm, một trong những hình ảnh làm nức lòng người dân đất Việt và gieo nỗi khiếp sợ kinh hoàng cho bọn đế quốc thực dân cướp nước cũng như bè lũ tay sai bán nước là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng. Lá cờ đỏ sinh ra trong máu lửa khởi nghĩa Nam Kỳ; lá cờ đỏ sao vàng mà Bác Hồ đã hằng ấp ủ trong những đêm “không ngủ được” tại lao tù của bọn Tưởng Giới Thạch; lá cờ đỏ trong những ngày Cách mạng Tháng Tám sục sôi đã nâng lên thành “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”.
5 năm trước khi bùng nổ cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, tại đất Nam Bộ thành đồng, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay phần phật trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940)- một cuộc khởi nghĩa đã để lại cho lịch sử những bài học đáng nhớ. Cuộc khởi nghĩa bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố dã man; nhưng lá cờ đỏ sao vàng luôn hiện hữu trong trái tim nhiệt tình cách mạng của mỗi người, động viên nhân dân ta vững bước trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Và ông Nguyễn Hữu Tiến, người được Xứ ủy Nam Kỳ giao cho sáng tác mẫu cờ đã có những vần thơ như khắc vào lòng chúng ta qua thời gian và năm tháng: “Hỡi những ai máu đỏ da vàng/ Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc/ Nền cờ thắm máu đào vì nước/ Sao vàng tươi, da của giống nòi/ Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi/ Hỡi sỹ nông công thương binh/ Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”. Một năm sau (5-1941), Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã quyết định: sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp – Nhật sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ. Ngày 16-8-1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang), Đại hội Quốc dân được triệu tập. Đại hội đã tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng, lập ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định Quốc ca là bài “Tiến quân ca” và Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng. Liền sau đó, Hồ Chủ tịch đã gửi thư đến đồng bào cả nước, kêu gọi nhân dân nổi dậy tổng khởi nghĩa, giành chính quyền; trong đó có đoạn: “Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Ngày 17-8-1945, một lá cờ đỏ sao vàng có diện tích đến 48 mét vuông (6m x 8m) đã xuất hiện trước tiền sảnh Nhà hát lớn Hà Nội, tạo nên sự phấn khích to lớn của quần chúng thủ đô. Ông Trần Lâm – một trong hai người trực tiếp treo lá cờ đó – kể lại: “Cuộc mít tinh bắt đầu, khi lá cờ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim được kéo lên thì tôi và anh Nam cũng mở lá cờ đỏ sao vàng từ trên tầng hai buông xuống. Lá cờ to rộng, sáng chói, nổi bật trên cao. Sự kiện này làm đảo lộn tình thế. Tất cả những người dự cuộc mít tinh đều sững sờ. Trong tay họ đang cầm những lá cờ nhỏ tự nhiên giơ lên vẫy vẫy và hò hét như sấm”. Như một luồng điện cực mạnh, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám lan nhanh ra cả nước trong rừng cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay khắp nơi. Từ thành thị đến nông thôn, từ núi cao cho đến biển xa, sóng cờ cứ thế trào dâng. Những ngày ấy tươi mới trong lòng người. Đất nước như tập trung hiện bật lên trên lá cờ đỏ sao vàng. Nhà thơ Xuân Diệu, một nhà thơ lãng mạn, trong phút chuyển mình, đã nói về lá cờ một cách rất hình ảnh : “Chúng ta đã say ngọn quốc kỳ độc lập, tự do như say men rượu”. Và trong cơn say ngây ngất đó, nhà thơ đã viết nên bản trường ca tuyệt vời với một tinh thần say sưa, sảng khoái, ca ngợi đất nước tự do, ca ngợi Cách mạng Tháng Tám: “Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo/ Đưa tin mới khắp trên trời đất Việt/ Hoa cỏ đón mà núi sông cũng biết/ Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay/ Vàng huy hoàng sinh giữa thắm hây hây/ Thắm lộng lẫy nở quanh vàng rực rỡ/ Tất cả vải là một cười thắm đỏ/ Tất cả cờ là một cuộc triêu dương !” (Ngọn quốc kỳ). Bài thơ giàu chất tráng ca và hưng phấn cách mạng. Lá cờ là biểu trưng Tổ quốc – Đất nước – Dân tộc, là hiện thực đường lối chính trị của Đảng: “Có mấy bữa mà Việt Nam thắm cả/ Máu nén lâu từ ấy đã bùng ra/ Những cửa lều xơ xác cũng ra hoa/ Trên gốc cũ nẩy một chồi sống mới/ Cả anh dũng cũng tưng bừng trở lại/ Một trăm năm tan nát tựa sương mù”.
Có thể nói mùa thu ấy là mùa thu của sự đổi thay. Sự đổi thay của đất nước bắt đầu từ sự đổi thay của sắc cờ. Rồi sắc cờ Tháng Tám đã “lột xác” cả một thế hệ văn nghệ sĩ. Nhà thơ Xuân Diệu reo vui với ngọn quốc kỳ, rồi Thâm Tâm, Trần Huyền Trân trong nhóm “Tam anh” cũng sôi nổi, rạo rực hẳn lên. Những vần thơ lúc này lại ngồn ngộn sự sống – sức sống của một cuộc đời được bắt nguồn từ hình ảnh của lá cờ đỏ sao vàng: “Một sáng tung cờ đỏ / Bố về với súng gươm / Mừng lau hàng lệ rỏ / Mắt mẹ tan mù sương / Tám mươi năm bụi phủ / Mưa rào phút sạch trơn” (Bố về-Trần Huyền Trân). Cũng như người bạn tài hoa của mình, Thâm Tâm không những làm thơ với những vần thơ ánh những sắc cờ “Hồn thiêng khắp hết cõi bờ/ Sáng nay óng ánh trên tơ vải điều” mà còn sáng tác cả những vở kịch thơ dài, trong đó có “Lá cờ máu”. Lá cờ máu “kỷ niệm những anh chị và em nhỏ đã bỏ mình vì cố nêu cao lá cờ đỏ sao vàng”. Đặc biệt, với nhà thơ Tố Hữu, hình ảnh cờ đỏ sao vàng được thể hiện bằng những vần thơ sục sôi mãi nhớ: “Gió gió ơi ! Hãy làm giông làm tố / Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi / Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi ! / Ta vật ngã trong dòng người cuộn thác” (Huế tháng Tám). Và từ Cách mạng Tháng Tám “Chúng tôi đây / Lớp con cháu trên đường / Gươm tuốt vỏ súng cầm tay xốc tới / Ngọn cờ đỏ sao vàng bay phấp phới/ Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca” (Hồ Chí Minh). Một năm sau, nhân ngày Quốc khánh 2-9-1946, nhà thơ lại đưa ta trở lại với niềm vui ban đầu, với niềm “Vui bất tuyệt” với những hình ảnh thơ thật đẹp: “Ta đi đây, là trăm vạn thiên thần/Chiều chiến thắng phá tan quân quỷ sứ/ Ta đi dưới bốn ngàn năm lịch sử/ Đêm nay tràn hoa đỏ nhụy vàng tươi/ Ta đi đây, với thế kỷ hai mươi/ Mạch suối trẻ trong dòng người vô địch !”… Sau Cách mạng Tháng Tám, Pháp trở lại gây hấn, chúng xông lên giật những lá cờ của ta xuống, các chiến sĩ tự vệ, quân du kích, phụ nữ cứu thương, thiếu niên đã anh dũng hy sinh để treo lại lá cờ. Lá cờ đã thấm máu đào của những con người sẵn sàng chết để đổi lấy sự sống còn cho đất nước, quê hương.
66 năm rồi kể từ mùa thu năm ấy, thời gian hơn nửa thế kỷ, nhưng sao trong ta vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh rất đỗi tự hào và rất đỗi thiêng liêng ấy: “Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo/ Gió nước Việt biết bao là thỏa chí/ Vì đã được một lá cờ hùng vĩ/ Đẹp mà vui, giòn giã lại vinh quang/ Để sáng xuân đem đỏ lẫn cùng vàng/ Để trưa hạ gió pha thành ánh lửa/ Để thu tới dội sắc đào chan chứa/ Thổi cờ bay, thấy ấm cả lòng không”. 66 năm rồi mà “Cờ là đó. Việt Nam này vẫn đó/ Hồ Chí Minh, muôn thuở Tiến Quân ca/ Sáng muôn năm, nền Dân Chủ Cộng Hòa…” (Ngọn quốc kỳ-Xuân Diệu).
Nguyễn Thị Ý