Hiểu rõ về Room tín dụng và các trường hợp nên sử dụng
Nói đến các khoản vay hoặc các gói tín dụng, chắc chắn bạn không thể bỏ qua thuật ngữ “Room tín dụng”. Đây là một trong những phạm vi phân bổ giới hạn mức tín dụng bởi Ngân hàng Nhà Nước. Vậy Room tín dụng là gì? Cùng Anfin xem qua bài viết dưới đây nhé!
Room tín dụng là gì?
Room tín dụng là một thuật ngữ nói về phạm vi, giới hạn được quy định về mức cho vay hoặc cấp quyền tín dụng của ngân hàng. Việc giới hạn quyền cấp tín dụng cho biết phạm vi tài chính của người dùng được Ngân hàng cam kết cung cấp cho.
Bắt đầu từ năm 2011, Room tín dụng chính thức được ra mắt tại thị trường Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó, nền kinh tế có những biến động vô cùng lớn với tình trạng lạm phát diễn ra cực kỳ cao. Ngân hàng Nhà nước đã cho ra mắt room tín dụng đưa ra những quy định về việc tăng trưởng tối đa vào đầu mỗi năm. Việc này nhằm làm hạn chế tình trạng biến động trên.
Tỷ lệ các room khác nhau đối với các ngân hàng thương mại trong nước tùy vào mức quy định của ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ này được rút ra dựa vào tình hình tài chính cũng như việc quản lý tín dụng hiệu quả của các ngân hàng.
Các trường hợp của Room tín dụng
Nới Room tín dụng là gì?
Khái niệm này nói đến việc Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức giới hạn cho khoản vay của ngân hàng thương mại. Đương nhiên, khi hết room tín dụng thì ngân hàng thương mại không thể tiếp tục cho vay. Chính vào lúc này, ngân hàng thương mại sẽ có nhu cầu làm nới room. Qua đó, ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát và kiểm tra để xem có thể đáp ứng được nhu cầu này hay không.
Hết Room tín dụng là gì?
Hết room tín dụng hay còn được gọi là cạn room tín dụng, đây được dùng để nói đến trường hợp ngân hàng sử dụng hết mức giới hạn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước quy định và không có khả năng tiếp tục cho vay. Việc này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngân hàng nói chung cũng như các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu vay tín dụng nói riêng.
Tùy vào tình hình tài chính và khả năng quản lý tín dụng của một ngân hàng thì ngân hàng Nhà nước mới ban hành tỷ lệ phân phối room tín dụng. Nếu một ngân hàng thương mại có tỷ suất tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với giai đoạn cùng kỳ năm trước hoặc thấp hơn so với các ngân hàng thương mại khác nhưng cùng hệ thống thì cho thấy ngân hàng đó có mức rủi ro tài chính khá cao, giảm tỉ lệ cạnh tranh.
Các rủi ro tài chính này chủ yếu đến từ việc ngân hàng cho vay lớn gấp nhiều lần so với phần vốn chủ sở hữu và thường tập trung ở các ngành có rủi ro cao như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản,…
Lý do Ngân hàng Nhà nước quy định hạn mức room tín dụng
Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng
Tốc độ tăng trưởng của tín dụng đã từng đạt đến mức 30 – 50% trước khi có sự xuất hiện của room tín dụng. Đối với ngân hàng thương mại, mức tăng trưởng này vượt qua khả năng quản trị. Qua đó dẫn đến nhiều rủi ro ở lĩnh vực tài chính như làm mất cân đối vốn, tình trạng lạm phát xảy ra, mất khả năng thanh toán,… Nhờ room mà ngân hàng Nhà nước có thể đặt ra được một giới hạn an toàn, dễ dàng kiểm soát được tăng trưởng tín dụng.
Đảm bảo chất lượng tín dụng
Các ngân hàng sẽ nhận thức được khả năng cho vay, giới hạn được định mức tín dụng đối với từng khách hàng thông qua quy định của room tín dụng. Mọi tiêu chuẩn cho vay sẽ được đặt ra chặt chẽ hơn, điều kiện phải thông qua với những hồ sơ minh bạch, rõ ràng thông tin và đặc biệt không phát sinh nợ xấu.
Thêm vào đó, bên vay tín dụng là những đối tượng cá nhân, tổ chức còn chưa hiểu biết về room tín dụng sẽ nhận biết được giới hạn được vay tương ứng với tình hình tài chính của bản thân là bao nhiêu. Từ đó, họ có thể cẩn trọng trong việc sử dụng số tiền và phương thức sử dụng.
Ngoài ra, nhằm hạn chế sự tăng trưởng quá mức của một số lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán,.., ngân hàng Nhà Nước đã ban hành những chính sách siết room tín dụng.
Cách phân bổ room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước
Vào năm 2022, ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14% (theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022) bao gồm các quy định điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Dựa vào các yếu tố sau mà tỷ lệ 14% được xem như là mục tiêu định hướng:
- Năm 2021, tăng trưởng tín dụng thực tế đạt đến 13.61% so với 12.17% của năm 2020.
- GDP có mục tiêu tăng trưởng khoảng 6.5%.
- Tình trạng lạm phát khoảng 4% với ngân sách Nhà nước được dự toán (theo Nghị quyết số 34/2021/QH15).
Dựa vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, ngân hàng Nhà nước phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2022 trên hai cơ sở chính:
- Đầu tiên, hạn mức phân bổ sẽ được xác định dựa theo tình hình hoạt động của từng tổ chức tín dụng, các tiêu chí và cách tính điểm chi tiết (tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN)
- Tiếp theo, các yếu tố cụ thể hóa được chính sách và áp dụng các triết lý hoạt động của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể như các tiêu chuẩn để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho người dân và các doanh nghiệp, tiêu chí tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ ngân hàng yếu kém xử lý các vấn đề liên quan. Từ đó làm cơ sở để nâng hoặc giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Room tín dụng có vai trò khá quan trọng trong việc giới hạn được mức tăng trưởng tín dụng của các hệ thống ngân hàng Nhà nước. Bài viết đã làm rõ về room tín dụng là gì cùng những thông tin liên quan. Anfin hy vọng qua bài viết này bạn sẽ hiểu rõ được về các giới hạn tín dụng góp phần hữu ích trong quá trình đầu tư tài chính của bản thân.