Hiệu quả từ mô hình ghép nhãn Miền Thiết trên nhãn Hương Chi ở Giáp Sơn | KHUYẾN CÔNG BẮC GIANG

Nhờ thực hiện việc ghép cải tạo thành công giống nhãn Miền Thiết trên cây nhãn Hương Chi nên vụ nhãn năm nay, nhiều hộ dân ở xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã trúng đậm, nhờ thu nhập từ vườn nhãn tăng gấp đôi…

.So sánh chất lượng quả giữa nhãn Miền Thiết với nhãn Hương Chi

Gia đình ông Trương Văn Báo (dân tộc Sán Dìu) thôn Chão Mới, xã Giáp Sơn là hộ đã gắn bó với cây nhãn Hương Chi được hơn 20 năm. Tuy nhiên, đến đầu năm 2012, ông Báo đã thực hiện quyết định táo bạo – ghép cải tạo vườn nhãn 700 cây của gia đình sang giống nhãn Miền Thiết có chất lượng quả cao hơn. Theo đó, ông Báo đã cho cưa toàn bộ ngọn cây nhãn Hương Chi, chờ mỗi cây lên khoảng 60 cành ghép. Tiếp đó, ông đầu tư 60 triệu đồng mua cành giống nhãn Miền Thiết từ cây đầu dòng tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) về và thuê thợ ghép. Công đoạn này được thực hiện vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 8. Vì đây là khoảng thời gian có điều kiện thời tiết thuận lợi cho cành ghép có sự gắn kết tốt, khả năng sống cao và mầm nhãn phát triển khỏe.

Chỉ sau một năm thực hiện việc ghép cải tạo, nhờ được chăm sóc đúng khoa học kỹ thuật nên vụ năm 2013, vườn nhãn gốc Hương Chi, ngọn Miền Thiết của gia đình ông Báo đã cho bói quả được 7 tấn, bán được giá bình quân 20 nghìn đồng/kg, thu về 140 triệu đồng.

Đến vụ năm 2014, vườn nhãn ghép của gia đình ông Báo cây đã phát triển mạnh, cành ghép vươn dài hơn 50 cm và đặc biệt là hầu như cây nào quả cũng sai trĩu cành. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn nhãn đang chuẩn bị cho thu hoạch, ông Báo phấn khởi cho biết: Những cây nhãn to sẽ cho đến 60 kg quả, còn cây bé cũng được hơn 10 kg. Nếu chỉ tính trung bình 20 kg quả/cây, thì sản lượng nhãn nhà tôi cũng đạt 14 tấn quả. Mấy hôm nay, ngày nào cũng có 3 – 4 tiểu thương từ Quảng Ninh, Hải Phòng vào thăm vườn. Có người muốn đặt tiền mua nhãn cả vườn với giá bình quân 24 nghìn đồng/kg nhưng tôi chưa đồng ý bán.

Nói về việc thực hiện quyết định táo bạo của mình, ông Báo chia sẻ: Tôi đã làm nhãn Hương Chi nhiều năm, biết được ưu điểm và hạn chế của giống nhãn này nên khi so sánh với với giống nhãn Miền Thiết thấy không bằng được. Hạn chế của nhãn Hương Chi là: Ra quả hai loạt nên người trồng không được bán đồng đều; khi quả sai không vào cùi được sẽ thành nhãn nước và có nguy cơ chết cây; quả nhãn nhỏ nhẹ cân, vỏ quả mỏng hay bị nứt nên khó vận chuyển; hay bị mắc bệnh thán thư, sương mai (chổi rồng) ở cả hoa và quả. Còn nhãn Miền Thiết có ưu điểm hơn: Cây phát triển khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, nhất là bệnh chổi rồng; quả nhãn rất to cho năng suất, sản lượng cao, vỏ quả dầy, cùi dầy ăn ngọt và thơm được thị trường ưa chuộng và dễ vận chuyển; thời gian thu hoạch quả vẫn đang trong mùa mưa nên khi thu hái xong, chủ vườn bón phân cho cây phát triển kịp thời, không bị mất mùa cách năm.

Như vậy, nếu đem so sánh giá trị của vườn nhãn ghép này với giống nhãn Hương Chi trước đây cùng với số lượng 700 cây, thì giá trị đã tăng gấp đôi. Bởi mọi chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc đối với cả hai giống nhãn hầu như không thay đổi nhiều. (vườn nhãn Hương Chi của nhà ông Báo trước kia năm sai nhất cũng chỉ được 14 tấn quả, bán được giá bình quân 8 nghìn đồng/kg). 

Ngoài thu hoạch về quả, năm nay, ông Báo còn chiết được 800 cành nhãn Miền Thiết để vừa đáp ứng cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả của bà con trong và ngoài xã (giá 40 nghìn đồng/cành đã có người đặt mua hết), vừa phục vụ cho việc mở rộng diện tích nhãn của gia đình mình. Cuối năm nay, ông Báo sẽ thu hoạch và bán hết rừng bạch đàn rộng 1 ha để cải tạo lại đất trồng mới thêm 500 cây nhãn Miền Thiết.

Ở xã Giáp Sơn không chỉ có gia đình ông Trương Văn Báo áp dụng khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi thành công giống nhãn Hương Chi sang nhãn Miền Thiết cho hiệu quả kinh tế cao gấp đôi cùng trên đơn vị diện tích, mà còn nhiều hộ dân tộc Sán Dìu khác cũng đã thực hiện thành cách làm này. Tiêu biểu như các hộ gia đình: ông Tô Văn Hải, thôn Vành Dây có 300 cây, vụ này cho thu khoảng 7 tấn quả; ông Hoàng Văn Quán, thôn Vành Dây có 200 cây, cho thu hoạch hơn 4 tấn quả; ông Nguyễn Duy Chiu, thôn Lim có hơn 200 cây, thu hoạch khoảng 3 tấn quả… .

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Giáp Sơn cho biết thêm: Cách đây 5 năm, Hội Nông dân xã đã tham mưu cho Đảng uỷ, UBND xã tổ chức đoàn đại biểu nông dân xuống  tận Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên thăm và đặt vấn đề mua giống nhãn Miền Thiết về trồng nhằm phục vụ cho chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây ăn quả trên địa bàn xã. Đến nay, xã đã trồng được tổng cộng 20 ha nhãn bằng các giống Miền Thiết, Hương Chi và nhãn muộn Hà Tây (cũ). Diện tích trồng tập trung nhiều ở các thôn Cháo Mới, Chão Cũ, Lim và Hạ Long. Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ nhãn lồng đem lại nên Giáp Sơn đã xây dựng Đề án tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhãn chất lượng cao tăng thêm 30 ha đến năm 2016./.

 

 

 

Đức Thọ – Nguyễn Đoàn