Hiệu quả kinh tế từ mô hình rồng sắn dây.

 Hiệu quả kinh tế từ mô hình rồng sắn dây.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày này, nhiều hộ gia đình hội viên Nông dân, xã An Đồng (Quỳnh Phụ) huy động nhân lực khẩn trương thu hoạch sắn dây. Với giá bán từ 8.000 – 11.000 đồng/kg củ tươi, mỗi sào thu trên 12 triệu đồng.

Media/41_AnDong/FolderFunc/202204/Images/anh-nd-20220401041806-e.jpg

               Hội viên nông dân xã An Đồng đổi công giúp nhau thu hoạch sắn dây.

Toàn xã An Đồng có hơn 20 hộ trồng sắn dây, trước kia bà con nông dân chỉ trồng diện tích nhỏ lẻ. Từ khi được Hội Nông dân xã tuyên truyền vận động và xây dựng mô hình trồng sắn dây tại chi hội thôn Bắc Dũng, từ đó nhân ra diện rộng, Hội Nông dân xã đã chọn hộ gia đình hội viên Phạm Văn Toản để thực hiện mô hình trồng sắn dây. Sau khi nghiên cứu, học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn dây tại Hải Dương, Ông Toản đã đem những gốc sắn đầu tiên về trồng với hy vọng tạo ra mô hình phát triển kinh tế mới cho địa phương. Năm 2018, Ông Toản  đã thuê lại gần 4ha của trên 40 hộ dân với giá thuê 40kg thóc/sào/năm để cải tạo, đắp ụ, chôn cọc, lắp đặt giàn bằng dây thép để trồng sắn dây. Do là vụ đầu tiên nên Ông chỉ trồng 400 gốc, sau 10 tháng cho thu hoạch trên 40 tấn củ (loại củ to) bán cho thương lái và các cơ sở chế biến bột sắn dây, trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Năm 2019, gia đình Ông trồng mật độ dày hơn, gần 1.000 gốc, từ sau tết bắt đầu thu hoạch, năng suất dự kiến trên 50 tấn, với giá bán hiện tại 9.000 đồng/kg, trừ chi phí, Ông thu về trên 300 triệu đồng.

Ông Toản cho biết, sắn dây là loại cây dễ trồng, không kén đất, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, do là cây lấy củ nên muốn có năng suất cao, ngoài chăm sóc thì khâu đắp ụ, làm giàn cần phải đặc biệt quan tâm. Theo đó, thay vì trồng theo cách cổ truyền người dân vẫn thường làm, anh đắp đất thành ụ nổi cao trên 1m, đất trồng sắn dây trước khi đắp thành hình nón cụt được trộn đều với phân lân và NPK với liều lượng 9 – 12 kg/ụ. Bên trên ụ dùng cọc tre và dây thép để làm giàn cho sắn dây leo. Theo kinh nghiệm của Ông Toản, ụ trồng sắn dây phải to, bảo đảm cho củ sắn dây phát triển, đất phải mới, càng tơi xốp thì củ càng to. Giàn phải đủ cho dây sắn leo, tránh hiện tượng dây sắn trên giàn quá dày dẫn đến quang hợp kém. Đặc biệt, không để dây sắn chạm đất, sắn dây sẽ đâm rễ tạo gốc mới dẫn đến giảm năng suất, hiệu quả không cao. Với cách trồng này, cây sắn dây không chỉ cho củ to, đều mà còn giúp nông dân dễ thu hoạch. Về thời vụ trồng, nên trồng từ tháng 3 âm lịch để cây có thời gian tích lũy tinh bột cao nhất, sau 9 – 10 tháng cho thu hoạch. Thời điểm thu hoạch củ sắn dây tốt nhất là khi cây chuẩn bị rụng lá trên giàn, vì đây là thời điểm cây tích lũy hàm lượng tinh bột cao nhất và phải thu hoạch xong trước khi cây mọc mầm trở lại vì lúc này củ sắn dây sẽ không lớn thêm nữa mà tinh bột trong củ sẽ quay trở lại để nuôi cây.

Media/41_AnDong/FolderFunc/202204/Images/anh-nd-2-20220401041813-e.jpg

                     Mô hình trồng sắn dây của hội viên Phạm Văn Toản chi hội Bắc Dũng.

Từ mô hình của gia đình Ông Toản, Hội Nông dân xã đã triển khai đến các chi hội tuyên truyền vận động hội viên chuyển đổi sang trồng sắn dây, đến nay đã có hơn 20 hội viên tham gia, với diện tích 7 ha. Năm 2020 Hội Nông dân xã đã tổ chức thành lập tổ hợp tác trồng cây sắn dây với 12 thành viên tham gia, tổ hợp tác đã giúp nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm, chọn giống, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hoa, chi hội Đông Lễ Văn cho biết: Những năm trước tôi là người thu mua sắn củ của các hộ trồng sắn để chế biến tinh bột, thấy cây sắn dây phù hợp với đồng đất của quê mình và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã thuê và mượn 1,5 ha ruộng cấy lúa kém hiệu quả của các hội viên khác để trồng sắn, năm 2021 tôi trồng gần 500 ụ sắn dự kiến thu hoạch vụ xuân này sản lượng khoảng 30 tấn củ, trừ chi phí lãi khoảng gần 200 triệu đồng.

Theo Ông Nguyễn Văn Tú chi hội thôn Vũ Xá, năm nay sắn đẹp, hàm lượng tinh  bột cao và được giá hơn những năm trước, sản lượng không đủ cung ứng cho các thương lái từ các nơi về thu mua. Gia đình tôi trồng 2 mẫu, ông không bán cho thương lái mà thu hoạch đến đâu ông chế biến tinh bột bán mang lại hệu quả kinh tế cao hơn; Ông cho biết: Gía 1kg bột sắn bán từ 90.000 – 120.000 đồng, cứ 6 kg sắn củ sẽ chế biến được 1kg tinh bột. Với diện tích 2 mẫu trừ chi phí gia đình ông cũng thu khoảng 200 triệu đồng.

Media/41_AnDong/FolderFunc/202204/Images/anh-nd-3-20220401041819-e.jpg

                 Cơ sở chế biến tinh bột sắn của hội viên Nguyễn Văn Hoa chi hội Đông Lễ Văn

Để khuyến khích động viên hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hội Nông dân xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, những năm qua, xã đã tích cực thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn. Bên cạnh đó Hội Nông dân xã đã luôn theo sát và đồng hành cùng hội viên trong công tác quảng bá giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ sắn dây. Mô hình trồng sắn dây của các hộ gia đình hội viên là một hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục vận động các hội viên mở rộng diện tích trồng cây sắn dây, đồng thời gắn với chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trợ giúp hội viên xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của tinh bột sắn dây.

                                              Phạm Minh Tuấn – Hội ND xã An Đồng (QP).