Hiểu đúng về nữ quyền độc hại

Góc nhìn của bạn trẻ về nữ quyền độc hại

Với nhiều bạn trẻ, “nữ quyền độc hại” là cụm từ để chỉ những hành động đấu tranh vì nữ quyền nhưng theo hướng tiêu cực. Đó có thể là việc kêu gọi phụ nữ không làm việc nhà, phụ nữ phải là nhất, hạ thấp vị trí của nam giới… Đây là vấn đề được nhiều bạn trẻ tranh luận trên mạng xã hội.

Hiểu đúng về nữ quyền độc hại - 1

Một số bài viết về nữ quyền độc hại thể hiện quan điểm của các bạn trẻ về vấn đề này (Ảnh: chụp màn hình).

Bạn Nguyễn Linh Trang (sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: “Mình đã nhiều lần chứng kiến biểu hiện của nữ quyền độc hại, đặc biệt là trên không gian mạng xã hội. Trong đó, câu chuyện phổ biến nhất mình từng gặp chính là nhiều người cho rằng nữ quyền là cuộc chiến để thắng phái nam, vậy nên họ có tư tưởng hơn thua và hạ bệ phái nam bằng nhiều cách. 

Hiểu đúng về nữ quyền độc hại - 2

Bạn Nguyễn Linh Trang, sinh viên năm thứ 2 ngành Quan hệ công chúng, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ảnh: NVCC).

Theo mình, nguyên nhân là vì họ chưa hiểu rõ mục đích của phong trào nữ quyền, cộng thêm những bài viết thiển cận làm cho mất tỉnh táo. Bản chất nữ quyền không sai, đồng thời phụ nữ không cần và cũng không thể lấy nam giới làm thước đo cho việc khẳng định giá trị bản thân. Đàn ông và phụ nữ vĩnh viễn không thể giống nhau ngoài việc cả hai đều là con người và có nhân quyền”.

Cũng như Linh Trang, bạn Dương Hương Ly (sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng không ít lần bắt gặp những câu chuyện về nữ quyền độc hại khi lướt mạng xã hội.

Hương Ly chia sẻ: “Mình từng chứng kiến những người có tư tưởng như thế thông qua việc đọc bình luận trên mạng xã hội. Nó có rất nhiều biến tướng, ví dụ như có những bạn nữ cực kỳ bài xích việc ra mắt nhà người yêu phải rửa bát, quét nhà vì cho rằng “ở nhà được chiều như công chúa thì sao phải hầu nhà khác”, “khách thì không phải làm”…

Nếu dừng ở quan điểm cá nhân thì không sao nhưng một số bạn lại nâng cao lên thành thể hiện quyền lợi đáng có của phụ nữ thì mình không tán thành. 

Hay như khi thấy ảnh người đẹp trai, sẽ có các bạn nữ bình luận “Ôi rụng trứng”, “Em muốn sinh con cho anh”… và được coi là bình thường. Ngược lại khi các chàng trai bình luận về ảnh của một cô gái với nội dung: “Sinh con cho anh đi em”, “Nuột quá”…, thì chắc chắn bị coi là quấy rối tình dục, mặc dù bản chất các câu trên là như nhau. Theo mình thì tiêu chuẩn kép như vậy là biểu hiện của nữ quyền độc hại”.

Hiểu đúng về nữ quyền độc hại

Chị Mai Quỳnh Anh (quản lý chương trình tại TUVA Communication, đại diện dự án Nhà Nhiều Cột) cho hay, thực chất nữ quyền độc hại là một khái niệm không đúng.

Chị Quỳnh Anh chia sẻ: “Cụm từ nữ quyền độc hại được nhóm anti – feminism (nhóm chống đối phụ nữ) nghĩ ra nhằm bôi xấu, hạ bệ nữ quyền. Những tư tưởng như: con gái là nhất, con trai phải “đội vợ lên đầu”, bạn gái đòi hỏi người yêu vô lý, bạn gái không làm việc nhà… thì không thể coi là đấu tranh vì nữ quyền. Tôi cho rằng, đúng hơn thì đây là những đòi hỏi vô lý đội lốt nữ quyền.

Hiểu đúng về nữ quyền độc hại - 3

Chị Mai Quỳnh Anh cho hay, bản chất cụm từ nữ quyền độc hại đã là không đúng (Ảnh: FBNV).

Đây không phải là nữ quyền độc hại vì nó ngay từ đầu đã không phải là nữ quyền. Nữ quyền đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, giúp phụ nữ được cất tiếng nói và gây được nhiều ảnh hưởng hơn từ trong gia đình đến ngoài xã hội. 

Bản thân chữ nữ quyền độc hại cũng là một sản phẩm của nhóm chống nữ quyền tạo ra, khiến nhiều người hiểu nhầm về phong trào, từ đó họ tin rằng phong trào có thể gây hại cho xã hội. Họ gán những hành động méo mó, như việc đòi quà mỗi dịp 8/3 hay 20/10 là biểu hiện của nữ quyền, lên án những hành động đó, bảo rằng đó là nữ quyền độc hại với mục đích bêu xấu phong trào nữ quyền nói chung. 

Vậy nên, nếu bạn có vô tình nghe được đoạn phỏng vấn của một KOL nói rằng nữ quyền là “cổ lỗ”, “vớ vẩn”, nên dẹp nữ quyền vì chỉ toàn vòi quà 8/3 thì đó chính là một người hoàn toàn không hiểu gì về nữ quyền mà chỉ đang lợi dụng phong trào để đạt được mục đích riêng của họ”.