Hiệp ước Maastricht định hình EU

Ba trụ cột quan trọng

Theo trang mạng Europa.eu, Hiệp ước Maastricht với tên gọi chính thức là “Hiệp ước về Liên minh châu Âu”, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quá trình thành lập một liên minh chặt chẽ hơn giữa các quốc gia ở châu Âu, thông qua việc cung cấp cho các cộng đồng trước đây một khuôn mẫu chính trị. Văn kiện được ký ngày 7/2/1992 và có hiệu lực từ ngày 1/11/1993.

Hãng tin Euronews cho hay khi đó, đại diện 12 quốc gia thành viên châu Âu đã tập trung tại thành phố Maastricht của Hà Lan để liên kết tạo động lực mới cho dự án hội nhập kinh tế-chính trị vốn kéo dài hàng thập niên song chưa thể hoàn thành. Hiệp ước Maastricht ra đời vào thời điểm được cho là thuận lợi nhất đối với châu Âu, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô (trước đây) tan rã, nền dân chủ đạt được mức phổ biến rộng rãi. Chính bối cảnh đó đã thúc đẩy việc thiết kế lại EC, cộng đồng tính đến thời điểm đó chỉ chủ yếu tập trung vào việc xây dựng một thị trường miễn thuế, cố gắng ràng buộc vận mệnh các quốc gia thành viên và ngăn ngừa những cuộc xung đột vũ trang trong tương lai. Đại diện các nước Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh đã đặt bút ký Hiệp ước Maastricht, nhấn mạnh rằng đã đến lúc phải hướng tới mục tiêu cao hơn.

Việc Hiệp ước Maastricht có hiệu lực đã mang tới sự thay đổi lập tức cho người dân châu Âu. Cơ chế công dân EU tự động được cấp cho tất cả người dân của các nước thành viên liên minh. Theo đó, công dân EU có quyền di chuyển và cư trú tự do trong phạm vi toàn khối, tham gia bầu cử và ứng cử tại các cuộc bầu cử địa phương cũng như của khối tại quốc gia cư trú. Tình trạng pháp lý nhanh chóng trở thành một trong những thành tựu đáng quan tâm nhất của EU. Theo khảo sát năm 2021 của Eurobarometer, khoảng 72% dân số của khối cho biết họ cảm thấy mình là “công dân EU”. 

Ba trụ cột chính của EU được hình thành đã phản ánh mục tiêu đầy tham vọng của tiến trình nhất thể hóa châu Âu. Ủy ban, Nghị viện và Tòa án là những cơ quan thể chế có quyền lực cao nhất tạo nên trụ cột thứ nhất của Cộng đồng châu Âu. Bởi cộng đồng châu Âu dựa trên nguyên tắc chủ nghĩa siêu quốc gia, thay thế cho Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), giải quyết những vấn đề khác nhau như liên minh thuế quan, chính sách nông nghiệp, nghề cá, luật cạnh tranh và môi trường. Đây là những lĩnh vực mà châu Âu được hưởng năng lực cũng như quyền tự chủ ở mức độ cao hơn. 

Trụ cột thứ hai được hình thành theo Hiệp ước Maastricht hướng tới các chính sách an ninh và đối ngoại chung, một bổ sung sáng tạo cho quá trình ra quyết định của EU. Tuy nhiên, theo Euronews, do tính nhạy cảm chính trị của các vấn đề hiện tại mà các quyết định được thông qua trên cơ sở nhất trí của các quốc gia thành viên, với dường như rất ít hoặc thậm chí không có sự tham gia của Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu.

Trụ cột thứ ba tập trung vào sự hợp tác của cảnh sát và tư pháp đối với các vấn đề như khủng bố, buôn bán người và tội phạm có tổ chức. Việc ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới trở nên cấp thiết, nhất là sau khi Hiệp ước Schengen về tự do đi lại được ký kết năm 1985, theo đó dần bãi bỏ việc kiểm tra tại biên giới.

Hiệp ước Maastricht cũng đánh dấu bước tiến trong việc hướng tới thành lập đồng tiền chung châu Âu (euro). Trong khi Đan Mạch và Vương quốc Anh nhanh chóng phê chuẩn các ngoại lệ để rút khỏi đồng tiền chung, 10 quốc gia thành viên còn lại đã đồng ý tuân thủ những tiêu chí chính để giúp hội tụ các nền kinh tế vốn tồn tại nhiều sự chênh lệch. “Tiêu chí Maastricht” đã đặt ra các quy tắc về lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái, nợ công và vẫn sẽ được áp dụng với bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập liên minh đồng tiền chung. 

Những thách thức hiện hữu

Trong bài viết đăng trên CNN, tác giả Luke McGee đánh giá, năm 2022, EU sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn nhất từ trước đến nay. Sau hai năm đại dịch, các thay đổi trên mọi lĩnh vực ở quy mô toàn cầu đã gây ra vô số vấn đề cho toàn khối, nếu EU không có hành động nhanh chóng, các tác động sẽ trở nên tồi tệ hơn. Những vấn đề liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine ngày một nóng lên khi Nga tăng cường lực lượng ở biên giới, nguy cơ về các mối đe dọa thương mại từ Trung Quốc, cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới với Belarus… là những bài toán hóc búa với EU. 

Giới chức châu Âu cho rằng, những thách thức hiện hữu mà EU phải đối mặt cần được giải quyết ngay, nhưng thực tế lại chứng minh việc một liên minh hiện gồm 27 quốc gia thành viên với những ưu tiên khác nhau, để đạt được một chính sách đối ngoại chung là điều đặc biệt khó khăn Nhà nghiên cứu về chính trị EU R.Daniel Kelemen, tại Đại học Rutgers (Mỹ) nhận định, bất kỳ chính sách đối ngoại nào của EU đều phụ thuộc rất lớn vào quyết định của từng thành viên riêng lẻ. EU đưa ra hầu hết các quyết định lớn của khối trên cơ sở đa số tuyệt đối, song các quốc gia thành viên lại miễn cưỡng trong việc từ bỏ quyền phủ quyết với chính sách đối ngoại, vì thế về cơ bản, các đối thủ có thể kết nối với chính phủ các nước và biến họ thành “con ngựa thành Troy” trong lòng EU. 

Nữ chính trị gia Hà Lan Sophie in ‘t Veld, thành viên Nghị viện châu Âu (EP) cũng cho rằng, cách thức mà EU được thiết lập về cơ bản cản trở việc giải quyết các cuộc khủng hoảng. Ủy ban châu Âu (EC) có thể chủ động đưa ra sáng kiến như đã làm khi ứng phó đại dịch Covid-19 và đem lại kết quả tích cực, song về đối ngoại, EU lại không đưa ra được các quyết định nhanh chóng với sự đồng thuận cao như vậy.   

Đại dịch Covid-19 khiến nợ công tăng cao, kéo theo yêu cầu về cải cách mà nhiều người dân châu Âu cho rằng phải tiến hành từ lâu. Italy, Pháp và Tây Ban Nha hiện đang đi đầu trong việc thể hiện trách nhiệm sửa đổi “di sản Maastricht” và thiết lập các quy tắc linh hoạt hơn, có tính đến tác động của dịch bệnh cũng như những khoản đầu tư khổng lồ cần cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, “Bộ tứ Frugal” gồm Áo, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển, cùng với Phần Lan, Latvia, Slovakia và CH Czech lại yêu cầu các chính sách mang tính chuẩn mực, chứ không phải sự ngoại lệ. 

Thomas Wieser, cựu Chủ tịch Nhóm Công tác Eurogroup, một cơ quan tư vấn cho các bộ trưởng tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cho rằng bất chấp sự ra đời mang tính bước ngoặt của đồng euro, EU vẫn thiếu một liên minh tài chính, nơi các quyết định về thu và phân phối thuế được thực hiện bởi các thể chế chung, sau đó được thực thi bởi chính phủ các nước thành viên. 

Đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên EU năm 2022, Pháp đang thúc đẩy chương trình nghị sự nhằm củng cố sức mạnh của khối. Chuyên gia của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) cho rằng, Pháp sẽ đề xuất cải cách khu vực Schengen và thắt chặt luật nhập cư, vấn đề nan giải từ lâu đối với EU và ngày một trầm trọng thời gian gần đây. Paris cũng sẽ kêu gọi sửa đổi mức trần thâm hụt ngân sách theo tiêu chí của Hiệp ước Maastricht để khắc phục những hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời đưa ra mức thuế carbon tại biên giới các nước EU, nhằm tạo nguồn thu mới và thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu xanh của các quốc gia thành viên. Đẩy nhanh kế hoạch thông qua Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) do EC đề xướng cuối năm 2020 cũng sẽ góp phần đạt sự thống nhất về mặt luật pháp chung và củng cố vị thế của châu Âu trên thế giới.