Hiệp định TRIMs là gì? Nội dung và nguyên tắc cơ bản của hiệp định TRIMs

Hiệp định TRIMs là gì? Nội dung cơ bản của hiệp định TRIMs? Nguyên tắc của hiệp định?

    Bên cạnh các hiệp định về hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ trong WTO thì WTO còn xây dựng về hiệp định về các biện pháp đầu tư. Hiệp định này có tên gọi tắt là hiệp định TRIMs. Hiệp định TRIMs đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đầu tư quốc tế.

    Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

    1. Hiệp định TRIMs là gì?

    Hoạt động đầu tư nước ngoài xuất hiện khi có sự dịch chuyển tài sản như vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý từ quốc gia này sang quốc gia khác để thực hiện sản xuất, kinh doanh hoặc các hoạt động khác nhằm thu lợi nhuận hoặc đạt cá hiệu quả kinh tế, xã hội.

    Hiệp định TRIMs (Agreement on Trade-Related Investment Measures) hay còn gọi là Hiệp định các biện pháp đầu tư có liên quan đến thương mại, hiệp định quy định về các biện pháp đầu tư, quy định về nước nhận đầu tư đối với đầu tư nước ngoài, vấn đề tiếp nhận đầu tư giữa các nước….

    Hiệp định TRIMs được ký kết vào cuối vòng đàm phán Urugoay và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/1995. Đây chính là kết quả của bước thỏa hiệp ban đầu của quan điểm các nước phát triển và đang phát triển về việc đưa ra quy định điều chỉnh hoạt động đầu tư nhằm hạn chế trở ngại cho thương mại quốc tế.

    Hiệp định TRIMs điều chỉnh về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại hàng hóa, đây chỉ là một phạm vi nhỏ trong tổng thể các biện pháp đầu tư quốc tế.

    Hiệp định TRIMs ra đời nhằm tránh các tác động tiêu cực  của một số điều khoản của hiệp định GATT 1994 gây ra. Hiệp định ra đời nhằm thúc đẩy việc mở rộng, phát triển tự do hóa đầu tư và thương mại quốc tế, đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển kinh tế của các nước tham gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.

    Xem thêm: Phân tích các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế mới nhất

    2. Nội dung cơ bản của hiệp định TRIMs:

    2.1. Loại bỏ các biện pháp không phù hợp:

    Một nội dung quan trọng về tự do hóa đầu tư quy định trong Hiệp định TRIMs đó là việc loại bỏ những biện pháp không phù hợp theo quy định. Cụ thể là những quy định về việc cấm hoặc hạn chế việc áp dụng các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại. Điều 2, khoản 2 của Hiệp định quy định như sau : “Một danh mục minh họa TRIMs không phù hợp với các nghĩa vụ về đối xử quốc gia quy định tại Khoản 4, Điều III của GATT 1994 và nghĩa vụ loại bỏ chung các biện pháp hạn chế về số lượng quy định tại khoản 1 Điều XI của GATT 1994 được nêu tại Phụ lục của Hiệp định này.

    Những biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại không phù hợp với các nghĩa vụ về đối xử quốc gia tại Điều III của GATT 1994 được quy định trong đoạn 1, Danh mục minh họa nằm trong Phụ lục Hiệp định TRIMs, bao gồm những biện pháp mang tính bắt buộc hoặc được quy định tại luật quốc gia, các quyết định mang tính hành chính, các điều kiện mà chỉ khi tuân thủ các điều kiện này mới được hưởng một ưu đãi nào đó, những biện pháp đó có thể là:

    – Yêu cầu tỷ lệ hàm lượng nội địa Nước tiếp nhận đầu tư quy định việc sử dụng một số lượng nhất định đầu vào của địa phương khi sản xuất. Doanh nghiệp thay vì nhập khẩu từ nước ngoài, phải mua hoặc sử dụng các sản phẩm có xuất xứ trong nước hoặc từ một nguồn cung cấp trong nước. Đoạn 1 (a) của Danh mục minh họa hiệp định TRIMs không cho phép các quốc gia đưa ra yêu cầu buộc nhà đầu tư phải mua hay sử dụng sản phẩm từ một nguồn sản xuất trong nước cố định hay “từ bất kỳ nguồn sản xuất nào trong nước ”.

    – Yêu cầu về cân bằng thương mại: Doanh nghiệp chỉ được mua hoặc sử dụng các sản phẩm nhập khẩu trong một số lượng giới hạn, tính theo số lượng hoặc giá trị sản phẩm nội địa mà doanh nghiệp này xuất khẩu. Như vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu ít thì cũng nhập khẩu ít. Nếu doanh nghiệp chỉ sản xuất hàng trong nước thì sẽ rất khó khăn để nhập khẩu.

    Nhìn chung, trong cả hai trường hợp, những biện pháp này đều không phù hợp với khoản 4 Điều III GATT, khi đã tạo ra sự phân biệt đối xử, dẫn tới hạn chế đầu tư, gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhằm đảm bảo tự do hóa đầu tư, những biện pháp này thuộc diện không được áp dụng theo quy định của Hiệp định TRIMS

    Về những biện pháp không phù hợp với Điều XI GATT, thì đoạn 2  Danh mục minh họa nằm trong Phụ lục hiệp định TRIMS đề cập đến những biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại không phù hợp với nghĩa vụ loại bỏ chung các biện pháp hạn chế về số lượng được quy định tại khoản 1, Điều XI của GATT. Những biện pháp đó có thể là:

    – Các biện pháp hạn chế doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm nước ngoài phục vụ cho việc sản xuất trong nước. Đó có thể là hạn chế chung hoặc hạn chế dựa trên số lượng, giá trị hàng hóa mà doanh nghiệp đó xuất khẩu. Biện pháp này đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng đảm bảo khối lượng hoặc trị giá sản phẩm nhập khẩu tương đương với khối lượng, trị giá sản phẩm nội địa mà doanh nghiệp này xuất khẩu.

    – Các biện pháp hạn chế liên đến ngoại hối. Đoạn 2 Danh mục minh họa Hiệp định TRIMs mô tả một loại biện pháp làm hạn chế số lượng hàng hóa nhập khẩu, theo đó, giới hạn doanh nghiệp có thể được nhập khẩu bao nhiêu hàng hóa phụ thuộc vào số lượng ngoại tệ doanh nghiệp đó tạo ra. Điều XI của GATT quy định cấm các nước thành viên đưa ra bất kì một hạn chế nhập khẩu nào, bao gồm cả các giới hạn dựa trên lượng ngoại hối.

     WTO cũng hạn chế những biện pháp nhằm cân bằng cán cân thanh toán mà những nước thành viên có thể sử dụng. Cách hiểu về các điều khoản cán cân thanh toán của GATT 1994 đã chỉ ra rằng: thông thường, bất cứ biện pháp hạn chế nhập khẩu nhằm điều chỉnh cân bằng cán cân thanh toán đều chỉ tồn tại dưới dạng thuế, các khoản đặt cọc để nhập khẩu hoặc các biện pháp khác có tác động đến giá của hàng hóa. Các biện pháp hạn chế số lượng nhập khẩu là không phù hợp, trừ những trường hợp đặc biệt. Thêm vào đó, các biện pháp này phải được áp dụng cho tất cả các hàng hóa nhập khẩu chứ không phải chỉ riêng một vài mặt hàng xác định. Thành viên WTO áp dụng biện pháp cũng được yêu cầu phải tiến hành tham vấn với một ủy ban đặc biệt- chuyên về các biện pháp liên quan đến cân bằng cán cân thanh toán của WTO.

    – Hạn chế xuất khẩu

    Khoản 1 Điều XI GATT đồng thời cũng không cho phép các biện pháp hạn chế xuất khẩu hàng hóa. Đoạn 2 (c) của Hiệp định TRIMs đề cập đến các biện pháp liên quan đến việc xuất khẩu hay bán hàng hóa để xuất khẩu của doanh nghiệp. Hầu hết các hạn chế được đưa ra bằng việc yêu cầu các nguyên liệu thô trong nước phải được xử lý, gia công trước khi xuất khẩu. Bởi vì nhiên liệu thô không được xuất khẩu, giá thành sẽ thấp hơn so với giá trên thị trường quốc tế, có lợi cho ngành sản xuất trong nước. 

    2.2. Lộ trình thực hiện quy định liên quan đến tự do hóa của Hiệp định TRIMs của các nước đang phát triển:

    Đối với quy định về tự do hóa đầu tư, cụ thể là việc loại bỏ các biện pháp không phù hợp, Hiệp định TRIMs cho phép các quốc gia đang phát triển được tiến hành việc loại bỏ này theo một lộ trình. Khoản 2 Điều 5 Hiệp định TRIMs quy định, mỗi nước Thành viên phải loại bỏ các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại không phù hợp đã thông báo “trong vòng hai năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực đối với các thành viên phát triển, trong vòng năm năm đối với các thành viên đang phát triển và trong vòng bảy năm đối với thành viên kém phát triển ”. Như vậy, Hiệp định TRIMs cho các nước thành viên đang phát triển một khoảng thời gian là 5 năm để loại bỏ các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại không phù hợp tính từ ngày Hiệp định có hiệu lực (tức là đến 1/1/2000). Khoảng thời gian này đối với các nước thành viên kém phát triển là 7 năm (tính đến 1/1/2002). Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 5 Hiệp định TRIMs cho phép Hội đồng thương mại hóa của WTO có thể kéo dài thời hạn đối với các nước đang và kém phát triển, nếu những nước này có thể chứng minh việc đang gặp phải những khó khăn đặc biệt trong quá trình thực thi hiệp định.

    Xem thêm: Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam

    3. Nguyên tắc của hiệp định:

    Quy định về nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật đầu tư quốc tế nói chung và hiệp định TRIMs nói riêng, thì trong các nguyên tắc đầu tư quốc tế, hai nguyên tắc vô cùng quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đó chính là Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) và Nguyên tắc đối xử quốc gia (NT). Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ dành cho nhà đầu tư nước ngoài một sự đối xử không kém thuận lợi hơn đối với nhà đầu tư trong nước và/hoặc nhà đầu tư đến từ bất cứ quốc gia nào khác.

    Quy định về các nguyên tắc này góp phần tạo ra môi trường đầu tư công bằng, bình đẳng đồng thời thúc đẩu tự do hóa đầu tư, các quốc gia tiếp nhận đầu tư sẽ không được tự ý áp dụng các biện pháp hạn chế đầu tư mang tính phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhau.