HIỆN TƯỢNG VĂN MINH, NỀN VĂN MINH, VĂN MINH (M. MAUSS, 1929)
HIỆN TƯỢNG VĂN MINH, NỀN VĂN MINH, VĂN MINH (M. MAUSS, 1929)
Đưa lên mạng ngày 17-8-2019
Từ khóa: Văn minh (Khái niệm); Mauss, Marcel – Trích đoạn
HIỆN TƯỢNG VĂN MINH,
NỀN VĂN MINH,
VĂN MINH
(1929)
Tác giả: Marcel Mauss*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Văn minh là gì? Nhà xã hội và nhân học Marcel Mauss[1] phân biệt ba hiện thực, và ba nghĩa, của thuật từ này: A) trước hết, có những «hiện tượng văn minh», những hiện tượng vượt quá khuôn khổ của một xã hội nhất định, dù chỉ giới hạn vào nhóm các xã hội «sơ khai»; B) sau đó, có «những nền văn minh», với khu vực, vùng địa lý ít nhiều rõ ràng của mỗi thực thể; C) và cuối cùng, có sự «Văn Minh», một trạng thái không chỉ tồn tại trong huyền thoại mà có cơ sở trong hiện thực.
*
A) Hiện tượng văn minh chủ yếu là các hiện tượng quốc tế, phi quốc gia. Do đó, ta có thể định nghĩa chúng đối lập với các hiện tượng xã hội cụ thể của xã hội này hoặc xã hội kia: [đấy là] những hiện tượng xã hội chung cho các xã hội ít nhiều gần nhau – gần bởi sự tiếp xúc dài lâu, bởi môi giới thường trực, do dòng dõi từ một gốc chung. Như vậy, một hiện tượng văn minh, bởi định nghĩa cũng như theo tự nhiên, là một hiện tượng được trải rộng trên một khối dân cư lớn hơn bộ lạc, bộ tộc, lớn vương quốc nhỏ, lớn hơn liên minh các bộ lạc. (…)
B) Nhưng không chỉ những yếu tố của các nền văn minh, mà cả tự thân các nền văn minh nữa, cũng đều có những cá tính, hình thức cố định của chúng, và đối lập với nhau. Thậm chí chính là tất cả những nét riêng đó – những vay mượn, các sở hữu chung, những trùng hợp, và ngay cả sự từ chối liên hệ với các nền văn minh khác – đã đặc trưng hóa các nền văn minh.
Do đó, chúng ta có thể đề xuất định nghĩa sau về một nền văn minh: đây là một tập hợp đủ lớn những hiện tượng văn minh, bản thân chúng đủ nhiều và đủ quan trọng cả về khối lượng lẫn chất lượng; [đồng thời,] đây cũng là một tập hợp khá rộng bởi số lượng những xã hội biểu hiện chúng: nói cách khác, một tập hợp đủ lớn và đủ đặc trưng để có thể có nghĩa là, hay gợi ra cho tinh thần, một dòng họ xã hội hay một nhóm xã hội cùng gia tộc[2]. Hơn nữa, một gia tộc mà ta có những lý do thực tế để tạo lập: những sự kiện hiện tại và sự kiện lịch sử, về ngôn ngữ, khảo cổ và nhân học; những sự kiện cho thấy rằng các xã hội ấy đã từng tiếp xúc lâu dài hoặc có họ hàng với nhau. Một tập hợp những sự kiện, một tập hợp các đặc tính của những sự kiện này, tương ứng với một tập hợp các xã hội, nói gọn trong một từ, là một thứ hệ thống siêu xã hội bao gồm các hệ thống xã hội, đấy là thực thể mà chúng ta có thể gọi là một nền văn minh. (…)
C) Cuối cùng, các chính khách, triết gia, công chúng, và nhiều hơn ai hết, các nhà báo còn nói về «Văn Minh» nữa. Trong thời dân tộc chủ nghĩa, Văn Minh luôn luôn là văn hóa của họ, của quốc gia họ, bởi vì họ thường bỏ qua nền văn minh của người khác. Trong thời duy lý, và nói chung là phổ quát và toàn cầu theo phong cách của các tôn giáo lớn, Văn Minh là một thứ trạng thái vừa lý tưởng vừa hiện thực, vừa duy lý vừa tự nhiên, vừa là nguyên nhân vừa là mục đích cuối cùng, mà một sự tiến bộ không ai còn có thể nghi ngờ sẽ dần dần khai thông.
Về cơ bản, ý nghĩa này tương ứng với một trạng thái lý tưởng mà con người mơ ước đã từ hơn một thế kỷ rưỡi nay, khi họ suy nghĩ về chính trị. Thứ tinh chất hoàn hảo này chưa hề tồn tại bên ngoài một huyền thoại, một biểu tượng tập thể bao giờ. (…) Thế nhưng người ta được phép tin rằng sự đổi mới trong cuộc sống của chúng ta đã tạo ra một cái gì đó mới mẻ trong trình tự này. Đối với chúng ta, dường như trong thời nay, một cái gì đó tựa như sự «Văn Minh» đang dần dần trở thành hiện thực, lần này trong thực tế chứ không đơn thuần trong hệ tư tưởng nữa. Đầu tiên, mặc dù không một quốc gia nào biến mất, và bất chấp sự kiện là mọi quốc gia cũng chưa thành hình hết, một kho vốn liếng những thực thể và ý tưởng quốc tế được tích tụ và tăng lên mỗi ngày. Bản chất quốc tế của những hiện tượng văn minh này ngày càng đậm nét, trong khi số lượng của chúng ngày càng nhiều, càng lan rộng và nhân nhau lên. (…) Hãy dừng lại trên khái niệm vốn liếng chung, thành tựu chung của các xã hội và các nền văn minh. Chúng tôi cho rằng nó tương ứng với khái niệm «Văn Minh», hiểu như giới hạn của sự hợp nhất, chứ không phải như nguyên lý của các nền văn minh. Các nền văn minh này chẳng là gì cả, nếu chúng không được những quốc gia làm trụ chống đỡ cho chúng yêu quý và phát triển. Nhưng, giống như bên trong các quốc gia, tri thức khoa học, các ngành kỹ nghệ và nghệ thuật, thậm chí cả sự «ưu tú», rồi sẽ không còn là gia sản của các tầng lớp thiểu số nữa để trở thành một thứ ưu đãi chung trong các quốc gia lớn giàu, thì ở đây cũng vậy, những đặc điểm tốt đẹp nhất của các nền văn minh này sẽ trở thành tài sản chung của ngày càng nhiều nhóm xã hội. Thi sĩ và sử gia có thể tiếc nuối những hương vị địa phương. Có thể có cách để cứu chúng đấy. Dù sao, vốn liếng của nhân loại vẫn sẽ phát triển trong mọi trường hợp. Các sản phẩm, sự quy hoạch đất đai và bờ biển, mọi thứ đang ngày càng được xếp đặt hợp lý hơn, và khai thác cho thị trường lần này là toàn cầu. (…) Ông Seignobos* nói rằng một nền văn minh, đấy là đường sá, hải cảng, bến kè. Trong câu đùa này, ông đã tách riêng cái phần vốn công nghệ đã tạo ra nó. Nhưng cũng phải gộp vào đấy cả cái phần vốn lý trí đã tạo ra nó nữa: «lý trí thuần túy», «lý trí thực hành», «năng lực phán đoán» để nói như Kant. Ý niệm về một thành tựu đang lớn dần lên này, một tài sản trí tuệ và vật chất được chia sẻ bởi một nhân loại ngày càng hành động hợp lý hơn này, chúng tôi tin một cách chân thành rằng nó có cơ sở trong thực tế.
Marcel Mauss
Các Nền Văn Minh, Yếu Tố Và Dạng Thức,
Trg: Văn Minh: Từ Và Ý Niệm
(Les Civilisations: éléments et formes,
Trg: La Civilisation, le mot et l’idée,
Paris, Renaissance du Livre, 1930,
tr. 86, 88 & 103-105, passim).
[1] Marcel Mauss (1872-1950) nhà xã hội học và nhân học thuộc trường phái Durkheim, thường được xem là cha đẻ của ngành nhân học Pháp. Tác phẩm của ông được tập hợp trong: Sociologie et anthropologie (1950); Œuvres de Marcel Mauss (3 q., 1968-1969); Écrits politiques (1997). Mauss được biết đến nhiều nhất qua tiểu luận Essai sur le don, tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt. Xin trân trọng giới thiệu: Marcel Mauss, Luận Về Biếu Tặng, Nguyễn Tùng dịch (Hà Nội, nxb Tri Thức, 2011). NVK
[2] Chính trong nghĩa này mà chúng ta có thể nói tới một nền văn minh Âu châu, hoặc văn minh Tây phương.