Hiến máu ở đâu? Giải đáp thắc mắc thường gặp khi đi hiến máu
Cụm từ “hiến máu” có vẻ như là không còn quá xa lạ đối với mọi người. Tuy vậy, hiến máu ở đâu? Hãy cùng GiaiNgo giải đáp thắc mắc ngay dưới đây!
Hiến máu hay hiến máu tình nguyện là một hành động mang đậm giá trị nhân văn, là nghĩa cử cao đẹp giữa người với người. Đây là hành động thể hiện tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.
Vậy, hiến máu ở đâu? Sau đây, GiaiNgo xin giải đáp thắc mắc của các bạn về những địa điểm hiến máu, những điều người hiến máu cần biết trong bài viết dưới đây!
Mục Lục
Hiến máu ở đâu?
Các bạn có thể tham gia hiến máu ở một số các bệnh viện địa phương, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương; các địa điểm hiến máu cố định ở các địa phương hoặc là ở tại các chương trình hiến máu tình nguyện được tổ chức ở các trường học, đại học, khu quân sự,…
Hiến máu ở đâu Hà Nội?
Bạn có thể hiến máu ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung Ương (Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội). Hoặc bạn cũng có thể hiến máu tại các địa điểm sau:
- Điểm hiến máu cố định Quận Hoàn Kiếm (26 Lương Ngọc Quyến, Hà Nội).
- Điểm hiến máu cố định quận Thanh Xuân (132 Quan Nhân, Hà Nội).
- Điểm hiến máu cố định quận Đống Đa (số 10, ngõ 122 đường Láng, Hà Nội).
Hiến máu ở đâu TPHCM?
- Bệnh viện Truyền máu – Huyết học (118 Hồng Bàng, quận 5).
- Trung tâm Hiến máu nhân đạo (106 Thiên Phước, quận Tân Bình).
- Bệnh viện Chợ Rẫy (tầng 1, Trung tâm Truyền máu, 201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TPHCM).
Hiến máu ở đâu Nha Trang?
Bạn có thể đi hiến máu ở bệnh viện đa khoa – Khoa Huyết học (Địa chỉ: 19 Yersin, Lộc Thọ, Nha Trang, Khánh Hòa). Hoặc bạn cũng có thể hiến máu tại CLB Hiến máu tình nguyện của Nha Trang.
Hiến máu ở đâu Bình Dương?
- Hội chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương
- Các trung tâm Y Tế quận/huyện/xã
- Bệnh viện Columbia, phường Thuận Giao, Thuận An, tỉnh Bình Dương
Hiến máu ở đâu Biên Hoà?
- Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai (1048A Phạm Văn Thuận , Khu Phố 2 , Phường Tân Mai ,Thành Phố Biên Hòa , Tỉnh Đồng Nai).
- Hội chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai
Hiến máu ở đâu Bắc Ninh?
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh (Đường Nguyễn Quyền, Võ Cường, Bắc Ninh)
Điều kiện hiến máu
Các điều kiện để hiến máu:
- Người khỏe mạnh, hoàn toàn tự nguyện hiến máu.
- Tuổi: từ 18 – 60.
- Cân nặng: ≥ 42 kg với nữ và ≥ 45kg với nam. Lượng máu hiến mỗi lần không quá 9ml/kg cân nặng.
- Huyết sắc tố: ≥ 120 g/l.
- Không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác (vi rút viêm gan B, vi rút viêm gan C, giang mai…).
- Đã hiến máu lần gần nhất trước đó 12 tuần hoặc hiến thành phần máu lần gần nhất trước đó 3 tuần.
- Phụ nữ không có thai hoặc không nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi.
- Mang theo giấy tờ tùy thân: CMND, CCCD, hộ chiếu,… còn hiệu lực.
Cơ thể người có bao nhiêu lít máu?
Cơ thể người tùy thuộc vào kích thước và các yếu tố khác mà thể tích máu sẽ thay đổi khác nhau, nhưng trung bình thì:
- Một phụ nữ có khoảng 4,26 lít máu.
- Một người đàn ông có kích thước trung bình có khoảng 5,678 lít máu.
- Một đứa trẻ sơ sinh có 75 đến 80 ml máu trên mỗi kg (ml/kg) trọng lượng cơ thể.
Hiến máu có tốt không?
Hiến máu tốt cho cơ thể con người. Tuy nhiên hiến máu vừa có lợi mà cũng vừa có hại.
Lợi ích hiến máu
Hiến máu giúp cho máu lưu thông tốt hơn
Hiến máu thường xuyên có thể cải thiện dòng máu lưu thông, giảm tổn thương thành mạch máu và tắc nghẽn động mạch. Vì thế mà theo số liệu về dịch tễ học ở Mỹ, những người hiến máu ít có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hơn 88%.
Bạn hiến máu sẽ được khám sức khỏe miễn phí
Việc kiểm tra này sẽ giúp bạn an tâm nếu kết quả máu bạn vẫn bình thường. Hoặc bạn có thể kịp thời phát hiện các nguy cơ mắc bệnh để điều trị sớm hơn.
Khiến bạn tăng cân
Sau khi hiến máu, cơ thể huy động năng lượng, nguyên liệu để tái tạo lượng máu mới nên dễ khiến bạn ăn ngon miệng và ngủ ngon giấc hơn.
Tác hại hiến máu
Ngoài ra thì việc hiến máu sẽ gây ra một số tác hại nho nhỏ cho cơ thể như:
Có vết bầm
Khi kim đâm vào tĩnh mạch để lấy máu thường sẽ khiến bạn có vết bầm xung quanh chỗ kim đâm do máu tụ. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến bạn hơi nhức và sẽ chuyển sang màu vàng xanh và hết sau vài ngày.
Chảy máu
Thỉnh thoảng máu vẫn tiếp tục chảy sau khi đã băng sau vài giờ. Trường hợp này bạn nên ép mạch máu tại nơi kim đâm và nâng cánh tay lên cao trong 3 – 5 phút. Nếu máu vẫn không ngừng chảy, bạn nên đến khám bác sĩ ngay.
Đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi
Sau khi hiến máu bạn sẽ cảm thấy choáng váng và nhiều khi là buồn nôn nhẹ. Ăn uống và nghỉ ngơi sẽ giúp bạn giảm đi sự choáng váng, đau đầu nhẹ hay buồn nôn gây ra do hiến máu.
Những người không nên hiến máu
Những người không nên hiến máu bao gồm:
- Người đã nhiễm hoặc đã thực hiện hành vi có nguy cơ nhiễm HIV.
- Người đã nhiễm viêm gan B, viêm gan C, và các virus lây qua đường truyền máu.
- Người có các bệnh mãn tính: tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày,…
Quyền lợi của người tham gia hiến máu tình nguyện
Quyền lợi và chế độ đối với người hiến máu tình nguyện theo Thông tư số 05/2017/TT-BYT quy định:
- Được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí.
- Được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu (hoàn toàn bí mật): nhóm máu, HIV, virus viêm gan B, virut viêm gan C, giang mai, sốt rét.
- Được bồi dưỡng và chăm sóc theo các quy định hiện hành.
- Phục vụ ăn nhẹ tại chỗ: tương đương 30.000 đồng.
- Hỗ trợ chi phí đi lại (bằng tiền mặt): 50.000 đồng.
- Nhận quà tặng (bằng hiện vật) nhằm động viên, khuyến khích đối với người hiến máu toàn phần tình nguyện.
- Được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo tỉnh, thành phố.
Cách kiểm tra số lần hiến máu online
Bạn có thể kiểm tra số lần hiến máu online trên ứng dụng “HIẾN MÁU” do Viện Huyết học – Truyền máu trung ương phối hợp với Viettel thực hiện:
Bước 1: Cài đặt ứng dụng
Bước 2: Đăng nhập vào ứng dụng
Lựa chọn phương thức đăng nhập bằng tài khoản Google, Facebook hoặc số điện thoại. Nhận mã OTP qua tin nhắn điện thoại, nhập mã OTP để đăng nhập.
Bước 3: Cập nhật thông tin cá nhân
Một lưu ý nhỏ là số điện thoại và số chứng minh thư phải trùng khớp với thông tin đã cung cấp ở những lần hiến máu trước.
Bước 4: Sử dụng các chức năng của App
Truy cập vào mục “Lịch sử”, nhập mã Pin code đã đăng ký (mã pin này tương tự mật khẩu, bạn cần ghi nhớ và nhập chính xác thì mới có thể xem được kết quả hiến máu), chọn “Lần hiến máu” và xem chi tiết về hành trình đơn vị máu, kết quả hiến máu của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt lịch, đăng ký hiến máu, tìm địa điểm, kết bạn, tạo nhóm, cập nhập thông tin mới nhất về hiến máu.
Một số câu hỏi liên quan đến hiến máu nhân đạo
Hiến máu có mập không?
Theo khảo sát trên cơ sở các bạn hiến máu, hiến máu có thể gây tăng cân. Bởi vì sau khi hiến máu, cơ thể huy động năng lượng để tái tạo lượng máu mới nên sẽ khiến bạn ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc hơn.
Hiến máu có được ăn sáng không?
Trước khi hiến máu bạn nên ăn sáng đầy đủ và ngủ đủ giấc ở tối hôm trước. Trước khi hiến máu bạn không nên để bụng đói để tránh gây choáng váng, đau đầu, buồn nôn sau khi hiến máu.
Hiến máu có giảm cân không?
Hiến máu không thể so sánh với việc tập luyện để giảm cân nhưng việc hiến máu có thể giúp quá trình giảm cân của bạn hiệu quả hơn.
Bởi vì khi cơ thể bạn được cung cấp nhiều oxy hơn, mức năng lượng của bạn tăng lên và cơ thể bạn tự nhiên đốt cháy nhiều calo hơn trong các hoạt động hàng ngày.
Giá bán máu hiện nay? Hiến máu được bao nhiêu tiền?
Giá bán máu hiện nay sẽ dao động trong khoảng:
- Một đơn vị máu có thể tích 250ml: 195.000 đồng.
- Một đơn vị máu có thể tích 350ml: 320.000 đồng.
- Một đơn vị máu có thể tích 450ml: 430.000 đồng.
Khi bạn hiến máu sẽ được nhận số tiền tùy theo lượng máu mà bạn hiến:
- Một đơn vị máu thể tích 250ml: 100.000 đồng.
- Một đơn vị máu thể tích 350ml: 150.000 đồng.
- Một đơn vị máu thể tích 450ml: 180.000 đồng.
Trước khi hiến máu ăn gì?
Trước khi hiến máu bạn nên dùng thức ăn thanh đạm như cháo, bánh bao, bánh mì,… để cung cấp đủ năng lượng cho buổi hiến máu. Bởi vì bạn sẽ mất phần lớn lượng máu trong cơ thể nên nếu không ăn uống sẽ dễ gây các tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn,…
Ăn gì sau khi hiến máu?
Sau khi hiến máu bạn nên ăn các thực phẩm bổ sung sắt cho cơ thể như thịt bò, cá ngừ, trứng, các loại thịt gia cầm, gan động vật, rau bina, đậu Hà Lan, bông cải xanh, khoai lang,…
Hoặc bạn cũng có thể ăn các thực phẩm giàu vitamin C bởi vì vitamin C giúp cho cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, có lợi cho máu.
Thông qua những thông tin trên bạn đã có đầy đủ kiến thức về hiến máu, hiến máu ở đâu, điều kiện hiến máu và những lưu ý bạn nên biết khi đi hiến máu rồi nhỉ? Hãy chia sẻ bài viết này và đừng quên theo dõi GiaiNgo để “nâng cấp” kiến thức của mình nhé!