Hiểm họa môi trường từ việc sử dụng tràn lan túi nilon
Theo ước tính của cơ quan môi trường, trung bình mỗi tháng, tại đô thị, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 255 túi nilon, tương đương với 0,4kg 1 tháng; hằng năm, người Việt Nam sử dụng 12.000 tấn túi nilon và chỉ khoảng 17% trong số này được thu hồi sau khi thải bỏ để tái chế, số còn lại thải ra môi trường hoặc chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt.
Chỉ tính riêng tại thành phố Thanh Hóa, mỗi ngày, Công ty Môi trường và công trình đô thị thu gom hơn 300 tấn rác, trong đó có đến hơn 18 tấn là rác thải nilon. Những con số khủng khiếp trên là điều dễ hiểu khi túi nilon đang được sử dụng tràn lan từ hộ gia đình đến cửa hàng tạp hóa, các khu chợ tập trung và hệ thống siêu thị. Theo tìm hiểu của phóng viên, việc sử dụng túi nilon đối với người dân đang trở thành thói quen khó bỏ và hầu hết người dân chỉ quan tâm đến tính tiện dụng của nó mà ít quan tâm đến tác hại của túi nilon đối với môi trường.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, phải mất hàng thế kỷ, túi nilon mới tự phân hủy trong tự nhiên. Việc thải bỏ túi nilon tràn lan ra môi trường hoặc đốt ở nhiệt độ cao sẽ làm tắc nghẽn cống rãnh, ngập lụt, xói mòn đất, thoái hóa đất đai, ứ đọng nước thải, hạn chế sự phát triển của cây trồng, đặc biệt có thể gây ung thư, gây độc cho con người. Tại Thanh Hóa, đơn vị chịu trách nhiệm thu gom rác thải cũng cho biết, khi xử lý rác thải bằng cách chôn lấp, dù có sử dụng các chế phẩm chất lượng cao nhằm hỗ trợ quá trình phân hủy rác thì vẫn không thể xử lý triệt để được rác thải nilon. Điều này có nghĩa là khối lượng rác thải nilon khổng lồ được chôn lấp ngày hôm nay sẽ còn tồn tại đến hàng thế kỷ sau, tạo nguy cơ ô nhiễm môi trường lâu dài.
Rõ ràng, trước những tác hại tiêu cực từ việc lạm dụng túi nilon, cơ quan chức năng cần triển khai ngay các giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu việc xả thải nilon ra môi trường, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen sử dụng bao bì nilon của người dân./.
Tuyết Hạnh – Cao Tùng