Hệ số lương của giáo viên sẽ thay đổi ra sao khi Bộ sửa đổi chùm Thông tư 01-04? – Giáo dục Việt Nam

GDVN- Theo dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT thì hệ số lương giáo viên sẽ không thấp hơn lương hiện hành- cho dù phải xuống hạng.

Ngày 20/5/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT, ngày 02/2/2021 về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Theo dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT của Bộ thì hệ số lương giáo viên sẽ không thấp hơn lương hiện hành- kể cả những giáo viên phải xuống hạng thấp hơn. Những giáo viên có thời gian công tác khoảng 10-15 năm sẽ được cải thiện đáng kể.

Nếu dự thảo này mà được thông qua chính thức, văn bản được các địa phương, nhà trường áp dụng, triển khai vào thực tế sẽ góp phần cải thiện đời sống cho hàng trăm ngàn giáo viên hiện nay và chúng tôi cho rằng đây là điều cũng hoàn toàn phù hợp.

Bởi, đây là giai đoạn mà phần lớn giáo viên đã “đủ chín” về mọi mặt, họ đã khẳng định được tay nghề và đang có những đóng góp tích cực cho các nhà trường phổ thông trên cả nước.

Lương giáo viên phổ thông hiện nay đang được tính ra sao?

Theo Luật Giáo dục năm 2019 thì chuẩn trình độ giáo viên các cấp học phổ thông từ tiểu học đến trung học phổ thông là phải có trình độ đại học trở lên. Vì thế, những năm qua, khi được tuyển dụng vào làm viên chức ngành giáo dục, giáo viên sẽ bắt đầu từ hệ số lương 2,34.

Sau một năm thử việc, nếu giáo viên không bị kỷ luật hoặc không có thành tích đặc biệt xuất sắc thì cứ 3 năm lên một bậc lương. Vì vậy, sau 4 năm công tác thì giáo viên lên lương bậc 2, hệ số lương là 2,67; sau 7 năm công tác thì giáo viên sẽ được hưởng lương bậc 3, hệ số 3,0 và sau 10 năm thì lên bậc 4, hệ số 3,33…

Theo dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/2/2021 về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập mà Bộ vừa công bố thì ngưỡng hệ số lương 3,33 sẽ là cái mốc chuyển đổi về lương giáo viên.

Đó là: Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở khi chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới được chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A2.2 (4,0).

Những giáo viên đang được hưởng hệ số lương 2,34; 2,67; 3,00 (là trường hợp được bổ nhiệm hạng cao ngay sau tuyển dụng do có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định) và 3,33; 3,66; 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0.

Như vậy, trừ những giáo viên “có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định” thì đa số giáo viên hiện nay đạt chuẩn trình độ nên những giáo viên đang ở hệ số lương 3,33; 3,66; 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0 nếu như những nhà giáo này được chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới.

Vì thế, nếu so sánh với chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT, ngày 02/2/2021 thì dự thảo, sửa đổi lần này đã có sự khác biệt về việc xếp lương mới.

Riêng đối với những giáo viên từ hệ số lương từ 4,32 – 4,98 (những giáo viên có thâm niên cao) và những giáo viên trẻ dưới 10 năm có hệ số lương từ 2,34 – 3,0 thì 2 đối tượng này không có sự “nhảy cóc” về hệ số lương và trước mắt hệ số lương của những thầy cô này không có những thay đổi lớn.

Song, đối với giáo viên trẻ thì khi đạt hệ số lương 3,33, đạt giáo viên hạng II thì cũng được chuyển lên 4,0. Những thầy cô có thâm niên khi đạt trần hiện nay (hệ số 4,98) sẽ tiếp tục được tăng bậc lương cho đến hệ số lương là 6,38 (hệ số lương cao hơn trần hiện hành là 1,4).

Khi dự thảo này được công bố thì đã có những ý kiến so sánh giữa cách chuyển hệ số lương đối với những giáo viên có hệ số từ 3,33 – 3,99 lên hệ số 4,0 nhưng theo quan điểm của người viết thì cách chuyển như vậy là phù hợp vì họ đã đạt các tiêu chí để được chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới.

Việc “nhảy cóc” hệ số lương như vậy sẽ tạo nên động lực cho nhiều thầy cô giáo đang công tác ở các nhà trường. Hơn nữa, thực tế thì những thầy cô đang hưởng hệ số lương từ 3,33 đến 3,99 là lứa tuổi rực rỡ nhất của người thầy. Họ đã đủ kinh nghiệm, trải nghiệm vì đã có trên dưới 15 năm công tác và phần lớn những người này đang tràn đầy nhiệt huyết phấn đấu, cống hiến ở các nhà trường.

Lương mới của giáo viên sẽ ảnh hưởng ra sao khi áp dụng chính sách mới?

Khi chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/2/2021 ra đời cho đến nay nhiều giáo viên dưới cơ sở lo lắng vì nếu như không được chuyển từ hạng đang giữ sang hạng mới mà phải xuống hạng thì lương hàng tháng sẽ thấp đi.

Nhưng, như phần trên chúng tôi đã phân tích thì chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT và cả dự thảo, sửa đổi mà Bộ mới công bố ngày 20/5 vừa qua thì hệ số lương giáo viên vẫn được đảm bảo ở mức bằng và cao hơn.

Nếu giáo viên phải xuống hạng (từ hạng II – hạng nhiều nhất của giáo viên hiện nay xuống hạng III) thì hệ số lương vẫn được đảm bảo như hiện nay và có hệ số từ 2,34 đến 4,98.

Nhưng, những giáo viên từ hệ số 3,33 – 3,99 mà được chuyển sang hạng hạng II mới sẽ được hưởng lợi vì sẽ được chuyển sang hệ số lương 4,0.

Những giáo viên có thâm niên cao, trước đây có mức kịch trần là 4,98 thì nếu áp dụng theo bảng lương mới sẽ được tăng lên ngưỡng trần là 6,38. Như vậy, về cơ bản thì hệ số lương giáo viên đảm bảo mức bằng và cao hơn hiện hành.

Tuy nhiên, điều mà giáo viên đang nghĩ đến là nếu tới đây khi áp dụng bảng lương mới mà thâm niên nhà giáo bị cắt thì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đội ngũ nhà giáo trên cả nước. Bởi, theo Luật Giáo dục năm 2019 thì phụ cấp thâm niên nhà giáo sẽ bị cắt kể từ ngày 1/7/2020.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại (tháng 5/2022) thì phụ cấp thâm niên nhà giáo vẫn đang được duy trì như hàng chục năm nay.

Hy vọng, sau khi Bộ lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung cho chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT và được thông qua, được áp dụng dưới cơ sở, cùng với việc phụ cấp thâm niên của nhà giáo tiếp tục được duy trì như hiện nay sẽ cải thiện dần được đời sống nhà giáo.

Và, đây cũng là điều mà giáo viên mong muốn nhất vì cuộc sống của phần lớn giáo viên hiện nay vẫn đang còn khó khăn so với mặt bằng chung về tổng thu nhập hàng tháng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH