Hệ sinh thái 8 lĩnh vực của Vingroup

Khởi đầu với dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Nha Trang Resort, sau đó là Trung tâm thương mại Vincom Center Bà Triệu và 2 Khu đô thị Times City, Royal City, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) hiện đầu tư 8 lĩnh vực gồm bất động sản, du lịch nghỉ dường – vui chơi giải trí, bán lẻ, công nghiệp, công nghệ, y tế, giáo dục và nông nghiệp. Hệ sinh thái của Vingroup đang dần phủ kín toàn bộ nhu cầu sống của một con người.

Các sản phẩm và dịch vụ của Vingroup. Ảnh: Vingroup.

2018 là năm đánh dấu nhiều cột mốc của Vingroup khi tập đoàn công bố tham gia nhiều mảng mới như công nghệ, dược phẩm và mở rộng lĩnh vực giáo dục bằng việc khởi công Đại học VinUniversity.

Vớicông nghệ, tập đoàn thành lập VinTech nhằm nghiên cứu và phát triển công nghệ, tập trung vào các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và vật liệu mới. Đơn vị này mở công ty con VinTech Hàn Quốc có trụ sở tại thành phố Daegu, Hàn Quốc vào đầu tháng 3.

Tỷ lệ biểu quyết của Vingroup tại các công ty con tính tới 31/3/2019.

Nguồn: Tổng hợp BCTN và BCTC

Quay trở lại lĩnh vực đầu tiên của Vingroup là du lịch, nghỉ dưỡng. Hiện tại, 2 thương hiệu Vinpearl, Vinpearl Golf với 16.400 phòng khách sạn và biệt thự biển, 31 cơ sở khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng và 4 sân golf. Đây là hệ thống khách sạn 5 sao lớn nhất Việt Nam.

Trong khi đó, hệ thống Vinpearl Land ở Hội An, Nha Trang, Phú Quốc, Times City (Hà Nội) đón 4,9 triệu lượt khách trong năm 2018.

Khu Vinpearl Nha Trang. Ảnh: Vingroup.

Bất động sản vẫn đóng góp doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho Vingroup với 4 dòng thương hiệu chính hiệu gồm Vinhomes – hệ thống căn hộ, biệt thự và nhà phố thương mại; Happy Town – nhà ở cho người thu nhập thấp; Vincom Retail – trung tâm thương mại, mua sắm, vui chơi giả trí; Vinoffice – hệ thống văn phòng cho thuê cao cấp. Đây là lĩnh vực duy nhất trong hệ sinh thái của Vingroup sinh lời trong năm 2018 khi các lĩnh vực khác đang trong giai đoạn đầu tư.

Vinhomes đang có 17 dự án vận hành tại 6 tỉnh gồm Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, với hơn 46.800 căn hộ, biệt thự và nhà phố. Công ty sở hữu quỹ đất lớn nhất Việt Nam với 16.400 ha, theo số liệu cập nhật từ báo cáo của Chứng khoán Bản Việt tháng 6/2018.

Trong khi đó, Vincom có 66 trung tâm thương mại với 1,5 triệu m2 diện tích bán lẻ.

Năm 2012 và 2013, Tập đoàn lần lượt tham gia vào 2 lĩnh vực y tế và giáo dục với 2 thương hiệu Vinmec và Vinschool. Gần đây, với việc tham gia vào bán lẻ dược phẩm VinFa và giáo dục bậc đại học VinUni cho thấy sự mở rộng của Vingroup trong 2 lĩnh vực hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận.

Vinschool sau 5 năm trở thành hệ thống giáo dục lớn nhất Việt Nam với 26 cơ sở với 23.000 học sinh và ghi nhận doanh thu gần 1.500 tỷ đồng trong năm 2018.

Vinmec phát triển lên 7 bệnh viện đa khoa quốc tế, 4 phòng khám, 1.650 giường bệnh và 2.600 bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng viên. Chuỗi bán lẻ VinFa mới thành lập đã có 11 nhà thuốc tại Hà Nội.

Hệ thống bệnh viện Vinmec. Ảnh: Vingroup.

Trong mảng bán lẻ, sau khi mua lại hệ thống OceanMart và đổi tên thành VinMart năm 2014, chuỗi bán lẻ của Vingroup hiện có quy mô lớn nhất Việt Nam. Với chiến lược phát triển, kết hợp mua lại các đơn vị khác như Fivimart, Vienthong A, Shop&Go… hệ thống bán lẻ của tập đoàn bao gồm chuỗi VinMart, VinMart+, VinPro, VinFa và trang thương mại điện tử Adayroi đạt 2.080 điểm với 137 triệu lượt khách tới tháng 2.

Năm 2015, Vingroup tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Hiện VinEco sở hữu 14 nông trại trên diện tích đất canh tác 3.300 ha. Các sản phẩm chính thương hiệu VinEco chủ yếu là rau, củ, quả hữu cơ.

Công nghiệp – một trong những lĩnh vực mới nhất đang nhận được chú ý khi Tập đoàn này công bố đầu tư tổ hợp ôtô và xe máy điện trị giá 3,5 tỷ USD tại Cát Hải (Hải Phòng) năm 2017. VinFast đã ra mắt 3 mẫu ôtô Lux SA2.0, Lux A2.0 và Fadil, cùng mẫu xe máy Klara. Dự kiến trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ sản xuất 250.000 ôtô và 200.000 xe máy điện mỗi năm. Theo BCTC hợp nhất quý I, Vingroup đã đầu tư 30.968 tỷ đồng vào VinFast, tăng 16% so với cuối năm 2018.

Mẫu xe Lux A2.0 của VinFast. Ảnh: VinFast.

Năm 2018, Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam tiếp tục mở rộng lĩnh vực y tế với việc tham gia mảng dược phẩm với thương hiệu VinFa – với mục tiêu ban đầu là sản xuất thuốc.

Cùng năm, Vingroup tiếp tục ra mắt dòng điện thoại thương hiệu Vsmart, mảng tiếp theo trong lĩnh vực công nghiệp. Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ trong tương lai công nghiệp nặng sẽ làm một trong những mảng đóng góp doanh thu chính của công ty, bên cạnh bất động sản và bán lẻ.

Với 8 lĩnh vực mà Vingroup hiện diện, khách hàng của tập đoàn này gần như có thể sử dụng toàn bộ dịch vụ đồng bộ trong hệ sinh thái. “Con đường mà Vingroup có những nét tương đồng Samsung của Hàn Quốc”, ông Kwon Young-jin, thị trưởng thành phố Daegu từng chia sẻ tại buổi lễ khai trương VinTech tại Hàn Quốc.

Mặc dù là một trong các doanh nghiệp niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam (32.756 tỷ đồng), Vingroup chỉ có 1 cổ đông lớn (sở hữu trên 5% cổ phần) là Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng với tỷ lệ sở hữu trực tiếp là 26,74% và qua Tập đoàn đầu tư Việt Nam là 32,51%.

Tuần trước, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu VIC phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce. Ước tính tập đoàn Hàn Quốc sẽ “rót” 1 tỷ USD để sở hữu 6,15% sau khi Vingroup hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ.

Hôm nay, Vingroup sẽ họp ĐHCĐ thường niên 2019 trình kế hoạch doanh thu thuần 140.000 tỷ đồng, cao hơn 15% so với năm trước và lãi sau thuế 6.500 tỷ đồng, tăng 5%.

Lê Hải