Hành trình đưa người lạc lối trở về


QĐND Online – Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, một số phần tử chống đối được sự hà hơi tiếp sức từ các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn ráo riết hoạt động, phá hoại công cuộc sản xuất của nhân dân, tạo ra bất ổn, mất an ninh trật tự kéo dài ở Tây Nguyên. Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ban hành ngày 2-2-1977, có đoạn nhấn mạnh: “Truy quét hết FULRO là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải vừa giải quyết kịp thời và giải quyết một cách cơ bản, vững chắc thì mới có thể xây dựng và phát triển Tây Nguyên về mọi mặt, xứng đáng với vị trí chiến lược của địa bàn này”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng như thế, nhưng Chỉ thị số 04-CT/TW cũng chỉ rõ, phải đặc biệt coi trọng chính sách khoan hồng, thể hiện rõ sự nhân văn của Đảng, Nhà nước, tấm lòng nhân ái của nhân dân các dân tộc đối với những người từng lầm đường, lạc lối. Suốt 44 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền cùng quân và dân tỉnh Gia Lai – mảnh đất một thời “nóng” nhất Tây Nguyên vì các vấn đề liên quan tới FULRO, “Tin lành Đề-ga” (TLĐG), tà đạo nổi lên… đã có những cách làm hết sức sáng tạo, nhân văn, đúng với đường lối, phương châm chỉ đạo của Đảng, cảm hóa được hàng nghìn người; đưa họ trở về địa phương, an tâm lao động, sản xuất, đóng góp tích cực cho gia đình, quê hương Gia Lai.

  

Trong chuyến đi thực tế cuối tháng 4-2021, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã gặp nhiều người từng đi theo FURO, TLĐG, tà đạo, nay đã hối cải, chăm chỉ làm ăn, trở thành công dân tốt, thậm chí có người trở thành cốt cán trong phong trào đoàn kết, sản xuất ở địa phương. Chúng tôi cũng được chứng kiến những cách làm nhân văn, hiệu quả bền vững, thể hiện rõ chính sách khoan hồng, nhưng cũng rất chặt chẽ, nghiêm khắc của tỉnh Gia Lai trong công tác giáo dục, quản lý, giúp đỡ những người từng lầm đường để họ tiến bộ, thực sự hòa nhập tích cực với cuộc sống mới ở địa phương, không còn tư tưởng chống đối, phá hoại, tiếp tay cho các thế lực thù địch.

Gia Lai là một trong những tỉnh đi đầu trong thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong bức thư Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam vào ngày 19-4-1946, có đoạn viết: “… Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta”.

 

Tại cuộc làm việc với Công an tỉnh Gia Lai để tìm hiểu thực tế, PV Báo QĐND được Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Gia Lai là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội cả khu vực Tây Nguyên rộng lớn, là tỉnh trọng điểm về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Nhiều năm qua, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách duy trì hoạt động của các tổ chức phản động như FULRO, các hội nhóm truyền giáo bất hợp pháp; lợi dụng vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, thần quyền để lôi kéo người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết để thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga”, “Tin lành Đề-ga”… phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc ở Gia Lai, làm bàn đạp để gây rối loạn toàn bộ khu vực Tây Nguyên; tác động vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triệt để lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo; các mâu thuẫn trong vùng đồng bào dân tộc để tuyên truyền tư tưởng ly khai, kích động gây chia rẽ; phục hồi tổ chức, phát triển lực lượng.

Về sự nguy hiểm của FULRO, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn dẫn lại các nội dung trong Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 2-2-1977 (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 38, năm 1977, trang 26-33, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2005), về việc tiếp tục phát động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị, truy quét FULRO, bảo vệ an ninh chính trị ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Khu V cũ, cho tôi thấy rõ những âm mưu của lực lượng FULRO đã sớm được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ ra: “FULRO là một tổ chức phản động do đế quốc Pháp và Mỹ thành lập, nuôi dưỡng và trang bị, nhằm thực hiện âm mưu lâu dài và thâm độc của chúng là lợi dụng một bộ phận dân tộc ít người, chia rẽ các dân tộc ít người với nhau và với người Kinh để duy trì ảnh hưởng của chúng ở vùng Tây Nguyên và thực hiện kế hoạch phá hoại cách mạng Việt Nam. Mặt phức tạp trong vấn đề FULRO là bọn cầm đầu phản động tay sai đế quốc, với sự tiếp tay của đế quốc Mỹ, đã dùng chiêu bài “dân tộc” lừa gạt được một số đồng bào dân tộc ít người, và lợi dụng tôn giáo, thần quyền mê hoặc và khống chế quần chúng, gây bạo loạn, phá rối an ninh chính trị, chống lại cách mạng”.

Triệt để chấp hành Chỉ thị trên, nhiều năm qua cấp ủy, chính quyền cùng lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai đã có những cách làm nhân văn, sáng tạo nhằm giải quyết một cách cơ bản, lâu dài; gắn liền với việc thực hiện chính sách của Đảng đối với dân tộc, đối với tôn giáo; các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Tích cực giáo dục quần chúng, làm cho đồng bào các dân tộc ít người nhận rõ âm mưu, thủ đoạn, tội ác bán nước, hại dân của các thế lực phản động…; cố gắng cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân các dân tộc; tích cực xây dựng cơ sở đảng, chính quyền, các đoàn thể, xây dựng lực lượng an ninh, lực lượng vũ trang vững chắc… xóa bỏ tận gốc mọi chỗ dựa của địch.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, ngoài những biện pháp toàn diện, cứng rắn, khoa học, rất cần tính nhân văn trong các chính sách để giúp các đối tượng lầm đường lạc lối hiểu rõ sai trái mình đã mắc phải; hiểu rõ chính sách khoan hồng của Đảng mà hối cải thực sự, tiến bộ và trở lại với cuộc sống.

leftcenterrightdel

Lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai luôn bám sát địa bàn để không xảy ra các tình huống bất ngờ. 

Trong cuộc trao đổi kéo dài với Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, được biết, tuy các tổ chức phản động đã bị khống chế, nhưng tàn dư của chúng ở trong và ngoài nước thì chưa dứt hẳn. Dưới sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch, số đối tượng FULRO lưu vong đã thành lập một số tổ chức như Quỹ người Thượng, vận động để thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga tự trị” tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên… Sau khi kẻ cầm đầu là Ksor Kơk được cho là đã chết (PV), thì những kẻ tiếp nối vẫn tiếp tục tăng cường chỉ đạo các đối tượng nội địa tập hợp lực lượng thông qua các tổ chức phản động như “Nhà nước Đề-ga”, “TLĐG” để kích động tổ chức biểu tình ở bên trong, gây rối như đã từng làm vào các năm 2001 và 2004. Vì vậy, những chỉ đạo mang tính chiến lược của Trung ương Đảng vẫn còn nguyên tính giá trị thời sự ở Gia Lai.

 

Xác định việc quản lý, giáo dục để giải quyết cơ bản vấn đề tư tưởng cho các đối tượng lầm đường lạc lối đang cư trú trên địa bàn Gia Lai tái hoạt động là một nhiệm vụ quan trọng, ngày 9-12-2015, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 153/CT-UBND và ban hành Quyết định số 44/QĐ-UBND, ngày 25-4-2016 về tăng cường quản lý giáo dục đối tượng FULRO và những người lầm đường lạc lối.

Trong 5 năm triển khai, đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, tính tới tháng 12-2020, trên địa bàn toàn tỉnh còn hơn 1.000 đối tượng đang nằm trong diện quản lý, giáo dục tại cộng đồng, giảm 43%; địa bàn có đối tượng phải quản lý giảm từ 315 làng/122 xã năm 2016 thì nay chỉ còn 237 làng/93 xã. Trong quá trình thực hiện, toàn tỉnh đã huy động hàng vạn lượt cán bộ cấp ủy chính quyền, mặt trận, đoàn thể, những người có uy tín, chức sắc tôn giáo, thân nhân những người lầm đường cùng tham gia công tác quản lý, cảm hóa các đối tượng.

Hầu hết những người làm nhiệm vụ này được tham dự các lớp tập huấn quản lý, giáo dục do các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai mở. Cụ thể trong 5 năm, từ 2016 tới 2021, có 58 lớp tập huấn cho 5.685 cán bộ, người uy tín được học tập để tham gia công tác quản lý, giáo dục các đối tượng lầm đường.

Sau khi những người này đi tập huấn về, lại mở tiếp các lớp ở cơ sở. Trong 5 năm qua, tỉnh Gia Lai mở được 330 lớp cảm hóa, giáo dục. Sự tận tâm của hàng trăm, hàng nghìn lượt cán bộ trong toàn tỉnh Gia Lai đã từng bước nâng cao nhận thức của các đối tượng từng lầm đường, giúp họ hiểu về sự nhân văn trong các chính sách của Đảng và Nhà nước… cảm hóa hàng nghìn đối tượng từ bỏ suy nghĩ tham gia các hội nhóm phản động, các hành động chống đối, yên tâm làm ăn phát triển kinh tế, giúp đỡ gia đình, giữ yên địa bàn cư trú.

leftcenterrightdel

Lực lượng Quân đội, Công an tận tình giúp đỡ nhân dân trong sản xuất và cuộc sống.  Trong khối ảnh: Ông Ybome, còn có biệt danh khác là Zana, Ama H’Bun, Y Băm, Yo, từng được các thế lực phản động tự phong tới vị trí “tỉnh trưởng Gia Lai” nay đã trở thành người có uy tín ở địa phương

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn giới thiệu cho tôi một nhân vật điển hình ở Gia Lai, là một trong những đối tượng từng cầm đầu FULRO ở Gia Lai, nay đã được cảm hóa, trở thành một người có uy tín ở địa phương, tự nguyện vận động những người còn có tư tưởng muốn đi theo FULRO hay TLĐG. Người mà Đại tá Sơn nói đến là ông Ybome, còn có biệt danh khác là Zana, Ama H’Bun, Y Băm, Yo, từng được các thế lực phản động tự phong tới vị trí “tỉnh trưởng Gia Lai”, trực thuộc cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị”.

Theo lời giới thiệu của Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, tôi tìm tới trụ sở công an huyện Đăk Đoa, nhờ các đồng chí công an địa bàn đưa xuống nhà ông Y Bome (Zana) ở làng Rai, xã Hà Bầu. Chiếc xe dừng lại trước cổng một căn nhà không quá lớn, nằm giữa vườn cây với nhiều loại cây công nghiệp đặc trưng của vùng này. Người đàn ông sinh năm 1956 có khuôn mặt khắc khổ, từng trải tạm dừng việc cho hai con bò đang ăn, chào hỏi đồng chí cán bộ an ninh thân thiết như người nhà, rồi ông đưa tôi đi thăm căn nhà cũng khá đầy đủ tiện nghi, trên tường chụp nhiều bức hình ông đã đi tham quan ở Hà Nội, bằng Gia đình văn hóa, một số hình ảnh của con cái…

Zana cởi mở chia sẻ: “Những bức hình chụp ở Lăng Bác là lần tôi cùng các già làng, trưởng bản uy tín ra Hà Nội tham quan; bức hình chụp con tôi là lúc cháu vừa tốt nghiệp đại học”. Nói tới đây ông như lắng lại, đôi mắt buồn xa xăm, ngấn lệ. Tôi thấy lạ, bởi như các đồng chí an ninh đã giới thiệu, người đàn ông ngồi trước mặt tôi từng theo FULRO và được chúng tự phong tới chức “tỉnh trưởng”, sao có thể dễ xúc động vậy. Tôi hỏi: Hình như việc học của con của chú chắc vất vả lắm, nên chú mới xúc động như vậy. “Đúng đấy! Cháu học đại học khi tôi đang chấp hành án tù. Cháu được học hành nên người đều có sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền đó”, Zana nói.

Rồi Zana bắt đầu kể: Thời kỳ năm 1975-1976, đi theo FULRO, rồi bị bắt, đưa đi cải tạo ở huyện Mang Yang. Năm 1978 – 1991, trốn trại và tiếp tục trốn vào rừng theo FULRO.  Thời kỳ này tổ chức phản động FULRO phong cho ông là đại úy, tham mưu trưởng quân khu 1, FULRO III. Tháng 7-1991, Zana bị bắt trong chuyên án F990. Sau lần bị bắt này Zana đã được cảm hóa và giúp lực lượng an ninh trong các chuyên án tấn công lực lượng FULRO ở Gia Lai thời kỳ năm 1991.

Tuy nhiên, sau này, vào những năm 2000, khi đối tượng Kpăh H’Ty (Việt kiều Mỹ) móc nối, chuyển tài liệu của Ksor Kơk – người thay thế Bhăm Ênnuôi (chủ tịch FULRO), Zana lại một lần nữa đi theo FULRO, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ksor Kơk. Zana tích cực tuyên truyền cho ngày tái lập FULRO ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Theo sự chỉ đạo của Ksor Kơk, Zana tổ chức buổi lễ ra mắt tổ chức FULRO ở Gia Lai, vào ngày 22-9-2000, thành lập bộ khung của cái gọi là “Nhà nước Đề-ga”, “Tin lành Đề-ga”. Các đối tượng lên kế hoạch tổ chức tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia FULRO, thu thập tin tức, tập hợp lực lượng… rồi chính chúng gây ra vụ bạo loạn ngày 2-2-2001 tại Gia Lai. Ngày 6-2-2001 Zana bị bắt vì tội gây rối an ninh, chịu án phạt tù 12 năm. Chấp hành án  tại trại giam số 5, Thanh Hóa, Zana được giảm án 5 lần, thời gian giảm án tổng cộng 11 tháng, tới ngày 6-3-2012, Zana chấp hành án xong, trở về địa phương.

 

Kể tới đây, ông nghẹn ngào, giọt nước mắt đùng đục của người đàn ông từng lăn lộn trong các cánh rừng Tây Nguyên mấy chục năm chực lăn ra…: “Buồn lắm! Một quãng đời tôi không làm được gì, chỉ toàn chuyện buồn thôi. Tôi đã gây ra biết bao tội lỗi. Tôi không bao giờ muốn nhắc lại nữa. Tôi ơn Đảng, ơn Nhà nước, ơn chính quyền nơi đây. Tôi hối hận. Vì sao mình lại đi vào con đường đó, cuối cùng thì mình được gì? Tôi bỏ rơi con cái từ khi đứa lớn mới 8 tuổi, đứa út mới sinh được vài tháng. 11 năm ở trại là quãng thời gian quá dài đối với cuộc đời của tôi. Giá như những năm tháng đó, tôi ở nhà làm kinh tế, dù khó khăn mấy thì vợ con mình cũng đỡ khổ hơn. 11 năm ấy là con số không. Cà phê, tiêu chết hết, không thu được gì. Đó là điều hối hận, là nỗi buồn lớn nhất mà tôi luôn mang theo”. Nghe Zana kể, giờ tôi đã hiểu tại sao nỗi buồn, sự day dứt nó cứ như ám lấy khuôn mặt Zana.

leftcenterrightdel

Các lực lượng thực hiện “4 cùng” với nhân dân đồng thời tích cực cảm hóa, giúp đỡ những người từng “lạc lối”. 

Hiểu rõ những khó khăn khi Zana trở về địa phương năm 2012, ông Đinh Ơng tại thời điểm đó làm Chủ tịch UBND xã Hà Bầu (hiện tại là Chủ tịch MTTQ huyện Đăk Đoa), và cũng là người cùng làng với Zana đã quyết tâm giúp ông làm lại cuộc đời. “Hơn ai hết, tôi hiểu được hoàn cảnh của ông ấy. Chúng tôi hỗ trợ cho con cái ông ấy ăn học bằng cách giúp vay tiền ngân hàng. Hiện tại, ông ấy cũng đang vay vốn của ngân hàng chính sách với số vốn hơn 100 triệu để trồng cà phê, nuôi bò, chăn vịt, nuôi cá. So với người dân ở địa phương thì gia đình Zana tương đối ổn định. Chính những thay đổi về kinh tế đã giúp Zana có nhiều thay đổi về nhận thức”.

Bản thân Zana sau khi hối cải đã tình nguyện trở thành cầu nối tuyên truyền cho bà con làng Rai hiểu âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; lấy bản thân mình, lấy câu chuyện của mình như một lời cảnh báo cho những ai còn ảo tưởng về “Nhà nước tự trị”, FULRO hay đi theo tà đạo. “Đừng nghe những điều họ nói. Những lời nói đó chỉ làm cho mọi người đi vào con đường hại nước hại dân, hại mình và tù tội thôi”. Ông dừng chuyện khi trời đang dần về chiều. Zana nói phải cho bò ăn, cho gà ăn trước khi trời tối. Ông cho biết, giờ niềm vui của ông là nhìn thấy cây trái trong vườn lớn lên, con gà lớn lên, bò sinh sôi… và cuối tuần các cháu về quây quần…

leftcenterrightdel

Núi lửa Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai.

del

Thông tin tác giả

Chỉ đạo thực hiện: Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN XUÂN HÒA – NGUYỄN VĂN MINH

Nội dung: NGUYỄN XUÂN HÒA

Ảnh: NGUYỄN HÒA – BÌNH ĐỊNH – DUY HIỂN –  LÊ LÂM – HUY BẮC

Kỹ thuật, đồ họa: KHÁNH HÀ