Hành trình bán máu – Hậu bán máu
Đồng tiền xương máu
Mỗi lần đến bệnh viện bán máu, chị L. (thợ may, ngụ Q.6) tìm mọi cách nói dối chồng là “đi công chuyện”. Chị cho hay, chồng chị làm thợ hồ, thường 1 tuần chỉ có việc 2 ngày, còn lại rảnh rỗi là nhậu suốt. Tuy vậy, theo chị L., nếu chồng chị biết chị đi bán máu chắc sẽ xé giấy, xé thẻ. Vì vậy, lúc nào chị cũng phải cất giấu giấy tờ thật kỹ.
Chị L. tâm sự: “Cực chẳng đã mới đi bán máu. Lần trước, lẽ ra chỉ được rút 250 ml “máu thường” ở Bệnh viện 175, nhưng tui năn nỉ quá nên được nâng lên thành 350 ml, được tổng cộng 220 ngàn đồng. Cầm đồng tiền ra thấy tiêu nhanh lắm. Trả nợ tiền trường cho con đã hết 150 ngàn đồng, rồi khoản này khoản nọ dồn lại thấy hoa cả mắt!”.
Hai vợ chồng chị N. (Q. Gò Vấp) cùng đi rút tiểu cầu liên tục 2 năm nay. Được biết, trước đây anh chị có nhà cửa đàng hoàng. Sau biến cố lớn, họ phải bán nhà. Đã thế, chị bị mất việc sau khi sinh đứa con thứ hai. “Kinh tế gia đình tuột dốc không phanh. Nghe người ta chỉ, vợ chồng đánh liều đi bán máu. Ngày đầu, cảm giác thật khó tả…” – chị N. kín đáo lấy khẩu trang lau mắt, nói tiếp: “Nhưng nhờ đi thường xuyên nên hằng tháng cũng trả được khoản tiền trọ và tiền sữa cho con”.
Chúng tôi nêu thắc mắc: “Những người bán máu đều phải trình chứng minh nhân dân, thậm chí tại những bệnh viện như 175, Truyền máu – Huyết học…, họ phải nộp thêm 2 tấm hình 3×4. Vậy tại sao các ngân hàng máu ở những bệnh viện không liên thông để dễ quản lý danh sách?”. BS Kim Dung khẳng định: “Đây là điều trăn trở cho ngành truyền máu và cũng là của Bộ Y tế. Chính nhà báo là người ngoài mà cũng thấy bức xúc, huống hồ chúng tôi. Tôi được biết, nếu thiết lập hệ thống mạng thì chi phí quá lớn”.
P., quê Thanh Hóa, đang theo học trường CĐ Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu tìm đến TP.HCM bán tiểu cầu để trang trải chi phí đèn sách. Trời nóng nực, cái quạt trên tay phe phẩy liên hồi song cô gái nhỏ nhắn này như muốn giấu mình trong chiếc áo khoác dày. Kết quả thử máu sáng 21.5, P. được bệnh viện hẹn 10 ngày sau (ngày 1.6) sẽ rút tiểu cầu. P. than: “Em tưởng sẽ được rút trong nay mai nên ráng ở lại chờ, đằng này… Tới lúc đó, bán máu được 470 ngàn đồng nhưng tiền xe đi lại đã mất đứt 100 ngàn đồng rồi, em chưa biết tính sao đây?”.
Còn N. – 27 tuổi, tạm trú P.Cô Giang, Q.1 nửa cười nửa mếu khẳng định: “Máu là nguồn nuôi sống tôi!”. N. vốn là thợ khuân vác gạo gần cầu Ông Lãnh. Một lần vác nặng, chẳng may anh bị té và vẹo cột sống. Từ đó, cuộc sống của N. rất khó khăn. N. kể: “Có hôm người bán máu đông quá, tui phải đi thật sớm xí chỗ”.
Trong khi đó, có người dùng những “đồng tiền xương máu” kiếm được cho thú vui xa xỉ hoặc tai hại. Anh A. (hành nghề xe ôm ở P.Đông Hưng Thuận, Q.12) không ngần ngại cho biết đã bán máu được 12 năm nay. Không vợ con, thế nhưng lúc nào A. cũng thiếu trước hụt sau, nợ nần chồng chất vì bao nhiêu tiền đều nướng cả vào số đề.
Giải nghệ
Qua một giáo dục viên đường phố Q.1, TP.HCM, chúng tôi được tiếp cận ít nhất 6 người đã và đang bán máu, hiện buôn bán hoặc sống “bụi” ở một số công viên.
39 tuổi, với 20 năm bán máu, chị Ng. (bán cà phê, nước ngọt dạo quanh Công viên 23.9) gãi đầu nói: “Không biết bán máu bao nhiêu lần mà kể, chắc trên dưới 50 lần. Tụi tui còn đi rất nhiều tỉnh thành khác nữa, hễ chỗ nào có mua là bán”. Ng. vén hai tay áo chỉ vết tích lấy ven chằng chịt và không giấu giếm việc sử dụng đồng tiền bán máu: “Lớp mua gạo ăn, lớp trả tiền góp, rồi tiêu xài, đánh đề… Sống giang hồ, đâu biết ngày mai”. Ng. có vẻ hãnh diện: “Tui đã dẫn cả trăm người đi bán máu rồi. Không hề lấy một cắc của họ nghen. Họ toàn là những người lang thang nghèo khổ và những chị em bị chồng bỏ, dưới quê lên chân ướt chân ráo”. Tuy gắn bó lâu năm như vậy, nhưng gần đây Ng. đã tìm đường khác mưu sinh. Ng. giải thích: “Mỏ dầu bự chảng rút hoài cũng cạn kiệt, huống chi là máu người. Bây giờ tui mới thấy lo cho sức khỏe của mình. Tính ra, tui bán được quá trời tiền nhưng đời tui có thay đổi được gì đâu! Chi bằng buôn bán kiếm chút đỉnh, hy vọng đỡ bấp bênh hơn”.
Trong số những người một thời được Ng. dẫn đi bán máu có M.- một “gái bán hoa”. Lần nào ế khách, M. lại đi bán máu. Cuộc đời của M. không biết trôi về đâu, nếu như đứa con cô ở quê không gọi điện và thỏ thẻ hỏi thăm mẹ nó đang làm gì trên thành phố. “Tôi sợ con và gia đình mình biết sự thật sẽ rất sốc. Mấy tháng nay, tôi đi giúp việc nhà cho người ta, làm 3 tiếng đồng hồ cũng được 50 ngàn đồng. Lúc rảnh, tui lên chùa nên suy nghĩ cũng dần dần khác trước” – M. tâm sự.
Chị B. (Q.4) trước đây nhiều lần bán máu giờ cũng đã chuyển sang bán hàng rong. Chị kể: “Khoảng tháng 9.2009, bà H. cho vay nặng lãi trước cổng Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM giữ chứng minh nhân dân và Thẻ hiến máu của tui, sau khi cho tui vay 100 ngàn đồng. Không ngờ, tui bị “rớt” trong lần xét nghiệm đó…“. Chúng tôi hỏi: “Chị đã lấy lại chứng minh thư chưa?”. Chị B. rầu rĩ: “Đành phải bỏ luôn chứ lấy sao nổi mà lấy! Cứ 100 ngàn đồng sau 1 ngày phải trả thành 130 ngàn đồng, rồi lãi mẹ đẻ lãi con từ bấy đến giờ, chịu sao thấu?”. Mặc dù đã “giải nghệ” nhưng chị B. vẫn lo ngại chứng minh thư của mình có thể bị những chủ nợ kia cho người khác thuê để bán máu, hoặc làm những chuyện phi pháp khác.
Còn T. – sinh viên trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng – thì tỏ lòng biết ơn đối với những giọt máu của chính mình. T. nói: “Nhờ nó mà em vượt qua mấy năm đèn sách. Dù gì, em cũng thấy vui vì máu mình cũng góp phần cứu người”. T. tự tin: “Sắp tới tốt nghiệp rồi, em sẽ kiếm việc làm ổn định, không bán máu nữa. Thực sự em chỉ muốn làm người hiến máu tình nguyện giúp bệnh nhân thôi”.
Cung không đủ cầu
Mới đây, trao đổi với chúng tôi, bác sĩ (BS) Trương Thị Kim Dung – Phó giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM cho biết: “Hiện nay, lượng máu toàn phần do Hội Chữ thập đỏ TP.HCM vận động được từ những người tình nguyện khá nhiều. Do vậy, bệnh viện chúng tôi tạm ngưng nhận loại máu này từ những người chuyên nghiệp”.
Thế nhưng, đối với tiểu cầu – một loại tế bào máu được dùng trong một loạt bệnh lý, có tác dụng cầm máu mà hầu hết các bệnh viện đều rất cần nhưng nguồn cung không đủ cầu. Theo BS Dung, việc lấy tiểu cầu ở nước ta rộ lên chừng 3 năm nay. Tại Bệnh viện Truyền máu – Huyết học, bình quân mỗi ngày có khoảng 30 người đến rút tiểu cầu, chủ yếu là những người chuyên nghiệp. “Số lượng như vậy là không đủ để cung cấp cho các bệnh viện. Đó là lý do khiến không ít bệnh nhân phải nhờ người nhà hiến tiểu cầu cho họ” – BS Dung nhìn nhận. Trong khi đó, số người tình nguyện chịu hiến loại tế bào máu này còn rất ít ỏi, nguyên nhân chính là vì thời gian lấy tiểu cầu khá lâu. Tùy cơ địa mỗi người mà kéo dài từ 1 giờ – 1 giờ 15 phút/lần.
Theo những người bán máu, giá 1 lần rút “máu chọn”, “máu thường” mà các bệnh viện trả cho họ “rẻ hơn gấp hai, gấp ba” so với giá bệnh nhân phải trả cho bệnh viện. BS Dung giải thích: “Giá cả đều căn cứ theo quy định của Bộ Y tế. Để có những chế phẩm đạt tiêu chuẩn truyền cho người bệnh phải trải qua rất nhiều chi phí tốn kém như: vận động; khám, lấy máu xác định lượng hồng cầu; dụng cụ gạn tách… Hơn nữa, bất kỳ một túi máu nào đều phải xét nghiệm những tác nhân bệnh như HIV, giang mai, sốt rét, kháng thể bất thường…”.
Một chuyên gia trong ngành truyền máu huyết học nhận xét: Chất lượng máu của những người cho máu chuyên nghiệp thường không tốt bằng những người tình nguyện hoàn toàn. Vì mục đích của họ lấy tiền là chính nên đã có tình trạng rút máu ở nhiều nơi hay giấu giếm bệnh tật, tiền sử hay nguy cơ gì đó.
Trong lúc ý tưởng nối mạng toàn quốc để quản lý người cho máu vẫn còn là… ý tưởng thì hằng ngày, không ít người bán máu tìm nhiều cách để “tận thu” lượng máu của mình. Họ phớt lờ sự ảnh hưởng đến thể chất, sức khỏe và tuổi thọ của bản thân cũng như chất lượng máu cho người bệnh!
Phóng sự của Như Lịch