Hạnh phúc là gì?

Hạnh phúc là gì?

Tôi đã từng viết một số bài về chủ đề “hạnh phúc”, nhưng nhiều khi vẫn băn khoản tự hỏi: Hạnh phúc là gì? Trải qua nhiều biến cố, tôi cũng đã có câu trả lời cho mình: Hạnh phúc không chỉ là thứ cần trong hiện tại mà còn là thứ ta đang chờ đợi ở tương lai.

Tôi nhìn thấy điều đó trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa cô em họ tôi với con trai- một cậu bé 5 tuổi.

“Mẹ đừng đi vào Bình Dương nữa, con muốn mẹ ở nhà, muốn được mẹ đưa đi học như các bạn”- cậu bé vừa ôm chân mẹ vừa nói. Trong khi ngoài cổng, nhà xe đang bấm còi giục giã.

Ngoan, đi với bà, để mẹ đi làm, vài hôm mẹ lại về, mua đồ chơi mới cho con nhé- người mẹ ôm vai thằng bé vỗ về.

Cậu bé buông chân mẹ, trông có vẻ chịu đựng. Nhưng đôi mắt đã thấy thấp thoáng niềm vui xen lẫn chờ mong.

Vợ chồng cô em họ tôi làm công nhân ở Bình Dương, con trai gửi bà nội. Khoảng vài ba tháng, vợ chồng thay nhau tranh thủ về chơi với con vài ngày lại vào. 

Hàng tháng, hai vợ chồng chắt chiu, dành dụm tiền gửi về. Với sự chăm lo của ông bà nội, đứa con trai có đủ tình thương, có quần áo đẹp đến trường, chỉ có điều thiếu bố mẹ.

Đó cũng là thiệt thòi lớn nhất với bất cứ đứa trẻ nào!

Tôi dẫn cu cậu về nhà chơi và trêu “Bin vui nhé, mai mốt mẹ đem đồ chơi mới về”. Cu cậu lắc đầu: Con thấy vui vì nghĩ tới ngày được gặp bố mẹ chứ không phải vì có đồ chơi mới đâu.

Tôi giật mình. Đôi khi ngay cả người lớn vẫn có lối suy nghĩ đơn giản rằng, những đứa trẻ chỉ vui vì lời hứa về một món quà gì đó. Nhưng không, những ngày chờ đợi niềm vui phía trước lại là những ngày hạnh phúc.

 Ảnh minh họa

 

Cho nên, nói rằng với mỗi người, định nghĩa về hạnh phúc sẽ khác nhau cũng không có gì sai.

Năm 2019 tôi viết bài đầu tiên về Ngày hạnh phúc. Khi ấy, tôi đã rất trăn trở với câu hỏi: Hạnh phúc là gì?

Tâm lý học tích cực định nghĩa: Hạnh phúc là một trạng thái hiểu mình, hài lòng và mãn nguyện một cách chủ quan.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao. Ở loài người, nó mang nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí, gắn liền với quan niệm về niềm vui trong cuộc sống.

Tôi cũng đã từng lên mạng tra cứu hạnh phúc là gì. Và nhận được 90,8 triệu kết quả  hiển thị trong vòng 0,4 giây, gần như ngay và luôn.

Nhưng càng xem, tôi càng rối! “Hạnh phúc là được làm những gì mình thích”; “hạnh phúc là được sống vui vẻ hàng ngày”; “hạnh phúc là được giúp đỡ mọi người”; “hạnh phúc là cho đi mà không đòi hỏi nhận lại”; “hạnh phúc là hài lòng với những gì mình có”. Rất nhiều định nghĩa.

Một số người có tiền, sự nghiệp, gia đình nhưng không hạnh phúc. Lại có người vất vả và cuộc sống đầy bất trắc nhưng lại dễ dàng thấy hạnh phúc trên khuôn mặt họ.

Nói cách khác, những người hạnh phúc vẫn có những khoảnh khắc trong cuộc sống không hài lòng, thấy mình bất hạnh. Và ngược lại, những người khó khăn cũng có lúc thấy mình hạnh phúc, giụp họ có thêm nghị lực để không buông bỏ, luôn nỗ lực vươn lên.

Tôi thường trông đợi đến Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, phần vì tôi thấy đây là một ngày ý nghĩa, phần vì trước ngày này, Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc sẽ công bố Báo cáo Hạnh phúc Thế giới thường niên, mà trong đó, tôi thấy điều mình quan tâm: Việt Nam tăng hay giảm bậc về chỉ số hạnh phúc.

Báo cáo này xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa vào 6 tiêu chí: GDP trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng.

Bộ chỉ số hạnh phúc quốc gia của Việt Nam, phản ánh mức độ hạnh phúc của toàn thể dân tộc Việt Nam, được tính toán trên cơ sở bốn nhóm tiêu chí thành phần về kinh tế, xã hội, môi trường, hiệu quả quản trị và hành chính công trên phạm vi cả nước.

Điều tuyệt vời là, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2022 công bố ngày 18/3, tức 2 ngày trước ngày Quốc tế Hạnh phúc, Việt Nam xếp vị trí 77, tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 6 bậc so với năm 2020 (đứng thứ 83).

Kết quả trên phản ánh quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là phát triển kinh tế-xã hội chính là để mọi người đều có điều kiện phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ.

Đó cũng luôn là mục tiêu, là động lực để chúng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết tâm xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Một điểm sáng trong báo cáo hạnh phúc năm 2022 là chỉ số lo lắng, căng thẳng đã giảm vào năm thứ 2 của đại dịch Covid-19. Cụ thể, năm 2020 chỉ số này tăng 8%, trong khi năm 2021 chỉ tăng 4% so với trước đại dịch.

Báo cáo năm nay đã phát hiện một điểm tin tích cực trong bối cảnh những bất ổn trên toàn cầu gia tăng – đó là lòng nhân ái giữa con người với con người.

Những hoạt động đóng góp cho tổ chức từ thiện, giúp đỡ người lạ hoặc tham gia thiện nguyện đang xuất hiện ngày càng nhiều tại tất cả khu vực trên thế giới, so với trước đại dịch và năm 2020.

Yêu thương, chia sẻ sẽ nhân lên hạnh phúc. Ảnh: HL

 

Trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19, tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia của người dân Việt Nam, thông qua những hành động thiết thực giúp đỡ những người còn khó khăn, yếu thế đã mang đến niềm vui sống, niềm hạnh phúc cho mỗi người.

Cuộc sống vốn ngắn ngủi và thời gian thì không chờ đợi một ai. Hạnh phúc là do ta tự tìm lấy cho mình. Hãy trân trọng những phút giây mình đang sống và hãy làm cho nó trở nên có ý nghĩa hơn, mỗi ngày chúng ta đang sống là những ngày hạnh phúc, vui vẻ tràn đầy niềm tin và hi vọng.

Trải qua nhiều biến cố, tôi cũng đã có câu trả lời cho mình: Hạnh phúc không chỉ là thứ ta cần trong hiện tại, mà còn là thứ ta luôn cần ở tương lai.

Đó là sự yêu thương!

Hồng Lam