Hành lang pháp lý cho mô hình “kinh tế chia sẻ”: Kinh nghiệm thế giới tham khảo cho Việt Nam
Doanh nghiệp vướng mắc khi áp dụng mô hình kinh doanh mới
Ở nước ta hiện nay, từ việc đi lại, nghỉ ngơi lưu trú đến hoạt động cho vay… đều đã có những dấu ấn không nhỏ của mô hình kinh tế chia sẻ. Cùng với sự nổi lên của các doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài lớn như Uber, Grab, Airbnb… cụm từ “kinh tế chia sẻ” đang được nhắc tới ngày càng nhiều tại các diễn đàn kinh tế. Đồng thời, kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt dịch vụ tiền mã hóa, tiền ảo; dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua các ứng dụng…
TS. Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội cho rằng, kinh tế chia sẻ ở Việt Nam chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước trên thế giới mặc dù có tiềm năng lớn để phát triển. Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện như dịch vụ vận tải trực tuyến (Uber, Grab, GoViet dichung…); dịch vụ chia sẻ phòng có khoảng 6.500 cơ sở Airbnd. Nhiều dịch vụ khác cũng đã xuất hiện như: du lịch Tiip.me, dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng; dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng (P2P)….
TS. Nguyễn Mạnh Hải – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Song, về mặt quản lý nhà nước, các loại dịch vụ kinh tế chia sẻ lại không có một quy định chung mà chỉ là những chính sách thể hiện cụ thể ở từng lĩnh vực. Việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc dẫn đến lúng túng trong việc xác định bản chất giao dịch để áp thuế do hoạt động này vẫn chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Luật Công nghệ thông tin cũng chưa có quy định đối với các cá nhân hay tổ chức nước ngoài có hợp tác, kinh doanh không có văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Theo TS. Trần Thị Quang Hồng – Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp, đến nay vẫn chưa có cơ chế pháp luật tương ứng, trong khi thể chế kinh doanh truyền thống lại chưa được hoàn thiện. Nguy cơ tiềm ẩn xung đột với các mô hình kinh doanh truyền thống là rất lớn.
TS. Trần Thị Quang Hồng – Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp
Do đó, doanh nghiệp và các nhà phát triển công nghệ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn triển khai. Trong khi các quy định hiện hành không đủ để điều chỉnh các phương thức kinh doanh mới mẻ này, thì thời gian để ban hành các quy định pháp luật tương ứng lại rất dài. Đơn cử như mô hình của Grab, đã hơn 3 năm kể từ khi vào Việt Nam, nhưng đến nay doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ này vẫn bị áp vào mô hình kinh doanh truyền thống – doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải. Nguyên do là chưa đánh giá được tác động đối với những mô hình kinh doanh truyền thống cũng như người tiêu dùng, chưa rõ những lợi ích và hậu quả kinh tế – xã hội của các mô hình kinh doanh mới.
Và hệ quả của sự chậm trễ này là làm tuột mất cơ hội của doanh nghiệp, của quốc gia. Việc doanh nghiệp tiếp tục hoạt động mà không có hành lang pháp lý rõ ràng sẽ khiến Nhà nước thất thu thuế, môi trường kinh doanh gặp rào cản và người tiêu dùng không được bảo vệ.
Mô hình kinh tế chia sẻ đang “chờ” hành lang pháp luật
Nhìn chung, hầu hết văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể liên quan đến kinh tế chia sẻ như trong Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp 2014 và các qui định pháp luật khác như Luật Thuế, Luật Thương mại điện tử (Luật giao dịch điện tử 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành), các chính sách qui định về nghĩa vụ tài chính và các chính sách khác.
Cụ thể còn thiếu các chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể.
Bên cạnh đó, cũng còn thiếu các qui định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là xác định rõ hơn nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử có liên quan đến kinh tế chia sẻ.
Nghị định số 52/2013 /NĐ-CP về thương mại điện tử hiện nay còn chưa bao quát được hết các hành vi thương mại điện tử trong kinh tế chia sẻ. Trong khi đó, để quản lý hoạt động thương mại điện tử cần kết hợp với một số Nghị định khác như Nghị định số 86 của Bộ Giao thông vận tải và các Nghị định khác.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 cũng cần được xem xét, bổ sung để có phạm vi điều chỉnh, bổ sung rõ trách nhiệm các bên liên quan đối với người tiêu dùng trong các giao dịch liên quan tới kinh tế chia sẻ.
Theo các chuyên gia, còn thiếu các cơ chế chính sách qui định trách nhiệm rõ ràng hơn của các bên trong kinh tế chia sẻ. Do quan hệ hợp đồng mới trong kinh tế chia sẻ là quan hệ “3 bên” nên các chính sách kèm theo cần xử lý được mối quan hệ này thay vì xử lý quan hệ giữa hai đối tác trong hợp đồng kinh tế như trước đây. Nếu không có các qui định rõ ràng có thể dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và cơ quan quản lý nhà nước không nắm được thông tin. Trách nhiệm của các bên đối với nhà nước cũng cần được qui định rõ hơn, đặc biệt là với các đối tác ở bên ngoài biên giới.
Ngoài ra, với các loại hình kinh tế chia sẻ, người cung ứng dịch vụ cũng không được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; người lao động tham gia vào hình thức kinh doanh này không sở hữu bất kỳ quyền lợi lao động nào; không có một đơn vị nào đứng ra bảo vệ quyền lợi người lao động khi xảy ra vấn đề tranh chấp với đơn vị cung ứng nền tảng.
Về mặt thuế, đối với loại hình kinh doanh bất kể là theo mô hình kinh tế chia sẻ hay theo mô hình kinh doanh truyền thống, Bộ Tài chính cũng có thể thu đủ theo loại hình kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay đối với các doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam, chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức trực tiếp do không quản lý được đầu vào ở nước ngoài và không có trụ sở thường trú tại Việt Nam. Do vậy, gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện còn thiếu (hoặc chưa hoàn thiện) các cơ chế, chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Các quy định về thông tin trên mạng được quy định trong Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật hay Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT mới chủ yếu đề cập đến các cá nhân, tổ chức kinh doanh trong và ngoài nước (có chi nhánh hay đầu tư ở Việt Nam) mà chưa có quy định pháp lý nào đối với các cá nhân hay tổ chức nước ngoài có hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam (không có văn phòng, đại diện tại Việt Nam). Do vậy còn thiếu các qui định liên quan đến trách nhiệm của các nền tảng như Uber, Airbnb v.v… về cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý. Ví dụ theo quy định của Bộ Công thương, chỉ với các trang web thương mại điện tử có tên miền Việt Nam thì mới phải kê khai thông tin trực tuyến nên nhiều trang không có tên miền Việt Nam nhưng vẫn phát sinh giao dịch tại Việt Nam nên không bị quản lý.
Kinh nghiệm một số nước trên thế giới
Mô hình kinh tế chia sẻ từ lâu đã xuất hiện và phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, chính sách của mỗi nước đối với mô hình kinh tế này cũng khác nhau.
Điển hình như tại Singapore, Chính phủ coi kinh tế chia sẻ là một cơ hội để nâng cao hiệu quả và phát triển kinh tế bền vững. Mọi người dân đều có thể sử dụng các ứng dụng trên internet và thiết bị di động để cho thuê, thuê và trao đổi hàng hóa dịch vụ với nhau, từ đó giảm bớt việc mua mới góp phần giảm lượng rác thải và khí thải. Chính phủ luôn đưa ra các chính sách quản lý phù hợp để khuyến khích kinh tế chia sẻ và vận dụng kinh tế chia sẻ trong hoạt động quản lý đô thị của mình để thực sự trở thành một quốc gia chia sẻ. Từ cuối năm 2017, Singapore áp dụng những qui định mới cho phép cơ quan quản lý thực hiện việc thanh tra các công ty cung cấp dịch vụ đi chung xe về việc tuân thủ qui định như: lái xe phải có chứng chỉ hành nghề và phải có bảo hiểm. Với dịch vụ cho thuê nhà, cơ quan quản lý nhà Singapore cũng ban hành quy định thời gian cho thuê căn hộ không được ít hơn 6 tháng và nhà chức trách có quyền kiểm tra các bất động sản cho thuê qua những nền tảng như Airbnb để đảm bảo người dân cho thuê tài sản của mình một cách hợp pháp.
Tại Úc, Chính phủ đặc biệt chú ý đến quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ. Cục thuế Liên bang Úc đặt ra những qui định rất cụ thể đối với nghĩa vụ thuế của những hoạt động vì mục đích thương mại trong kinh tế chia sẻ. Các thông tin này được hướng dẫn rất cụ thể trên trang Website của Cục thuế Liên bang. Theo qui định, mọi công dân Úc cung cấp hàng hóa và dịch vụ thông qua bất kỳ hình thức nào trong các giao diện ứng dụng kinh tế chia sẻ đều cần xem xét việc họ sẽ phải nộp: thuế thu nhập; thuế hàng hóa và dịch vụ (GST); hay bất kỳ khoản thuế nào khác áp dụng cho thu nhập của họ.
Tại Hàn Quốc, chính quyền thành phố Seoul đã tuyên bố Seoul là “thành phố chia sẻ”. Năm 2012, chính quyền thành phố Seoul đã ban hành luật địa phương để tạo thuận lợi cho việc nền kinh tế chia sẻ và đưa ra một “Trung tâm chia sẻ” để hoạt động như một cổng thông tin và thông tin chia sẻ các dịch vụ kinh tế.
Một số kiến nghị
Với sự bùng nổ của kinh tế chia sẻ, nền tảng, thương mại điện tử trong xu thế ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, để khai thác tối đa điểm mạnh của mô hình kinh tế chia sẻ, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất những bất cập, cần thực hiện các giải pháp như sau:
Thứ nhất, trong quản lý nhà nước, cần thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới, đồng thời cho phép thử nghiệm các mô hình tiên phong, mạnh dạn dỡ bỏ các rào cản pháp lý không phù hợp, tuy nhiên, không nhất thiết phải xây dựng một luật cụ thể quy định về mô hình kinh tế chia sẻ.
Thứ hai, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp trong một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng tạo quy định rõ ràng, tạo thuận lợi cho đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ ba, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại điện tử, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, theo đó hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
Cuối cùng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách để tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Ngày 12/08/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Mục tiêu của Đề án là đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp cung cấp nền tảng; đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
Đề án này là một bước ngoặt đầu tiên đánh dấu sự nhìn nhận chính thức rằng, kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh hợp pháp. Đây không chỉ là sự động viên, mà còn là cơ sở pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.
ĐINH CHIẾN