Hành chính nhà nước là gì? Đặc điểm và sơ đồ của bộ máy hành chính nhà nước?
Hành chính nhà nước là gì? Vai trò của hành chính nhà nước? Đặc điểm và sơ đồ của bộ máy hành chính nhà nước?
Bộ máy nhà nước là một chỉnh thể thống nhất, được tạo thành bởi các cơ quan nhà nước. Bộ máy nhà nước Việt nam gồm bốn hệ thống cơ quan chính: cơ quan lập pháp, cơ quan hành chính, cơ quan toà án và cơ quan kiểm sát. Luật pháp Việt Nam đặt vai trò của cơ quan lập pháp rất lớn, không chỉ thiết lập ra các hệ thống cơ quan khác mà còn là cơ quan chỉ đạo, giám sát chung. Tuy nhiên, cơ quan chấp hành của Quốc hội là Chính phủ (cơ quan hành chính nhà nước cao nhất), cũng có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý nhà nước và thực thi các văn bản mà Quốc hội ban hành. Hệ thống cơ quan đứng đầu là Chính phủ, thực hiện chức năng hành pháp là cơ quan hành chính nhà nước. Cơ quan hành chính nhà nước là một loại cơ quan trong bộ máy nhà nước được thành lập theo hiến pháp và pháp luật, là một bộ phận của bộ máy hành chính nhà nước để thực hiện quyền lực nhà nước, có chức năng quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
1. Hành chính nhà nước là gì?
Đối với một quốc gia thì bộ máy nhà nước có vai trò rất quan trọng, đây chính là một thể thống nhất về mặt cơ cấu tổ chức, cơ quan hành chính nhà nước. Là các bộ phận hợp thành giữ vị trí quan trong của một quốc gia. Theo đó, bộ máy nhà nước cũng được hiểu là tổng thể các cơ quan chấp hành – điều hành do Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp lập ra để quản lý toàn diện hoặc quản lý ngành, lĩnh vực trong cả nước hoặc trên phạm vi lãnh thổ nhất định.
Hành chính nhà nước là hoạt động thực thi quyền hành pháp của nhà nước, đó là hoạt động chấp hành và điều hành của hệ thống hành chính nhà nước trong quản lý xã hội theo khuôn khổ pháp luật nhà nước nhằm phục vụ nhân dân, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội.
Hành chính nhà nước là một hoạt động đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nghề khác nhau. Do đó, bản chất của hành chính nhà nước có nội hàm rất rộng vừa mang bản chất chính trị, mang tính pháp lý, vừa là hoạt động quản lý và là một nghề.
– Hành chính nhà nước mang tính chính trị:
+ Hành chính nhà nước không tồn tại ngoài môi trường chính trị, nó phục vụ và phục tùng chính trị. Vì vậy, nó mang bản chất chính trị.
+ Hành chính nhà nước thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ do chính trị thiết lập; nó tham gia vào quá trình lập pháp; nó không chỉ là chủ thể thực thi chính sách mà còn ban hành chính sách; nó phục vụ lợi ích của nhân dân và lợi ích công.
– Hành chính nhà nước mang tính pháp lý:
+ Hành chính nhà nước hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, theo những chỉ dẫn của nhà nước; đồng thời chủ thể hành chính nhà nước có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống xã hội.
+ Hành chính nhà nước thực thi chức năng lập quy – tức ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể và hướng dẫn thi hành luật.
– Hành chính nhà nước là hoạt động quản lý:
+ Hành chính nhà nước là một bộ phận của quản lý nhà nước, mang bản chất của quản lý nhà nước. Nó tham gia vào quản lý nhà nước.
+ Hành chính nhà nước là chức năng hành pháp của nhà nước – chức năng thực thi pháp luật, chính sách. Nó phối hợp với các tổ chức xã hội, các cá nhân nhằm đạt đến mục tiêu chung nhất:
Ngoài ra, hành chính nhà nước vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật, và mang tính trật tự thứ bậc của quản lý nói chung…
– Hành chính nhà nước là một nghề:
+ Nghề hành chính là nghề tổng hợp, đòi hỏi một đội ngũ cán bộ, công chức phải có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ nhất định – tức họ là những nhà hành chính chuyên nghiệp.
+ Hành chính là nghề lao động trí óc là nghề thực hiện hóa các ý tưởng của chủ thể chính trị. Hầu hết các nước trên thế giới đều coi hành chính là một nghề cao quý trong xã hội.
Xem thêm: Cơ quan hành chính nhà nước là gì? Đặc điểm và phân loại?
2. Vai trò của hành chính nhà nước:
Hành chính nhà nước có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, của nhà nước. Vai trò được thể hiện như sau:
Hành chính nhà nước trung ương thực hiện các hoạt động quản lý hành chính nhà nước mang tính chất chung, vĩ mô dựa trên những điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của quốc gia để thực thi các hoạt động lập quy mang tính hướng dẫn chung cho cả quốc gia thực hiện chi tiết việc triển khai tổ chức thực hiện pháp luật. Đồng thời bảo đảm cho cách quản lý hành chính nhà nước (triển khai thực hiện pháp luật) thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia.
Hành chính nhà nước trung ương có trách nhiệm hoạch định chính sách chung về đối nội, đối ngoại quốc gia; đại diện bênh vực quyền lợi quốc gia, không bị ảnh hưởng quyền lợi của các địa phương; bảo đảm điều phối lợi ích quốc gia, lợi ích chung các địa phương và kiểm soát mọi quá trình quản lý xã hội.
Thực hiện hóa các mục tiêu, ý tưởng của các nhà chính trị – những người đại diện của nhân dân. Vai trò này xuất phát từ chức năng chấp hành của hành chính nhà nước. Chủ thể hành chính nhà nước có trách nhiệm chấp hành quyết định của các cơ quan chính trị nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của quốc gia, phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Điều hành các hoạt động kinh tế – xã hội nhằm đạt mục tiêu tới mức tối đa và với hiệu quả cao nhất. Vai trò này xuất phát từ chức năng cụ thể của điều hành hành chính nhà nước là: định hướng (thông qua quy hoạch, kế hoạch), điều chỉnh các quan hệ xã hội (thông qua ban hành văn bản lập quy); hướng dẫn và tổ chức thực hiện Hiến pháp, luật, chính sách…; kiểm tra, thanh tra và xử lý những vi phạm pháp luật.
Duy trì và thúc đẩy xã hội phát triển theo định hướng. Để thực hiện tốt hai vai trò trên, hành chính luôn có trách nhiệm duy trì và tạo lập những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các yếu tố cấu thành xã hội: duy trì và phát triển các nguồn tài nguyên, kiến tạo các nguồn lực vật chất, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, phát triển nguồn lực con người, khắc phục những thất bại của thị trường hoặc hậu quả do những sai sót của hành chính nhà nước gây ra…
Đảm bảo cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Cùng với sự phát triển của xã hội và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội thì vai trò này càng quan trọng và mở rộng. Vì suy cho cùng, hành chính nhà nước được thiết lập nhằm để phục vụ lợi ích của nhân dân với tư cách là chủ thể của xã hội, là chủ thể của quyền lực nhà nước.
Xem thêm: Cơ quan hành chính nhà nước – Chủ thể quản lý hành chính nhà nước quan trọng nhất
3. Đặc điểm bộ máy hành chính nhà nước:
Bộ máy hành chính nhà nước có quyền nhân danh nhà nước khi tham gia vào các quan hệ pháp luật nhằm thực hiên các quyền và nghĩa vụ pháp lý với mục đích hướng tới lợi ích công. Biểu hiện của tính quyền lực nhà nước đó là: Bộ máy hành chính nhà nước có quyền ban hành các văn bản pháp luật như nghị định, quyết định, chỉ thị và có thể được áp dụng những biện pháp cưỡng chế hành chính nhà nước nhất định.
Hệ thống bộ máy hành chính nhà nước có cơ cấu tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Nói cách khác, bộ máy hành chính nhà nước có tính độc lập tương đối về cơ cấu – tổ chức (có cơ cấu bộ máy, và quan hệ công tác bên trong của cơ quan được quy định trước hết quy định trước hết nhiệm vụ, chức năng, thể hiện vai trò độc lập)…Cơ cấu tổ chức của bộ má hành chính nhà nước được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật như Luật tổ chức Chính phủ , Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân …
Bộ máy hành chính nhà nước được thành lập và hoạt động dựa trên quy định của pháp luật, có chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền riêng và có những mối quan hệ phối hợp trong thực thi công việc được giao với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước mà quan hệ đó được quy định bởi thẩm quyền nhất định do pháp luật quy định – đó là tổng thể những quyền, nghĩa vụ chung và những quyền hạn cụ thể mang tính quyền lực – pháp lý mà nhà nước trao cho để thực hiện nhiệm vụ, chức năng của nhà nước.
Nguồn nhân sự chính của bộ máy hành chính nhà nước là đội ngũ cán bộ, công chức, được hình thành từ tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc bầu cử theo quy định của pháp lệnh cán bộ, công chức.
Hệ thống bộ máy hành chính nhà nước được thành lập từ Trung ương đến cơ sở, đứng đầu là Chính phủ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, được tổ chức theo hệ thống thứ bậc, có mối quan hệ mật thiết phụ thuộc nhau về tổ chức và hoạt động nhằm thực thi quyền quản lý hành chính nhà nước.
Thẩm quyền bộ máy hành chính nhà nước được pháp luật quy định trên cơ sở lãnh thổ, ngành hoặc lĩnh vực chuyên môn mang tính tổng hợp. Đó là những quyền và nghĩa vụ pháp lý hành chính chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động chấp hành – điều hành.
Bộ máy hành chính nhà nước có hệ thống đơn vị cơ sở trực thuộc. Các đơn vị cơ sở của bộ máy hành chính nhà nước là nơi trực tiếp tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Hầu hết các cơ quan có chức năng quản lý hành chính đều có các đơn vị cơ sở trực thuộc.
Xem thêm: Phụ thuộc hai chiều là gì? Sự phụ thuộc hai chiều của cơ quan hành chính Nhà nước
4. Sơ đồ bộ máy hành chính nhà nước:
Quốc hội
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo Hiến pháp năm 2013, Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được quy định tại Điều 70 Hiến pháp 2013.
Chủ tịch nước
hủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại (Điều 86); nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 88 Hiến pháp 2013.
Chính phủ
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ có nhiệm vụ thống nhất quản lý mọi mặt đời sống xã hội trên cơ sở Hiến pháp và luật.
Bộ và cơ quan ngang Bộ
Cơ quan hành chính Nhà nước ở cấp trung ương ngoài Chính phủ còn có 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ bao gồm 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ.
Dưới Bộ là các cơ quan chuyên môn cho các ngành nghề thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh (không phải là cơ quan hành chính Nhà nước) là các Sở như Sở Tư pháp, Sở Tài chính v..v.. Sở có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động và thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về ngành nghề đó tại địa phương.
Dưới sở là các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện (không phải là cơ quan hành chính Nhà nước) là các Phòng như Phòng Giáo dục đào tạo, Phòng y tế…
Các cơ quan xét xử
Các cơ quan xét xử gồm:
– Tòa án nhân dân tối cao.
– Tòa án nhân dân địa phương.
– Tòa án quân sự.
– Các tòa án do luật định.
Nhiệm vụ là xét xử và giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình… để bảo vệ trật tự pháp luật. Nguyên tắc hoạt động của tòa án là độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật.
Các cơ quan kiểm sát
Các cơ quan kiểm sát gồm:
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Viện kiểm sát nhân dân địa phương.
– Viện kiểm sát quân sự.
Nhiệm vụ là kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thực hiện quyền công tố nhà nước trong phạm vi thẩm quyền do luật định, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Chính quyền địa phương
Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân (Điều 113).
Uỷ ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Uỷ ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao (Điều 114).