Hàng loạt sàn giao dịch thông báo niêm yết Pi: Tương lai nào cho các Pi thủ?
Sau 4 năm ấp ủ, cuối cùng đồng tiền điện tử của dự án Pi Network cũng đã xuất hiện trước đông đảo công chúng và được các sàn giao dịch “đón nhận”. Hiện tại, PI là từ khóa “nổi như cồn” trong cộng đồng coin thủ.
Mục lục bài viết
-
Pi Network là gì?
-
Pi có thật sự được niêm yết?
-
Những thách thức mà Pi Network phải đối mặt
-
Tương lai của Pi thủ
Mục Lục
Pi Network là gì?
Pi Network là một loại tiền điện tử được phát minh bởi đội ngũ cựu sinh viên từng tốt nghiệp Đại học Stanford với mong muốn phổ biến tiền điện tử đến công chúng nhiều hơn. Trong đó, trụ cột chủ lực cho việc phát triển dự án gồm có hai tiến sĩ Stanford và một MBA Stanford. Đặc biệt, họ đều là những người giúp xây dựng cộng đồng blockchain tại Stanford.
Tuy nhiên, không giống với các dự án khác, các sáng lập viên của Pi rất ít khi xuất hiện để công bố thông tin cũng như hoạt động của dự án. Đây là một điều khá bất thường.
Hồ sơ “khủng” của một trong những người sáng lập Pi Network.
Một điểm khác biệt của Pi Network là loại tiền điện tử này chỉ khai thác được trên thiết bị di động. Pi được quảng cáo là khai thác ngay cả khi ngắt kết nối internet và không làm hao pin, không sử dụng dữ liệu mạng. Điều bạn cần làm chỉ là mở ứng dụng mỗi 24 giờ để “điểm danh”.
Pi có thật sự được niêm yết?
Ngày 26/12, Huobi thông báo “xem xét niêm yết Pi”. Đây là điểm sáng về tiềm năng của Pi khi được một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới quan tâm. Nếu thành công, người sở hữu Pi có thể đưa số dư của mình lên sàn giao dịch để trao đổi với các tiền điện tử khác.
Sàn thông báo: “Với các đề xuất tích cực của cộng đồng Pi Network, Huobi sẽ theo sát các bản cập nhật của Pi Network về việc ra mắt mainnet sắp tới”.
Tuy nhiên, đến trưa ngày 29/12/2022, cộng đồng bất ngờ phát hiện PI đang được mở giao dịch trên sàn XT.com – một sàn khá mờ nhạt trong cộng đồng crypto.
Ngay sau đó, vào lúc 16:00 cùng ngày (giờ Việt Nam), Huobi chính thức thông báo niêm yết giao dịch spot cặp PI/USDT.
Vài giờ sau khi niêm yết, giá Pi tăng phi mã gấp hàng trăm lần. Thế nhưng, trên cả 2 sàn này, người dùng không thể nạp rút token PI mà chỉ có thể giao dịch. Đặc biệt, Pi mua trên sàn cũng không thể chuyển về ví cá nhân để lưu trữ.
Đáng chú ý, các sàn giao dịch đã niêm yết token mà ngay bản thân dự án còn chưa ra mainnet chính thức. Điều này khiến cộng đồng hoang mang tự hỏi: “Liệu PI có thật sự được niêm yết không?”
Theo các chuyên gia, đồng Pi mà XT.com và Houbi mở lệnh giao dịch đều không phải là token chạy trên blockchain Pi Network. Bởi trên trang chủ của dự án, không có bất kỳ thông tin nào về việc niêm yết này.
Ngoài ra, dự án vẫn chưa chính thức mainnet. Nghĩa là, PI vẫn trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm mainnet kín thôi. Do đó, các token PI mà cộng đồng đào được vẫn chỉ có thể lưu trữ, mua bán OTC chứ chưa giao dịch được. Chính vì thế, nhiều người cho rằng việc 2 sàn giao dịch bất ngờ niêm yết và giao dịch PI là vì mục đích quảng bá, lôi kéo thêm người dùng cho sàn.
Trước tâm bão đổ xô quan tâm Pi, ngày 30/12, Pi Network chính thức lên tiếng mọi thứ chỉ là giả.
Pi is in Enclosed Mainnet with no external connectivity permitted. Pi Network isn’t affiliated with and hasn’t authorized any exchange listing. Such listings may not operate on real Pi. Participation may result in loss. Trust only official Pi channels: https://t.co/BZtL2zQOrj
— Pi Network (@PiCoreTeam) December 29, 2022
Những thách thức mà Pi Network phải đối mặt
Pi Network ra đời từ đầu 2019 và rộ lên ở Việt Nam cuối 2020, nhưng mãi đến tháng 12/2021 mainnet của dự án mới được ra mắt. Song, mọi thứ khi ấy vẫn không có gì thay đổi ngoại trừ việc ví điện tử trong ứng dụng Pi có thêm một mục là Ví Mainnet với số dư bằng 0. Phải đến tháng 7/2022, một lượng nhỏ người dùng Pi bắt đầu được trải nghiệm những tính năng đầu tiên của dự án, sau hơn ba năm ra đời.
Giao dịch bằng tiền điện tử Pi, mua bán Pi là những những việc đầu tiên có thể làm với đồng Pi sau khi vào mainnet. Được biết, mainnet chia thành hai giai đoạn:
- Mainnet kín: Chỉ có thể chuyển Pi giữa những người dùng ứng dụng với nhau.
- Mainnet mở: Có thể trao đổi với các đồng tiền diện tử khác.
Song, thông tin về ngày ra mắt mainnet mở vẫn là điều cộng đồng bấy lâu trông ngóng. Nhưng đội ngũ phát triển vẫn chưa tiết lộ thời điểm cụ thể.
Bên cạnh việc mập mờ ra mắt mainnet, các vấn đề pháp lý có lẽ là thách thức lớn nhất đối với dự án. Bởi việc mua bán hàng hóa bằng tiền điện tử hiện vi phạm pháp luật tại Việt Nam.
Hơn nữa, để có thể thực hiện một giao dịch trên Pi Network, điều kiện cần là các bên phải sở hữu tài khoản hợp lệ, bao gồm được dự án xác nhận danh tính (KYC) và có số dư Pi trên ví. Trong thống kê mới nhất được công bố, Pi Network cho biết họ có khoảng 35 triệu người dùng, năng lực KYC của hệ thống đạt 90.000 người mỗi ngày.
Nhà sáng lập Pi Network, Nicolas Kokkalis, khẳng định hệ thống sử dụng phương thức xác thực kết hợp giữa người và máy, có khả năng KYC cho hàng triệu tài khoản mỗi tháng và tiến tới phục vụ hàng tỷ người. Nhưng thực tế, đến cuối tháng 6, số thành viên được KYC chỉ đạt 1,5 triệu.
Để xác minh danh tính, người dùng cũng cần gửi ảnh Căn cước công dân, ảnh và video chân dung cho hệ thống. Sau đó dữ liệu được chia nhỏ, gửi đến những người đào Pi khác xác thực. Quá trình này tiềm ẩn các nguy cơ về an toàn thông tin.
Pi cũng gặp vấn đề về thu hút người dùng mới. Tháng 3/2022, nhà phát triển thông báo có 33 triệu người dùng, Đến nay, con số chỉ tăng thêm 2 triệu, trong khi nhiều người cũ đã rời bỏ dự án vì không thể chờ đợi.
Không những thế, lượng truy cập website của dự án cũng giảm dần đều và Việt Nam không còn nằm trong top truy cập. Thống kê của Google Trends cho thấy số người tìm kiếm Pi Network cao nhất vào tháng 7 khi Pi bắt đầu có thể giao dịch. Đến nay, lượng quan tâm đã giảm hơn 80%.
Ngoài ra, trong thông báo tổng kết 2022 và kế hoạch cho 2023 hôm 27/12, nhà phát triển Pi Network khẳng định đã tập trung xây dựng công cụ KYC, triển khai các tiện ích trong hệ sinh thái và thu hút lập trình viên tham gia phát triển ứng dụng cho Pi nhằm chuẩn bị cho tương lai mainnet mở. Tuy vậy, tương tự các thông báo trước đó, dự án không đưa ra một lộ trình rõ ràng hay một mốc thời gian cụ thể.
Tương lai của Pi thủ
Việc mua bán ở “mainnet kín” được thực hiện dựa trên giá đồng thuận, tức bên mua và bên bán tự thỏa thuận về giá trị mỗi Pi và quy đổi hàng hóa. Việc mua bán hàng hóa bằng tiền điện tử hiện vi phạm pháp luật tại Việt Nam, nhưng người đào Pi chia sẻ với nhau cách dùng từ “trao đổi” thay vì “thanh toán” để lách luật.
Người dùng Pi sử dụng từ “trao đổi” thay vì “thanh toán” để lách luật. Ảnh: Facebook Tài Hoa
Theo VNExpress đưa tin, anh Nguyễn Lương, chủ một cửa hàng máy tính tại Hà Nội, là một trong những người đầu tiên giao dịch bằng Pi. Chiếc máy tính có giá 5 triệu đồng được anh bán với giá 200 Pi. Bên cạnh đó, nhiều người tự định giá Pi có giá hàng nghìn USD.
Ngay sau đó, hàng loạt dịch vụ như mua bán Pi, trang thương mại điện tử thanh toán bằng Pi, sàn trao đổi Pi cũng ra đời.
Song, niềm vui chưa được bao lâu, anh Lương phải ngừng dịch vụ. Anh không tiết lộ lý do nhưng nhiều người cho rằng vấn đề pháp lý chính là “kỳ đà cản mũi”. Đặc biệt khi nhận Pi, anh cũng không thể dùng đồng coin này để nhập hàng.
“Cách dễ nhất có thể xoay vòng vốn là bán Pi lấy tiền, nhưng điều này có thể vi phạm chính sách của dự án và bị khóa tài khoản”.
Sau những ngày đầu nở rộ, nhiều cửa hàng từ “nhận thanh toán bằng Pi” phải chuyển sang “nhận thanh toán một phần bằng Pi”, phần còn lại vẫn trả bằng tiền mặt. Từ đó, tình trạng nâng giá bán sản phẩm lấy Pi, lừa mua Pi giá cao rồi chiếm đoạt xuất hiện nhiều trên các cộng đồng.
Điều đáng nói, bài toán chỉ được giải khi cộng đồng Pi đủ lớn, và người dùng sau khi bán hàng lấy tiền ảo có thể mang đồng này đi mua các mặt hàng khác. Tuy nhiên, việc này được đánh giá là “không dễ”. Và tương lai của Pi thủ sẽ khó có thể xác định.
VIC Crypto tổng hợp
Tin tức liên quan:
Liệu Huobi có thật sự “hợp nhất” với Poloniex không?
Rộ tin đồn mua đồ bằng đồng tiền ảo Pi Network