Hàng hóa bổ sung và hàng hóa thay thế là gì?
Học thuật
Hàng bổ sung và hàng thay thế là gì?
Hàng bổ sung (Complements) là những hàng hóa có xu hướng được mua cùng với hàng hóa khác vì nó bổ sung cho hàng hóa này, ví dụ như chén được mua cùng tách, ô tô và xăng. Hàng hóa bổ sung có hệ số co giãn chéo của nhu cầu mang dấu âm.
Hàng hóa thay thế (Substitues) là hàng hóa có thể thay thế các loại hàng hóa khác tương đương về công dụng (hoặc tiêu thụ) khi có các điều kiện thay đổi. Hàng hóa thay thế có thể có chất lượng tốt hơn hoặc thấp hơn mặt hàng nó thay thế và đa số có mức giá rẻ hơn.
Một ví dụ dễ hiểu về hai loại hàng hóa này là khi bạn mua bắp rang bơ bạn thường sẽ mua thêm nước uống Pepsi. Do đó, đối với một rạp chiếu phim, nếu một lượng lớn bắp rang bơ được bán thì một lượng lớn nước uống Pepsi sẽ được bán theo, điều này có nghĩa rằng hai hàng hóa này được sử dụng cùng nhau hay trong kinh tế chúng được gọi là hàng hóa bổ sung. Hôm sau bạn lại đến rạp chiếu phim này, nhưng giá bắp rang bơ tăng lên rất mắc, bạn có thể sẽ mua sản phẩm khác thay vì bắp rang bơ ví dụ như bim bim, điều này có nghĩa là hai hàng hóa này được thay thế lẫn nhau, trong kinh tế chúng được gọi là hàng hóa thay thế.
Vậy tóm lại, hàng hóa bổ sung là hàng hóa được sử dụng cùng nhau. Một điều lưu ý là không phải cứ là hàng hóa bổ sung thì cùng tăng hoặc cùng giảm. Trong hai hàng hóa được gọi là bổ sung, một hàng hóa có thể tăng làm cho hàng hóa còn lại giảm xuống, nhưng một điều chắc chắn rằng chúng vẫn được sử dụng cùng nhau.
Ví dụ:
Xăng và lốp xe là hai hàng hóa bổ sung cho nhau mặc dù khi giá xăng tăng, người tiêu dùng sẽ có thói quen đi xe ít hơn, do đó họ lâu thay lốp xe hơn, dẫn đến nhu cầu mua lốp xe giảm. Nhà sản xuất phản ứng lại bằng cách giảm giá lốp xe và lượng cung lớp xe đi.
Hàng hóa thay thế là hàng hóa được sử dụng thay thế lẫn nhau, nghĩa là có mặt của sản phẩm này sẽ không có mặt của sản phẩm khác trong giỏ hàng của người tiêu dùng.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)