Hạn chế và những giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ hiện nay

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

(Tiếp theo kỳ trước)

BPO – Những năm qua, công tác cán bộ của tỉnh có nhiều bước tiến tích cực. Tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ tầm quan trọng của dân chủ, công khai trong công tác cán bộ. Từng khâu trong công tác cán bộ được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện đồng bộ và theo đúng phân cấp quản lý. Đội ngũ cán bộ, đảng viên và lãnh đạo, quản lý các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã có bước trưởng thành về mọi mặt. Đa số có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong thực hiện nhiệm vụ đã nêu cao ý thức tiền phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm. Nhờ đó, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nhiều tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước, trong đó có người đứng đầu đã chủ động, tích cực xây dựng, hoàn chỉnh quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng (ban cán sự đảng, đảng đoàn). Trong đó, có xác định rõ nguyên tắc, nội dung, phương thức lãnh đạo, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể và cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, mối quan hệ giữa người đứng đầu là bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn với tập thể cấp ủy, với lãnh đạo sở, ngành, HĐND, UBND cùng cấp… Qua đó, vừa thực hiện tốt vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của tổ chức đảng và người đứng đầu tổ chức đảng vừa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức nhà nước và người đứng đầu, cán bộ chủ chốt của tổ chức nhà nước là bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn, bí thư cấp ủy hoặc cấp ủy viên, ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn… cơ bản khắc phục được tình trạng người đứng đầu độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng, thiếu dân chủ, thậm chí vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách hoặc cấp ủy, tổ chức đảng “lấn sân”, bao biện, làm thay công việc của chính quyền và người đứng đầu, cán bộ chủ chốt của cơ quan nhà nước.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tỉnh đã bảo đảm về số lượng, chất lượng từng bước được nâng lên. Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành Đề án 999 với mục tiêu trọng tâm “4 tăng, 4 giảm”. Tỉnh đã tổ chức triển khai quyết liệt, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tính đồng thuận cao. Sau 2 năm thực hiện, “toàn tỉnh đã giảm 138 đầu mối cấp phòng, 210 lãnh đạo các cấp và 1.845 biên chế. Các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 3 đơn vị cấp tỉnh, 21 đơn vị thuộc sở, 40 đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện”2… Tuy nhiên, chiều sâu trong công tác cán bộ vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế: Thiếu những cán bộ quản lý giỏi, những chuyên gia đầu ngành; năng lực công tác, trình độ và kỹ năng lãnh đạo không đáp ứng yêu cầu đặt ra, thiếu tính chuyên nghiệp. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tỉnh tuy đông nhưng không đồng bộ, vẫn còn tình trạng “vừa thừa vừa thiếu”, chưa ngang tầm với đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Hiện nay, tuy đã có quy định, hướng dẫn về từng khâu của công tác cán bộ nhưng vẫn còn cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên thực hiện máy móc, thiếu trách nhiệm. Việc tổ chức đánh giá và xử lý cán bộ yếu kém còn chậm, có trường hợp chưa nghiêm, chưa hiệu quả; các quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đồng thời là người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhà nước còn nhiều bất cập.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 25-10-2011, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 360-QĐ/TU quy định về phân cấp quản lý cán bộ và Quyết định số 359-QĐ/TU về quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cơ bản được bố trí phù hợp, đúng quy định. “Cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý hầu hết đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị; 100% có bằng đại học hoặc trên đại học; 99,56% đạt chuẩn trình độ cao cấp lý luận chính trị. 100% cán bộ trong nguồn quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt chuẩn về chuyên môn, 99,35% đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị. 92,72% cán bộ cấp trưởng, phó phòng cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ chuyên môn đại học trở lên, 100% đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị”1.

Trong công tác cán bộ, một số khâu còn thiếu công khai, minh bạch, bảo đảm dân chủ thực chất; quy định cơ chế thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đảng viên, người giữ chức vụ trong cơ quan, tổ chức nhà nước các cấp còn chưa triệt để, đồng nhất; chưa mạnh dạn xem xét, cho thôi giữ chức vụ đối với những cán bộ có vi phạm, còn khuynh hướng chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác khi cán bộ không còn được tín nhiệm.

Thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy là lãnh đạo, cùng với tập thể cấp ủy thực hiện sự lãnh đạo chính trị của Đảng theo đường lối, chủ trương, nghị quyết, quyết sách của Đảng trong công tác cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng vào đời sống xã hội, quản lý bằng pháp luật, đảm bảo cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện các mục tiêu mà Đảng đã đề ra của “một bộ phận không nhỏ cán bộ” có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Một số cán bộ có thẩm quyền đề cử, giới thiệu cán bộ vào bầu cử, bổ nhiệm lãnh đạo thuộc thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ chưa thực sự công tâm, khách quan, thiếu sâu sát, chưa thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên do mình quản lý nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng nên không chủ động phát hiện được các vụ việc tiêu cực, nhất là tham nhũng liên quan trực tiếp tới cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, chấn chỉnh hoặc xử lý kịp thời. Tình trạng “ngại nói thật” vì sợ mất lòng còn khá phổ biến, sự thờ ơ dẫn đến sự thiếu thẳng thắn, ý thức, tinh thần chiến đấu không cao, không phát huy được trí tuệ tập thể, tính giáo dục, vai trò lãnh đạo hạt nhân chính trị của người đứng đầu, cơ quan, tổ chức dẫn tới hiệu quả công việc chưa cao.     

Nguyên nhân là do một số cấp ủy chưa thường xuyên quan tâm công tác quy hoạch cán bộ, việc rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ hằng năm chưa thường xuyên, liên tục. Công tác quy hoạch và đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng còn chậm hoặc chưa đúng chuyên ngành. Việc bố trí cán bộ làm công tác quản lý vẫn còn nặng về cơ cấu, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa thực sự đồng bộ. Một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa làm tốt công tác giới thiệu nguồn quy hoạch cán bộ tại chỗ để đưa vào nguồn quy hoạch cán bộ kế cận, tạo nguồn cán bộ lâu dài của cơ quan, địa phương, đơn vị; chưa thực sự quan tâm và ủng hộ công tác điều động, luân chuyển cán bộ; chưa nghiêm túc thực hiện đúng quy trình trong công tác cán bộ dẫn đến cán bộ tại thời điểm đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vẫn chưa đủ tiêu chuẩn. Vẫn còn một số cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử năng lực còn hạn chế; nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường, trình độ tin học, ngoại ngữ còn hạn chế…

Trong giai đoạn tới, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời thực hiện tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, đảng ủy các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Phải khẩn trương khắc phục, hoàn thiện nhận thức về phương thức lãnh đạo, đồng bộ hóa các quy định làm nền tảng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền các cấp thông qua tổ chức đảng và đảng viên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – chính trị, văn hóa – xã hội và quốc phòng – an ninh của từng địa phương; khắc phục một số mặt lạc hậu, yếu kém của công tác quản lý, điều hành, lãnh đạo; tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể… 

Đảng bộ các cấp phải quy định cụ thể vấn đề “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị…” theo đúng hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy. Đây là nội dung quan trọng đã được nêu trong nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng, đặc biệt trong nhiệm kỳ IX và X, do còn thiếu quy định về chế độ trách nhiệm, chưa xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm là một trong những hạn chế, yếu kém nổi bật. Điều này cho thấy, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức. Do đó trong giai đoạn hiện nay, phải tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhà nước trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, nhất là trong công tác cán bộ. Trong đó, chú trọng vai trò gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đồng thời là người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhà nước.

Việc thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp huyện, xã không phải là người địa phương chưa triệt để, kể cả việc thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện. Thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu nhân sự để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó còn hạn chế.

Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên nói chung và đảng viên giữ vị trí chủ chốt ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế dẫn tới không phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để công chức không phải là đảng viên noi theo, tạo ra tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới trong công tác, tư tưởng cục bộ, địa phương, ngại khó, ngại khổ, sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước tổ chức, nhân dân, ảnh hưởng tới công tác chống tệ quan liêu, tiêu cực, lãng phí, thực hành tiết kiệm, chống hình thức, xa hoa, quan liêu, xa dân.(còn nữa)

1Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước (1930-2020), tr.547

2Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước (1930-2020), tr.581