Hàm Yên chuẩn bị vào mùa thu hoạch cam
Vườn cam hơn 800 gốc của gia đình anh Trần Văn Đức, xã Bạch Xa đang độ mọng nước, đẩy ngọt chào đón các thương lái vào thu mua. Anh Đức chia sẻ, vườn cam của gia đình anh hiện có hơn 600 gốc là cam Vinh, 200 gốc là cam V2. Năm nay cam của gia đình anh ra hoa, đậu quả gặp thời tiết thuận lợi và được chăm sóc tốt nên cam sai quả, quả to, đồng đều, sản lượng cam tăng 1/3 so với năm 2021. Dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng trên 30 tấn. Thời điểm này đã có nhiều thương lái đến tìm mua, đặt hàng tại vườn với giá từ 10 – 11 nghìn đồng/kg, tăng 2 – 3 nghìn đồng/kg so với vụ cam trước. Thương lái đến từng vườn chọn mua theo trọng lượng quả hoặc mua nguyên cả vườn, chờ đến lúc được thu hoạch sẽ đến hái.
Vườn cam chăm sóc theo hướng hữu cơ của anh Hoàng Đức Hùng, thành viên tổ hợp tác cam sành hữu cơ xã Tân Thành (Hàm Yên).
Với diện tích hơn 500 ha cam, thời điểm này, một số vườn cam sớm của xã Tân Thành đang bắt đầu thu hoạch cam. Ước tính sản lượng cam của xã năm nay đạt khoảng 7.000 tấn. Đồng chí Đặng Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, cây cam là cây trồng chủ lực của người dân trong xã, vì thế, ngay khi kết thúc vụ cam 2021 – 2022, xã đã xây dựng kế hoạch chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ cam, không để cam tồn đọng. Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cam, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc cam đúng quy trình kỹ thuật, chuyển đổi 30 ha cam trồng và chăm sóc cam theo hướng VietGap; 14 ha cam trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Đồng thời, duy trì hoạt động của tổ hợp tác cam sành hữu cơ xã Tân Thành, tổ hợp tác cam Tân Thành để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Là 1 trong 7 thành viên đầu tiên của tổ hợp tác cam sành hữu cơ xã Tân Thành được thành lập năm 2018, ông Đặng Văn Thành, thành viên tổ hợp tác cam sành hữu cơ hiện có vườn cam rộng hơn 3 ha, trong đó có 1,5 ha cam sành trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, còn hơn 1,5 ha cam vinh, V2 được ông trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP. Cây cam của gia đình chủ yếu có độ tuổi từ 8 – 9 năm tuổi, ở độ tuổi này sẽ cho ra những trái cam chất lượng cả về sản lượng, mẫu mã, vị ngọt. Ông Thành bảo, xác định việc đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm, giúp sản phẩm dễ tiêu thụ hơn. Khi tham gia vào tổ, ông được chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cam đúng quy trình, kỹ thuật cam hữu cơ, cam an toàn. Cam đạt chứng nhận hữu cơ có tem truy xuất nguồn gốc nên việc tiêu thụ rất thuận lợi, được nhiều khách hàng ưa chuộng, tin dùng. Giá bán cam hữu cơ cao hơn gấp 3 – 4 lần so với cam truyền thống. Hơn 1,5 ha cam sành đang độ mọng nước, đẩy ngọt và 1,5 ha cam Vinh, V2 đang bắt đầu cho thu hoạch những trái cam đầu vụ. Với giá bán tại vườn là 17 nghìn đồng/kg cam VietGAP, hy vọng rằng ông sẽ có một mùa vụ cam bội thu.
Hiện huyện Hàm Yên có gần 6.200 ha cam các loại, diện tích cho sản phẩm gần 5.700 ha. Sản lượng cam ước tính gần 75.000 tấn. Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, đồng hành với người dân tiêu thụ hết sản lượng, ổn định về giá và giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên, UBND huyện đã và đang tích cực liên hệ, phối hợp với các ngành xây dựng phương án tiêu thụ cam. Huyện tập trung duy trì và phát triển thị trường tiềm năng: với cam xanh (từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2022) tập trung vào thị trường các tỉnh miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên; còn sản phẩm cam chín (từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2023) tập trung tiêu thụ tại các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Ông Đặng Văn Thành, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) thu hoạch cam Vinh đầu vụ.
Huyện phấn đấu tiêu thụ nội tỉnh đạt từ 20 đến 25% sản lượng; tiêu thụ ngoại tỉnh vẫn là chủ yếu chiếm từ 75 đến 80% sản lượng. Trong đó, tiêu thụ ngoại tỉnh dựa vào các thương lái mua tại vườn, tại huyện cung cấp cho các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Huế, Đà Nẵng, Đắc Lắk, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh… Dự kiến sản lượng tiêu thụ khoảng 55.000 tấn. Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, huyện Hàm Yên phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư các tỉnh, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện đưa vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, dự kiến khoảng 15.000 tấn. Còn hơn 4.000 tấn tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử như Vỏ Sò, Postmart, mạng xã hội Zalo, Facebook…
Cùng với đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, Hội Cam sành Hàm Yên, các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cam rà soát số lượng, phân loại và chia sản lượng cần tiêu thụ để có giải pháp cân đối nhu cầu tiêu thụ theo từng đợt thu hoạch. Các ngành chức năng hướng dẫn người dân thu hoạch cam đúng kỹ thuật để tránh dập, hư hỏng, bảo quản tốt chất lượng, bảo vệ thương hiệu cam sành Hàm Yên.
Nhìn những vườn cam sai trĩu quả đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch hứa hẹn sẽ đem lại cho người dân trồng cam huyện Hàm Yên một mùa cam được mùa, được giá.