Hai Phó Thủ tướng bị thôi chức: “Công tác nhân sự phải là việc của toàn dân!”
Hai Phó Thủ tướng được đánh giá là có năng lực nhất bộ máy Đảng Cộng sản Việt Nam bị cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng ngay cuối năm 2022, đánh giá về sự kiện này một luật sư cho rằng Đảng “tự đá vào chân mình” khi loại hai người tử tế nhất, một người khác lại khẳng định qua việc này Đảng cần làm công tác cán bộ triệt để hơn và đó phải là “việc của toàn dân”.
Hôm 30/12/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 họp phiên bất thường quyết định cho thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng mà không nêu lý do đối với ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh, riêng ông Minh cũng rời ghế Ủy viên Bộ Chính trị.
Điều này đồng nghĩa với việc cả hai sẽ không còn giữ chức Phó Thủ tướng, tuy nhiên chức vụ này do Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm nên việc thực hiện miễn nhiệm đối với ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh đồng thời phê chuẩn bổ nhiệm hai người mới sẽ do Quốc hội thực hiện.
“Hai người tử tế cuối cùng”
Không ít các bài viết, bình luận trên mạng xã hội Facebook bày tỏ sự nuối tiếc khi báo chí Nhà nước loan tin chính thức.
Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức cho rằng, hai ông bị loại khỏi guồng máy bởi vì họ được dư luận quốc tế và người dân, kể cả trong nội bộ chế độ Cộng sản đánh giá rất cao năng lực, nhất là về trình độ chuyên môn các lĩnh vực cả hai phụ trách.
Ông Vũ Đức Đam từng có bảy năm làm thư ký và trợ lý cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước khi về địa phương làm việc và sau đó trở thành Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ vào năm 1994, Vụ trưởng Vụ ASEAN, và chức vụ sau cùng là Phó Thủ tướng.
Khi đại dịch COVID-19 lan sang Việt Nam năm 2020 và bùng nổ trong năm 2021, ông Đam được xem là “linh hồn” của công tác phòng chống dịch, tuy nhiên dư luận cũng cho rằng trách nhiệm của ông là không nhỏ khi hàng chục ngàn người ở các tỉnh phía Nam bỏ mạng trong năm 2021 do các biện pháp phong tỏa cực đoan và vụ nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á.
Trong khi đó, ông Phạm Bình Minh nối tiếp sự nghiệp của cha là cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương nhiệm kỳ 1980-1991), ông Minh phụ trách về vấn đề đối ngoại, sau này nhận thêm một số mảng Nội chính trong nước. Luật sư Đài nói với RFA:
“Người ta coi hai ông này là hai người tử tế cuối cùng ở trong chế độ Cộng sản Việt Nam hiện tại.
Theo quan điểm của tôi Nguyễn Phú Trọng cùng với Bộ chính trị và Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam loại hai người tử tế cuối cùng trong chế độ ra thì không khác gì họ tự chọc vào chân của họ thôi.”
Chuyên gia về Việt Nam – ông Carl Thayer, Giáo sư từ Học viện Quốc phòng Úc tại Canberra, lại cho rằng cả hai ông có bằng cấp ở Hoa Kỳ và Bỉ, tuy nhiên có những người khác trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng có trình độ học vấn cao chẳng kém cạnh.
Đánh giá về bước đi mới nhất ở thượng tầng Đảng Cộng sản hiện nay, ông Carl Thayer nhận thấy, hai Phó Thủ tướng ở vào thế “ở rộng người cười, ở hẹp người chê.” Ông nhận xét qua email:
“Ông Phạm Bình Minh được cho là đã không giám sát chặt chẽ các chuyến bay hồi hương của công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài do COVID-19.
Một mạng lưới quan chức đối ngoại rộng khắp đã bị dính líu đến việc nhận hối lộ để đổi lấy chỗ ngồi trên những chiếc máy bay này.
Nếu cá nhân Minh được hưởng lợi từ việc này, ông ta bị kỷ luật; nếu Minh không biết hoặc không hành động, ông ta cũng phải chịu trách nhiệm.”
Điều tương tự xảy ra với ông Vũ Đức Đam khi trợ lý thân tín là Nguyễn Văn Trịnh bị bắt do dính líu đến vụ bê bối hối lộ liên quan đến việc bán bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Việt Á với giá cao.
Cựu Trưởng ban dân vận Trung ương Nguyễn Khắc Mai từ Hà Nội khẳng định, qua vụ việc cho thấy “chuyện nhân sự chỉ do một nhóm người làm thôi.” Ông nói qua điện thoại với phóng viên:
“Ông Trọng thích ai ông ấy đưa người ấy lên, sau một thời gian ông ghét thì ông tìm cách đưa vào lò của ông ấy thôi. Người ta bảo là: “Ông Trọng có lò mới xây… ông đem ông chặt những cây ông trồng.”
Tức là, đó là những cây ông trồng cả chứ không phải của ai khác, thế thì giờ ông không thích nữa thì ông kiếm cớ, trong cán bộ thiếu gì cớ để đẩy họ đi, không tìm ra thôi, tìm thì ra thôi.
Đấy là cái tù mù, quan trọng là công tác cán bộ không phải là công tác toàn dân như trong một xã hội dân chủ, mà là công tác của một nhóm người… chứ không phải của một dân tộc, của nhân dân thậm chí không phải của Quốc hội.”
Theo Giám đốc trung tâm Minh Triết, vấn đề là sắp tới đây Đảng có dám thực hiện đổi mới thực sự, căn bản và triệt để về công tác cán bộ hay không và mọi chuyện phải đặt dưới quyền lực của nhân dân bằng những thể chế văn minh, tiến bộ.
Lấy ví dụ về Điều 4 Hiến Pháp quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, nhưng theo ông Mai chưa có quy định nào buộc Đảng phải chịu trách nhiệm cụ thể trước nhân dân, trước dân tộc.
“Thậm chí, ngay cả Trung ương Đảng… khi họ chịu trách nhiệm với Điều 4 Hiến pháp thì họ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước dân tộc. Ai phê duyệt cho Trung ương để họ làm lãnh đạo thì đấy phải là là nhân dân!” – ông Nguyễn Khắc Mai khẳng định.
Chống tham nhũng hay đấu đá nội bộ?
Luật sư Nguyễn Văn Đài, người theo dõi sát sao diễn biến chính trị ở Việt Nam nói, Bộ chính trị Đảng CSVN cũng như gần 200 Ủy viên Trung ương Đảng bỏ phiếu để loại hai ông này “không tử tế gì hơn” ông Vũ Đức Đam hay Phạm Bình Minh.
“Bởi vì họ không nói rõ hai ông này làm sai điều gì, bởi vì tất cả các Ủy viên bộ chính trị trước đây như ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch thành phố Hà Nội… sai phạm họ điều chỉ ra sai phạm cái gì, phạm luật như thế nào hay tham ô, tham nhũng… tất cả đều chỉ ra hết.
Nhưng chỉ riêng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam thì hoàn toàn không chỉ ra. Dư luận trong nước và quốc tế cho rằng, tính liêm sỉ của họ cao tức là hai người tử tế có tính liêm sỉ cao, chỉ vì trợ lý của họ làm sai nên họ từ chức. Nên tôi không xem đó là cuộc chiến cuộc chiến chống tham nhũng, đây là cuộc đấu đá tranh giành quyền lực thôi,” ông Đài nhận xét.
Cựu Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Khắc Mai cũng đặt vấn đề, đáng lẽ trong sự việc của hai lãnh đạo trên bị cho thôi chức Đảng phải công bố tội lỗi, sai phạm thế nào… nhưng việc tù mù trong quyết định khiến người dân vừa phân tâm, vừa hoài nghi tính chính xác của quyết định là điều không tốt.
Dẫn lại lời một người bạn là diễn giả quá cố, ông Mai cho rằng một só Đảng viên lãnh đạo hiện nay đi từ “đồng chí” đến “đồng lõa”:
“Người ta không còn đi tìm đồng chí nữa mà họ đi tìm đồng lõa. Đó là một nhận xét vừa hài hước vừa phản ánh một sự thật – người ta đang đi tìm đồng lõa, muốn tìm một cái đồng lõa mới phải loại đồng lõa cũ đi.”
Ông Đường Văn Thái, từng làm việc ở UBND huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội và đang xin tị nạn chính trị ở Thái Lan, dẫn trường hợp của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định “nói chống tham nhũng chỉ mang tính chất mị dân.”
“Thể chế chính trị Việt Nam là thanh trừng phe nhóm, có những lỗi rất nhỏ nhưng khi họ muốn thanh trừng họ thổi phồng nó lên, nhưng cũng có những người cùng phe cánh mặc dù lỗi rất lớn nhưng họ họ vẫn làm dịu, cho qua đi rồi thoát tội,” ông Đường Văn Thái nhận xét.
Tuy vậy, Giáo sư người Úc – ông Carl Thayer nói đây là “suy đoán vô căn cứ”:
“Việc bãi nhiệm ông Minh và ông Đam khỏi Ủy ban Trung ương Đảng không liên quan đến suy đoán vô căn cứ rằng các vụ bắt giữ liên quan đến tham nhũng là kết quả của cuộc tranh giành quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam để lựa chọn lãnh đạo cho đại hội đảng toàn quốc lần thứ 14 sẽ được tổ chức vào năm 2026.”
“Đứng về phe nước mắt”
Nhà thơ Lưu Trọng Văn, một người quan sát chính trị hiện đang ở Việt Nam có bài viết trên trang Facebook cá nhân ngay sau khi có tin Đảng nhất trí cho thôi việc hai ông Phó Thủ tướng với tiêu đề “HÃY CÔNG BẰNG VỚI NHÂN DÂN.”
Theo nhà thơ này, sở dĩ dư luận có không ít người tỏ ra cảm mến Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, và tỏ ra luyến tiếc sự ra đi của hai ông là do “lỗi của hệ thống tuyên truyền có chủ đích và khiếm khuyết của nền báo chí không độc lập. Vì cái lỗi này đã không đem lại sự công bằng cho người Dân khi Sự thật luôn là trò chơi ú tim tù mù.”
Lẽ ra, theo ông Lưu Trọng Văn, nếu có lòng tự trọng ông Phạm Bình Minh đã chủ động từ chức khi trợ lý thân tín – một mắt xích quan trọng trong vụ “Chuyến bay giải cứu” bị công an truy tố, chứ không chờ đến khi bị cách chức.
“Sự tàn bạo ăn không từ thứ gì trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” dẫn đến hàng loạt thứ trưởng, cục trưởng, đại sứ tên tuổi của bộ Ngoại giao bị bắt giam, kỷ luật thì người chịu trách nhiệm rành rành trước nhất chính là Phạm Bình Minh…
Tại sao ông không từ chức ngay? Mà phải đến khi ông TBT Nguyễn Phú Trọng đưa ra nghị quyết về “khuyến khích người phạm lỗi từ chức” và ông Võ Văn Thưởng đại diện Ban Bí thư yêu cầu “cần gây sức ép mạnh để cán bộ phạm lỗi từ chức” mới từ chức?” – ông Văn đặt câu hỏi.
Trường hợp ông Vũ Đức Đam cũng tương tự với vụ Việt Á, theo bài viết của ông Lưu Trọng Văn “nếu người Dân biết hết Sự thật về vai trò, trách nhiệm và cả những gì v v… đằng sau các vụ án trên như uỷ ban kiểm tra trung ương và cơ quan an ninh điều tra tội phạm hối lộ tham nhũng biết, thì chắc chắn khó có thể có sự ngộ nhận nào đó về hình ảnh hai ông trên.” Ông kêu gọi:
“Hãy đứng về Phe Nước mắt – Phe người Dân, những người là nạn nhân duy nhất của tội lỗi của các ông quan lớn, dù bất kể ông quan lớn ấy là ai, để phán xét.
Sự thật cần phải được phơi bày. Khi Sự thật chưa được phơi bày thì sự bất công đối với người Dân vẫn còn đó. Và cái xấu xa, cái ác vẫn còn đó.
Điều quan trọng nữa, sức ép từ chức không thể chỉ là màn diễn của phe nhóm quyền lực mà phải với bất cứ ai dù ở vị trí cao nào.
Đó cũng là sự Công bằng dành cho người Dân vì người Dân luôn phải có quyền được phục vụ bởi những quan chức thực sự tử tế chứ không phải những quan chức chưa bị lộ sự không tử tế.”