Hà Tĩnh cần giải pháp đột phá để phát triển du lịch xứng với tiềm năng

TRẦN TUẤN

  –  

Thứ hai, 10/04/2023 05:00 (GMT+7)

Có nhiều lợi thế và tiềm năng, ngành du lịch Hà Tĩnh vẫn chưa phát triển như kì vọng.

Hà Tĩnh cần giải pháp đột phá để phát triển du lịch xứng với tiềm năng
Người dân và du khách cổ vũ trò chơi dân gian kéo co tại một lễ khai hội chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn.

Theo ông Lê Trần Sáng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hà Tĩnh, Hà Tĩnh là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch khá đa dạng.

Năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành của tỉnh Hà Tĩnh đạt 6.073 tỉ đồng, tăng 74,01% so với năm 2021. Trong đó dịch vụ lưu trú đạt 245,63 tỉ đồng, dịch vụ ăn uống đạt 5.811,25 tỉ đồng, tăng 72,3% so với năm trước; Dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 16,22 tỉ đồng.

Ông Trần Thế Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng, mặc dù có nhiều tiềm năng lợi thế nhưng thời gian qua, ngành du lịch Hà Tĩnh phát triển vẫn chưa được như kì vọng, chưa tương xứng.

Ông Dũng đề nghị Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh thời gian tới phải nghiên cứu, có chiến lực, giải pháp đột phá để thúc đẩy ngành du lịch có bước phát triển tốt hơn.

Du khách tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Trần Tuấn.Du khách tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Lê Trần Sáng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh – cho hay, thời gian tới cần có chính sách hỗ trợ, thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Chú trọng đến việc tạo điểm đến du lịch Hà Tĩnh an toàn, thân thiện cho du khách thông qua tuyên truyền bồi dưỡng về ứng xử giao tiếp cho cộng đồng dân cư tại các khu điểm du lịch.

Du khách tắm biển Thiên Cầm tại dịp khai trương mùa du lịch biển Hà Tĩnh năm 2022. Ảnh: Trần Tuấn.Du khách tắm biển Thiên Cầm tại dịp khai trương mùa du lịch biển Hà Tĩnh năm 2022. Ảnh: Trần Tuấn

Hà Tĩnh cần đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá du lịch; liên kết phát triển sản phẩm du lịch địa phương gắn với các tour, tuyến du lịch có tính chất lan tỏa trong nước và quốc tế; gắn kết các hoạt động thu hút đầu tư dự án du lịch và hoạt động quảng bá, phát triển, liên kết du lịch.

Phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh cũng là điều cần tập trung. Trong đó, chú trọng nâng cấp chất lượng sản phẩm, điểm đến gắn với di sản – di tích làng nghề và đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm.

Phát triển sản phẩm du lịch lễ hội, văn hóa tâm linh theo hướng kết hợp hài hòa với các mục đích khác nhằm khắc phục tính thời vụ của du lịch biển; liên kết các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng các tour tuyến du lịch.

Cuối cùng là tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, kiến thức ngoại ngữ, tin học, truyền thông cho nhân sự hiện đang làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Hà Tĩnh.

Với bờ biển dài 137km, Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn như Thiên Cầm, Xuân Thành, Cửa Sót, Kỳ Xuân…

Hà Tĩnh là vùng đất có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như núi Hồng – sông La, hồ Kẻ Gỗ, hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang, rừng Vũ Quang, suối Nước Sốt – Sơn Kim, quần thể khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông, Hoành Sơn Quan, thác Vũ Môn…

Hà Tĩnh là quê hương của nhiều danh nhân gắn với di tích lịch sử – văn hoá như di tích Đại thi hào Nguyễn Du, di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc…

Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 638 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 86 di tích cấp quốc gia và 550 di tích cấp tỉnh; có 70 lễ hội truyền thống, trong số đó hiện có hơn 30 lễ hội đã được phục dựng và duy trì khá tốt.

Hà Tĩnh cũng là vùng đất nổi danh với đời sống văn hoá dân gian hết sức phong phú qua các làn điệu dân ca, ví dặm, qua lễ hội, làng nghề thủ công… như: Hát Ví, hát Giặm, hát phường vải Trường Lưu và Trường Nga, ca trù Cổ Đạm, múa sắc bùa…

Đặc biệt, dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.