Hà Giang phản hồi việc du khách mặc trang phục nước ngoài trên sông Nho Quế
Trao đổi với Dân trí chiều 24/3, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị đã trao đổi với chính quyền địa phương, đề nghị kiểm tra và đình chỉ các điểm cho thuê trang phục nước ngoài trên sông Nho Quế.
“Thời gian trước, chúng tôi đã trực tiếp kiểm tra, tuyên truyền người dân không cho thuê, không treo các trang phục nước ngoài trên thuyền”, vị lãnh đạo thông tin.
Theo vị này, Hà Giang là vùng đất nhiều bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng. Một bộ trang phục truyền thống thường có giá rất đắt, nên nhiều người dân đã tìm mua những bộ trang phục truyền thống của nước ngoài với giá rẻ hơn để kinh doanh.
“Chúng tôi khuyến cáo du khách đến với Hà Giang hãy là khách du lịch thông thái, tìm hiểu và lựa chọn trang phục truyền thống thích hợp. Nếu không, du khách chỉ cần mặc trang phục lịch sự để chụp ảnh trên sông Nho Quế”, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang nói.
Vị này cho biết thời gian tới đơn vị sẽ quyết liệt siết chặt quản lý điểm đến du lịch, nhằm xây dựng hình ảnh Hà Giang đẹp hơn.
Nhiều du khách mặc trang phục nước ngoài chụp ảnh trên sông Nho Quế.
Trước đó, travel blogger Khoai Lang Thang (tên thật là Đinh Võ Hoài Phương, 32 tuổi) chia sẻ trên trang Fanpage về việc nhiều du khách mặc trang phục nước ngoài, như Tây Tạng, Mông Cổ,… chụp ảnh trên sông Nho Quế, vô tình gây sự hiểu nhầm.
“Người bạn nước ngoài hỏi mình: ‘Nho Quế phải của Việt Nam không?’. Thật lòng nghe câu đó cùng mấy tấm hình bạn ấy đưa thì mình cũng có chút buồn thật! Nếu các bạn đi du lịch sông Nho Quế (Hà Giang) hay bất cứ cảnh đẹp tự nhiên nào của Việt Nam, thì hạn chế mặc đồ của những nước khác nha”, Khoai Lang Thang viết.
Dưới bài viết, đa phần ý kiến đồng tình với quan điểm của Khoai Lang Thang, cho rằng khách du lịch nên gìn giữ văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc.
Sông Nho Quế được vinh danh là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam (Ảnh: Quân Đỗ).
Bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) cao 1.800m, sông Nho Quế chảy theo hướng tây bắc – đông nam, qua núi rừng hoang vu hiểm trở, đổ vào xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) để vào nước ta.
Sông tiếp tục xuôi dòng qua hẻm núi Tu Sản, dọc theo Mã Pì Lèng, khi đến Mèo Vạc thì tách làm 2 nhánh và chảy sang địa phận Cao Bằng, cuối cùng nhập vào sông Gâm tại ngã ba Nà Mát.
Nhiều năm qua, rất đông du khách đã vượt hàng trăm cây số đường đèo núi quanh co, khúc khủyu… tới tham quan, chụp ảnh lưu niệm trên làn nước xanh biếc của sông Nho Quế.
Sông Nho Quế được vinh danh là một trong những Thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam.