GS Trương Tửu | Nguyễn Thị Bình

 

CON NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP TRƯƠNG TỬU:

NHỮNG CÂU HỎI CÒN BỎ NGỎ

  

Lời dẫn cho cuộc Hội thảo về TRƯƠNG TỬU tại khoa Ngữ văn ĐHSP Hà
Nội, 28/11/2008

 

 

PGS.TS. NGUYỄN THỊ BÌNH
Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội 

 

Ông thuộc số tên tuổi mà thế hệ chúng tôi (cùng một số thế hệ trước
và sau chúng tôi nữa) được nghe nói đến nhiều nhất nhưng lại ít rõ
ràng nhất. Trong suốt một thời kỳ dài, chúng tôi không sao hiểu nổi
ông là ai giữa những lời kết án nặng trịch trên giấy trắng mực đen
và vô số câu chuyện đồn thổi vừa đầy niềm thán phục vừa không thiếu
ngậm ngùi cay đắng. Ông là người luôn đề cao trách nhiệm với quần
chúng lao động khi nói đến văn hoá, là một trong những nhà phê bình
văn học đầu tiên ở Việt Nam theo quan điểm Mác-xit nhưng vì sao cuốn

Tương lai văn nghệ Việt Nam
lại bị một người Mác-xit rất có uy tín phê phán? Ông đã chống lại
quan điểm của các báo Phong hoá, Ngày nay khi các báo này đề
cao cái cá nhân mà quên nói trách nhiệm với quốc gia dân tộc, rồi vì
sao sau đó ít lâu ông lại thành ra kẻ “xét lại”, thành một kẻ
Trôtkit? Vì sao có những việc ông làm với niềm tin cá nhân sâu sắc
rằng “động cơ hoàn toàn trong sáng,chính trực với mong muốn đất nước
ta ngày càng phát triển, xã hội ta ngày một dân chủ, chế độ ta ngày
một vững bền” mà người ta lại gọi ông kết tội ông là “reo rắc chất
men bất phục tùng và phản kháng chính thể dân chủ nhân dân”? Ông đề
cao phương pháp khoa học trong phê bình văn học, có công lý thuyết
hoá việc nghiên cứu văn học sử ở nước ta nhưng sao nhiều kiến giải
của ông lại rơi vào cực đoan, ấu trĩ? Ông nhiệt thành khẳng định mối
quan hệ giữa văn nghệ với cách mạng: “Từ xưa đến nay, tinh tuý của
văn nghệ bao giờ chẳng là tinh tuý cách mạng?” nhưng rồi ông lại bị
phê phán là “lợi dụng văn học để chống lại cách mạng, chế độ”, tuyên
truyền cho thế giới quan duy tâm và phủ nhận thế giới quan tiến bộ”?
Ông là kẻ nhân cách đáng ngờ hay là con người “tràn đầy khí phách
chân nho phương Đông của một sĩ phu Bắc Hà”?… Có quá nhiều thắc
mắc đã ám ảnh lớp hậu sinh chúng tôi xung quanh một “nhân vật lịch
sử” như ông. Nhưng cho đến hết thập kỷ 80 của thế kỷ trước, chúng
tôi vẫn không biết tìm kiếm câu trả lời ở đâu. Khó khăn về tư liệu,
những định kiến quen thuộc, và bao lý do khác nữa khiến việc nghiên
cứu ông chẳng nhúc nhích được là bao.  

May mắn là, dăm bảy năm trở lại đây, trước tác của ông đang được
giới thiệu trở lại. Khi

Tuyển tập nghiên cứu phê bình Trương Tửu
(NXB Lao động và Trung tâm Văn hoá và ngôn ngữ Đông Tây, 2007) ra
đời đã có một số ý kiến đánh giá lại sự nghiệp cũng như nhân cách
của ông. Tuy vậy, giới nghiên cứu vẫn còn nhiều việc phải làm để có
thể “phục hiện” đầy đủ một sự nghiệp (vừa phong phú về diện bao quát
vừa gây nhiều tranh cãi phức tạp), một nhân cách độc đáo được nhào
nặn qua bao biến cố thăng trầm khiến ông gần với huyền thoại hơn là
với lịch sử.  

Vâng, trong mắt người bạn thân Nguyễn Vỹ, ông đã là huyền thoại ngay
khi ông còn trẻ: “Với rất ít, anh xây dựng rất nhiều. Với một chấm
nhỏ nảy ra từ hình thức của sự vật, anh kéo một đường thẳng tới tư
tưởng vô cực. Anh là nhà toán học chống giáo lý đi tìm một bài toán
cho nhân sinh, với những công thức do anh tự chế biến ra, không theo
công thức điển hình nào cả. Và không bao giờ anh đúng, ít khi anh
nói phải nhưng luôn luôn anh có lý” (…). Với anh, sai lầm chống chân
lý và luôn luôn sai lầm thắng chân lý”.  

Và sau khi can đảm đi hết con đường trần thế, lời nhắn nhủ của ông
rất giống lời một hiền triết: “Con không nhất thiết phải là Đảng
viên nhưng con nhất thiết phải sống như người cộng sản chân chính về
trí tuệ, tình cảm và nhân cách”.  

Vẫn biết con người luôn là một bản thể phức tạp, bí ẩn, có khi nhiều
nhân cách cùng tồn tại trong một thân xác nhưng ông vẫn là nỗi tò
mò, thắc mắc của nhiều kẻ hậu sinh. Chúng tôi cho rằng việc nghiên
cứu về ông hiện đang đặt ra như một đòi hỏi cấp bách cũng như nền
văn hoá, văn học dân tộc còn khá nhiều khoảng trống cần được nhận
diện và lấp đầy bằng tâm huyết và bằng trách nhiệm của nhiều người.
 

Từ cuộc đời hoạt động của Trương Tửu, có thể hình dung mấy hướng
nghiên cứu chính:

− Một là những sáng tác tiểu thuyết và truyện của Trương Tửu. Theo
Lại Nguyên Ân và Nguyễn Hữu Sơn thì hiện đã sưu tập được bảy tác
phẩm, còn bốn tác phẩm nữa chưa tìm thấy. Đấy đã phải là tất cả sáng
tác văn học của Trương Tửu chưa? Giá trị của chúng đến đâu? Vì sao
từng được coi là “cây bút tiểu thuyết có phong cách trong làng tiểu
thuyết trước cách mạng” nhưng tiểu thuyết Trương Tửu lại ít được bàn
tới?

− Hai là các công trình nghiên cứu phê bình của Trương Tửu. Rõ ràng
đây là mảng chính làm nên tư cách “học giả Trương Tửu”. Không thể
phủ nhận Trương Tửu sớm có ý thức lý thuyết hoá hoạt động nghiên cứu
phê bình. Là người “tôn thờ khoa học”, ông coi trọng phương pháp
trong phê bình văn học, mạnh dạn ứng dụng một số triết thuyết mới mẻ
mà ông tiếp nhận từ phương Tây vào việc phê bình tác giả, tác
phẩm.Ông chủ động, tự tin đề xuất những quan niệm có tính tiên phong
trong nghiên cứu văn học sử. Việc làm rõ những nguồn tư tưởng ảnh
hưởng đến quan điểm học thuật của Trương Tửu có ý nghĩa hết sức quan
trọng đối khi đánh giá chỗ được, chỗ chưa được cũng như những mâu
thuẫn trong các công trình khoa học của ông. Đọc nhiều bài ông viết
cách nay hơn nửa thế kỷ, chúng tôi thực sự thán phục một trí tuệ
uyên bác, chủ yếu bằng con đường tự học mà có thể tiếp cận được
những lý thuyết rất hiện đại và cũng rất phức tạp về văn hoá, văn
học rồi từ đó đề xuất được không ít ý kiến có giá trị “dẫn đường”
cho khoa nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam trước 1945.  

Từ quan niệm về văn chương đến viết nghiên cứu phê bình, Trương Tửu
tỏ ra khá nhất quán ở quan điểm lịch sử và quan điểm thực tiễn. Ông
có thái độ khách quan đối với học giả Phạm Quỳnh, có sự lý giải sâu
sắc về hai nét truyền thống (lãng mạn và luân lí) trong văn chương
Việt Nam khi nhận diện phong cách Tản Đà, có nhiều phát hiện tinh tế
về sáng tác của Thế Lữ, Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Khái Hưng, Nhất
Linh… Tuy nhiên cũng dễ thấy là việc ông vận dụng học thuyết Freud
vào phân tích văn học khá vụng về, thô thiển, nhiều nhận định chủ
quan, cực đoan… Chúng tôi cho rằng cả ông lẫn người tranh cãi với
ông đều cùng đang đi tìm chân lý. Bây giờ nhân loại nói nhiều đến
“chân lý tương đối”. Nhãn quan dân chủ, cởi mở này đòi hỏi ở chúng
ta thái độ công bằng khách quan khi đối xử với những sự khác biệt
chính kiến trong học thuật. Sự nghiệp nghiên cứu phê bình của Trương
Tửu chắc chắn sẽ được đánh giá lại, điềm tĩnh và công bằng hơn. 

− Ba là với  tư cách nhà hoạt động xã hội, người sáng lập hay
chủ trì những cơ quan văn hóa như Đại Đồng thư xã, nhà xuất bản Hàn
Thuyên, người tham gia tổ chức Đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu 4,
giáo sư văn học trong các nhà trường Đại học đầu tiên của nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa, là một nhân vật quan trọng trong sự kiện Nhân
văn – Giai phẩm…,  ảnh  hưởng của ông như thế nào? Rất cần xem
xét lại những sai lầm đã khiến ông phải chịu sự phê phán nặng nề
suốt một thời gian dài, đồng thời làm rõ và trân trọng ghi nhận cống
hiến của ông trong nỗ lực quảng bá văn hóa, xây dựng chương trình
dạy và học môn văn ở nhà trường xã hội chủ nghĩa thuở sơ khai. 

− Bốn là về bản lĩnh, nhân cách, con đuờng số phận của một trí thức,
một người thầy trong những tương tác cụ thể của thời thế, của truyền
thống văn hóa. 

Nếu việc nghiên cứu những trường hợp như Trương Tửu được làm tốt,
bức tranh văn hóa văn học Việt Nam thế kỉ XX sẽ trở nên phong phú,
trung thực hơn, và chúng tôi tin rằng không chỉ có nhiều bài học hữu
ích được rút ra về tư tưởng, tài năng, cá tính của các nhà văn, các
học giả lớn, nhiều kinh nghiệm có giá trị cho hướng nghiên cứu xã
hội học văn học… mà sâu xa hơn còn là vấn đề nuôi dưỡng niềm tin vào
lẽ công bằng, tình yêu đối với chân lý khoa học… đủ để chúng trở
thành động lực cho mỗi cá nhân đang khát khao tham gia vào sự tiến
bộ chung của cộng đồng. Cuộc hội thảo khoa học này hy vọng sẽ làm
sáng tỏ được điều đó./.

* Tất cả những trích dẫn trong bài viết này đều lấy
từ cuốn

Tuyển tập nghiên cứu phê bình Trương Tửu

(Nguyễn Hữu Sơn và Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm, biên soạn,
Nxb. Lao động – Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, Hà
Nội, 2007 )

 

Lên trang này ngày 4-12-08