Góc hài hước: Ái tình theo khẩu phần

193 lượt xem

O. Henry (1862-1910) là nhà văn Mỹ, cây bút sở trưởng vể truyện ngắn, ông đã sáng tác hàng trăm truyện ngắn. Sau khi O. Henry qua đời, năm 1918, Hội Nghệ thuật và Khoa học ở Mỹ đã lấy tên ông làm giải thưởng tặng những truyện ngắn hay nhất hàng năm. Nhiều truyện ngắn O. Henry đầy chất hài hước. Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh xin giới thiệu một trong những truyện như thế của ông.

 

O. HENRY
Dịch giả: Nguyễn Việt Long
 

ÁI TÌNH THEO KHẨU PHẦN
 

Xu hướng của đàn bà, – Giep Pitơx nói, sau khi đã có một vài ý kiến bàn về vấn đề này, – thường hướng về phía mâu thuẫn. Đàn bà muốn cái mà các cậu không có. Cái gì càng có ít, đàn bà càng muốn nhiều. Họ thích lưu trữ các loại xuvơnia về những sự kiện thực ra chẳng có trong đời họ. Cái nhìn một phía đối với sự vật không đội trời chung với bản tính đàn bà.

Tớ có một điểm dở bẩm sinh và được những chuyến du lịch phát triển lên, – Giep nói tiếp, mặt đăm chiêu nhìn cái bếp lò nằm lọt giữa đôi chân ghếch cao. – Tớ nhìn một số sự vật sâu hơn đa số mọi người. Tớ đã hít no hơi xăng, đã diễn thuyết trước đám đông hầu như tại tất cả các thành phố của Hoa Kỳ. Tớ mê hoặc người đời bằng âm nhạc, tài hùng biện, sự khéo léo của đôi tay và những thủ thuật ranh mãnh, đồng thời bán cho họ hàng kim hoàn thuốc men, xà phòng, thuốc mọc tóc và đủ thứ tạp nham khác. Trong lúc đi chu du, phần để giải trí, phần để chuộc tội, tớ đã nghiên cứu đàn bà. Muốn hiểu được một ả đàn bà, con người ta cần cả một đời, nhưng những mầm mồng kiến thức về nữ giới có thể đạt được, nếu ta dành cho nó mười năm nghiên cứu cần cù, kĩ lưỡng. Trong lĩnh vực này, tớ đã biết được rất nhiều điều bổ ích khi rao bán ở miền tây kim cương Braxin và đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh, – đó là sau chuyến đi Xavanna của tớ qua vành đai bông. Dạo ấy là thời kì phát đạt đầu tiên của bang Oclahôma. Thị xã Gatơri mọc lên ở giữa bang này, vùn vụt như thổi. Đó là một thị xã điển hình ra đời trong cao trào bùng nổ kinh tế: muốn tắm rửa phải xếp hàng, nếu bạn ngồi ăn trong tiệm lâu quá chục phút thì phải trả thêm tiền chỗ ngồi; còn nếu ngủ đất trong khách sạn, sáng ra xin cứ việc chi tiền như nghỉ biệt thự.

Về quan điểm lẫn tư chất thì ở đâu tớ cũng thích tìm những chỗ đánh chén ngon lành nhất. Tớ tìm được một nơi hết sức vừa ý. Đó là một tiệm ăn căng bạt của một gia đình vừa mới mở. Gia đình ấy đến thị xã này theo vết chân sự bùng nổ kinh tế. Họ đã dựng gấp một ngôi nhà nhỏ vừa để ở vừa để nấu nướng và chăng thêm lều bạt áp vào ngôi nhà làm tiệm ăn. Lều này chăng đầy những tờ quảng cáo nhằm giành giật từ vòng tay tội lỗi của các biệt thự và khách sạn kẻ lữ hành mệt mỏi. “Hãy nếm bánh quy nhà chúng tôi”, “Bánh rán nóng với xirô phong, những món bạn vẫn ăn từ thuở bé”, “Gà rán của chúng tôi lúc sống chưa đến tuổi cục tác” đấy là những dòng chữ có nhiệm vụ kích thích sự tiêu hoá của khách ăn. Tớ mới bụng bảo dạ rằng cái thân xác tớ cần tọng một chút gì đó chiều nay tại chính tiệm ăn này. Sự việc diễn ra đúng như vậy. Chính tại đây tớ đã làm quen được với Mâymi Điugân.

Ông già Điugân – kiểu dân ăn không ngồi ở xứ Inđiana, cao tới sáu bộ (1) – nằm trên ghế xích đu hồi tưởng lại vụ thất bát năm một tám linh sáu. Bà lão Điugân nấu bếp, còn Mâymi thì phục vụ khách.

Chỉ vừa trông thấy Mâymi, tớ đã hiểu ngay là cuộc tổng kê dân số đã phạm một sự nhầm lẫn. Ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đúng ra chỉ có một cô gái mà thôi! Mô tả nàng chi tiết thật là khó. Vóc nàng xấp xỉ một thiên thần, nàng có đôi mắt, lại còn điệu bộ nữa chứ. Nếu các cậu muốn biết nàng là người như thế nào, thì có thể tìm thấy cả một chuỗi xích, trải dài từ cầu Bruclin về phía tây đến tận trụ sở toà án ở Caonsin Blaphơ, bang Inđiana. Những người như nàng kiếm sống bằng cách làm việc ở các cửa hàng tiệm ăn, trong các nhà máy và văn phòng. Họ có gốc gác theo đường thẳng từ bà Eva, chả là họ đã giàng được quyền làm đàn bà, còn nếu như các cậu dám đặt dấu hỏi về cái quyền ấy thì có khả năng ăn một cái tát ra trò. Họ là những người bạn tốt, họ trung thực và tự do, dịu dàng và táo tợn, và họ biết nhìn thẳng vào cuộc đời. Họ gặp gỡ mặt đối mặt với đàn ông và đã đi đến kết luận rằng đàn ông là giống sinh vật thảm hại. Họ đã đinh ninh rằng sự mô tả của đàn ông trong các tiểu thuyết đọc trên tàu hoả tựa như chàng hoàng tử trong cổ tích, chẳng hề được thực tế xác nhận.

Đấy, Mâymi cũng là một cô gái như vậy. Toàn bộ con người nàng toát lên sức sống, sự vui vẻ và tính linh lợi, với khách thì mau mồm mau miệng: thật chết cười mỗi lần nghe nàng đáp. Tớ không ưa khai quật tận lòng sâu các cảm xúc cá nhân. Tớ vẫn theo cái thuyết cho rằng những mâu thuẫn và những mối tơ vò của cái bệnh có tên gọi là bệnh tương tư là những thứ cũng riêng tư giống như cái bàn chải đánh răng. Theo tớ, các bản tiểu sử những trái tim chỉ nên tìm vị trí cho mình bên cạnh các tiểu thuyết lịch sử về đời sống buồng gan trên các tạp chí dành cho việc rao tin. Vì thế xin các cậu thứ lỗi, nếu tớ không liệt kê ra đây danh sách đầy đủ của những tình cảm của tớ đối với Mâymi.

Chẳng bao lâu tớ đã nhiễm thói quen thường xuyên có mặt ở quán vào những lúc ít người. Mâymi tiến lại phía tớ, trong bộ áo dài đen và tạp dề trắng, miệng mỉm cười và nói: “Chào anh Giep, sao anh không đến đúng giờ đã định? Anh cố ý muộn để mọi người phải lo lắng hay sao? Gà rán – bít-tết – thịt lợn – dầu – trứng tráng – với – giăm-bông – … Nàng gọi tớ là Giep, nhưng điều ấy tuyệt nhiên không có nghĩa gì cả. Chẳng qua nàng cũng phải phân biệt người nọ với người kia mà thôi. Gọi thế thì vừa nhanh, vừa tiện. Tớ thường ăn hai bữa trưa và cố kéo dài chúng như ăn tiệc trong xã hội thưọng lưu, nơi người ta đổi đĩa, đổi vợ và trao qua đổi lại những câu đùa giữa các lần nuốt. Mâymi chịu đựng tất. Có lẽ nào nàng lại làm ầm ĩ lên và bỏ mất một đôla chỉ vì người ăn không đến theo thời gian biểu đã định.

Ít lâu sau lại thêm một cậu chàng nữa tên là Eđ Côliê nảy ra cái thói tọng đồ ăn vào giờ trái khoáy. Vì có tớ và cậu ta mà giữa bữa ăn sáng với bữa ăn trưa và bữa ăn trưa với bữa ăn chiều đã bắc những cây cầu nối thường xuyên. Qnán ăn biến thành rạp xiếc với ba vũ đài, thành thử Mâymi hoàn toàn không còn thời gian nghỉ ở hậu trường nữa. Thằng cha Côliê đầy những thủ đoạn ma lanh. Hắn làm việc đâu như ở đội khoan giếng hoặc bảo hiểm, có quỷ mới biết được – tớ cũng chả nhớ ở đội nào. Hắn cũng khá về khoa ăn nói và dễ gây được thiện cảm. Tớ với hắn đã tạo ra trong quán một bầu không khí tình tự và thi đua. Mâymi giữ mình trên tầm cao vô tư và phân phối đều sự lịch thiệp đối với cả hai người chúng tớ, giống như chia bài ở câu lạc bộ ấy: một quân bài cho tớ, một quân bài cho Côliê, và một quân bài đặt cái. Trong ống tay áo không còn một quân bài nào cả.

Tất nhiên tớ với Côliê đã làm quen với nhau và thỉnh thoảng còn thù tạc với nhau trong bốn bức tường của lều quán. Không kể những trò khôn ranh, cậu ta gây được ấn tượng tốt và sự đối địch của cậu ta cũng rất ngộ.

– Tao thấy mày thích ngồi lì trong phòng tiệc sau khi khách đã tản về hết đấy nhé. – Có một lần tớ nói với Côliê để xem hắn đối đáp như thế nào.

– Ừ, – Côliê nói, vẻ tư lự. – Sự ồn ào cảnh chen vai thích cánh làm thần kinh nhạy cảm của tao khó chịu.

– Thần kinh tao cũng thế, – tớ nói – À, cô bé cũng kháu đấy chứ nhỉ?

– À, thì ra thế, – Côliê bật cười. – Nếu mày đã nhắc đến điều đó, thì tao xin báo để mày rõ là cô bé gây được ân tượng không phải là khó chịu đối với thần kinh thị giác của tao.

– Cô ấy làm tao thích mắt lắm, – tớ nói. – Tao đang tán nó đây. Nói để mày biết.

– Tao sẽ rất trung thực, – Côliê nói. – Nếu như ở các hiệu thuốc có bán đủ dịch vị, tao sẽ cho mày một chầu cho mày tha hồ bị bội thực để đạt được cái đích mới thôi.

Thế là bắt đầu cuộc đua nước rút của chúng tớ. Quán ăn cung ứng liên tục. Mâymi phục vụ chúng tớ, vui vẻ, dễ thương và lịch sự. Thần ái tình và người nấu bếp ở quán Điugân làm việc cật lực.

Một ngày tháng chín tớ đã rủ Mâymi đi chơi với tớ sau bữa ăn tối, khi cô ấy dọn dẹp xong. Chúng tớ đi dạo một tí rồi ngồi lên những khúc gỗ ở khu vực cuối thành phố. Dịp may như thế chắc còn lâu mới có, nên tớ đã thổ lộ hết những gì mình muốn nói. Rằng kim cương Braxin và đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh là nguồn thu nhập của tớ, đủ để đảm bảo ấm no cho cả hai, rằng cả hai thứ ấy dù sao cũng không thể cạnh tranh được với ánh mắt của một nàng, rằng họ Điugân cần phải đổi sang họ Pitơx, nếu không đổi thì xin giải thích lí do.

Thoạt đầu Mâymi chẳng nói gì cả. Sau đó bỗng nàng rùng rùng toàn thân. Thế là tớ nghe được những điều bổ ích. Nàng nói:

– Anh Giep ạ, em rất tiếc là anh đã nói ra. Em cũng mến anh, em mến anh nhiều mặt, nhưng trên đời này sẽ chẳng có người đàn ông nào em lấy làm chồng đâu và sẽ chẳng bao giờ có cả. Anh có biết trong con mắt em, đàn ông là cái thứ gì không? Đó là nấm mồ, là nấm mồ để chôn bít-tết, thịt lợn kho, gan xào, trứng tráng với giăm-bông. Trong tâm khảm em đã in đậm hình ảnh của họ như thế. Em đã thử chống lại cảm giác ấy, những không tài nào chống được. Nghe nói các cô gái khen hết lời chồng chưa cưới của mình, em không hiểu nổi. Đàn ông, cái cối xay thịt và chạn đựng thức ăn đều gây ra ở em những cảm giác giống nhau. Có lần em đi xem kịch, nhìn thấy một diễn viên mà các cô gái đều chết mê chết mệt. Em ngồi xem mà nghĩ bụng, không hiểu anh ta thích loại bít-tết nào – còn tái, chín vừa hay đã rán già và loại trứng nào – còn lòng đỏ nhùng nhùng hay đã luộc nhừ, chỉ có bấy nhiêu thôi. Không, anh Giep ạ. Em sẽ không bao giờ lấy chồng. Để mà toàn trông thấy anh ta sáng đến ngồi ăn, đến trưa lại quay về ăn, rồi cuối cùng lại vác mặt về ăn tối, chỉ ăn, ăn, ăn ấy à…

( Theo tuyển tập truyện ngắn O. Henry )

Source: https://evbn.org
Category: Hài Hước