Gỗ keo 1,7 triệu đồng/tấn, dân hừng hực bỏ mía, sắn trồng keo – ThienNhien.Net | Con người và Thiên nhiên

Cơn sốt gỗ nguyên liệu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi giá gỗ keo đã lên tới 1,7 triệu đồng/tấn. Nông dân khắp nơi ào ạt chuyển mía, sắn sang keo.

Cơn sốt giá gỗ nguyên liệu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi thời gian qua liên tục tăng cao. Tại Phú Yên, nếu như đầu tháng 8/2022, giá gỗ keo bán với giá 1,3 triệu đồng/tấn thì thời điểm này đã tăng vọt lên 1,7 triệu đồng/tấn. Đây là giá mức giá gỗ keo cao nhất từ trước đến nay. Với giá như hiện nay, người trồng rừng ở Phú Yên sau khi thu hoạch, trừ chi phí lãi 100 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, cơn sốt gỗ keo đang cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ lụy khi nông dân ào ào chuyển sang trồng keo, phá vỡ các vùng nguyên liệu mía, sắn. Gỗ keo sốt giá nên không ít nơi, người dân tranh thủ bán cả rừng non, đẩy các nhà máy chế biến gỗ vào khốn khó sau này do thiếu nguyên liệu rừng gỗ lớn.

Giá keo “leo” lên đầu câu chuyện

Nhà ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) tổ chức đám giỗ, mời bạn bè xa gần đến nhà. Người đến trước, người đến sau, vừa ngồi vào bàn tròn chào xã giao là đã chuyển ngay sang câu chuyện giá gỗ, rằng năm nay thu mấy ha keo?

Câu chuyện giá gỗ keo cứ thế xôn xao cả đám giỗ, rồi nâng ly rượu chúc mừng… trúng keo! Ông Dũng bảo: “Ngày trước ông bà nói điếu thuốc, miếng trầu là đầu câu chuyện, còn dạo này, cây keo leo lên đầu câu chuyện, bởi rừng keo vừa là tài sản của bà con nơi đây, hơn nữa giá gỗ nguyên liệu thời gian qua liên tục tăng chóng mặt, người trồng keo chưa bao giờ có lãi như hiện nay.

Ông Bùi Văn Tiến ở xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) ăn giỗ nhà ông Dũng xen vào câu chuyện, kể: Dọc theo Quốc lộ 19C từ huyện Sông Hinh qua Sơn Hòa, hai bên đường bạt ngàn rừng keo. Với giá keo như hiện nay, nhà nào có đất trồng 10ha keo nắm chắc trong tay 1 tỉ đồng, người ít 5ha cũng 500 triệu đồng.

Keo tăng giá không chỉ giúp người trồng lãi lớn mà người lột vỏ keo thuê ngày công lao động cũng tăng theo. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tân ở xã Sơn Định, chuyên lột keo thuê chia sẻ: Những tháng qua, tôi nhận công cưa, lột vỏ keo rồi bốc lên xe.

Mỗi ngày 5 – 7 người (tùy theo rẫy keo nhiều hay ít), đàn ông thì cưa, phụ nữ thì lột vỏ. Mấy năm trước trời nắng hạn, keo khô nước nên lột vỏ không chạy, rất cầm công, tính ra làm cả ngày bình quân công lao động chỉ được 200.000 đồng/người. Năm nay trời có mưa, keo no nước, bung vỏ lột rất thuận lợi, vì vậy ngày công đạt 300.000 đồng.

Ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Định cho biết: Đến nay nông dân trong xã đã thu hoạch 161ha keo, sản lượng ước đạt 80 tấn/ha. Ở đây là vùng cao nguyên Vân Hòa, khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho keo phát triển.

Chuyển mía, sắn trồng keo

Xã Sơn Định có 4 vườn ươm, hàng năm mỗi vườn xuất bán 2,5 vạn cây giống. Những ngày qua, trời mưa nhiều nên rất nhiều người đến vườn ươm ở các thôn Hòa Thuận, Hòa Nghĩa, Hòa Bình (xã Sơn Định) đặt mua keo giống. Các vườn ươm cũng đang gấp rút chuẩn bị cho việc xuất vườn. Năm nay, nhiều người chọn cây giâm hom và cấy mô, còn cây gieo hạt ít trồng vì cây yếu, chậm phát triển, chất lượng gỗ kém.

Bà Bùi Thị Hiền đang mua keo giống ở vườn ươm xã Sơn Định cho hay: “Mùa này, gia đình tôi trồng giống cây giâm hom. Trồng 3 ngày, trời đều mưa nên 100% cây sống, còn mấy năm trước trồng xong phải mua thêm cây giống trồng dặm vì keo non chết”.

Theo thống kê của UBND xã Sơn Định, hiện nay nông dân trong xã trồng 163ha keo, sắn 78ha, mía 350ha. Như vậy diện tích keo vượt xa cây sắn (chỉ sau cây mía).

Tại huyện Đồng Xuân, ông Huỳnh Tuấn Ân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện này cho biết: Hằng năm trên địa bàn huyện trồng 1.800ha rừng tập trung, cùng với đó các vườn ươm trong huyện gieo ươm khoảng 1 triệu cây giống lâm nghiệp. Trước tình hình giá gỗ keo tăng vọt thời gian qua, rất nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được bà con chuyển sang trồng keo.

Dọc khắp khu vực gò đồi từ xã Xuân Lãnh lên xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), hiện nông dân đang tất bật chuẩn bị đất trồng keo. Ông Trần Văn Hùng ở xã Đa Lộc cho hay, keo trồng cách 2 – 3m/cây, thời gian 4 – 5 năm cho thu hoạch, không tốn nhiều chi phí trồng và công chăm sóc. “Tôi có đám đất gò mấy năm qua trồng sắn, mía. Gần đây, do giá gỗ keo liên tục tăng cao nên xung quanh người dân chuyển sang trồng keo hết, đám đất của tôi bị rợp bởi tán cây keo che phủ nên tôi cũng phải bỏ sắn, mía theo trồng keo”, ông Hùng nói.

Tại huyện Tuy An, khu vực đồi núi các xã An Xuân, An Lĩnh, huyện Tuy An thời gian gần đây, nhiều người cũng đã bỏ trồng sắn mía theo keo. Gần đến mùa mưa nên ai cũng có kế hoạch trồng keo. Ông Võ Xuân Lý ở xã An Lĩnh chuyên chở keo bằng xe tải cho hay: Keo tăng giá, trồng có lãi nên nông dân đang mở rộng trồng keo.

Dọc theo các xã An Lĩnh qua xã An Xuân, cây keo leo lên núi cao, có vùng muốn chở keo phải mở đường. Thời tiết năm nay mưa nắng đan xen nên trồng keo mau bén rễ, lớn nhanh. Trồng đúng quy trình kỹ thuật thì rừng keo càng đẹp, cây cân đầu cân đuôi, khi keo đủ tuổi (trồng cỡ 5 năm) có thể thu hoạch. Còn keo trồng dày, cây cong queo, thời gian trồng 6 – 7 năm mới thu hoạch.

Không mở rộng trồng keo trên đất nông nghiệp

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, năm nay toàn tỉnh trồng rừng tập trung 6.000ha, sản lượng khai thác rừng trồng 240.000 tấn. Tuy nhiên với phong trào trồng keo như hiện nay, ngành chức năng lo ngại nông dân mở rộng trồng keo trên đất nông nghiệp, phá vỡ vùng quy hoạch.

Theo ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, phong trào trồng rừng tuy mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhưng nguy cơ phá vỡ vùng quy hoạch sắn, mía vốn cung cấp nguyên liệu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn. Vì vậy, khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá cả, mà tuân thủ quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Sở cũng đã có công văn đề nghị các địa phương vận động nhân dân không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt mà đổ xô trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp. Điều này sẽ phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu các loại cây trồng khác.