Giới thiệu Thầy Thích Trúc Thái Minh

Tiểu Sử Thầy Thích Trúc Thái Minh 

“Lý tưởng của Thầy là xây dựng chùa Ba Vàng thành một tùng lâm, một trung tâm Phật giáo lớn để độ thật nhiều người, giúp họ kết duyên với Phật Pháp và hướng thiện. Thầy phát nguyện dù có bỏ xác, dù có chết ở đây Thầy cũng sẵn sàng.” – Trích lời Thầy Thích Trúc Thái Minh – Trụ trì chùa Ba Vàng

Xuất thân Thầy Thích Trúc Thái Minh

Thầy Thích Trúc Thái Minh, tên thế danh là Vũ Minh Hiếu, sinh ngày 3/3/1967 tại làng Sen, thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Thầy là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em.

Được sống trong gia đình gia giáo, nề nếp, có truyền thống theo đạo Phật nên ngay từ lúc nhỏ, Thầy đã biểu lộ là người thông minh, hiếu học và có lòng hiếu thảo đặc biệt.

Như lời gia đình chia sẻ, từ nhỏ, Thầy là người con rất chăm chỉ, biết gia đình khó khăn nhưng không dám vòi vĩnh. Thầy luôn thường nghĩ cho cha mẹ, từ ăn đến mặc rất sơ sài, hễ đi học về là Thầy đều phụ giúp cha mẹ việc nhà. Đặc biệt, Thầy rất kính quý bà nội – một người phụ nữ hiền thục, một người cư sĩ tại gia thuần thành, kính tín Tam Bảo.

Một lần, khi được bà nội cho xem quyển kinh Phật Bà chùa Hương (hay là chúa Ba, Quán Thế Âm Bồ Tát). Đọc quyển kinh ấy, Thầy rất xúc động về câu chuyện của chúa Ba chặt tay, móc mắt để làm thuốc chữa bệnh cho cha mình – vua Trang Vương. Khi ấy Thầy mới 8 tuổi, chưa hiểu gì nhiều, chưa biết phát nguyện là gì, nhưng tự trong tâm Thầy liền nảy sinh suy nghĩ: Nếu sau này cha mẹ có bệnh trọng, phải cần đến mắt, tay thì Thầy cũng sẵn sàng móc đôi con mắt, chặt đôi bàn tay để dâng lên làm thuốc cho cha mẹ giống như chúa Ba vậy.

Với tâm kính quý Phật Pháp và vâng lời bà nội dạy, ngay từ khi còn nhỏ, Thầy đã siêng năng niệm hồng danh Phật. Năm lên 9 tuổi, trong một lần đi chăn trâu, Thầy ngồi trên đồi niệm Phật thì thấy giữa đám mây trắng, hình ảnh Đức Bồ Tát hiện ra với vầng hào quang hiện ra rất đẹp. Một niềm hạnh phúc lan tỏa trong tâm, ngay sau khi dắt trâu về, Thầy đã lấy bút vẽ lại hình ảnh ấy. Và cũng từ đó, niềm tin về sự tồn tại của Đức Phật trong Thầy được hình thành.

Thời gian cứ thế trôi, Thầy lớn lên trong tình yêu thương cha mẹ cùng anh chị em. Vốn thông minh, hiếu học nên Thầy được tuyển vào các lớp chọn, chuyên của huyện, tỉnh. Đặc biệt, khi lên cấp 3, Thầy được tuyển thẳng vào lớp chuyên Toán duy nhất của tỉnh Hải Dương và tham gia các kỳ thi Quốc gia bộ môn Toán, Lý.

Chàng trai Vũ Minh Hiếu chụp ảnh kỷ niệm cùng người thân

Chàng trai Vũ Minh Hiếu chụp ảnh kỷ niệm cùng người thân

Trong suốt 3 năm học cấp 3 tại trường THPT Hồng Quang (nay là chuyên Nguyễn Trãi – Hải Dương), Thầy là học sinh luôn được các thầy cô và bạn bè đồng trang lứa yêu mến và được đánh giá là người gần như hoàn thiện cả về đạo đức lẫn học thuật. Kết thúc năm tháng học cấp 3, Thầy được tuyển thẳng vào Đại học Sư Phạm. Tuy nhiên, Thầy lại quyết định thi vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân và trở thành sinh viên khóa 26 của trường. Sau khi ra trường, Thầy được giữ lại làm giảng viên. Công tác tại đây 5 năm, Thầy chuyển sang Viện nghiên cứu Chế tạo máy thuộc Bộ Công nghiệp làm việc.

Tại sao Thầy Thích Trúc Thái Minh lại chọn con đường xuất gia?

Một lần về thăm quê, Thầy bất ngờ nghe tin người chị họ mới mất. Thầy bàng hoàng, thảng thốt, vội chạy về thăm ngôi mộ của chị. Đối trước mộ chị với bao cảm xúc, Thầy trăn trở về kiếp nhân sinh và giá trị của cuộc đời này. Thầy nghĩ đến những người thân và bản thân cũng sẽ chết, nằm trong quan tài, vùi xuống đất sâu kia, vậy thì công danh sự nghiệp cũng không còn ý nghĩa gì. Thầy nghĩ: “Sống để làm gì? Chẳng nhẽ sống chỉ để tranh danh, cuối cùng chấm hết bằng nấm mồ thế này? Chết là còn hay hết? Chết mà còn thì mình là cái gì? Mình ở đâu? Như thế nào? Nếu chết là hết, thành đống vô tri vô giác thì cuộc đời thật vô nghĩa”.

Empty

Những câu hỏi về sống, chết, về giá trị cuộc đời cứ luẩn quẩn loanh quanh trong đầu khiến Thầy không thể tập trung làm việc. Sau đó, Thầy quyết định xin cơ quan nghỉ một tuần để giải tỏa tâm lý, đi tìm lời giải đáp.

Từ trường Kinh tế Quốc dân, Thầy đến chùa Quán Sứ mong sao tìm được lời giải đáp qua giáo lý đạo Phật. Giữa bạt ngàn kinh sách Phật giáo, Thầy ngẫu nhiên rút ra quyển kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải. Từng lời giảng trong kinh như tháo gỡ hết mọi thắc mắc trong tâm trí, Thầy hạnh phúc thốt lên: “Đây rồi, con đường mình phải đi đây rồi, chân lý là đây!”.

Sau đó, Thầy dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về Phật Pháp. Thầy lập bàn thờ Phật, tu tập tại gia. Một thời gian sau, Thầy cùng một số người bạn thành lập đạo tràng Trúc Lâm Quán Sứ để tu tập, sách tấn nhau cùng tiến bộ.

Nhân duyên một lần, đến thăm nhà người bạn, Thầy đọc được bốn câu kệ:

“Muốn thấy thập phương tất cả Phật

Muốn ban vô tận công đức tạng

Muốn diệt chúng sinh tất cả khổ

Phải nên mau phát Bồ đề tâm”.

Khi đọc xong, toàn thân Thầy rúng động, Thầy biết mình chân thật muốn được phát tâm Bồ đề. Thầy lên chùa Quán Sứ với mong mỏi tìm hiểu về Bồ đề tâm nguyện. Trước bạt ngàn kinh sách của thư viện, Thầy vô tình rút được trên kệ cuốn sách “Khuyến phát Bồ đề tâm văn” của Ngài Thật Hiền Đại Sư. Sau khi tư duy và nghiền ngẫm kỹ lời giảng của Ngài Thật Hiền, Thầy quyết định tìm một vị Thầy để chứng minh cho mình được phát tâm Bồ đề.

Quá trình tìm Thầy và xuất gia cầu đạo

Có một sự kiện xảy ra trước ngày Thầy đi vào Nam. Thầy đối trước bàn thờ Phật, bạch rằng: “Bạch Phật, con thật lòng muốn phát tâm Bồ đề, thật tâm muốn dâng hiến cuộc đời con cho Phật. Xin Phật chứng cho”. Để chứng minh lòng chân thật, Thầy lấy mấy nén hương đốt cháy rực đỏ ấn mạnh vào ngực mình. Lần thứ nhất, khi hương vừa đưa đến ngực, theo phản xạ, tay cầm hương bất giác bật ra. Lúc ấy, Thầy trấn tĩnh lại bản thân: “Mình đã nguyện xả thân cho Phật, tại sao lại sợ?”. Dũng cảm vượt qua ngã chấp, Thầy dùng hết nghị lực đưa mồi hương vào. Khi tiếng thịt cháy xèo, Thầy cảm giác như tan vỡ toàn thân, niềm hỷ lạc vô cùng hạnh phúc tràn ngập trong tâm.

Lên đường vào Thiền viện, tại đây, Thầy đã phát những lời nguyện:

– Điều thứ nhất: Quyết chí tu hành cần cầu Phật Pháp. Dù Phật đạo lâu xa cũng không nhàm mỏi. Dù Phật quả khó thành cũng không nản chí. Tinh tấn tu hành tất cả các Pháp cho đến khi giác ngộ viên mãn, thành Phật.

– Điều thứ hai: Chúng sinh dù nhiều cũng không nản chí, dẫu khó độ cũng chẳng sờn lòng, quyết đem ánh sáng Phật Pháp, phổ độ khắp tất cả quần sinh cho đồng thành Phật đạo.

– Điều thứ ba: Hộ trì chính Pháp, giữ gìn ngôi Tam Bảo thường còn mãi ở thế gian không tiếc thân mạng.

– Điều thứ bốn: Luôn luôn giữ gìn tâm Bồ Đề kiên cố, không để quên mất, dù phải trải qua nhiều khó khăn chướng ngại, chúng con cũng quyết không thoái chuyển.

– Điều thứ năm: Nguyện tu học theo mười hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát.

– Một là kính lễ chư Phật

– Hai là xưng tán Như Lai

– Ba là rộng tu cúng dường

– Bốn là sám hối nghiệp chướng

– Năm là tùy hỷ công đức

– Sáu là thỉnh Phật chuyển Pháp luân

– Bảy là thỉnh Phật trụ thế

– Tám là thường theo học Phật

– Chín là hằng thuận chúng sinh

– Mười là hồi hướng khắp tất cả.

Thầy Thích Trúc Thái Minh trong buổi lễ Phát tâm Bồ đề tại Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt

Thầy Thích Trúc Thái Minh trong buổi lễ Phát tâm Bồ đề tại Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt

Sau buổi lễ phát tâm Bồ đề, Thầy cảm nhận rất rõ về con đường xuất gia cầu đạo giải thoát và tin chắc bản thân sẽ đi được trên con đường đó. Từ Đà Lạt trở về, Thầy nói với cô bạn gái về chí nguyện của mình. Dù rất đau lòng nhưng cô bạn gái vẫn hy sinh tình riêng, không ngăn cản mà còn là người đầu tiên động viên, thuyết phục cha mẹ của Thầy để Thầy đi xuất gia.

Thời điểm đó, Thầy rời trường Kinh tế Quốc dân, chuyển về Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp của Bộ Công nghiệp. Không lâu sau đó, Thầy xin nghỉ để vào chùa Phúc Đức – Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) tập tu xuất gia. Sau đó, Thầy cùng các thành viên đạo tràng Hiền Trí trở về quê nhà để xin hai cụ thân sinh đồng ý cho Thầy đi xuất gia. Buồn khổ, tuyệt vọng, cụ bà khóc ròng từ ngày này sang ngày khác bởi không muốn mất đi một người con trai yêu quý. Nhưng với ý chí quyết tâm xuất gia cầu đạo, Thầy đã dùng mọi phương tiện để thuyết phục cha mẹ. Khi thấy chí nguyện kiên cố của Thầy, hai cụ thân sinh đành phải đồng ý. Cảm tạ công ơn trời biển mà hai cụ đã sinh thành và nuôi dưỡng, Thầy cúi đầu đảnh lễ cha mẹ lần cuối. Lúc ấy ngoài trời đổ cơn mưa rất lớn, trong nhà ai cũng khóc nghẹn ngào vì xúc động.

Ngày 15/7/Kỷ Mão (tức 25/8/1999), Thầy xuống tóc, thế phát xuất gia tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Hòa thượng Ân Sư thượng Thanh hạ Từ đặt Pháp danh cho Thầy là Thích Trúc Thái Minh.

– Thích là lấy theo dòng họ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

– Trúc là lấy theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của vua Trần Nhân Tông

– Thái là to lớn, bao trùm

– Minh là sáng suốt, rộng lớn

Sau khi xuất gia, Thầy Thích Trúc Thái Minh được thọ giới Sa-di. Những việc chấp lao, phục dịch, dọn nhà vệ sinh, nấu nước, Thầy đều hoan hỷ phát nguyện được làm để phục vụ đại chúng.

Tâm nguyện của Thầy Thích Trúc Thái Minh

Năm 2002, Thầy Thích Trúc Thái Minh được Hòa thượng Thích Thanh Từ cử ra miền Bắc để góp sức xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Năm 2007, được sự cho phép của Hòa thượng cùng sự thỉnh mời của chính quyền, nhân dân, Phật tử tại phường Quang Trung, Tp. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Thầy Thích Trúc Thái Minh đã về Trụ trì chùa Ba Vàng.

Chùa Ba Vàng bấy giờ chỉ là ngôi chùa hẻo lánh trên núi, không điện, không nước, chỉ có tấm bia đá khắc ghi dấu tích nhà Trần năm xưa. Vậy mà chỉ với hai bàn tay trắng, tài sản không có gì ngoài 3 tấm y áo cùng tâm nguyện Bồ đề rộng lớn, Thầy Thích Trúc Thái Minh đã vượt qua tất cả khó khăn, cơ cực để xây dựng chùa Ba Vàng có Tăng đoàn tu hành phạm hạnh thanh tịnh tiếp bước Như Lai và là trung tâm Phật Pháp với đầy đủ điều kiện thuận lợi để Phật tử bốn phương có môi trường tu tập. 

1. Đối với chùa Ba Vàng

Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Ba Vàng từ một am nhỏ trở thành ngôi chùa rộng lớn, khang trang, có tòa chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương. Đường lên chùa được mở rộng, lưu thông giữa chùa với trung tâm thành phố Uông Bí. Không chỉ vậy, điện nước trên đỉnh núi Thành Đẳng cũng được dẫn về chùa. Các khu nội viện của Tăng chúng, khu sinh hoạt của Phật tử dần được xây dựng và hình thành. Nhân dân Phật tử không khỏi nể phục, kính trọng Thầy đã gắng công, gắng sức tôn tạo ngôi Tam Bảo Ba Vàng nơi rừng núi hoang sơ ngày nào; để ngày nay trở thành tùng lâm Phật giáo khang trang với tổng diện tích 22 hecta. 

Xây dựng chùa lớn, bề thế đều là phương tiện để Thầy hóa độ chúng sinh, giúp nhiều người kết duyên Phật Pháp được lợi ích an vui. Thầy từng chia sẻ: “Thân người khó gặp, chúng ta phải dùng thân này hữu ích nhất. Mà hữu ích nhất không gì bằng việc phát tâm Bồ đề, tu hành chính Pháp. Với tâm nguyện dành cả đời hoằng dương Phật Pháp cứu độ chúng sinh, xây dựng Tứ chúng tu hành chính Pháp để những ai có duyên đều được lợi ích”. 

Ngoài việc giáo dưỡng Tăng chúng như thời Đức Phật còn tại thế, Thầy Thích Trúc Thái Minh cũng đặc biệt quan tâm đến sự tu học của hàng cư sĩ, Phật tử tại gia. Thầy mong mỏi: Mỗi người Phật tử đều phải học cách sống, thực tập tu lục hòa. Tôn trọng nhau, biết kính trên nhường dưới, nhường nhịn nhau. Một tập thể, dù là tu sĩ hay Phật tử tại gia, nếu giữ được sự hòa hợp, đoàn kết thì tập thể đó mới có sức mạnh, mới đi đến thành công.

Empty

Chính vì vậy, ngay từ thuở chùa Ba Vàng mới sơ khai, Thầy cho phép thành lập CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa chùa Ba Vàng để Phật tử có môi trường tu tập lục hòa. Lục hòa là sáu pháp hòa hợp, hòa kính mà Đức Phật dạy để cho Tăng chúng, Phật tử tu hành để đời sống chúng ta được hạnh phúc an vui. Đó là thân hòa cộng trụ, khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân. 

Từ CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa chùa Ba Vàng đã có nhiều đạo tràng trong và ngoài nước được thành lập. Bắt đầu sơ khởi từ năm 2012 với 10 đạo tràng và 700 thành viên; tính đến tháng 10 năm 2021 đã có gần 250 đạo tràng với hơn 1 vạn Phật tử trải rộng khắp các tỉnh thành như Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Gia Lai, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu… Bên cạnh đó, được sự giáo dưỡng từ Thầy, sự hướng dẫn của Cô chủ nhiệm CLB Cúc Vàng mà Đạo tràng Phật tử xa xứ chùa Ba Vàng dành cho cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài được thành lập. Chỉ hơn 7 tháng thành lập bắt đầu phát triển địa bàn trên 10 quốc gia, nay đã lên tới trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Anh, Úc, Đức, Cộng hòa Síp, Thái Lan, Singapore, Canada…. 

Đặc biệt, sự tu tập của các Phật tử CLB Cúc Vàng đã có những kết quả rất lớn. Điều này được minh chứng bằng sự chuyển nghiệp của hàng nghìn Phật tử cùng người thân trong gia đình trên các nghiệp khổ trên thân bệnh, nghiệp bị phi nhân làm hại, chuyển hóa tâm tính. Đây là kết quả rất đáng tán thán của các Phật tử về việc thực hành Pháp Phật, giúp người và bản thân chuyển hóa nghiệp khổ, đạt được hạnh phúc ngay trong hiện tại. 

2. Đối với Tăng chúng

Ngoài việc xây dựng chùa Ba Vàng trở thành trung tâm Phật giáo, Thầy Thích Trúc Thái Minh rất coi trọng việc giáo dưỡng và phát triển Tăng chúng. Với chủ trương thực hành theo lời Phật dạy: “Tăng ở thành thị Phật Tổ la, Tăng ở núi rừng Phật Tổ hoan hỷ”. Thầy Thích Trúc Thái Minh và chư Tăng Ni chùa Ba Vàng đang ngày đêm tu tập miên mật trong rừng, thực hành Pháp đầu đà tối thượng và cao quý như thời Đức Phật tại thế, không dám mong được cả 10 phần nhưng làm sao cố gắng được 5, 6 phần và mong nguyện hiện kiếp này, trong Tăng chúng sẽ có người chứng đắc Thánh quả để giữ gìn đạo pháp. 

Cho nên, tại chùa có những khu vực nội viện biệt lập và đặc biệt có rừng thiền để cho Tăng chúng tu tập và rèn luyện vô cùng miên mật. Bởi chư Tăng có nghiêm trì giữ giới, tinh tấn tu tập thì mới giữ vững được Phật Pháp; sau đó đem ánh sáng ấy hoằng truyền tới muôn nơi, cứu độ hết thảy cho chúng sinh, khiến chúng sinh thoát khỏi mê lầm, tỏ rọi con đường đi tới chân hạnh phúc của muôn loài.

Empty

Theo lời Phật dạy, Thầy Thích Trúc Thái Minh và chư Tăng Ni chùa Ba Vàng thực hành hạnh thiểu dục tri túc với pháp đầu đà khổ hạnh: ngày ăn một bữa, tối ngủ trong rừng, tài sản chỉ có 3 tấm y mặc rách rồi lại vá và một bình bát để khất thực gieo duyên hóa độ chúng sinh. Chỗ ngủ nghỉ của các Thầy chỉ là vách lều được dựng tạm bợ bằng những cây tre ghim xuống đất và cột lại. Chỗ ngủ cũng không được quá 3 ngày để tránh tham đắm, mỗi chư Tăng chỉ có một tọa cụ và một tấm chăn che gió lạnh, mưa sa.

Không chỉ mong nguyện xây dựng một Tăng đoàn tu hành thanh tịnh mà với tâm nguyện dành cả đời cho Phật Pháp, Thầy mong những ai có chí nguyện xuất gia, giác ngộ Phật Pháp cùng về nơi đây tu tập để hoằng Pháp độ sinh. 

3. Đối với thế hệ trẻ

Thầy Thích Trúc Thái Minh tâm nguyện cả cuộc đời này, Thầy chắc chắn sẽ là người trồng vườn, ươm vườn trí tuệ, đặc biệt là cho tuổi trẻ. Bởi thế hệ trẻ cần được vun bồi đạo đức, sống có lý tưởng, nhiệt thành để mang lại điều tốt đẹp cho bản thân và xã hội. Với tâm nguyện này, Thầy đã cho phép thành lập CLB Tuổi trẻ Ba Vàng và CLB La Hầu La.

Thầy Thích Trúc Thái Minh nguyện dành cả đời để ươm mầm trí tuệ cho tuổi trẻ

Thầy Thích Trúc Thái Minh nguyện dành cả đời để ươm mầm trí tuệ cho tuổi trẻ

Tại CLB Tuổi trẻ Ba Vàng, các bạn không chỉ được trang bị kỹ năng, kiến thức, tư lương trong cuộc sống, làm việc mà còn được học và thực hành lời Phật dạy. Thông qua các buổi giảng Pháp của Thầy trong chương trình Khám phá vườn tâm, các bạn trẻ được tìm hiểu về tâm, từ đó biết làm chủ tâm và điều phục tâm của mình. Làm chủ tâm sẽ giúp các bạn làm chủ cuộc đời và có được thành công, vinh quang, sống hạnh phúc an lạc, cho mình, cho người.

Khởi nguồn từ tâm nguyện của Thầy Thích Trúc Thái Minh, CLB La Hầu La ra đời dành cho các bạn nhỏ từ lớp 1 đến lớp 12 là con, em, cháu của các Phật tử đang tu học và sinh hoạt tại CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa. Lấy tên từ Ngài La Hầu La – con trai duy nhất của Thái tử Tất Đạt Đa (tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau này), CLB La Hầu La là môi trường để các bạn nhỏ học tập và rèn luyện theo tấm gương của Ngài La Hầu La để trở thành người chín chắn, trưởng thành, bản lĩnh để khi bước vào đời không bỡ ngỡ, sợ hãi. Đây cũng là nhân lành để các bạn gặt hái được những thành công, quả phúc lành trong cuộc đời.

Thầy Thích Trúc Thái Minh giảng Pháp vào ngày nào?

Đều đặn vào ngày mùng 8, ngày 14, 30 hoặc 29 âm lịch hàng tháng, Thầy Thích Trúc Thái Minh tổ chức khóa tu Bát quan trai, các buổi học Pháp để gieo duyên cho Phật tử cùng nhân dân được chân thật thực hành lời Phật dạy. Từ đó giúp họ được tăng trưởng thiện Pháp, được ươm mầm và tưới tẩm hạt giống Bồ Đề trong tâm, đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội.

Empty

Bên cạnh đó, vào mỗi chủ nhật đầu tiên của tháng, Thầy Thích Trúc Thái Minh sẽ có buổi Pháp thoại trong lộ trình tu học Khám phá vườn tâm dành cho các bạn thuộc CLB Tuổi trẻ Ba Vàng.

Đón xem những bài giảng Pháp của Thầy, quý Phật tử có thể theo dõi trên các trang truyền thông:

Nền tảng Facebook:

– Facebook Chùa Ba Vàng: https://www.facebook.com/chuabavang.com.vn

– Facebook Thầy Thích Trúc Thái Minh: https://www.facebook.com/ThayThichTrucThaiMinh

– Facebook CLB Tuổi trẻ Ba Vàng: https://www.facebook.com/CLBTuoiTreBaVang

– Facebook CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa: https://www.facebook.com/CLBCucVangTapTuLucHoa

Nền tảng Youtube:

– Youtube Chua Ba Vang: https://www.youtube.com/chuabavangqn?sub_confirmation=1

– Youtube Thầy Thích Trúc Thái Minh: https://www.youtube.com/thaythichtructhaiminh?sub_confirmation=1

Nền tảng Website:

– Website Chùa Ba Vàng: https://chuabavang.com/

– Website Thầy Thích Trúc Thái Minh: https://thaythichtructhaiminh.com/

Từ nơi hạnh nguyện Bồ đề, Thầy Thích Trúc Thái Minh đã dẫn dắt hai hàng đệ tử xuất gia và tại gia vào trong biển giáo Pháp của Đức Như Lai, bước trên con đường cầu Vô thượng Bồ đề.
Bằng tâm từ bi rộng lớn và lòng yêu thương vô hạn, Thầy đã dùng mọi phương tiện để hướng dẫn những người có duyên với Thầy cho tu học, giúp cho họ được chuyển hóa nghiệp duyên, tăng trưởng phúc lành, sống cuộc đời an vui, hạnh phúc và giúp cho họ trở thành đệ tử Phật thuần thành để hộ trì Tam Bảo, hoằng dương chính Pháp.
Cuộc đời sự nghiệp tu hành của Thầy sẽ là bài học quý báu, là kim chỉ nam, là nguồn động lực to lớn để nhiều người biết vươn lên sống hướng thượng, hướng thiện đến chân lý đạo giải thoát.

CHIA SẺ