Giới thiệu Tết Chôl-Chnăm-Thmây của đồng bào Khmer
Cùng với lễ hội Ooc-om-boc, Sence Dolta thì Chôl-Chnăm-Thmây là một trong ba lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Chôl-Chnăm-Thmây diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch hàng năm. Vào những ngày này, người Khmer khắp nơi sẽ cùng nhau đón năm mới cũng là dịp để họ tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và đức Phật đã che chở cho họ trong suốt một năm qua.
Chôl-Chnăm-Thmây thường được tổ chức khoảng đầu tháng Chét của lịch Phật giáo Khmer (giữa tháng 4 dương lịch). Kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày, mỗi ngày tết có tên gọi khác nhau.
– Ngày thứ nhất (Châul Sang Kran Thmei); gọi là “Maha Sâng Kran” – ngày làm lễ rước Đại lịch. Sau khi đi đủ 3 vòng quanh chánh điện, các sư bắt đầu thực hiện nghi lễ cầu bình an cho người dân. Trong ngày đầu tiên của năm mới, rước Đại lịch được cho là ngi thức quan trọng nhất.
Những người không kịp đến chùa lúc rước Đại lịch thì sau đó có thể cùng mọi người đến để nghe ông lục thuyết pháp, cúng dường năm mới. Người Khmer gọi những người đàn ông này là Acha. Acha là phải người am hiểu lịch sử, thuộc nhiều kinh Phật và được dân làng tín nhiệm.
Ngày thứ hai (Wonbât): gọi là “Pun Phrôm Khoach” – ngày làm lễ dâng cơm và đắp núi cát, nếu là năm nhuần thì có 2 ngày Wonbât. Cũng giống như ngày đầu tiên, bà con Khmer tiếp tục mang cơm đến thỉnh cho các sư. Cũng trong ngày này, người Khmer cũng thực hiện nghi thức cúng Thanh minh để tưởng nhớ những người đã mất.
Theo quan niệm của người Khmer, núi cát tượng trưng cho vũ trụ và núi thứ chín ở giữa là trung tâm của thế giới. Vì thế, đắp núi cát càng cao thì sẽ tích được được nhiều phước lành, xua đi điều ác.
– Ngày thứ ba (Lơng săk): Là ngày làm lễ tắm tượng Phật và tắm các vị sư cao tuổi. Các sư sẽ là người thực hiện nghi thức tắm tượng Phật đầu tiên, trong lúc tắm Phật họ sẽ tụng kinh để thể hiện sự tôn kính và tưởng nhớ đến Phật. Người dân sẽ tắm cho những tượng Phật đặt bên ngoài trời. Họ tin rằng nghi thức này không chỉ thể hiện lòng biết ơn đối với đức Phật mà nó sẽ giúp rửa sạch những bụi bẩn, những điều không may ở năm cũ để bước sang năm mới với một thân thể hoàn toàn mới.
Cũng như ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, vào những ngày này gia đình Khmer nào cũng dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa, chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thức uống, mặc những bộ quần áo mới,… Mọi người cũng sẽ tập trung nghỉ ngơi, đi thăm hỏi và chúc tết lẫn nhau.
Cùng với dòng chảy của thời gian, phong tục mừng năm mới của người Khmer sẽ có ít nhiều biến đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng các nghi thức chính vẫn được bà con dân tộc tiếp tục giữ gìn. Qua đó cho thấy, niềm tin vào đứa Phật, thần linh cùng với sự hồn hậu, chân chất của những người Khmer bao đời vẫn còn nguyên vẹn. Đến Sóc Trăng vào những ngày diễn ra Chôl-Chnăm-Thmây, du khách sẽ được cảm nhận một cách sâu sắc hơn về lễ hội và bản sắc văn hóa của người dân nơi đây.
Cẩm Tú