Giới thiệu khái quát thành phố Trà Vinh – Tỉnh Trà Vinh – vansudia.net

Giới thiệu khái quát thành phố Trà Vinh

Thành phố Trà Vinh là tỉnh lỵ của tỉnh Trà Vinh, có diện tích tự nhiên 6.803,5 ha chiếm gần 3% diện tích của tỉnh. Nằm ở phía Nam sông Tiền có tọa độ địa lý từ 106o18’ đến 106o25’ kinh độ Đông và từ 9o31’ đến 10o1’ vĩ độ Bắc. 
– Phía Bắc: giáp sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Bến Tre.
– Phía Tây Bắc: giáp huyện Càng Long.
– Phía Đông và Đông Nam: giáp huyện Châu Thành.
– Phía Nam: giáp huyện Châu Thành.
– Phía Tây, Tây Nam: giáp huyện Châu Thành.

      Thành phố Trà Vinh nằm trên Quốc lộ 53 cách thành phố Hồ Chí Minh 202 km và cách thành phố Cần Thơ 100 km, cách bờ biển Đông 40 km, với hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy khá hoàn chỉnh thuận tiện để phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

      Với diện tích 6.803,5 ha chủ yếu gồm 3 nhóm đất chính: đất cát giồng, đất phù sa và đất phèn tiềm năng. Tài nguyên thiên nhiên nước chủ yếu từ nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm khai thác từ sông, hồ kênh, rạch… tuy nhiên trữ lượng nước không đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Chưa phát hiện có các loại khoáng sản mà chủ yếu là cát xây dựng ở xã Long Đức với trữ lượng không lớn, chất lượng thấp và phù thuộc vào dòng chảy của sông Cổ Chiên. Hiện nay trên địa bàn thành phố Trà Vinh có nhiều địa điểm du lịch gắn liền với văn hóa dân tộc như khu văn hóa du lịch Ao Bà Om, Đền thờ Bác Hồ, các di tích cổ đền, chùa và  tiềm năng phát triển khu du lịch sinh thái ấp Long Trị, xã Long Đức.

      Thành phố Trà Vinh có dân số khoảng 109.341 người, trong đó dân tộc Khmer chiếm 19,96%, dân tộc Hoa chiếm 6,22%, dân tộc khác chiếm 0,2% và số đông còn lại là dân tộc Kinh. Nguồn lao động (theo đơn vị sự nghiệp) có khoảng 55.513 người trong độ tuổi lao động, mật độ dân số tăng tự nhiên hàng năm (trong năm 2007) là 1,025%.

Lịch sử hình thành và phát triển

– Giai đoạn 1: tỉnh Trà Vinh được thành lập năm 1900. Thị xã Trà Vinh có vị trí thuận lợi do nằm gần cửa sông Cổ Chiên nên sớm trở thành trung tâm dịch vụ và sau đó là trung tâm hành chính, quân sự của tỉnh Trà Vinh.

 – Giai đoạn 2: (Từ năm 1955 – 1975), tỉnh Trà Vinh được đổi tên thành tỉnh Vĩnh Bình, thị xã Trà Vinh vẫn là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Bình.

 – Giai đoạn 3: (1975 – 1991), năm 1975 Quốc hội khóa VI quyết định hợp nhất 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long thành tỉnh Cửu Long, với tỉnh lỵ là thị xã Vĩnh Long. Giai đoạn này thị xã Trà Vinh là trung tâm vùng phía Đông Nam của tỉnh.

 – Giai đoạn 4: Sau gần 17 năm sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long, đến tháng 5 năm 1992 tỉnh Cửu Long được chia tách thành hai tỉnh: Vĩnh Long và Trà Vinh. Và cũng từ đây, thị xã Trà Vinh đã và đang được đầu tư xây dựng, quy hoạch lại theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành Trung tâm hành chính – Chính trị – Kinh tế – Văn hóa – Xã hội – An ninh – quốc phòng của tỉnh.

– Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về việc thành lập Thành phố Trà Vinh đã mở ra một bước ngoặc mới cho Thành phố Trà Vinh.

– Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tưởng Chính phủ về việc công nhận thành phố Trà Vinh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Trà Vinh.